top of page
​AD
Hùng Pegasus

“Trời Tròn và Đất Vuông” Là Vũ Trụ Quan Của Trung Quốc Cổ Đại

Quan niệm về vũ trụ của người Trung Quốc cổ đại chịu ảnh hưởng của Nho giáo và Phật giáo.

Bảo tàng Thượng Hải, Thượng Hải, Trung Quốc. Tòa nhà có đỉnh tròn và đế vuông, tượng trưng cho quan niệm của người Trung Quốc cổ đại về thế giới là “trời tròn, đất vuông”. Ảnh: J Sees The World

Thời xưa, người Trung Quốc coi trời là “tròn” còn đất là “vuông”. Điều này được gọi là “Trời tròn và đất vuông” (天圆地方) và ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh khác nhau của văn hóa Trung Quốc. Và điều này đặc biệt được thấy trong kiến trúc truyền thống Trung Quốc.


“Trời tròn và đất vuông” là một khái niệm cơ bản trong truyền thống địa lý Trung Quốc cổ đại, xuất hiện ít nhất hai nghìn năm trước.


Vũ trụ buổi hồng hoang ở trạng thái mông lung, mờ mịt gọi là “thái cực” sau đó sinh ra “lưỡng nghi” (âm và dương). Lưỡng nghi vừa tương khắc vừa kết hợp với nhau tạo thành năm khí chất chủ yếu (ngũ hành) là kim, mộc, thủy, hỏa, thổ.


Từ quan niệm “thiên địa hai tầng”, tầng trên là trời — thế giới vô hình, tầng dưới là đất — thế giới hữu hình, đến thế kỷ 5, hình thành ba quan niệm về cấu trúc vũ trụ.


Tư tưởng của người Trung Quốc về hình dạng Trái đất luôn phẳng hầu như không thay đổi từ thời xa xưa cho đến những lần tiếp xúc đầu tiên với khoa học hiện đại qua các nhà truyền giáo Dòng Tên vào thế kỷ 17.


Hình dạng của đồng xu Trung Quốc thể hiện quan niệm “Trời tròn đất vuông”.


Thuyết Hồn Thiên (Huntian)


Thuyết Hồn Thiên khởi nguồn từ thời Chiến Quốc, chủ trương kiến giải vòm trời có khí ở trong và bao bọc Trái Đất, chân trời có nước còn Trái Đất nổi trên nước, trời có chín tầng khí với vận tốc và áp lực khác nhau, các vì sao được “cương phong” (gió cứng) nâng lên.


Lý thuyết sơ khai nhất của Hồn Thiên cho rằng vòm trời hình cầu bên trong chứa đầy ắp nước, mặt đất nổi trên mặt nước, một nửa bầu trời ở phía trên mặt đất và một nửa bầu trời ở phía dưới mặt đất. Mặt Trời, Mặt Trăng và các ngôi sao nổi lơ lửng trên lớp vỏ của vòm trời và hàng ngày toàn bộ xoay chuyển theo bầu trời.


Nhà thiên văn học Trương Hành thời Hán đã giảng giải trong ‘Hồn Thiên Cầu Đồ Chú’: “Toàn thể bầu trời tựa như quả trứng gà, bầu trời tròn đầy như viên đạn; Trái Đất như lòng đỏ trứng gà, một mình nằm ở bên trong; bầu trời lớn và Trái Đất nhỏ. Bên trong bầu trời có nước, bầu trời bao bọc Trái Đất, giống như lớp vỏ bọc lòng đỏ trứng. Trời và đất đều nhờ vào khí mà đứng vững, mà nổi lên mặt nước.”





Một con tem in hình Trương Hành do bưu điện Trung Quốc phát hành năm 1955.

Thuyết Tuyên Dạ (Xuan Ye)


Thuyết Tuyên Dạ (đêm tối lan tràn, không trung vô tận) chủ trương lý giải rằng bầu trời trống rỗng và vô cùng, vô cực; bảy tinh tú (Mặt Trời, Mặt Trăng cùng năm hành tinh Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ) nổi một cách tự nhiên, sinh từ trong hư không, dừng hay chuyển động đều là do khí quyết định.


Lý luận này sáng tạo ra rằng ngay cả bản thân các thiên thể, bao gồm cả các vì sao xa xôi và dải Ngân Hà đều là từ thể khí tổ hợp thành. Nó cho rằng các thiên thể nổi trong thể khí, hiểu nôm na là di chuyển một cách không nhất quán hoặc không giống nhau.




Thuyết Cái Thiên (Gaitian)


Thuyết Cái Thiên, xuất hiện vào cuối thời nhà Ân, đầu thời nhà Chu, hình dung bầu trời ở trên như một cái nắp hình bán cầu rộng lớn trùm lên mặt đất hình vuông hơi nhô lên.


Hai câu “Trời như mái vòm, bao trùm tứ phương” trong bài dân ca ‘Sắc Lặc Ca’ thời Nam Bắc triều đúng là lời giải thích trực quan về thuyết Cái Thiên.


Về thuyết Cái Thiên có tổng cộng hai loại, loại thứ nhất là thuyết “Trời tròn đất vuông”. ‘Tấn thư Thiên Văn chí’ chép rằng: “Trời tròn như cái lọng, đất vuông như bàn cờ.”


Loại thuyết thứ hai sửa quan điểm mặt đất hình vuông thành mặt đất hình vòm; trong ‘Tấn thư – Thiên Văn chí’ nói rằng “Trời tựa như cái nón lá, đất như con thuyền úp ngược”. Vào thời điểm này, ý tưởng về trái đất hình vòm đã được hình thành, đặt định cơ sở cho sự nhận thức về Trái Đất hình cầu sau này.







Comments


Không bao giờ bỏ lỡ bản tin mới

Đăng ký nhận thư từ Ngoài Kia

Cảm ơn bạn. Chúng tôi sẽ liên hệ sớm.

bottom of page