top of page
​AD

Young Uno, Nah, LK, Lil Shady Chia Sẻ Quan Điểm Về Nhận Định “Nhạc Rác” Của VTV

Chương trình ‘Góc nhìn văn hóa’ của VTV đã một lần nữa phê phán rapper Bình Gold mạnh mẽ, công khai gọi tác phẩm âm nhạc ‘Ông Bà Già Tao Lo Hết’ là “nhạc rác”.

MV ‘Ông Bà Già Tao Lo Hết’ của Bình Gold và Lil Shady bị VTV công kích là “nhảm nhí và dung tục”.

Ngày 20/9, chương trình ‘Góc Nhìn Văn Hóa’ của VTV1 đã đưa ra chủ đề “Xóa bỏ ca khúc phản cảm, dung tục: Quyền lực trong tay khán giả”.


Các MV ‘Bốc Bát Họ’, ‘Ông Bà Già Tao Lo Hết’, ‘Trơn’, ‘Quan Hệ Rộng’, ‘Lái Máy Bay’ đều bị chỉ trích dung tục, có nhiều cảnh quay tiêu cực, khoe mẽ với những nhân vật nữ mặc đồ hở hang, động tác phản cảm. Tiêu đề lẫn ca từ các ca khúc cũng được nhận xét vô nghĩa, nhảm nhí.



Hồi năm 2020, rapper Bình Gold từng xuất hiện trong bản tin ‘Thời Sự Toàn Cảnh’ của VTV1 - phản ánh về việc nhiều nội dung phản cảm, độc hại được đăng tải công khai trên YouTube.


Thời điểm đó, Bình Gold đã có phản hồi ngay trên trang cá nhân. Anh nói bản thân chỉ muốn làm Rap Việt giống như Rap Mỹ. Tuy nhiên sau sự việc, anh cho biết sẽ suy nghĩ lại để có thể tiết chế hơn trong các sản phẩm sau.


Ngày 29/9/2021, Bình Gold tiếp tục xuất hiện trong chương trình ‘Đối Diện: Dọn Rác Trên Không Gian Mạng’ - phê phán các sản phẩm “rác” được lan truyền mạnh mẽ, từ các hành vi phát ngôn chưa chuẩn mực, đến tin giả tràn lan.


Hàng loạt những nghệ sĩ khác lần lượt bị “điểm mặt chỉ tên” trong phóng sự như Sơn Tùng M-TP, Phí Phương Anh, Rhymastic, Torai9...



Tạp Chí Ngoài Kia đã có dịp trò chuyện với Young Uno, một rapper với 20 năm trong ngành âm nhạc và giải trí, một trong những người khởi xướng phong trào nhạc rap, đặt câu hỏi xoay quanh chủ đề “nhạc rác” đang được bàn tán sôi nổi và anh ấy đã chia sẻ một số câu chuyện quan trọng mà từ đó đưa chúng ta đến một góc nhìn rộng hơn.



Tạp Chí Ngoài Kia: Xin anh Uno chia sẻ cảm nghĩ về nhận định “nhạc rác”.

Young Uno: Ah ah, cái này là vấn đề lớn nó không phải chỉ phạm trù âm nhạc mà nó còn liên quan đến văn hoá nghệ thuật, chính trí, giáo dục ở Việt Nam nên mọi người cứ nhìn nhận đa chiều thôi. Mỗi một góc nhìn sẽ mang một chủ quan khác nhau. Ở Mỹ và quốc tế nhìn góc khác. Ở Việt Nam lại nhìn theo góc khác. Rất khó để đưa ra được một quy chuẩn.

Anh nghĩ vì sao VTV cứ liên tục tấn công những nghệ sĩ/rapper độc lập? Có phải ngành công nghiệp giải trí đang muốn định hình lại âm nhạc ở Việt Nam? Không. VTV là kênh truyền thông quốc gia. Cái này như anh nói, nó liên quan đến chính trị, lịch sử văn hoá nghệ thuật và giáo dục. Ở những quốc gia Á Đông (trừ Nhật Bản) thì lịch sử văn hoá, nghệ thuật, chính trị là một nền tảng hoàn toàn khác với Âu - Mỹ. Từ đó sẽ định hình tư tưởng, lối sống, văn hoá xã hội, thuần phong mỹ tục.


Ví dụ đơn giản câu chào Âu Mỹ người ta chỉ cần “Hello” còn ở Á Đông chào nhau phải phân biệt lớn bé già trẻ trên dưới... từ đó sẽ phải thêm các phụ từ vào câu chào để thể hiện trạng thái như “Xin chào” với người lớn sẽ khác chào người trẻ, sẽ có các câu chào khác nhau như “con chào bác ạ, ...” thường kèm rõ chủ - vị ngữ và từ cảm thán như “ạ, dạ, vâng, ...” để thể hiện sự cung kính, lễ phép chẳng hạn...

Một ví dụ tuyệt vời. Nghĩa là nhạc rap/hip-hop sẽ phải thay đổi để phù hợp với môi trường đúng không anh? Cái gì phải làm để phù hợp với môi trường chứ không chỉ riêng âm nhạc. Cái gì cũng phải thế.


Nhạc Bình Gold kinh khủng thế à anh?

Bình Gold ở Việt Nam là nghệ sĩ thuộc phân khúc mà khán giả của anh ta ở độ tuổi thanh - thiếu niên, đa phần đang ngồi ghế nhà trường nên các sản phẩm của anh ta nếu không bóc tách cẩn thận sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực tới giới trẻ. Hay còn gọi là vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng ở Việt Nam. Còn tiêu chuẩn cộng đồng ở Âu - Mỹ lại khác. Đấy là điều khác biệt giữa việc cấm cái gì ở Việt Nam và ở Âu Mỹ là hoàn toàn khác nhau. Để nói về vấn đề này chắc mất cả ngày. Nếu con em chưa đủ 18 tuổi. Mà là fan hâm mộ của Bình Gold. Với tư cách là phụ huynh, chắc chắn em sẽ phải suy nghĩ khi con mình nghe nhạc đó. Ở Âu Mỹ thì nó chỉ là vấn đề cá nhân với từng gia đình. Nhưng ở Việt Nam thì người ta không coi đó là vấn đề cá nhân mà người ta coi đó là đi ngược văn hoá, thuần phong mỹ tục, và đặc biệt là ảnh hưởng đến việc giáo dục con cái người ta. Và người ta sẽ đưa nó lên thành vấn đề của cả xã hội phải lên án. Việt Nam từ hàng nghìn năm trước là một quận/tỉnh của Trung Quốc. Văn hoá, thuần phong mỹ tục, giáo dục, chính trị, tư tưởng, lối sống ảnh hưởng nặng từ Trung Quốc đến tận bây giờ và kể cả sau này sẽ không thay đổi. Mà Việt Nam bây giờ như vậy là còn thoáng hơn Trung Quốc rất nhiều rồi. Trung Quốc vừa rồi nó thanh trừng một loạt thì Việt Nam cũng sẽ ảnh hưởng ít nhiều.

Mà Việt Nam cũng khôn không theo hẳn ai cả. Nhưng về thuần phong mỹ tục sẽ rất khó thay đổi. Vì mẫu hệ, em đặc biệt để ý nhé. Á Đông từ nghìn đời nay là mẫu hệ khác với Âu Mỹ. Con cái đa số bố mẹ giáo dục rất nhiều từ bé tí. Mà đặc biệt là mẹ sẽ nuôi nấng, chăm sóc, giáo dục là nhiều. Còn ba đi kiếm tiền nên việc học ở trường, học ở xã hội là để thành tài. Nhưng để thành người thì đa số vẫn là mẹ nuôi nấng, che chở dậy dỗ từ bé tí đến lớn luôn.

MV 'There's No One At All' của Sơn Tùng MTP và hàng loạt MV khác âm thầm biến mất sau tranh cãi. Ảnh: M-TP

Anh có nghĩ hip-hop ở Mỹ có tự do? Anh nghĩ ở Mỹ thì không chỉ hip-hop mà mọi thứ đều đạt đến thái cực văn minh và tự do một cách cao nhất từ hàng trăm năm trước. Tự do diễn đạt cảm xúc là không còn nữa hay có bao giờ là có thật không? Như anh nói, không chỉ hip-hop mà anh em để ý phạm trù nó rộng hơn nữa đi. Tất cả các loại thể hiện cảm xúc vẫn được thể hiện nhưng phải đúng lúc, đúng chỗ.


Young Uno. Ảnh: Trương Ngọc Dũng/Facebook

 

Với tình trạng đang diễn ra, việc thể hiện sự tự do đó dường như là không ở đâu và không bao giờ.


Chúng tôi tiếp tục liên hệ với Nah, một rapper kỳ cựu khác với 15 năm trong cuộc chơi, hiện là nhà nghiên cứu pin độc lập và là Giám đốc điều hành của Bemp, may mắn thay, Nah đã sẵn sàng chia sẻ thêm những hiểu biết có giá trị cho các rapper, đặc biệt là giới underground nơi anh ấy xuất thân.



Tạp Chí Ngoài Kia: VTV gọi nhạc Bình Gold là “nhạc rác”, Nah có nghĩ vậy?


Nah: Theo những bài Nah từng nghe của Bình Gold thì thấy Bình Gold rap cũng ổn định, có thể chưa hoàn hảo, nhưng Nah sẽ không gọi đó là nhạc rác. Nah nghĩ vì sao VTV lại tiếp tục công kích nhạc rap? Không biết luôn. Chắc tại không thích, thế thôi. Kiểu hồi xưa bên rap mình cũng chê nhạc cải lương là sến, thì giờ có người chê nhạc rap là rác. Same idea, I guess. Ý là, kiểu công kích giống vậy, đơn giản là công kích do không thích.

Có phải họ đang tìm cách định hình lại thể loại rap không? Không, Nah không nghĩ vậy. Kiểu xưa mình chê nhạc cải lương thì giờ có người chê nhạc rap. Karma bro.

Rapper có thể làm gì để bảo đảm sự tự do sáng tạo của họ? Nah nghĩ tự do sáng tạo trong nhạc rap chỉ tồn tại ở những môi trường internet/underground. Lên mainstream kiểu gì cũng bị kiểm duyệt. Mà rapper underground in mixtape bán kiếm tiền vẫn còn mà. Just do your thing bro. Nghĩa là miễn là tác phẩm phi thương mại? Không, vẫn thương mại nhưng không phải trên những kênh lớn bị kiểm duyệt.


Nah. Ảnh: Nguyễn Vũ Sơn/Instagram

 

Đáng chú ý hơn hết, Lil’ Knight, rapper kỳ cựu sáng lập Vietdreamerz và LadyKillah với 20 năm kinh nghiệm cùng thời với Young Uno, khi được hỏi ý kiến đã có quan điểm bất ngờ.


Anh thẳng thừng từ chối trả lời về nhận định “nhạc rác” của VTV, có lẽ vì sợ hậu quả từ người hâm mộ, những nhà tài trợ, hay thậm chí là những nhà chức trách.


Cho dù lý do là gì, rõ ràng là LK không muốn chia sẻ cảm nghĩ của anh ấy với cộng đồng về vấn đề nóng bỏng này, mà đối với chúng tôi, không nói gì cũng là một cách nói to hơn nhất.



Tạp Chí Ngoài Kia: Anh LK ơi, anh có cảm nhận thế nào khi VTV nhận định về Bình Gold là “nhạc rác”?


LK: Thôi anh không có ý kiến những vấn đề đấy đâu. Em cứ viết về những cái đấy làm gì.


LK trong vai trò Huấn luyện viên của game show ‘Rap Việt’ Mùa 2.

 


Lil Shady, cố vấn vững chắc từ ngày đầu của Bình Gold và thường xuyên góp mặt trong các tác phẩm của anh ấy, lên tiếng trên Facebook: “Ôi ‘nhạc rác’…”


Anh ấy đã tận dụng cơ hội để quảng bá dự án âm nhạc mới ‘BAD MAN’ đang được thực hiện trong thời gian qua với phần đồ họa ấn tượng không khác gì một bộ phim khoa học viễn tưởng tỉ mỉ chi tiết về một vùng đất trong mơ.


“19h30 tối nay tung ‘hàng nóng’ trên kênh YouTube Lil Shady nhé mọi người,” Lil Shady với giọng điệu mà anh nhắm đến khiến nhiều người suy đoán anh sẽ phản đối mạnh mẽ và bác bỏ cuộc tấn công “nhạc rác” của VTV.


“Anh chính là một người xấu trong một chương trình VTV, cô MC nói một câu ‘anh đã làm hỏng cả thế hệ trẻ’...”

Lil Shady trong MV ‘BAD MAN’. Ảnh: Lil Shady


Tóm lại, tự do biểu đạt nghệ thuật thông qua hình thức nhạc rap vẫn bị kiểm soát một cách nghiêm ngặt trên toàn quốc. Các phương tiện truyền thông lớn cam kết sẽ tiếp tục xử lý mạnh tay đối với bất kỳ tác phẩm âm nhạc nào được cho là không phù hợp bằng cách đe dọa công khai làm xấu hổ hoặc phạt tiền rất nặng. Các rapper đã chọn các hướng đi nhẹ nhàng, những điều mà họ được phép nói hàng ngày vẫn không thể đưa vào một câu hát của bài rap để tránh bị gọi là ảnh hưởng xấu đến giới trẻ, tất cả những rapper này đều đáng trách ngoại trừ gia đình của chính giới trẻ bị ảnh hướng “xấu”.

Không bao giờ bỏ lỡ bản tin mới

Đăng ký nhận thư từ Ngoài Kia

Cảm ơn bạn. Chúng tôi sẽ liên hệ sớm.

bottom of page