Tôi thích nghe nhạc Trịnh. Những lúc buồn tôi mở nhạc Trịnh, lúc vui tôi lẩm nhẩm hát "ta mang cho em một đoá quỳnh...".
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thời trẻ. Ảnh: PvD
Vẫn phải thừa nhận rằng các ca khúc Trịnh Công Sơn được yêu mến và đánh giá cao thông qua số lượng người nghe trên YouTube, Zing MP3 và các phương tiện khác. Có người còn xếp ông vào tam kiệt âm nhạc Việt Nam cùng với Văn Cao và Phạm Duy. Rõ ràng là Trịnh Công Sơn có chỗ đứng không hề thấp trong nền âm nhạc đương đại Việt Nam.
Tôi suy nghĩ mãi. Điều gì làm nhạc của ông đến được với nhiều người? Phải chăng là giai điệu trữ tình đơn giản dễ hát, phải chăng ca từ rất nhiều chất thơ, phải chăng ảnh hưởng Phật giáo ôn hoà thấm đẫm trong các tác phẩm của ông?
Và tôi tìm đến câu trả lời của riêng tôi và cho riêng tôi.
Cả cuộc đời Trịnh nằm gọn trong các cuộc chiến. Chiến tranh thế giới 2, Nhật Pháp đánh nhau, Cánh mạng Tháng Tám 1945, kháng chiến chống Pháp, chiến tranh chống Mỹ, chiến tranh biên giới. Liên miên là các cuộc chiến giành độc lập và các cuộc chiến ý thức hệ. Trịnh thấy rõ sự tàn phá và hậu họa của chiến tranh, nghèo đói, thất học, văn hoá suy đồi. Ông phản đối chiến tranh nói chung, bản thân không đứng về bên nào trong cuộc chiến. Chính vì thế phe cộng sản không thích ông, phe chống cộng cũng chẳng ưa.
Từ đầu thế kỷ 20 nhiều thanh niên trí thức tiến bộ muốn tìm con đường đi cho đất nước và dân tộc đang bị thực dân Pháp bắt làm nô lệ. Muốn đuổi được người Pháp chúng ta phải tự cường, muốn tự cường thì phải học và làm theo các nước mạnh. Một số chủ trương bắt chước Nhật Bản, số thứ hai nên học theo Âu Tây và số thứ ba tìm thấy ở Quốc tế Cộng sản là chỗ dựa cho phong trào giải phóng dân tộc.
Cũng là những nhà yêu nước, cũng bôn ba hải ngoại, tiếp thụ nhiều quan điểm và tư tưởng khác nhau, các chí sĩ Việt Nam quay ra bất đồng và trở thành đối tác của các thế lực đối đầu trên thế giới. Chiến tranh Việt Nam, theo cách gọi của người Mỹ, kéo dài hai chục năm, vào cái tuổi chàng thanh niên Trịnh Công Sơn định hình tư tưởng và tình cảm của mình.
Như một triết gia và như bất cứ ai, Trịnh Công Sơn suốt đời trăn trở câu hỏi muôn thuở mục đích sự sống là gì, ta là ai trên cõi đời này, nhất là trong cái nhiễu nhương kéo dài hàng thế kỷ trên đất nước của Mẹ da vàng.
Và ông không có câu trả lời. "Sống trên đời cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không, để gió cuốn đi..."
Lang thang mùa thu Hà Nội ngàn năm văn hiến, ông vẫn không tìm ra câu trả lời, chỉ còn mong "rồi sẽ một ngày từng con đường nhỏ trả lời cho tôi."
Không thấy con đường lớn, đành mong con đường nhỏ. Thật bế tắc.
Tâm trạng bế tắc mù mờ không biết tin theo ai, lý tưởng nào là của cá nhân Trịnh Công Sơn nhưng nó phản ánh đúng tâm trạng của người dân Việt Nam. Trong bối cảnh thế giới đa cực phức tạp, điểm xuất phát của chúng ta thấp, theo ai và theo như thế nào là điều cả trăm năm nay chúng ta băn khoăn.
Vì mù mờ nên tình yêu, lòng căm thù trong nhạc Trịnh rất chung chung, mờ ảo sương khói quá khứ và vô định tương lại. "Bàn tay em năm ngón ru trên ngàn năm..."
Nhỏ bé, bất lực trước số phận, từ ngày mẹ cho ta mang nặng kiếp người, Trịnh vẫn khao khát sống, sống cao đẹp và có trách nhiệm "trên hai vai ta đôi vầng Nhật Nguyệt, rọi suốt trăm năm một cõi đi về".
Tôi nghĩ Trịnh là một điển hình của sự mơ hồ mà dân tộc ta đang cần phải thoát ra.
Chính vì lẽ đó nhiều người yêu nhạc Trịnh, già hay trẻ, phe này hay phái kia, hoàn toàn không hẳn chỉ là vì giai điệu hay và ca từ đẹp.
Trịnh Công Sơn một cõi mơ hồ - và người ta thấy mình trong cõi mơ hồ đó nên người ta thích nghe nhạc ông.
Comments