top of page
​AD
Hòa Nguyễn

Trâu và Văn Minh Bắc Bộ

Các từ ngữ mô tả con trâu trong ngôn ngữ Đông Nam Á khá giống nhau.

Tiếng Việt thời Lê sơ: klâu (tái lập từ 革蔞 cách lâu, An Nam dịch ngữ, Tứ Di Quán nhà Minh) Tiếng Cham: kabaw Tiếng Khmer: krɑbəy ក្របី Tiếng Malay & Indo: kerbau Tiếng Philippines: karabao (thường viết carabao theo tiếng Tây Ban Nha)



Các từ ngữ trên bắt nguồn từ tiền ngôn ngữ Đông Nam Á (Proto-Eastern-Austroasiatic) *krpaw. Tiếng Việt bỏ âm /p/ còn lại krâu -> klâu (biến âm qua lại "ngọng" giữa R và L là hiện tượng thường gặp ở các ngôn ngữ Đông Á & Đông Nam Á, để ý hiện nay người Nhật vẫn không phân biệt được R/L.) - tlâu - trâu (chuyển dịch tl- sang tr- trong tiếng Việt đã được ghi chép rất nhiều, tham khảo Từ điển Việt Bồ La của de Rhodes). Tiếng Cham bỏ âm /r/ và biến P thành B (biến âm qua lại giữa P và B cũng rất phổ thông trên toàn thế giới, ví dụ người Việt vẫn đọc pate thành bate nếu mất tập trung) còn lại kabaw.



Dựa vào việc tiếng Malay Indo Philippines còn giữ được nguyên 3 phụ âm krb-, chúng ta có thể áng chừng được nguồn gốc từ "trâu" thời cổ (và vị trí loài trâu được thuần hóa đầu tiên tại Đông Nam Á) ở gần đất người Việt & Chăm, vì từ mượn lại hay được giữ nguyên vẹn khi nó đi xa. Theo linguistic migration theory của Sapir. Đến nay các từ ngữ cổ nhất của tiếng Hán lại đang được bảo lưu trong tiếng Việt, còn tiếng Quan thoại thì đã chuyển dịch rất nhiều.


Gần đây đã có nghiên cứu chứng minh loài trâu đầm Đông Nam Á được thuần hóa đầu tiên ở vùng trung du phía tây đồng bằng Bắc Bộ. Điều này khá hợp lí vì thời xưa nước biển dâng cao, khó làm nông ở hạ lưu châu thổ sông Hồng. Các bộ tộc đầu tiên nuôi trâu kéo cày (một phát minh đột phá ngang bom nguyên tử thời nay) hẳn đã quần cư ở vùng trung du khô ráo và có nhiều cỏ.



Khảo cổ chứng thực sự tồn tại của con trâu trong văn minh Bắc Bộ rất sớm, thông qua trống đồng Ngọc Lũ và Vĩnh Hùng. Điều này củng cố thêm quan điểm rằng người nói ngữ hệ Nam Á (Austroasiatic - tiền thân tiếng Việt Mường ngày nay) đã định cư ở trung du Bắc Bộ từ hàng ngàn năm trước khi người ngữ hệ Tai xuất hiện.


Tuy nhiên đó là 02 trống duy nhất thuộc nhóm trống Đông Sơn có hoa văn con trâu. Khả năng là đã có nhiều bộ tộc tồn tại rải rác ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, trong đó các nhóm Ngọc Lũ (Hà Nam) và Vĩnh Hùng (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) theo văn minh thuần hóa trâu, còn số khác chưa phát triển bằng.


Một lưu ý thêm, các tập đoàn chính trị đầu tiên của Việt Nam - vua Hùng ở Phong Châu, Phú Thọ và Trưng Trắc ở Mê Linh, Vĩnh Phúc cũ - đều nằm ở quê hương loài trâu đầm. Phải chăng họ xưng vương nước Việt nhờ sức sản xuất mà loài trâu mang lại?



Tác giả: Robert Tran

Comments


Không bao giờ bỏ lỡ bản tin mới

Đăng ký nhận thư từ Ngoài Kia

Cảm ơn bạn. Chúng tôi sẽ liên hệ sớm.

bottom of page