top of page
​AD
Hòa Nguyễn

Tìm Thấy Từ “La Đá” Trên Văn Bia

La Đá là dấu vết của tiếng Việt cổ, từ trước đến nay đã được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm, khảo cứu. Trong những bản Nôm có niên đại từ thế kỷ XVII trở về trước, đã thấy xuất hiện nhiều trường hợp ghi từ Đá (chỉ hòn đá, khối đá) bằng hai kí tự La Đá.

Xưa nay, các nhà nghiên cứu mới chỉ tìm thấy và giới thiệu hiện tượng này trên các văn bản Nôm khắc in hoặc chép tay, còn trên bia đá thì hầu như chưa tìm thấy. Trong quá trình tìm kiếm, khảo sát những mã chữ Nôm trên văn bia, chúng tôi phát hiện thấy một trường hợp ghi La Đá = Đá trên văn bia thế kỷ XVIII. Nhận thấy đây là một hiện tượng hiếm gặp nên chúng tôi xin giới thiệu trong bài Thông báo Hán Nôm học lần này.

Từ trước tới nay, ghi "la đá" = Đá đã gặp nhiều trên các văn bản từ thế kỷ XIV đến đầu thế kỷ XVIII, như Chỉ Nam ngọc âm, Quốc âm thi tập, Hồng Đức quốc âm thi tập, Khoá hư lục giải nghĩa, Từ điển Alexandre De Rhodes… Tuy nhiên, ngay trong bản thân các văn bản trong giai đoạn này cùng ghi một lúc dạng chữ ghi hai âm tiết và cả dạng chữ đã rụng mất tiền âm tiết.



Trong Chỉ Nam ngọc âm, từ ĐÁ xuất hiện 15 lần thì có 2 lần được viết là LA ĐÁ trong các câu:


Cơ Thạch Bác giống cực dữ song, làm máy LA ĐÁ chước ong bất nhân; Thạch Khối hòn LÀ ĐÁ chồng; còn lại 13 lần ghi bằng ĐÁ, như: núi đá, ghềnh đá, hang đá, hòn đá,…

Trong Khoá hư lục giải nghĩa cũng có hiện tượng tương tự:


Từ ĐÁ xuất hiện 4 lần trong đó 2 lần được ghi là LA ĐÁ, và 2 lần được ghi là ĐÁ.

Trong Phật thuyết, từ đá cũng được ghi bằng hai cách, trong đó có một dạng ghi la đá:

Ân nặng bằng bằng núi đất, núi la đá 打多 (núi đá)

Trong Quốc âm thi tập (thế kỷ XV), có câu:


Dấu người đi la đá mòn (bài Tự thuật).

Truyện các thánh của Maiôrica (thế kỷ XVII), cũng có câu:


Vì hòm gỗ để bia la đá trong ấy,... tao cải tên mày là Phê rô nghĩa là la đá (đá).

Từ điển Alexandre De Rhodes (thế kỷ XVII) cũng giải nghĩa "mưa la đá nghĩa là mưa đá".

Thiên Nam ngữ lục (thế kỷ XVII), từ La Đá = Đá xuất hiện 2 lần trong các câu:

- Mấy hòn la đá đánh tan. - Ngọc trong la đá mấy người biết hay…

Bên cạnh hiện tượng ghi là đá hoặc la đá = đá, tức hiện tượng ghi chữ Nôm (âm Nôm) bằng hai mã tách rời thì những trường hợp ghi bằng hai mã tách rời như cá lâm = lầm; la đới = dưới, la ngàn = ngàn… cũng xuất hiện rất nhiều trên các văn bản Nôm, trong đó có văn bia có niên đại sớm. Đây là những từ Việt cổ mang yếu tố tiền âm tiết, một âm tiết phụ đứng trước và một âm tiết chính đứng sau. Về sau, trong quá trình phát triển của ngữ âm tiếng Việt, các âm tiết phụ bị rụng dần đi, âm tiết chính được giữ lại.

Gần đây, trong quá trình tìm kiếm, khảo sát những mã chữ Nôm trên văn bia, chúng tôi phát hiện thấy một trường hợp ghi LA Đá = Đá trên văn Báo Ân bi ký Trùng tu Phật hậu lưu truyền vạn đại 報 恩 碑 記 重 修 佛 後 流 傳 萬 代. Kí hiệu thác bản là N0 2071-74, được soạn vào năm Bảo Thái thứ 7 (1726). Bia được sưu tầm tại chùa xã Phú Điền huyện Thanh Oai tỉnh Hà Đông (nay là làng Nhân Hòa xã Tả Thanh Oai huyện Thanh Oai, Hà Nội).

Thác bản 4 mặt, khổ 46 x 67 cm và 25x 69 cm, gồm 42 dòng chữ Hán và Nôm, toàn văn ước khoảng 1400 chữ, có hoa văn, có chữ húy.

Nội dung văn bia ghi việc bản xã tổ chức bầu Hậu ở làng. Bà Nguyễn Thị Miện ở xã Lã Xuyên huyện Thanh Oai phủ Ứng Thiên đã cúng 100 quan tiền và 8 mẫu ruộng để gửi 2 giỗ cho bản thân và chồng là ông Thị nội Thư tả Binh phiên, Tiến công Thứ lang, từng nhậm chức Huyện thừa huyện Đông Triều, tước Nho Lâm nam, tên là Lại Phúc Liêm. Mặt sau bia ghi việc bà cúng tiến thêm 10 quan tiền và 1 mẫu 2 sào 3 thước ruộng để gửi giỗ cho ông Thị nội Thư tả Hộ phiên Lại Đức Lượng; 10 quan tiền và 1 mẫu 1 thước ruộng gửi giỗ cho bà Chánh thất Lại Thục Án. Có ghi ngày giỗ và vị trí các thửa ruộng.

Người soạn văn bia là con trai của ông Lại Phúc Liêm tên là Lại Danh Luân, là quan viên tử.

Trên văn bia có ghi nhiều tên xứ đồng bằng chữ Nôm. Đây là tên xứ đồng nằm trong số ruộng 8 mẫu mà bà Nguyễn Thị Miện đã cúng cho làng để được bầu Hậu và hưởng tế tự sau này, như:

- Một thửa ruộng ở xứ Mả Tháp 6 thước 1 tấc. - Một thửa ruộng ở xứ Đường Căng 塘 矜7 thước 9 phân. - Xứ Đường Cạn 塘 𣴓1 sào 4 tấc. - Xứ Kỳ Hà 岐 河 1 sào 7 tấc 6 phân. - Xứ Mõ Cá某 箇7 thước 9 phân...

Đặc biệt có một trường hợp ghi:

秧田羅𥒥處陸尺壹寸半 Ương điền Cây La Đá xứ lục xích nhất thốn bán. (Ruộng mạ ở xứ Cây La Đá gồm 6 thước 1 tấc rưỡi).

Cây La Đá, theo chúng tôi chính là Cây Đá. Từ Cây Đá cũng được hiểu là Hòn Đá hay Tảng Đá. Ở vùng đồng bằng Bắc Bộ có rất nhiều tên các xứ đồng ghi trên văn bia mang tên là Hòn Đá, Đống Đá, hay Cống Đá.

Ví dụ:

Văn bia Đông Ngạc xã Phúc Lệ tự điền trùng tu bi kí, 1051, niên đại triều Nguyễn, có ghi là:

一所貳高七尺貳寸在丸𥒥處 / nhất sở nhị cao thất xích nhị thốn tại Hòn Đá xứ (Một thửa ruộng gồm 2 sào 7 thước 2 tấc ở xứ Hòn Đá).

Hay văn bia Hậu thần bi, niên đại Cảnh Hưng thứ 43 (1782), kí hiệu 299-300 có ghi:


一所𥒥呂處肆高/ nhất sở Đá Lở xứ tứ cao (Một thửa ở xứ Đá Lở gồm 4 sào)…

Khi đi thực tế ở làng Thái Khê xã Cấn Hữu huyện Quốc Oai, Hà Nội, trên lối rẽ trái vào chùa Đống Ông (Đống Ông tự) chúng tôi cũng thấy một phiến đá rất lớn, tương truyền là trôi dạt đến đó từ rất xa xưa. Nhân dân gọi đó là xứ Cống Đá Gãy, (vì phiến đá khi trôi đến đó đã bị gãy).


Theo phỏng đoán của chúng tôi, xứ Cây La Đá tức Cây Đá trong tên xứ đồng ở xã Phú Điền trên văn bia cũng nằm trong trường hợp tương tự như vậy.

Cách ghi La Đá = Đá rất hiếm gặp trên những văn bản Nôm từ thế kỷ XVIII về sau, nhất là trên văn bia. Đây phải chăng đây là một trường hợp hi hữu còn bảo lưu lại dấu vết từ Việt cổ.

Trên đây là những suy luận ban đầu của chúng tôi về lưu tích từ Việt cổ còn được sử dụng trên văn bia thế kỷ XVIII. Qua đó có thể góp thêm tư liệu cho các nhà ngôn ngữ học khi nghiên cứu về Tiếng Việt lịch sử.



Tác giả: Đỗ Thị Bích Tuyển (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) (Thông báo Hán Nôm học 2012)

Comentários


Không bao giờ bỏ lỡ bản tin mới

Đăng ký nhận thư từ Ngoài Kia

Cảm ơn bạn. Chúng tôi sẽ liên hệ sớm.

bottom of page