Theo thư ký thân cận của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ở gần thì thấy cuộc đời riêng tư của Bác Hồ rất trong sáng, mà theo cách nói của Trung Quốc là rất “minh bạch”.
Câu chuyện Bác Hồ kén vợ được Vũ Kỳ kể lại vào chiều ngày 24/6/2004 lúc trọng bệnh tại Bệnh viện Hữu Nghị, Hà Nội. Ông mất ngày 16/4/2005, hưởng dương 83 tuổi.
Người được ông mời đến để ghi âm lại những chuyện mà ông kể là bà Nguyễn Thị Tình, khi đó là Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh cùng một cán bộ chuyên môn của Viện.
Ngay sau khi ghi âm, lãnh đạo Bảo tàng Hồ Chí Minh đã chuyển ngay cuốn băng đến ông Phạm Quang Nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thông tin và ông Nguyễn Đình Hương, ban Bảo vệ Chính trị nội bộ Trung ương để xin ý kiến.
Nhân ngày mất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tạp chí Ngoài Kia mạn phép trích ra một trong hai nội dung để mọi người đọc và hiểu thêm về nhân vật vĩ đại của dân tộc Việt Nam.
Do đây là văn nói, lại không được nghe băng trực tiếp nên có những câu không rõ nghĩa nên để dấu (?) bên cạnh. Nhà báo Quốc Phong đã hỏi bà Tình nhưng bà nói cũng không rõ vì khi đó ông Kỳ đã rất yếu.
Ông Vũ Kỳ kể nội dung thứ nhất đó là chuyện Hồ Chí Minh đi lính 4 năm (1914 - 1918) cho Pháp trong Chiến tranh Thế giới lần thứ 2.
Nội dung thứ hai, từ trước tới nay, trong các sách về tiểu sử Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa đề cập đến cuộc đời riêng tư của Bác Hồ, công bố là Bác không có gia đình, con cháu của Bác là con cháu chung của đất nước. Thế mà có nhiều chuyện đã xảy ra.
Hồ Chí Minh khi về tới Việt Nam đã 55 tuổi. Lúc bấy giờ Bác Hồ gầy yếu. Do công việc kháng chiến lúc đó quá nhiều, không có thời gian suy nghĩ đến chuyện riêng nên các đồng chí Bộ Chính trị và Trung ương rất gần với Bác như Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Lương Bằng, Trần Đăng Ninh và Nguyễn Thị Thập có chính thức đặt vấn đề với Bác Hồ là Bác nên có gia đình để có hạnh phúc, cho yên ổn cả hai việc nước và việc riêng.
“Rất cám ơn các đồng chí. Không phải Bác không muốn đâu. Bác muốn. Nhưng vì Bác là Chủ tịch nước nên Bác cũng phải có ‘điều kiện’ với các cô chú,” Bác Hồ nói.
Bác Hồ có 3 điều kiện chọn vợ:
Phụ nữ trẻ, đẹp.
Trình độ văn hoá, trình độ chính trị vừa phải.
Đạo đức phải tốt.
“Ba điều kiện tưởng là dễ tìm nhưng vào trong một con người nên lại khó tìm. Vì trẻ đẹp thì khó có đạo đức, nếu tách ra thì dễ. Anh chị em tìm và gửi ảnh đến cho Bác. Bác xem mặt do ảnh gửi đến nhiều lắm,” Vũ Kỳ kể lại.
Bác Hồ tủm tỉm cười, nói với ông Kỳ: “Các chú lại gửi ảnh thì làm sao mà Bác chọn được. Ảnh người ta chụp, nhỡ chột một mắt, chụp một bên thì chọn thế nào? Chú nói với các chú là nếu tìm đúng yêu cầu thì gửi đến cho Bác.”
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Nguyễn Thị Thập điều kiện tốt, chính trị tốt, đạo đức tốt nhưng lại không được trẻ, đẹp.
Trần Đăng Ninh, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng, dễ dãi hơn thì có mấy cô ông ấy chọn tới người trẻ đẹp, trình độ văn hoá khá nhưng đạo đức thì lại lung tung. Cho nên lúc bấy giờ ở trên gọi là “cây đa nước chảy” (?).
Địa điểm “cây đa nước chảy” rất có thể là cây đa làng Ghè ở Tuyên Quang, thấp thoáng hình bóng Võ Văn Kiệt và Chu Văn Tấn.
Lúc bấy giờ có một người phụ nữ khá người Thanh Hoá, sau này làm tới chức Thứ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ, thế nhưng cũng không ổn.
Như vậy, trong cả 3 tiêu chuẩn Bác Hồ đưa ra, cứ không đồng nhất với nhau, nên cứ chọn người một thời gian giúp Bác, cứ “bác bác cháu cháu”, giúp Bác đánh máy, phục vụ Bác... Đến ở được một thời gian chừng độ 1 tháng, có người ở tới 3 tháng nhưng cứ bác bác cháu cháu, “cứ dần ngọt” (?).
Ông Kỳ nói Bác Hồ đặt tiêu chuẩn chọn vợ số một là phải trẻ đẹp, và những người phụ nữ này được đích thân tuyển chọn từ xa đến để phục vụ Bác, thì ngay cái nhìn đầu tiên giữa gái đẹp và trai quyền cao chức trọng là họ sẽ hút hồn nhau và cái rào cản “bác bác cháu cháu” chẳng có ý nghĩa gì cả.
“Trong số đó có một người, cũng có sắc đẹp, có trình độ, đạo đức tương đối, là cán bộ của Phụ nữ Nam Bộ, những người này tôi không muốn nói tên là vì họ còn sống. Ra một thời gian, ở gần Bác thì Bác thấy cũng được, giúp Bác phục vụ đánh máy. Nhưng thế nào đạo đức lại không giữ được,” ông Kỳ, úp úp mở mở, nói.
“Lúc bấy giờ có ông cán bộ cao cấp từ miền Nam ra vào làm việc với Bác, lại quan hệ với bà này, có thai. Thế mới hết hơi.
“Vì có thai, ông Lê Văn Lương, lúc ấy vừa là Trưởng ban Tổ chức, vừa là Chánh Văn phòng Trung ương lo quá. Người phụ nữ đưa ra là để phục vụ cho Bác, lại có thai thì phải lo đưa xuống Vĩnh Phúc để mà sinh đẻ ở đấy. Chứ nếu để ở đấy thì mang tiếng cho Bác.
“Do ông Lương đưa đi thành ra cũng bị mang tiếng là ông Lương ‘tằng tịu’ thế nào đấy mà ra. Bà này sau sinh ra một đứa con trai, gia đình người ta nuôi lớn nhưng bà ta nhất định không nhận (?). Ông cán bộ cao cấp kia sau phải nhận, nhờ anh con trai có ơn với gia đình người nuôi. Ông kia cũng phải đào tạo thành cán bộ này khác. Nhưng bà kia thì nhất định không nhận. Thí dụ như đấy là một cái người gần như chắc chắn đấy, thế mà rồi cũng không được.”
Ông Kỳ chắc chắn nói về bà Hồ Thị Minh, chủ bút đầu tiên của báo Phụ Nữ Cứu Quốc Nam Bộ, mẹ đẻ ra Phan Thanh Nam, con riêng của Võ Văn Kiệt với bà Minh. Năm 1951, Võ Văn Kiệt ra Bắc dự Đại hội Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ II tại Tuyên Quang. Sau đó, ông ở lại dự lớp học chính trị “Hoa Nam”. Tại đây, ông Kiệt gặp bà Minh.
Bà Minh là phụ nữ trẻ trung xinh đẹp, giỏi tiếng Pháp. Xứ uỷ Nam kỳ đưa bà Minh ra miền Bắc giúp việc cho Bác Hồ. Trung ương có ý định mai mối bà Minh cho Bác Hồ, Bác cũng ưng ý. Năm đó Bác Hồ 61 tuổi, ông Kiệt 29 tuổi, bà Minh 24 tuổi. Một năm nơi thâm sơn cùng cốc ấy, bà Minh yêu ông Kiệt và dính thai. Lúc đó ông Kiệt đã có vợ là bà Trần Kim Anh kém ông 10 tuổi, hai người thành thân năm 1948 và có con trai tên là Phan Chí Dũng, sinh năm 1951.
Ngày 25/2/1952, bà Minh sinh ra Phan Thanh Nam nhưng đưa cho người khác nuôi.
Bác Hồ sống giản dị và trong sáng thế nhưng cán bộ kế thừa chế độ thì lại quá hư đốn, miệng thì cứ “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” nhưng lấy ai không lấy lại tranh giành bồ của Bác.
Sau đến năm 1955, ông Trần Đăng Ninh có đưa vào một cô không đẹp, không xấu, nhưng có duyên, tên là Nông Thị Xuân, người dân tộc Tày ở Cao Bằng. Xuân cùng người em gái ruột tên Vàng và người em gái họ tên Nguyệt được bố trí ở trong ngôi nhà số 66 phố Hàng Bông Thợ Nhuộm, sát phố Quang Trung. Thông thường bộ trưởng Công an Trần Quốc Hoàn đích thân đưa Xuân vào Phủ Chủ tịch gặp Hồ Chí Minh, sau đó lại đưa về.
“Cô này lại phải cái lý lịch không tốt. Dân tộc Tày là hơi tự do. Vấn đề này không thành vấn đề. Cô này đến làm phục vụ cơm nước hàng ngày, có khi cùng ngồi ăn, có khi đi chăn trâu cho cơ quan Văn phòng và coi như người trong cơ quan. Do hoàn cảnh của phụ nữ, ở người phụ nữ, ở với Bác nhưng do khoảng cách tuổi tác nên cứ ‘bác bác cháu cháu’, cô này cũng không chịu được,” ông Kỳ nói.
Theo ông Kỳ, do sự “tấn công” của cánh cảnh vệ của Bác Hồ, cô này lại bị có mang đẻ con trai, đặt tên là Nguyễn Tất Trung. Sau Bác thấy thương, vì cô này là người dân tộc nên giao cho gia đình dân tộc, cán bộ dân tộc phụ trách.
Bác lấy vợ thì phải chọn cho Bác người phụ nữ trẻ đẹp. Khổ nỗi trẻ đẹp là tiêu chuẩn đầu tiên thành ra mấy bà này mới có mang.
Theo Vũ Thư Hiên, thư ký cho Hồ Chí Minh trong thời gian dài, sau làm Vụ trưởng Vụ Lễ tân Bộ Ngoại giao, Vụ trưởng trong Ban Kiểm tra Trung ương Đảng, đầu năm 1957, Nông Thị Xuân bị sát hại ở gần Hồ Tây, Hà Nội dưới sự chỉ đạo của Đảng Lao động Việt Nam để ngăn chặn mối tình cũng như việc kết hôn với Bác Hồ. Theo lời đồn, khi bà Xuân mong muốn quan hệ của mình được Chính phủ thừa nhận và trở thành phu nhân của Bác Hồ thì Lê Duẩn và Trường Chinh đã phản đối và ra lệnh cho Trần Quốc Hoàn thủ tiêu bằng cách cưỡng bức bà Xuân nhiều lần, sau đó đánh chết, xác bà bị đặt trên đường Cổ Ngư cho xe hơi cán lên để che giấu vụ giết người dưới vỏ bọc một vụ tai nạn. Cũng theo lời kể của ông Hiên, lãnh đạo Đảng Cộng sản sau đó đã xoá hết tất cả các tư liệu liên quan đến bà Xuân, không cho công chúng biết.
Tin đồn này có phần vô lý vì theo lời ông Kỳ kể trước đó chính những người trong Chính phủ đã đích thân yêu cầu Bác Hồ kết hôn và tìm cách móc nối cho Bác với những người phụ nữ, vậy thì không có lý do gì để họ phản đối việc Bác Hồ kết hôn với bà Xuân. Trừ khi chưa bao giờ có sự thỏa thuận tìm vợ cho Bác Hồ như ông Kỳ kể mà chỉ là tìm phụ nữ để hầu hạ giải quyết nhu cầu sinh lý cho Bác.
Sau khi mẹ mất, Nguyễn Tất Trung được Nguyễn Lương Bằng đưa về gia đình nuôi vài tháng trong năm 1957, rồi giao lại cho gia đình tướng Chu Văn Tấn trên Thái Nguyên trông nom vài năm. Sau đó, Trung được đưa vào trại mồ côi của Hội Phụ nữ Cứu quốc Trung ương, rồi được vào trường Nguyễn Văn Trỗi dành cho con liệt sĩ.
Theo lời ông Kỳ, bà Xuân sau này cũng tai tiếng nói nọ nói kia, thế nọ thế kia như thế nào đó, và người em đến nuôi con cũng bị như thế (?).
“Khi có cán bộ báo cáo Bác Hồ rõ sự việc, Bác bảo thôi, rút về để anh Cả (Nguyễn Lương Bằng) nuôi. Anh Cả nuôi một thời gian, lại có tiếng đồn này, tiếng đồn khác cho anh Cả, Bác lại bảo giao cho tôi,” ông Kỳ nói ông đã có 3 con trai, ông không thiếu con nên nếu giao cho ông thì phải giao hẳn, coi như con ông thật sự.
Ông Kỳ làm giấy khai sinh cho Nguyễn Tất Trung, đổi tên thành Vũ Trung, để khi chiến tranh sẽ tham gia chiến đấu, trở thành bộ đội, khi không chiến đấu thì trở thành công nhân. Sau đó Trung trở thành con ông Kỳ.
“Nó đàng hoàng. Chủ Nhật, thứ Bảy nó về ở cùng anh em, chụp ảnh với nhau từ nhỏ. Nó coi tôi như bố. Nó xin phép tôi lên Cao Bằng tìm hiểu về người mẹ,” ông Kỳ nói đồng ý đưa Trung đi Cao Bằng.
Cuối cùng Trung tìm được một ngôi mộ cùng tên mẹ ở Bất Bạt, hàng năm thanh minh thì lên thanh minh với bà mẹ đẻ ra mẹ ông Kỳ. Mộ cũng để ở trên đó, lên thăm coi như con ông Kỳ hết.
Theo Bùi Tín, từng là Phó Tổng biên tập của báo Nhân dân, đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam, vào năm 1988, Vũ Trung (32 tuổi) lấy vợ tên là Lưu Thị Duyên. Hai người có một con trai sinh năm 1992, đặt tên là Vũ Thanh, sau đổi là Nguyễn Thanh Trung. Năm 1989, Bùi Tín hay tới nhà Vũ Kỳ chơi và có gặp Trung ở đó. Vì bị bệnh, học không đến nơi đến chốn, nên Trung khó kiếm việc làm. Có lúc làm giữ kho, bảo vệ công xưởng. Khi sức khỏe khá lên, hai vợ chồng mở quán cà phê ở sau ga Hàng Cỏ, Hà Nội, rồi dời về cổng trường Đại học Bách khoa. Sau này Trung được cấp nhà, được nhận chức vụ sĩ quan quân đội, nhận lương cấp thượng tá.
Trong câu truyện của ông Vũ Kỳ về người con nuôi Vũ Trung của ông, tại sao Nguyễn Tất Trung không được để cho mẹ đẻ nuôi mà lại phải giao cho người khác nuôi, thậm chí giao cho những người giữ trọng trách cao như Nguyễn Lương Bằng nuôi? Ông Kỳ nói Vũ Trung có lên Cao Bằng để tìm hiểu về mẹ mình, nhưng sau đó hàng năm lại đi tảo mộ của người có cùng tên với mẹ mình ở Bất Bạt là lý làm sao?
Chỉ tội cho các chú bảo vệ, cần vụ của Bác Hồ và các cô các chị bị đổ vấy hủ hóa. Các chú cảnh vệ của Bác toàn là những người có lý lịch trong sạch (ba đời bần cố nông), được Đảng đào tạo bài bản, dẫu có nuốt búa cũng không dám đụng vào người hầu của Bác, vậy sao dám cả gan đụng đến bồ của Bác đến mấy lần?
“Cái chuyện này thì cả Hoa Kỳ cũng đặt vấn đề mà một số vấn đề như là Vũ Thư Hiên, như Nguyễn Minh Cần cũng đã nói. Nhưng thực sự là Bác đàng hoàng. Bác thương người con gái, nó tốt, nhưng nó trẻ người non dạ như vậy. Nó không giữ được trước một anh cận vệ như vậy,” Vũ Kỳ nói. “Cái vấn đề này, không những một số người tung ra nói lung tung nhưng mà Hoa Kỳ cũng đề cập đến nó. Nhưng sự thật là như vậy chứ không phải là con Bác Hồ. Số cảnh vệ, số bảo vệ họ lung tung. Cô này nó vất vả.”
Và dẫu như thế, rõ ràng các ông đến làm việc trong phủ của Bác mà còn lăng nhăng ghẹo gái, và cái chỗ của Bác cũng lôi thôi giữa các cảnh vệ nên có thai lung tung.
Lúc bấy giờ, ở nước ngoài, Liên Xô cũng đề cập đến việc kén vợ cho Hồ Chí Minh, nhưng 2 nước đề cập đến nhiều là Trung Quốc mà chủ động là Thủ tướng Chu Ân Lai và Triều Tiên, mà người chủ động là Chủ tịch Kim Nhật Thành. Họ đều nói là nếu trong nước không giải quyết được thì “chúng tôi sẽ giúp đỡ”.
Bên kia, Kim Nhật Thành trực tiếp đứng ra, bên này thì Chu Ân Lai gián tiếp nhưng ông Chu giao cho hai người là vợ ông ấy, bà Đặng Dĩnh Siêu và một cán bộ phụ nữ quen biết Bác ở Quảng Đông là bà Âu Mận Giác đi tìm. Họ gửi người sang ở với Bác chừng độ 1 tuần hoặc hơn 10 ngày, cũng “bác bác cháu cháu”. Thế rồi, sau đó người này cũng xin phép về, thế là không đạt. Ông Kỳ cũng giấu tên người này.
Đó mới là chuyện công khai sau này. Thế còn những chuyện hồi hoạt động bí mật thì phải nói Bác Hồ cũng là con người, một thanh niên mà ông Kỳ gọi là “cơ-rê-găng”, tiếng Pháp nghĩa là ga-lăng, biết chiều phụ nữ. Thế Bác Hồ đi hoạt động, lại trẻ, đi đến đâu cũng từng có người yêu. Đến Pháp, có bà gọi là bà Rô Dơ (Hoa hồng).
Ông Kỳ nói ở Boston Bác Hồ sống bằng nghề làm bánh, ông cũng nghe nói có người yêu nhưng không rõ lắm, sau này có một bà kể chuyện về việc này. Bà ấy nói công khai khi 100 năm ngày sinh Bác Hồ.
“Còn bà Rô Dơ ở Pháp, đấy là một phụ nữ đẹp. Năm 1923, Bác bí mật sang Liên Xô, có viết thư cho bà Rô Dơ. Bà Rô Dơ cũng viết thư tình với Bác Hồ. Hai người trao đổi thư tình. Đến một thời gian Pháp tưởng bình thường, thế nên Bác lên miền Nam nước Pháp,” ông Kỳ kể. “Đến 1925, sử sách Pháp mới nói là Nguyễn Ái Quốc đang ở Mạc Tư Khoa. Thế là đánh lạc được hướng bọn mật thám theo dõi hàng ngày. 2 năm sau thì nó mới thấy Bác đã sang đó từ 1923. Cô Rô Dơ, sau năm 1957, Bác Hồ đi thăm các nước chủ nghĩa xã hội. Bác đến Berlin, khi xuống máy bay, Bác chạy ngay ra ôm cô Rô Dơ này. Cô Rô Dơ cũng đi đến Berlin đón Bác.”
Nhớ lại chuyện cũ, Bác Hồ nói rõ với bà Rô Dơ vì tuổi lúc đó già rồi, chỉ coi như tình bạn ngày xưa. “Tôi rất cảm ơn cái tấm lòng, tình cảm của bạn đối với tôi. Nhưng tôi mà thành lập gia đình thì tôi không hoạt động được, tôi trân trọng tình cảm đó. Xin nói để biết như vậy.”
“Có thể có quan hệ này khác nhưng cũng không có con. Bác vẫn không có gia đình. Bác đi sang đến Mạc Tư Khoa, Bác cũng có. Sau này sang Trung Quốc thì lại có tương đối nhiều. Người đầu tiên mà nói là, cô gì mà Hoàng Tranh đưa ra đấy - Tăng Tuyết Minh. Công khai vào ở và làm việc với Bác, ở cùng với Bô-rô-đin (?) có công khai cưới. Bà Đặng Dĩnh Siêu và một số vị đi dự. Thế tức là tương đối công khai. Hai người chắc cũng có quan hệ gì đấy,” ông Kỳ nói chỉ đặt vấn đề hình thức thôi.
Năm 1943, Vũ Kỳ hoạt động 3 nơi ngoại thành ở Hà Nội thì có đến 3 người đóng làm vợ, một người ở Khương Thượng, là vợ đồng chí Phan Trọng Tuệ đóng vai vợ ông Kỳ, Phan Trọng Tuệ đóng vai anh vợ, Hoàng Văn Thụ đóng vai chú vợ. Còn một người nữa, cùng một lúc, ở Yên Phụ, cũng đóng vai vợ ông. Lúc bấy giờ cô này chưa có chồng nhưng sau lấy một cán bộ làm thứ trưởng Công An, nay đã về hưu. Còn một người nữa ở Nghi Tàm, cũng vào vai vợ ông Kỳ. Lúc bấy giờ cô này chưa có gia đình. Sau khi ông Kỳ bị bắt, bà lấy một người làm xứ uỷ Bắc Kỳ, sau này làm trong Ban chấp hành Tổng Công đoàn Việt Nam.
Thế nên suy nghĩ, như ông Kỳ mà một lúc cũng có 3 người đóng vai vợ để hoạt động bí mật thì cũng có khả năng là Tăng Tuyết Minh cũng đóng vai nhưng mà công khai như vậy.
Năm 1927, Trung Quốc Quốc dân Đảng làm phản, tiêu diệt Cộng sản nên Bác Hồ phải tránh, sau đó không gặp lại nữa. Năm 1931, Bác Hồ bị bắt ở Hồng Kông. Người ta nói rằng bà Tăng Tuyết Minh có đến dự, trông thấy Bác.
Theo ông Kỳ, Bác Hồ và bà Tăng Tuyết Minh có thể có mối tình rất đẹp, nhưng vẫn chưa trở thành vợ chồng chính thức và cuộc sống của Bác Hồ lúc bấy giờ là rất trong sáng, rất minh bạch chứ không phải là úp úp mở mở, tức là rất đàng hoàng. Đối với một gián điệp lâu năm như Hồ Chí Minh, điều đó thật khó tin.
“Cho nên bây giờ, khi ta nghiên cứu phải nghiên cứu những cái chính mà tôi nói về trước từ Bộ Chính trị đến các đồng chí trong Trung ương Hội Phụ nữ chính thức đặt vấn đề với Bác, cũng đã cố gắng tìm nhưng cũng không đạt được. Quốc tế cũng cố gắng tìm cũng không đạt và cái hoạt động lúc bí mật bên Quảng Đông, Quảng Tây với đồng chí Tăng Tuyết Minh có thể có thai nhưng bà kia lại không giữ được cái thai nữ nhi đó. Sau này, cô kia cũng vì hoàn cảnh gia đình bố mẹ nọ kia. Là người có hiếu có tình nên cũng chỉ gặp Bác thế thôi. Mối tình rất đẹp.
“Theo tôi, vì là một người sống gần Bác, đi cùng với Bác nên hiểu, nó chỉ là như vậy. Có thể, Bác nói ‘tôi không có gia đình, con cháu tôi là thanh niên Việt Nam, các cháu nhi đồng, thanh niên thế giới’ cũng có ý đó. Rất là trong sáng!
“Sau này, theo tôi, thể công khai thành một bài viết hẳn hoi. Viết lại cho nó gọn gàng, nhất là chỗ bà Tăng Tuyết Minh, nên sử dụng những chỗ tốt của anh Hoàng Tranh viết. Họ nói có ý tốt cả đấy chứ không phải là có ý xấu đâu, nhưng mà ra không đúng lúc, phát hành vào ngày sinh của Bác, không chờ Việt Nam có ý kiến trước, cho nên bị động. Còn nội dung, không phải là chuyện không có thật, mình đàng hoàng, công khai thế,” ông Kỳ cho biết lúc trên giường bệnh.
Vũ Kỳ dặn dò kỹ với người kế nhiệm, bà Nguyễn Thị Tình, đứng về góc độ người phụ nữ, nên viết thế nào cho hợp lý và trao đổi cho kín kẽ với ông trước khi đăng.
Có thể nói những khẳng định của ông Kỳ về những mối tình của Bác Hồ ở nước ngoài là hoàn toàn không đáng tin cậy vì ông cũng chỉ đoán mà thôi. Lời kể trên của ông Kỳ là bản chép tay của bà Tình và những gì bà viết ra đã được xin ý kiến cấp trên, còn băng ghi âm thì đã bị hư. Tại sao băng ghi âm lại dễ bị hư vậy, trong khi có băng nghe cả mấy ngàn lần mà không bị hư? Cuốn băng đã gửi lên Lãnh đạo Bộ Văn hoá Thông tin (ông Phạm Quang Nghị) và Ban Bảo vệ Chính trị nội bộ Trung ương, thì chắc chắn cũng đã được nhào nặn, biến hoá trắng thành đen, đen thành trắng, đến nỗi bây giờ hư hỏng không thể nghe được thì lấy gì để kiểm chứng?
Như vậy thì những tin đồn về chuyện tình cảm của Bác Hồ về cơ bản là đúng. Bác Hồ cũng là con người, cũng có các nhu cầu như mọi người.
Đọc bài này xong thì cũng như đi lạc vào bãi tha ma lúc nửa đêm. Người ta gọi việc như Vũ Kỳ nói là giấu đầu hở đít, là giữ lửa cho chúa vì mẹ Nguyễn Tất Trung có, gia tộc có, mà tự dưng người như ông Kỳ lại được giao nuôi như là một nhân vật quan trọng để làm gì khi lúc đó ông Kỳ đã có 3 con.
Để dẹp tin đồn bậy nói xấu Bác Hồ thì chỉ có bằng cách thử DNA là nhanh gọn nhất. Con cháu họ hàng Bác Hồ còn ở Làng Sen, Bác Hồ còn trong lăng, Nông Đức Mạnh và Vũ Trung theo tin đồn có họ hàng với Bác Hồ thì cả hai còn sống khoẻ mạnh, vậy tại sao không thử DNA, vàng thiệt đâu sợ lửa?
Từ những gốc tre mà gọt đẽo thành những con rồng, rồi sơn phết màu mè, kẻ vẽ cho có vẻ thần thoại, sau đó phủ vải điều lên, hô thần nhập tượng, rồi đặt lên bệ thờ, thế là khối con dân đất Việt đem lễ vật đến đặt và chắp tay xì xụp vái lạy.
Trước đây, chính Bác Hồ đã viết vở kịch châm biếm ‘Con rồng tre’ để chế giễu Vua Khải Định, nhưng khi đến Bác Hồ thì cũng như vậy. Việc làm của Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam thần thánh hóa Bác Hồ, từ một người trần mắt thịt bị dung biến thành “rồng”, thành một nhân vật siêu thực nên làm cho dư luận đàm tiếu, chế giễu, mỉa mai, chính việc này là hại Bác Hồ rồi còn gì.
Comments