top of page
​AD

Tranh Cãi Về Câu Nói Của Anh Mac - Khi Lòng Tự Hào Dân Tộc Bị Công Kích Một Cách Phi Lý

Hùng Pegasus
Câu từ “đại diện” của Anh Mac nhanh chóng bị hiểu sai và bóp méo, tạo ra một cuộc tranh luận đầy căng thẳng trên mạng xã hội.

Anh Mac trong bộ quân phục Lục quân Hoa Kỳ. Ảnh: Tom Nguyen/Facebook

Ngày 18/12, Nguyễn Hữu Diển, người sáng lập và quản trị viên của nhóm Facebook News Rap Việt với 67.000 thành viên, đã chia sẻ lại bức ảnh kèm câu nói của Anh Mac: “Mỗi khi tôi mặc bộ đồng phục này, tôi không chỉ đại diện cho người dân Mỹ mà còn đại diện cho người dân Việt Nam”. Đi kèm với bài đăng là dòng chú thích đầy hoài nghi: “Đại diện cho ai cơ???”


Trong bối cảnh của Anh Mac, từ “đại diện” không mang tính pháp lý hay yêu cầu sự ủy quyền chính thức từ bất kỳ cơ quan nào. Thay vào đó, nó ám chỉ niềm tự hào về nguồn gốc văn hóa và quốc gia của anh – một người gốc Việt hiện đang phục vụ trong quân đội Hoa Kỳ. Câu nói của Mac đơn thuần phản ánh ý thức tự nhận mình là một cầu nối văn hóa, mang theo cả những giá trị của quê hương khi khoác lên mình bộ quân phục.



Tuy nhiên, một số người đã chọn cách xuyên tạc lời nói này, biến nó thành cơ hội để công kích cá nhân và danh dự của anh.


Diển chỉ trích: “Mặc đồng phục và tham gia quân đội Mỹ thì liên quan méo gì Việt Nam mà phải lên bài từ ngữ đao to búa lớn bảo mình đại diện cho người dân Việt Nam? Nói Mac dũng cảm, dũng cảm và có tinh thần trách nhiệm với Mỹ, thế chuyện trách nhiệm với Mỹ với quân đội Mỹ thì liên quan gì đến người lính Việt Nam và liên quan gì mà đại diện thế. Ai bảo [Mac] phản động bao giờ, post này chỉ đặt câu hỏi là mặc đồng phục Mỹ thì đại diện cho cái gì ở dân tộc Việt Nam. Có cái chuyện nó tham gia quân đội mà từ năm trước đến nay nó tự viết bài pr làm như là sự kiện trọng đại, giờ thì còn phát ngôn đại diện? Ảo. Sẽ làm xứng mặt người Việt Nam? Quá tự hào, tham gia phục vụ cái cái quân đội gieo bao nhiêu tấn bom đạn và đau thương cho dân tộc.”


Nguyễn Hữu Diển, người sáng lập và quản trị viên của nhóm Facebook News Rap Việt với 67.000 thành viên. Ành: Nguyễn Hữu Diển/Facebook


Một số người dùng Facebook ngay lập tức tấn công vào cấp bậc quân nhân của Anh Mac, nhấn mạnh rằng anh chỉ là binh nhất (Private) chứ không phải sĩ quan cao cấp. Một người dùng bình luận: “Làm binh nhất mà tưởng như tướng tá cao cấp Mỹ, thằng Mac này nó ngáo lắm rồi.”


Bình luận này không chỉ thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với cấp bậc trong quân đội mà còn phủ nhận đóng góp của các quân nhân ở mọi vị trí. Thực tế, mọi cấp bậc trong quân đội – từ binh nhất đến tướng lĩnh – đều đóng vai trò quan trọng trong việc hoàn thành nhiệm vụ chung.


Thay vì nhìn nhận nỗ lực và cống hiến của Mac, một số người lại dùng lời lẽ mỉa mai để hạ thấp thành tựu của anh. Một người khác còn bình luận đầy khinh miệt: “Chắc vào đó sách nước bổ cam, nấu nướng thôi.”



Nguồn gốc của sự căm ghét là vấn đề lịch sử và tâm lý cá nhân


Phần lớn sự thù ghét này có thể bắt nguồn từ di chứng của Chiến tranh Việt Nam. Một số người vẫn mang trong mình thái độ bài xích quân đội Mỹ, mặc dù cả hai nước hiện đã trở thành đồng minh thân thiết. Việc quân đội Mỹ hiện diện ở Biển Đông cũng đã góp phần ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc tại khu vực này.


Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại cho thấy tâm lý đố kỵ và bất an của người bình luận. Những lời lẽ công kích như vậy thường phản ánh sự bất mãn cá nhân hoặc nỗ lực nhằm làm giảm giá trị của người khác để tự nâng cao bản thân.



Những cáo buộc gán ghép chính trị vô căn cứ


Một số người còn đi xa hơn khi cáo buộc Anh Mac phản bội quê hương, gán ghép anh với Việt Nam Cộng Hòa hay “3 sọc”. Họ cho rằng anh chỉ có thể tự hào về nguồn gốc Việt Nam nếu phục vụ trong quân đội Việt Nam hoặc sống tại Việt Nam.


May mắn thay, một bộ phận không nhỏ cộng đồng mạng đã lên tiếng bênh vực Mac.


“Tao không biết chúng mày có vấn đề gì về tư duy mà một câu nói bình thường như vậy cũng phải cài cắm tính chất phản động cho người ta. Chúng mày không thể nghĩ là ổng tự nhận đại diện cho tính bất khuất, hào hùng của dân tộc Việt Nam hay sao?” một người bình luận.


Nhiều người cũng nhắc lại rằng Mac từng ủng hộ các lực lượng quân đội, công an và dân phòng Việt Nam, như việc anh gửi tặng hàng loạt găng tay chiến thuật Mechanix Wear tới nhiều nơi trong đó có các đảo xa xôi vào năm 2019. Trong cùng năm, anh còn hợp tác với Ngô Quốc Bình trong bài hát Bay Qua Biển Đông để thể hiện tình yêu quê hương.



Một hành động nhằm gây chia rẽ


Nguyễn Hữu Diển rõ ràng đã lợi dụng vị trí của mình để kích động tranh cãi và công kích cá nhân không đáng có nhằm tăng tương tác trên mạng xã hội. Những lời lẽ xúc phạm và các luận điểm phi lý cho thấy đây chỉ là một nỗ lực hèn hạ nhằm làm tổn hại danh tiếng của Anh Mac.


Trong khi đó, Mac vẫn giữ im lặng trước làn sóng chỉ trích. Hành động điềm tĩnh này không chỉ chứng minh sự trưởng thành của anh mà còn khiến những người chỉ trích phải tự vấn về động cơ thực sự đằng sau lời nói của mình.


Một người dùng đã bình luận đầy sắc sảo: “Người ta ở Mỹ, đi lính Mỹ, đại diện cho người Việt Nam vì Mac là người Việt Nam là sai à? Page rap thuần hay page rap drama vậy?”



Comments


Không bao giờ bỏ lỡ bản tin mới

Đăng ký nhận thư từ Ngoài Kia

Cảm ơn bạn. Chúng tôi sẽ liên hệ sớm.

bottom of page