Thủ ngữ là một ngôn ngữ hình ảnh với các quy tắc riêng về ngữ pháp được thể hiện bằng biểu cảm nét mặt cũng như các chuyển động của bàn tay, và đóng vai trò là ngôn ngữ chủ yếu của cộng đồng người khiếm thính trên thế giới.
Bảng chữ cái Ngôn ngữ Ký hiệu Mỹ.
Thủ ngữ được phát triển một cách tự nhiên khi một nhóm người khiếm thính cần giao tiếp với nhau. Ngay từ đầu thế kỷ 16 Nhà chinh phục người Tây Ban Nha Francisco Vázquez de Coronado đã báo cáo rằng thổ dân da đỏ bản địa ở vùng đồng bằng miền Tây Canada đã sử dụng ngôn ngữ ký hiệu để giao tiếp giữa các bộ lạc.
Francisco Vázquez de Coronado.
Nguồn gốc của Ngôn ngữ ký hiệu
Vào thế kỷ thứ 4 TCN, triết gia vĩ đại người Hy Lạp Aristotle tuyên bố không thể giáo dục người điếc được. Ông tin rằng nếu không nghe được, con người không thể học được.
Thế kỷ 16, Geronimo Cardano, nhà vật lý học người Padua, tuyên bố người điếc có thể học tập thông qua giao tiếp bằng ký hiệu.
Năm 1620, tu sĩ dòng Benedict người Tây Ban Nha Juan Pablo de Bonet xuất bản cuốn sách đầu tiên về Ngôn ngữ ký hiệu 'Reducción de las letras y arte para enseñar a hablar a los mudos' (Tổng hợp các chữ cái và nghệ thuật dạy nói cho người câm), công bố bảng chữ cái dựa trên nền tảng ngôn ngữ ký hiệu đã được cộng đồng người điếc phát triển theo bản năng từ trước.
Bên trái: Juan Pablo de Bonet; bên phải: sách 'Tổng hợp các chữ cái và nghệ thuật dạy nói cho người câm'.
Giữa thế kỷ 18, Cha Charles-Michel de l'Épée, một giáo sĩ Công giáo đến từ Paris, được gọi là "Cha của người điếc" đã chứng kiến hai cô gái ra hiệu với nhau, và ông nhận ra rằng phương pháp này có thể được dùng để giáo dục trẻ khiếm thính vì vào thời điểm đó không ai thực sự chú ý đến người khiếm thính. Ông thành lập Viện trẻ khiếm thính Quốc gia Paris (Institut National de Jeunes Sourds de Paris) và Ngôn ngữ Ký hiệu Cổ của Pháp ra đời.
Charles-Michel de l'Épée.
Ngôn ngữ Ký hiệu Martha's Vineyard
Vào thế kỷ 19, do sự kết hôn giữa các quan hệ ruột thịt trong cộng đồng người Anh định cư ban đầu vào những năm 1690, khiếm thính di truyền ở Chilmark có tỷ lệ cao. Ngôn ngữ ký hiệu bắt đầu phát triển tại ba làng ở New England: Martha's Vineyard, Massachusetts; Henniker, New Hampshire, và Thung lũng sông Sandy, Maine.
Ngôn ngữ ký hiệu Martha's Vineyard (MVSL) vốn đặc biệt quan trọng đối với lịch sử của Ngôn ngữ ký hiệu Mỹ (ASL), được sử dụng chủ yếu trên đảo Martha's Vineyard từ đầu thế kỷ 18 đến năm 1952. MVSL được sử dụng bởi cả người khiếm thính và người không khiếm thính; do đó, điếc không còn là rào cản đối với việc tham gia vào cuộc sống cộng đồng.
Đảo Martha's Vineyard. Ảnh: Jeanna Shepard
Ngôn ngữ ký hiệu Mỹ
Vào đầu những năm 1800, người Mỹ đi sau người châu Âu về kiến thức giáo dục người khiếm thính. Ở Scotland và Paris, nhiều nỗ lực đã được tiến hành để phát triển các phương pháp giao tiếp và dạy học cho người khiếm thính. Còn tại Hoa Kỳ, các nhà giáo dục không được cung cấp nguồn lực để dạy người khiếm thính.
Năm 1807, một bé gái hai tuổi ở thành phố Hartford, Connecticut có tên là Alice Cogswell bị sốt (có khả năng là viêm màng não) đã bình phục nhưng mất khả năng nghe. Lớn lên tính cách sáng sủa, ham học của cô bé đã thu hút sự chú ý của người hàng xóm Thomas Hopkins Gallaudet, sinh viên tốt nghiệp thần học Đại học Yale. Alice chính là nguồn cảm hứng để Gallaudet quyết định đi học từ các trường sư phạm khiếm thính châu Âu. Ông đã chọn Viện trẻ khiếm thính Quốc gia Paris. Ông thuyết phục Laurent Clerc, trợ lý của Cha Charles-Michel de l'Épée, cùng ông trở lại Hoa Kỳ. Trong 55 ngày của chuyến hành trình trở về, Gallaudet đã học ngôn ngữ ký hiệu từ Clerc, và Clerc học tiếng Anh từ Gallaudet.
Sau khi trở lại Hoa Kỳ, vào ngày 15/4/1817 Gallaudet thành lập Trường học dành cho người khiếm thính Hoa Kỳ (ASD) ở West Hartford, Connecticut; ban đầu được biết đến với cái tên The American Asylum, At Hartford, For The Education And Instruction Of The Deaf and Dumb.
The American Asylum, At Hartford, For The Education And Instruction Of The Deaf and Dumb.
Thomas Hopkins Gallaudet.
ASL bắt nguồn từ đầu thế kỷ 19 tại trường ASD. Các học sinh khuyết tật theo học tại ASD được dạy cách phát triển kỹ năng đọc viết, nghiên cứu kinh thánh về tầm quan trọng của Chúa và dạy nghề kiếm sống. Kể từ đó, việc sử dụng ASL đã được trường phổ biến rộng rãi cho các cộng đồng người khiếm thính.
Trường học dành cho người khiếm thính Hoa Kỳ (ASD) ở West Hartford, Connecticut. Ảnh: Sage Ross
Ngữ pháp ASL không liên quan đến ngữ pháp của tiếng Anh. ASL là một ngôn ngữ chủ ngữ-động từ-tân ngữ. Giống như tất cả các ngôn ngữ, ASL có nhiều cách nói khác nhau nhưng vẫn phù hợp. ASL tuân theo một số "trật tự từ" khác nhau tùy thuộc vào những gì cần thiết. Thứ tự từ được chọn tùy thuộc vào mức độ quen thuộc của người nghe với chủ đề và những gì người nói đang cố gắng diễn đạt. Ví dụ bình thường bạn nói "Anh có khỏe không ạ?" thì trong ngôn ngữ ký hiệu sẽ rút gọn còn "Khỏe không?".
Biểu cảm khuôn mặt là một thành phần quan trọng thiết yếu của thông tin ngữ pháp và cấu trúc ASL. Nét mặt phân biệt giữa câu hỏi và câu trả lời, sửa đổi trạng từ, chuyển tải giọng điệu cảm xúc, xác định mối quan hệ không gian và hơn thế nữa.
Bảng chữ cái
ASL sở hữu một bảng chữ cái gồm 26 ký hiệu, được sử dụng để đánh vần các chữ cái trong tiếng Anh. Ký hiệu cho chữ cái p và k sử dụng cùng một kiểu nhưng các hướng khác nhau.
Bảng chữ cái Ngôn ngữ Ký hiệu Mỹ.
Cuộc chiến giữa các phương pháp
Mỹ và châu Âu đã tranh cãi gay gắt về cách dạy người khiếm thính. Một bên muốn dựa vào thuyết pháp, phía bên kia ủng hộ cử chỉ. Ở giữa là những người theo chủ nghĩa kết hợp cả hai.
Vào năm 1880, Hội nghị quốc tế lần thứ hai về giáo dục người khiếm thính ở Milan đã có cuộc bỏ phiếu lựa chọn phương pháp thuyết pháp để dạy học sinh khiếm thính. Tuy nhiên, nhiều giáo viên đã không tham dự. Những người khiếm thính khắp nơi không được phép bỏ phiếu đều kinh hoàng và tức giận. Cuộc chiến về các phương pháp giáo dục người điếc đã trở nên rất bức xúc cho đến ngày nay và việc lựa chọn cách giao tiếp cho người khiếm thính được coi là một vấn đề nhân quyền.
Hệ thống viết
Hệ thống chữ viết đầu tiên dành cho ngôn ngữ ký hiệu dường như là của Cha Roch-Ambroise Cucurron người Pháp vào năm 1825. Tuy nhiên, ngày nay cách viết ngôn ngữ ký hiệu vẫn còn ít được sử dụng.
Roch-Ambroise Cucurron, Abbé Sicard.
So sánh các hệ thống viết ASL. Sutton SignWriting ở bên trái, tiếp theo là Si5s, sau đó là ký hiệu Stokoe ở giữa, với SignFont và dẫn xuất đơn giản ASLphabet ở bên phải.
Ngôn ngữ ký hiệu Việt Nam
Từ những năm 2000, Việt Nam bắt đầu triển khai những nỗ lực của mình nhằm hoàn thiện và hệ thống hóa Ngôn ngữ Ký hiệu chuẩn quốc gia. Các câu lạc bộ, nhóm dạy, sinh hoạt ngôn ngữ ký hiệu bắt đầu hình thành và nở rộ. Một số tài liệu khá công phu xuất hiện như 'Bộ 3 tập Ký hiệu cho người điếc Việt Nam' và 'Từ điển ngôn Ngữ ký hiệu Việt Nam'.
Tại Việt Nam hiện nay có rất nhiều phương ngữ ký hiệu khác nhau theo từng khu vực: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Đà Nẵng, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, ba phương ngữ ký hiệu được sử dụng chính là Hà Nội, Hải Phòng và Thành phố Hồ Chí Minh.
Một hoạt động do Chi hội Người điếc Hà Nội tổ chức. Ảnh: Phụ Nữ Việt Nam
Ngôn ngữ ký hiệu và cuộc sống
Dù có nhận ra hay không, nhưng chúng ta vẫn đã và đang sử dụng thủ ngữ rất nhiều trong cuộc sống hàng ngày. Chúng ta truyền tải ngôn ngữ thông qua các biện pháp không lời, tức là cử chỉ, điệu bộ, nét mặt…
Mỗi người (dù bình thường hay câm điếc) đều có sẵn kiến thức ngôn ngữ ký hiệu. Do ngôn ngữ ký hiệu phát triển hơn trong cộng đồng người khiếm thính, nên những người thuộc cộng đồng này của hai nước khác nhau có thể giao tiếp với nhau tốt hơn hai người bình thường mà không biết ngoại ngữ.
Một biện pháp đơn giản để nhận ra tầm quan trọng của ngôn ngữ không lời là bạn hãy thử nói chuyện mà nhắm mắt và hoàn toàn không cử động thân thể. Chỉ 30 phút thôi, bạn sẽ ngạc nhiên nhận thấy hiệu quả câu chuyện rất thấp. Chúng ta hoàn toàn mất phương hướng và khả năng phán đoán nếu không có các nét mắt của người đối thoại "hướng dẫn", cũng như nếu không dùng cử chỉ, điệu bộ thì hiệu quả truyền đạt củng giảm hẳn.
Do mỗi quốc gia, khu vực có lịch sử, văn hóa, tập quán khác nhau nên ký hiệu để biểu thị sự vật hiện tượng cũng khác nhau. Tuy nhiên, ký hiệu tất cả mọi nơi trên thế giới đều có những điểm tương đồng nhất định. Ví dụ: ký hiệu 'uống nước' thì nước nào cũng làm như nhau là giả bộ cầm ly uống nước, ký hiệu 'lái ô tô' thì giả bộ cầm vô lăng ô tô quay quay.
Như thế, ngôn ngữ ký hiệu tràn ngập trong cuộc sống của chúng ta, chúng ta có thể không nhận thức, nhưng nó vẫn tồn tại, phát triển và giúp cho cuộc sống tiện lợi, thoải mái hơn. Nói cách khác, chính những người bình thường "phát minh" ra ngôn ngữ ký hiệu, người câm điếc làm một việc là hệ thống hóa tất cả lại thành một ngôn ngữ của riêng họ.
Nhận biết về các ký hiệu băng đảng
Đã có một số vụ việc người vô tội sử dụng ngôn ngữ ký hiệu trở thành nạn nhân của bạo lực băng đảng do hiểu lầm. Các thành viên băng đảng đã tạo ra các hình dạng và ký hiệu bàn tay như một dạng thủ ngữ.
Đây là một điều cần cân nhắc khi dạy học sinh vì cộng đồng người khiếm thính thường mắc nhiều dạng khuyết tật. Trước tiên, học sinh cần phải tìm hiểu tránh mặc kiểu quần áo màu sắc, biểu tượng của băng đảng. Thứ hai, học sinh cần nhận thức được cách xử lý tình huống nguy hiểm. Ví dụ, nếu vô tình xúc phạm thành viên trong băng nhóm, cá nhân cần giải thích một cách lịch sự rằng ngôn ngữ ký hiệu là cách họ giao tiếp và không có ý xúc phạm. Cuối cùng, nên tránh bất kỳ tương tác nào với các thành viên băng đảng.
Các thành viên trong băng đảng đang thể hiện ký hiệu băng đảng. Ảnh: Milton Signman Walters
Chuẩn hóa và phổ biến ngôn ngữ ký hiệu
Hiện chỉ có 41 quốc gia trên thế giới công nhận ngôn ngữ ký hiệu là ngôn ngữ chính thức. Trên bình diện quốc tế, Ngôn ngữ ký hiệu Mỹ, Ngôn ngữ ký hiệu Anh và Ngôn ngữ ký hiệu Pháp được sử dụng phổ biến nhất.
Khoảng một nửa các tiểu bang ở Hoa Kỳ đang cấp tín chỉ trung học cho học sinh tham gia các khóa học ASL như một môn ngoại ngữ. Khoa học đã chứng minh rằng học ngôn ngữ thứ hai có thể làm tăng kích thước não bộ, cải thiện khả năng giao tiếp và nhận thức, đồng thời trì hoãn sự khởi phát của chứng sa sút trí tuệ và bệnh Alzheimer sau này vì ngôn ngữ ký hiệu hoàn toàn có độ phức tạp và tiếp cận cấu trúc não tương tự như các ngôn ngữ nói.
Mặc dù được sử dụng rộng rãi, không có số lượng thống kê chính xác người dùng ASL. Theo Cục Điều tra Dân số Hoa Kỳ, số lượng người khiếm thính ở Hoa Kỳ chiếm khoảng 3,6% dân số, khoảng 11,8 triệu người. Các thống kê từ Trung tâm Quốc gia về Phòng ngừa Thiên tai NCDP (National Center for Disaster Preparedness) đã ước tính có từ 250.000 đến 500.000 người sử dụng ASL. Đây là ngôn ngữ được sử dụng nhiều thứ năm ở Hoa Kỳ sau tiếng Tây Ban Nha, tiếng Ý, tiếng Đức và tiếng Pháp. Tuy vậy, ASL vẫn chưa được sử dụng rộng rãi.
Học ngôn ngữ ký hiệu bằng cách xem ảnh
Giphy đã phát hành một thư viện đặc biệt hữu ích mang tên Sign With Robert gồm 2.000 ảnh GIF bao gồm các từ và cụm từ khác nhau trong ASL. Nhóm đã xem xét và phê duyệt từng GIF để đảm bảo tính chính xác của các ký hiệu.
Hilari Scarl, giám đốc và nhà sản xuất tại Sign With Robert nói: "GIF như một định dạng hình ảnh không bị ràng buộc bởi âm thanh, khiến chúng trở thành một phương tiện hoàn hảo cho ngôn ngữ ký hiệu."
Nó cũng có thể mang lại lợi ích cho cộng đồng - bác sĩ, y tá, cảnh sát và nhân viên cấp cứu có khả năng cứu sống người nếu chỉ cần biết một vài ký hiệu.
Sự thật thú vị của thể thao Mỹ
Các tín hiệu mà các cầu thủ bóng chày sử dụng để giao tiếp với nhau là kết quả của một cầu thủ bóng chày bị điếc tên là William "Dummy" Hoy từ đội Chicago White Sox. Vào đầu những năm 1900, trọng tài thường phải hét lên trong tất cả các cuộc gọi, thế là Dummy và huấn luyện viên của anh ấy đã tìm ra một loạt tín hiệu để liên lạc bóng và các cú đánh.
William "Dummy" Hoy. Ảnh: George Grantham Bain
Phương pháp này bắt đầu được áp dụng và nhanh chóng trở nên thông dụng giữa những người chơi, huấn luyện viên và trọng tài. Theo thời gian, mọi môn thể thao lớn đều bắt đầu sử dụng một số loại ngôn ngữ ký hiệu. Nó truyền đạt chiến lược một cách tuyệt vời mà khiến đội khác phải đoán.