top of page
​AD
Hòa Nguyễn

Văn Cao: Nghệ Sĩ Tài Hoa Kiêm Sát Thủ Cách Mạng

Tìm hiểu Văn Cao qua giai đoạn ông hoạt động trừ gian trong không khí thanh trừng giữa Việt Minh và các đảng phái đối lập.

Nguyễn Văn Cao (15/11/1923 - 10/7/1995) là nhạc sĩ, họa sĩ, nhà thơ, chiến sĩ biệt động ái quốc người Việt Nam, tác giả của ca khúc ‘Tiến quân ca’, quốc ca chính thức của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Văn Cao ở trong thơ, nhạc, họa, cho nên được giới nghệ thuật ba ngành mến phục. Là tác giả quốc ca, nhưng Văn Cao suốt đời bị chính quyền cộng sản nghi ngờ, tác phẩm bị trù dập, phân biệt đối xử.


Tìm hiểu cuộc đời của Văn Cao cũng là tìm hiểu giai đoạn lịch sử 1945 - 1946, mà các văn nghệ sĩ xuất thân từ nhiều ngành nghệ thuật khác nhau, nhiều thành phần chính trị và phi chính trị khác nhau đã theo Việt Minh để tranh đấu cho một lý tưởng chống Pháp. Những Văn Cao, Phạm Duy, Tạ Tỵ, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Nguyễn Đình Thi và Lưu Hữu Phước đã có một thời hoạt động chung vai sát cánh, nhưng rồi chính trị sẽ phân lìa mỗi người một con đường, một chiến tuyến.



Tìm hiểu Văn Cao tức là tìm hiểu tại sao có sự chia cắt tinh thần và thể xác Việt Nam, tìm hiểu sự tranh giành ảnh hưởng giữa các đảng phái chính trị trên đường giành độc lập, để thoát khỏi cái nhìn một chiều về lịch sử — lịch sử ta-địch trong quá trình đấu tranh giai cấp.


Tìm hiểu Văn Cao là để tìm đến nguồn cội của vấn đề — Văn hoá Việt Nam là một toàn khối, không thể chia đôi. Tâm hồn Việt Nam là một toàn khối, không thể phân liệt. Toàn khối ấy đã thể hiện trong cuộc kháng chiến từ 1945 đến 1950. Hầu hết các văn nghệ sĩ ở mọi khuynh hướng đều cùng nhau chung lòng cứu quốc.


Văn Cao và Phạm Duy là hai khuôn mặt điển hình nhất của nền tân nhạc Việt Nam cùng theo kháng chiến từ phút đầu. Cùng có công đầu trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Năm 1951, Phạm Duy vào thành, Văn Cao ở lại, mỗi người một giới tuyến. Nhưng tác phẩm của họ mãi mãi sẽ là của toàn thể dân tộc Việt Nam.



Văn Cao tên thật, họ Nguyễn, sinh ngày 15/11/1923 tại làng Lạch Trai (gần Hải Phòng) mất ngày 10/7/1995 tại Hà Nội. Nguyên quán làng An Lễ, xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Học tiểu học trường Bonnal, trung học trường dòng Saint-Joseph, ở đây được học thêm âm nhạc. Cha là Nguyễn Văn Tề, cai máy nước. Vì cha bị mất việc, Văn Cao phải bỏ học, làm điện thoại viên ở bưu điện Hải Phòng, được một tháng, bỏ.


Vũ Bằng viết về không khí thời ấy:


“Bầu không khí ấy là bầu ‘không khí cảnh sát’ mà Việt Minh vừa mới nắm được chánh quyền đã tạo được liền: thu hút dân vì lẽ dám đứng ra đánh thực dân diệt phát xít cứu quốc, nhưng đồng thời cũng cho tiêu luôn các đảng phái không đi một con đường với họ.


Lúc ấy chưa có những chữ rùng rợn như ‘Đầm Đùn’, ‘Lý Bá Sơ’ nhưng người ta đã mang máng nghe thấy những vụ át các bỉnh bút báo ‘Việt Nam’ ở Hàng Bún Dưới, báo ‘Sao trắng’ đường Bô-Nan Hải Phòng, hay vụ Ôn Như Hầu có hàng trăm cái xác ôm nhau mà chết ... Sức mấy mà không sợ? Sức mấy mà phòng ngừa được bọn cán bộ bịt mắt bưng đi? Nhưng cùng tắc biến, biến tắc! Liều, đã liều thì liều cho trót, chúng tôi cứ đả kích Trần Huy Liệu và những sơ hở của guồng máy chánh quyền phôi thai của Việt Minh. Và rồi cũng chẳng làm sao hết.”



Trong tiểu thuyết ‘Giòng Sông Thanh Thủy’, Nhất Linh viết về Thanh và Ngọc, cán bộ Việt Minh và Việt Quốc, cả hai đều nhận được lệnh phải thủ tiêu nhau, nhưng họ rơi vào tình yêu, tình yêu đến chết. Nhất Linh mô tả rất rõ bối cảnh: “Họ rình nhau như những con thú dữ mà người nào cũng vì một lý tưởng mình cho là cao đẹp.”


Nhất Linh đã viết những trang lạnh lùng và rùng rợn về tội ác của con người, nhân danh Cách mạng. Các nhân vật tự hỏi “Tại sao mình lại làm một việc độc ác như thế này”. Tại cái “guồng máy”, họ ở hai guồng máy khác nhau. Đất nước là của chung, nhưng cách phụng sự đất nước của hai đảng, hai guồng máy chỉ đạo, khác nhau.


Tác phẩm của Nhất Linh giải thích hành động của Văn Cao trong kháng chiến Văn Cao làm việc cho tình báo Việt Minh, tại Quán Biên Thùy năm 1947. Và Quán Biên Thuỳ, theo sự mô tả của Phạm Duy, có không khí rất “giòng sông Thanh Thủy”:


“Vào khoảng đầu mùa hè năm 1947 tôi tới Lào Cai và thấy ở đây có một phòng trà với cái tên là Quán Biên Thùy, bề mặt là một nơi giải trí nhưng bề trong là một tổ chức tình báo. Lúc đó, đối diện với Lào Cai vẫn còn là vùng Trung Hoa Quốc Gia chưa bị nhuộm đỏ hoàn toàn. Tôi gặp Văn Cao ở đây và được mời ở lại hát cho phòng trà này ... Quán Biên Thùy đông nhân viên lắm. Tất cả đều là dân Hà Nội. Tôi không để ý nhiều tới hoạt động tình báo của quán này, chỉ ngờ rằng vùng Lao Kai còn khá nhiều đảng viên của Việt Nam Quốc Dân Đảng. Sau khi bị Việt Minh tảo thanh từ vùng trung du, Việt Quốc tập trung ở đây để sẽ lánh sang Trung Hoa. Nhân viên tình báo của Quán Biên Thùy này đang đi lùng Việt Quốc để báo cho Công An tới bắt hay báo cho bộ đội tới tiêu diệt. Tôi biết rằng Việt Quốc trước đây sống nhờ ở tiền thuế của sòng bạc Cốc Lều, nay sòng bạc này phải đóng thuế cho Việt Minh ... Trong thời gian ở Lào Kai, tôi còn có cái thú tới hút thuốc phiện tại dinh của một lãnh chúa người Nùng là Hoàng A Tưởng ... Thuốc phiện chẳng bao giờ làm tôi say cả nhưng thứ thuốc phiện được hạ thổ lâu năm của Hoàng A Tưởng lần nào cũng đánh gục hai ‘anh hùng’ kháng chiến là Văn Cao và Phạm Duy.”


Không khí thanh trừng này nằm trong quỹ đạo trừ gian của Văn Cao những ngày đầu cách mạng: ám sát Đỗ Đức Phin. Bi kịch xảy ra năm 1945, khi ông hoạt động trong đội biệt động vũ trang.



Văn Cao bắn Đỗ Đức Phin


Tại sao Văn Cao vào đội biệt động vũ trang? Giả thuyết của Vũ Bằng:


“ ... Cho tới một ngày kia, lúc Nhật đổ bộ vào Đông Dương, tôi mới lại nghe nói đến Văn Cao hai lần nữa. Đó là lần Nghiêm Xuân Huyến báo tin cho tôi biết con gái anh sắp lấy chồng, mà người chồng đó là Văn Cao và một lần sau khi Việt Minh ‘át’ cô Nga’giao du’ với một sĩ quan Nhật bị bắn chết liền, ở Hải Phòng lại xẩy ra vụ bắn Đỗ Đức Phin mà lúc đó ai cũng bảo người bắn là Văn Cao.


Nghiêm Xuân Huyến, sước hiệu là Voi đen ... Tôi đi lại thường xuyên nhà Voi đen vì anh có ra một tờ tuần báo mười hai trang - tờ Rạng Đông. Sau này ... Anh ra tờ tuần báo trào phúng tên là Con Ong do Tam Lang Vũ Đình Chí chủ biên ... Xa nhau được ít lâu, tôi nghe thấy Nghiêm Xuân Huyến bị Nhật bắt và ‘xin âm dương’ cho đến chết ở nhà lao. Anh em hồi đó bảo rằng anh bị Nhật giết vì nhà in của anh in truyền đơn cho Việt Minh. Cho đến bây giờ, tôi vẫn không hiểu cái vụ Nhật bắt và đánh đập tàn nhẫn Huyến cho đến chết có liên quan gì đến vụ con gái Huyến lấy Văn Cao hay không, hay là Văn Cao có liên quan gì đến việc in truyền đơn đó hay không - nếu quả có in truyền đơn tại nhà in của Huyến - chỉ biết sau đó Văn Cao im lìm, không ai biết hành tung ra sao hết cho đến lúc xẩy ra vụ ám sát Đỗ Đức Phin trong một tiệm hút ở Hải Phòng ... Cái tên Văn Cao nổi bật lên từ đó. Đối với một số anh em văn nghệ, có một số anh em nói cho đúng, đã lấy làm hãnh diện về điểm đó.


Sau ngày 19/8 tiếng của Văn Cao nổi như cồn.”



Doãn Tòng, bạn đồng hành với Văn Cao trong đội trừ gian, thuật lại các sự kiện:


“Năm 1945, ở Hải Phòng có Đỗ Đức Phin là một tên mật thám cho Nhật - nó đã phá hoại nhiều cơ sở của ta, trên có lệnh phải trừ khử nó. Tháng 7/1945, Văn Cao trừ Đỗ Đức Phin. Việc này được đồng chí Nguyễn Khang, Xứ Ủy Bắc Kỳ đồng ý. Nguyễn Đình Thi giao cho Văn Cao khẩu súng 7165. Tổ phân công cho em Trần Liễn là cô Liên thăm dò đường đi lối lại của Đỗ Đức Phin. Cô Liên chơi với em vợ Đỗ Đức Phin, nên rất tiện cho việc điều tra. Văn Cao, Trần Liễn có lần đã đến lớp học tiếng Nhật do Đỗ Đức Phin tổ chức nên biết mặt hắn. Hắn nghiện thuốc phiện, hay hút ở tiệm số nhà 51 phố Đông Kinh. Nắm chắc được cách đi lại ăn ở của hắn, tổ bắt đầu hành động.


Vào khoảng 6 giờ chiều một ngày tháng 7/1945, trời nhá nhem tối, anh em cải trang cho Văn Cao thành một anh cai xe bận quần đen, áo va-rơi, đầu đội mũ cát dầy, đeo đôi kính gọng. Hoá trang vào không ai nhận ra Văn Cao nữa. Văn Cao đạp xe đến phố Đông Kinh, vào ngồi ở một quán nước, đưa mắt quan sát. Khi Trần Khánh ra hiệu bằng cách nhẩy lò cò: có ý là Đỗ Đức Phin đang ở trên, Văn Cao bắt đầu hành động. Anh lên gác thấy rõ Đỗ Đức Phin đang nằm hút thuốc phiện. Bên cạnh là người bồi tiêm. Văn Cao bắn một phát vào đầu Đỗ Đức Phin, tên này gục xuống. Tên bồi tiêm sợ quá, nhẩy qua ban công bám vào ống máng tụt xuống chạy biến. Một số đồng bào nghe tiếng súng nổ, chạy đến nhốn nháo. Văn Cao bình tĩnh nói ‘Xin mọi người ngồi im. Tôi chỉ diệt một tên Việt Nam bán nước thôi’.


Nói rồi dưới ánh đêm mờ mờ, Văn Cao nhảy lên xe đạp đi về nhà tôi thay quần áo. Sau đó Văn Cao lên Hà Nội hoạt động, tôi ở Hải Phòng.”


Hành động “trừ gian” này sẽ ở lại trong thơ Văn Cao như một lương tâm trầm uất suốt đời.

Comments


Không bao giờ bỏ lỡ bản tin mới

Đăng ký nhận thư từ Ngoài Kia

Cảm ơn bạn. Chúng tôi sẽ liên hệ sớm.

bottom of page