Trong lịch sử dân tộc Việt-Nam, những người có công lớn trong sự nghiệp xây dựng đất nước, bảo vệ nhân dân, chống ngoại xâm đều được nhân dân ta nhớ ơn. Một trong những ngày lễ kỷ niệm xưa mọi người dân yêu nước từ Nam chí Bắc đều biết và đã có từ ngàn xưa đến ngày nay là ngày Giỗ Tổ Hùng Vương.
Trong nhiều truyền thống tốt đẹp, dân tộc Việt Nam ta luôn luôn giữ vững một truyền thống có ý nghĩa hay và đẹp vô cùng: tưởng nhớ tổ tiên, tưởng nhớ những người đã có công lớn trong việc dựng nước và giữ nước. Trong phạm vi của một tập thể nhỏ là làng xóm, bao gồm nhiều họ, nhiều gia đình, cũng như trong phạm vi cả nước, dân tộc Việt Nam ta, trong đời sống tinh thần, đời sống tư tưởng và tình cảm của mình đều gắn liền hiện tại với quá khứ, quê hương nhỏ với Tổ quốc và dân tộc, từ đó mà giữ vững và phát huy những đức tính cổ truyền tốt đẹp: lòng yêu nước, tình đoàn kết, chí kiên cường, bất khuất, niềm tin sâu xa và mạnh mẽ vào tài năng của mình.
Trong một thời gian khá dài, nhân dân ta không có điều kiện ghi chép lịch sử bằng chữ viết, nhưng đã ghi chép theo cách riêng của mình: truyền miệng từ đời này qua đời khác những câu chuyện về thời đại Hùng Vương, nhằm mục đích ca ngợi ông cha ta đã có công dựng nên đất nước, nhắc nhủ bản thân mình phải giữ gìn đất nước. Chính do truyền thống "uống nước nhớ nguồn" từ lâu đời đó mà ngày nay chúng là mới biết và ngày càng biết rõ những thành tích xây dựng đất nước của ông cha là từ thời Hùng Vương.
Những câu chuyện về thời Hùng Vương, lưu truyền một thời gian dài không còn là những chuyện cổ tích thông thường mà nó đã in sâu vào tình cảm, vào tâm trí trong nhân dân ta, nó trở thành những chuyện giải thích nguồn gốc dân tộc mang tính chất huyền thoại cho đến ngày nay. Về mặt lịch sử, thời đại Hùng Vương đã chuẩn bị cho nhân dân ta những tiền đề một quốc gia thống nhất, vững mạnh; về về mặt tinh thần, thời đại Hùng vương là nguồn cổ vũ sức mạnh, là niềm tự hào bất khuất, là niềm tin tất thắng của dân tộc ta mỗi khi có ngoại xâm, cần bảo vệ quê hương đất nước.
Bằng vào sự lưu truyền trong tâm trí qua hàng mấy chục thế kỷ, sự kiện đã bị thời gian xóa nhòa khá nhiều những nét chân thực lịch sử, nhân dân ta tự xác nhận là "con Rồng cháu Tiên", tổ tiên mình là Hùng Vương, trung tâm sinh hoạt chính trị thời đó là Phong Châu, tức miền đất ngày nay là các tỉnh Vĩnh Phú, Hà Tây, Hà Bắc, Hà Nội... Nước Văn Lang mở đầu lịch sử dân tộc và đã tồn tại từ trước đây 4000 năm."
Đọc những dòng này trong tác phẩm "Thời Đại Hùng Vương" do Văn Tân chủ biên, được xuất bản bởi Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội năm 1976 mà xúc động! Đây mới chính là tư tưởng chính thống trong nhận định về thời kỳ Hùng Vương, khẳng định thời kỳ Hùng Vương là nguồn cội của dân tộc Việt, không phải như những tư tưởng phủ nhận đang được nhiều người ra sức tuyên truyền ngày nay.
Sách có nhiều vấn đề, như nhìn nhận về trình độ văn minh, trang phục, văn hóa, hay quan trọng nhất là về lãnh thổ của nước Văn Lang (vốn vấn đề lãnh thổ của nước Văn Lang là một vấn đề nhạy cảm do nó động chạm tới lãnh thổ của Trung Quốc ngày nay), do những kiến thức còn chưa đầy đủ thời kỳ đó, nhưng sách cũng đã khẳng định rằng thời kỳ Hùng Vương bắt đầu từ thời kỳ văn hóa Phùng Nguyên cách đây 4000 năm, chứ không phải từ thời kỳ Đông Sơn cách đây 700 năm như quan điểm chủ lưu trong thời gian gần đây.
Do vậy, có thể thấy rằng nhà nước có chủ trương chứng minh về thời kỳ Hùng Vương, đề cao thời kỳ Hùng Vương, xem đó là cội nguồn của dân tộc Việt. Nhưng Liam Kelley, hay một số người khác là người Việt nối dài quan điểm của Liam Kelley, đã tuyên truyền những thông tin phủ nhận rất gay gắt về thời Hùng Vương ở Việt Nam, buộc tội các sử gia trung đại Việt Nam, các nhà nghiên cứu hiện đại "sáng tạo lịch sử", tất cả những lý lẽ mà Liam Kelley hay các nhà nghiên cứu Việt Nam "nối giáo" cho Kelley sử dụng để công kích về thời Hùng Vương, chỉ là sự suy diễn mà không có bằng chứng nào chứng minh. Đáng buồn là nó lại hợp với ý tưởng của nhiều người, nên được đón nhận khá tích cực, xem đó như là "khách quan", "khoa học".
Nhưng dù thế nào, mong rằng nhà nước sẽ mạnh mẽ hơn trong việc nghiên cứu, khẳng định về thời kỳ Hùng Vương, chỉ cần tư tưởng chủ lưu hiện tại có sự thay đổi để tiến gần với sự thật hơn bằng những bằng chứng khoa học, thì bất cứ sự tuyên truyền, phủ nhận nào về thời Hùng Vương cũng sẽ không còn mấy giá trị.
Comments