Khi các thành viên cuối cùng của quân đội Hoa Kỳ rút khỏi Việt Nam vào tháng 4 năm 1975, làn sóng người tị nạn Việt Nam đầu tiên đã đến đất Mỹ mà không có bất kỳ tư cách hoặc quyền tiếp cận nào. Và lịch sử có cách lặp lại chính nó. Ngày nay, hơn 120.000 người Afghanistan đã được sơ tán khỏi Afghanistan. Mạng sống của họ hiện đang bị đe dọa vì liên kết với Hoa Kỳ trong cuộc chiến kéo dài hai thập kỷ.
Trong những ngày cuối cùng của Chiến Tranh Việt Nam, gần 130,000 người miền Nam Việt Nam đã được sơ tán và tái định cư ở nước ngoài. Làn sóng tị nạn đầu tiên đó đã được tiếp nối bởi hàng triệu người khác trong suốt những năm '80 và '90. Vô số người Mỹ gốc Việt ban đầu được các nhà thờ bảo trợ và được giúp đỡ bởi lòng tốt của những người lạ đã đưa chúng ta vào nhà của họ trong khi chúng ta đang tự xoay xở, cần sự cung cấp chỗ ở, dịch vụ và tình bạn.
Một nhóm trẻ người Mỹ gốc Việt đang cố gắng vận động 75 gia đình Mỹ gốc Việt làm nhà bảo trợ. Họ cố gắng tìm các gia đình có nhà riêng để giúp nơi tạm trú cho các gia đình tị nạn Afghanistan trong khoảng thời gian từ 3-7 ngày sau khi họ đến Sân bay quốc tế Seattle-Tacoma. Đây là một sự sắp xếp tạm thời và sẽ có thời gian để các cơ quan tái định cư tìm kiếm nhà ở lâu dài cho những gia đình tị nạn này.
Viets4Afghans nhắm đến con số 75 vì năm 1975 đã từng là một năm quan trọng đối với nhiều người Mỹ gốc Việt. Để tôn vinh di sản này, Viets4Afghans hiện đang chiêu mộ 75 gia đình người Mỹ gốc Việt để bảo trợ và giúp đỡ người dân Afghanistan khi họ đang chịu cuộc hành trình tị nạn bi thảm của chính họ.
Như Thanh Tân đã viết:
“Tôi nghĩ rằng những hình ảnh từ Kabul đã thực sự có sức ảnh hưởng mạnh mẽ – và kích động – đối với rất nhiều người Việt Nam, bởi vì nó đã làm tái hiện lịch sử. Nhóm chúng tôi muốn làm điều gì đó để giúp đỡ vì điều quan trọng cần nhớ là cộng đồng người Mỹ đã mở lòng đón nhận và giúp nơi ăn chốn ở cho người tị nạn cộng sản Việt Nam, vào thời điểm khi các cuộc thăm dò dư luận phản đối chiến tranh và việc chúng ta nhập cảnh vào Hoa Kỳ. Cuộc khủng hoảng tị nạn ở Đông Nam Á sau đó kéo dài đến những năm 1990, vì vậy chúng ta nên chuẩn bị cho một cuộc khủng hoảng nhân đạo tương tự sẽ kéo dài trong một thời gian. Kinh nghiệm về người tị nạn Việt Nam đã giúp tạo ra nền móng cho chương trình tái định cư mà chúng ta có ngày nay. Chúng ta không thể bỏ qua chuyện này và để chính phủ làm mọi việc. Trước đây không lâu, chúng ta cũng như những người Afghanistan xin tị nạn, chạy trốn sự đàn áp của chính quyền vì đã đứng về phía Hoa Kỳ trong một cuộc xung đột dân sự. Chúng ta biết nỗi kinh hoàng của việc mất đất nước và mất đi tấm thảm dưới chân. Chúng ta hiểu nỗi sợ bị tấn công bởi những kẻ thù có vũ trang. Sau gần 50 năm sống còn ở Mỹ, chúng ta có nghĩa vụ đạo đức là phải giúp đỡ những người tị nạn đến sau chúng ta – bằng tiền bạc, thời gian, nhân lực, sự vận động và lòng nhân ái của chúng ta. Năm 1975 rất quan trọng đối với người Mỹ gốc Việt. Đó là lý do tại sao chúng ta đang nhắm tới việc huy động ít nhất 75 gia đình người gốc Việt để làm nơi cư trú hoặc bảo trợ cho 75 gia đình tị nạn Afghanistan. Nhiều người trong chúng ta hiện đang có một nơi ở tốt đẹp, và chúng ta không thể đóng lại cánh cửa cơ hội đã rộng mở ra cho chúng ta trong giờ phút chúng ta cần. Hãy tôn vinh lịch sử và kinh nghiệm của chúng ta bằng tài chánh để giúp đỡ những người Afghanistan tìm kiếm nơi cư trú an toàn.”
Nhóm đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của giới truyền thông. Kể từ khi bắt đầu những nỗ lực này, nhóm đã chia sẻ việc này với Người Việt Tây Bắc, VOA Tiếng Việt, Người Việt, KOMO-TV, The Seattle Times, Wall Street Journal, PBS NewsHour.
PBS NewsHour đã cử một nhóm đến tiểu bang Washington để phỏng vấn nhóm về một câu chuyện video sắp tới. Dự kiến sẽ có thêm sự lan tỏa trong những ngày tới và tuần tới.
Podcast Seattle Now của KUOW giới thiệu một cuộc phỏng vấn dài với những người đồng sáng lập Viets4Afghans: Thanh Tân và Jefferey Vũ. Quý vị có thể nghe tại đây:
Cho đến ngày hôm nay, thì số lượng gia đình người tị nạn A Phú Hãn mà cộng đồng người Việt của chúng ta nhận bảo trợ đã lên đến con số khoảng 150 gia đình, và thậm chí nhiều gia đình còn bày tỏ mong muốn được giúp đỡ theo những cách khác, kể cả thông qua các khoản quyên góp.
Danh sách tình nguyện viên của nhóm cũng tiếp tục phát triển. Nhóm đang tiếp tục đặt mục tiêu tìm hiểu và hỗ trợ các nhu cầu khác mà cộng đồng người tị nạn Afghanistan xác định.
"Chúng tôi đang học hỏi và luôn uyển chuyển khi tình hình thay đổi. Điều quan trọng là chúng tôi không áp đặt quan điểm của riêng mình về cách giúp đỡ những người tị nạn Afghanistan. Nhóm của chúng tôi đang tạo dựng mối quan hệ và kết nối trực tiếp với các cơ quan tái định cư và cộng đồng Afghanistan ở Washington để hiểu những nhu cầu chưa được đáp ứng. Hãy kiên nhẫn với chúng tôi trong khi chúng tôi đang cố gắng tìm hiểu tất cả những tin tức đang lan truyền trong lúc này.
"Chúng tôi cảm thấy có trách nhiệm tận dụng tất cả những gì chúng tôi đã học được từ kinh nghiệm của mình với tư cách là một cộng đồng người tị nạn để giúp đỡ một thế hệ người mới đối phó với những tình huống tương tự. Giống như các đồng minh Afghanistan của chúng ta, nhiều người Việt Nam từng phục vụ bên cạnh Hoa Kỳ trong Chiến Tranh Việt Nam đã phải chịu đựng rất nhiều đau khổ sau khi cuộc xung đột đó kết thúc vào năm 1975. Trong nhiều năm, có rất nhiều người đã trốn thoát khỏi đất nước bằng mọi phương tiện. Chúng ta nên chuẩn bị cho một cuộc khủng hoảng tương tự xảy ra trong lúc này, khi các lực lượng Hoa Kỳ đã rời khỏi Afghanistan. Những người bị bỏ lại có thể sẽ tiếp tục tìm lối thoát ra khỏi đất nước, giống như người Việt Nam đã từng làm," Viets4Afghans chia sẻ.
Ba nguyên tắc dẫn dắt công việc của Viets4Afghans:
1. Nâng cao nhận thức về các vấn đề và vị trí của chúng ta trong việc giúp đỡ những người tị nạn Afghanistan.
2. Vận động cộng đồng hành động, đặc biệt là những người Mỹ gốc Việt.
3. Thu thập và chia sẻ thông tin về những người có nguyện vọng giúp đỡ và các nguồn lực sẵn có.
Theo ông Eskinder Negash, chủ tịch kiêm tổng giám đốc cơ quan USCRI (U.S. Committee for Refugees and Immigrants), thì Hoa Kỳ dự trù sẽ nhận khoảng 18 ngàn nhân viên người Afghanistan đã cộng tác gần gũi với chính phủ, với quân đội Mỹ và đồng minh cùng thân nhân của họ được vào Hoa Kỳ định cư qua diện Chiếu Khán Di Dân Đặc Biệt (Special Immigrant Visas / SIV). Bên cạnh đó là một số nhỏ thuộc các diện tị nạn P1, P2. Tổng số người nói trên có thể lên đến khoảng 50 ngàn người.
Ngoài ra chính phủ Mỹ cũng dự trù đưa khoảng 50 ngàn người tị nạn đã nộp đơn xin nhập cảnh theo diện SIV nhưng đang chờ đợi được cứu xét hoặc nếu không hội đủ các điều kiện vừa kể, nhưng củng sẽ được đưa vào Hoa Kỳ qua diện Tạm Dung vì lý do Nhân Đạo (Humanitarian Parole / HP).
Sự khác biệt quan trọng giữa hai nhóm người tị nạn nói trên là điều kiện thụ hưởng các quyền lợi về trợ cấp xã hội, và y tế. Nếu SIV được cấp Thẻ Xanh cùng quyền lợi của một Thường Trú Nhân sau khi nhập cảnh, cộng với trợ cấp dành cho người tị nạn, thì quy chế Humanitarian Parole không cho phép họ được sử dụng bất cứ loại trợ cấp xã hội bình thường nào, ngoại trừ chính phủ Mỹ đưa ra một đạo luật cứu trợ đặc biệt.
(Điều này đã từng xảy ra đối với những người tị nạn Việt, Miên, Lào đến Hoa Kỳ vào những năm đầu sau ngày 30, tháng Tư, 1975. Nhưng không lâu sau đó, tổng thống Gerald Ford đã yêu cầu quốc hội ban hành các đạo luật “Indochina Migration & Refugee Assistance Act.” để hỗ trợ về tài chánh, sức khỏe và các nhu cầu khác. Kế tiếp là “Adjustment of Status of Indochina Refugees / HR-7769”, để điều chỉnh tỉnh trạng di trú cho người tị nạn.)
Thật ra thì chiến dịch giải cứu người dân A Phú Hãn đã bắt đầu từ ngày 30 tháng 7, 2021 dưới tên là “Operation Allies Refuge”. Bà phụ tá Thứ Trưởng Ngoại Giao đặc trách về tị nạn than thở là từ 10 ngày qua, bà và các đồng nhiệm chỉ ngủ được chừng 3, 4 tiếng đồng hồ mỗi ngày.
Trong lúc đó những người tị nạn Afghanistan vẫn tiếp tục được đưa vào Hoa Kỳ trên các chuyến bay. Họ đến từ các căn cứ quân sự của Mỹ ở ngoại quốc như Qatar, Bahrain, Kuwait, Germany… Nhưng sau khi đặt chân đến Hoa Kỳ thì họ lại được đưa đến các trại lính trong nội địa nước Mỹ như Fort Lee Army base ở Virginia, Forts Bliss ở Texas hay McCoy ở Wisconsin…
Người tị nạn Afghanistan sau khi hoàn tất các thủ tục định cư thì hầu hết được đưa về những tiểu bang có đông người bảo trợ như California, Utah, Texas, Virginia và Washington.
Những tin tức nói trên sẽ vô cùng quan trọng đến quyết định bảo trợ người tị nạn Afghanistan của cộng đồng người Việt, tùy thuộc vào hoàn cảnh cùng khả năng của mỗi cá nhân hay tổ chức.
Dưới đây là đính kèm link danh sách cập nhật (tháng 5, 2021) của các Cơ Quan Thiện Nguyện Định Cư Người Tị Nạn (Voluntary Resettlement Agencies) do Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cung cấp, để quý vị liên lạc trực tiếp xem họ có dự trù định cư người tị nạn Afghans tại địa phương nơi quý vị cư ngụ hay không.
Thống đốc bang Washington ông Dan Evans là người đầu tiên trên đất nước Mỹ đón chào người tị nạn Việt Nam đến tái định cư tại tiểu bang "Evergreen" vào năm 1975.
Chân thành cám ơn sự đáp ứng của toàn thể quý vị, nhã ý cùng từ tâm dành cho người tị nạn Afghanistan đã là một nghĩa cử làm cho quý vị dân cử, cùng các viên chức chính phủ Hoa Kỳ, cũng như cơ quan thiện nguyện từng giúp đỡ chúng ta trước đây tỏ ra vô cùng mến mộ và đầy thiện cảm đối với cộng đồng người Việt.
Điều đó đồng thời đã làm chuyến đi vận động cho 2000 người tị nạn Việt Nam hiện đang còn sống vất vưởng ở Thái Lan và Indonesia của anh chị em tại Hoa Thịnh Đốn tuần qua được dễ dàng và thuận lợi hơn. Xin Thượng Đế phù hộ cho toàn thể quý vị. Cầu mong mọi điều tốt đẹp và suôn sẻ sẽ đến với những đồng hương thiếu may mắn của chúng ta đang lưu vong trên đất Thái.
Comments