top of page
​AD
Lê Minh Tú

The Beach Boys Đã Cho Ra Đời Emo, Chillwave, Shoegaze, Dreampop và Lo-Fi

Câu chuyện về The Beach Boys và The Beatles có lẽ đến giờ fan của âm nhạc ai cũng phải thuộc nằm lòng.


Kiệt tác ‘Pet Sounds’ ra mắt năm 1966 cùng single ‘Good Vibrations’ đã thay đổi toàn bộ cách thức âm nhạc hoạt động, thúc đẩy con quái vật bốn đầu đến từ nước Anh phải nâng cao chất lượng trong phòng thu của mình để cho ra hai cú đấm trời giáng vào nền công nghiệp âm nhạc: double A-side ‘Strawberry Fields Forever’/‘Penny Lane’ và tất nhiên, ‘Sgt. Pepper’s Lonely Hearts Club Band’. Baroque pop, psychedelic rock, progressive rock, power pop, jazz rock, và nhiều hơn nữa… dường như mỗi một bài hát trên ‘Revolver' (1966) và ‘Sgt. Pepper’s Lonely Hearts Club Band’ (1967) đều góp phần kiến tạo nên một nhánh thể loại riêng biệt 50 năm về sau.


Ở tảng băng bên “bờ” The Beach Boys, có lẽ tất cả các fan của Beach Boys nói riêng và fan của shoegaze nói chung đều đã công nhận qua thời gian là sáng tác ‘All I Wanna Do’ năm 1970 (trong album ‘Sunflower’) đã đi trước thế giới khoảng vài trăm bước khi là một bản nhạc chillwave/shoegaze trước cả khi ông tổ của những thể loại kể trên ra đời hay các khái niệm đầu tiên về post-punk còn được định nghĩa: vocal lặn dưới guitar bị distort cũng như feedback.



Mãi đến cuối thập niên 2000, gần 40 năm sau khi ‘Sunflower’ ra mắt, chillwave mới thực sự được định hình và đặt tên khi Animal Collective ra mắt ‘Person Pitch’ năm 2007. Có người sẽ chỉ vào tiếng distorted guitar trong ‘Rain’ hay thứ hỗn mang có trật tự ‘Tomorrow Never Knows’ (và, nhân tiện, cũng là mẹ đẻ của psychedelic rock, EDM, và avant-pop) của The Beatles để kết luận rằng, đó mới chính là khởi nguồn của shoegaze. Thế nhưng, khi ta nhắc đến những âm thanh mà khoảng 20 năm trở lại đây Gen X và Gen Z vẫn quen thuộc trong các thể loại bedroom pop, shoegaze, lo-fi hay chillwave: The Beach Boys có lẽ mới chính là trụ cột, và Brian Wilson, không chỉ còn là tagline chiến dịch của Derek Taylor (thư ký báo chí cho The Beatles), là thiên tài có một không hai của thế kỷ XX, đứng ngang hàng với Phil Spector, hay Joe Meek.


Vào tháng 11/2009, Pitchfork đã đăng một bài xã luận về ‘Summer of chillwave’. Brian Wilson được nhắc đến như một “hình tượng quan trọng” trong suốt dòng nhạc indie mùa hè năm đó. Một biên tập viên giấu tên lập luận rằng những điểm tương đồng mang tính trừu tượng hơn là âm nhạc và ảnh hưởng của Wilson bắt nguồn từ “truyền thuyết” (cũng như Syd Barrett) về ông như một “anh chàng mong manh về mặt cảm xúc với các vấn đề về sức khỏe tâm thần phải đối mặt với việc sử dụng ma túy”.


Vâng, trong thời điểm mà thế giới âm nhạc mới chuyển bước sang progressive rock và hard rock/metal, hơn hai thập kỷ trước những cái tên tiêu biểu khai phá thể loại shoegaze — Slowdive, My Bloody Valentine, thời mà bố mẹ của Billie Eilish chỉ mới lên 10, hay 16 năm trước khi Kevin Parker của Tame Impala ra đời, thì The Beach Boys đã “cầm đèn chạy trước cả dòng xe còn đang tắc nghẽn” theo nghĩa tích cực nhất có thể khi “đẻ” ra đồng thời lo-fi (album Smiley Smile), chillwave/bedroom pop (‘All I Wanna Do’) và sớm hơn nữa là toàn bộ album ‘Pet Sounds’ — emo.



Nhờ vào sự trợ giúp của các nhạc sĩ từ The Wrecking Crew, lyrics của Tony Asher, cũng như ảnh hưởng không nhỏ từ gã điên Phil Spector và kỹ thuật “Wall of Sound” của y, Brian Wilson đã dẫn dắt đội ngũ The Beach Boys và nâng âm nhạc đại chúng lên một tầm cao mới, kết hợp các yếu tố của jazz, những nhạc cụ nằm ngoài cái ta tưởng tượng được của một ban nhạc “rock” có thể áp dụng vào, ví như: chai Coca-Cola.


Thế lý do gì mà ‘Pet Sounds’, một bản thu đậm chất liệu được đánh giá bởi nhiều người là “sến súa” cũng như aesthetic hoàn toàn “ngoan hiền” mà đập vào mắt là bìa album như thể quay ngược lại thời gian tầm 10 năm lại được tính là một album “emo”? Điều rõ rệt nhất là chủ đề mà nó đề cập.


Ở những năm 1965 - 1967, khi ca từ của đa số các ban nhạc là về tình yêu thương, đặc thù của phong trào flower power (‘The Word’, ‘All You Need Is Love’ là các ví dụ điển hình), thì điều Beach Boys làm là một sự rẽ trái hoàn toàn. The Beach Boys cũng hoàn toàn làm được những điều kể trên một cách thượng thừa (‘Wouldn’t It Be Nice’, ‘California Girls’), chỉ là khi Brian Wilson đã chọn một ngạch hoàn toàn riêng biệt khi nói về cái chết/nỗi thống khổ của sự tách biệt với đám đông (‘I Just Wasn’t Made For These Times’), đau đớn vì người tình rời xa (‘Caroline, No’).




Ta dễ có thể so sánh với cái lối ca từ chua chát trên ‘Pet Sounds’ với một số bài hát của Bob Dylan như ‘Like A Rolling Stone’ (câu “How does it feel?” cứ lặp đi lặp lại, với mỗi lần nói như một lần đay nghiến nhân vật nữ chính trong bài).


Nếu nghe thực sự kỹ, bạn sẽ thấy concept album ‘Pet Sounds’ “đen tối” hơn rất nhiều mà bề mặt thể hiện. Ca khúc tình yêu vĩ đại nhất, ‘God Only Knows’ lại bắt đầu bằng câu “I may not always love you”, hay trình tự của album sắp xếp lôi cuốn người nghe vào từ sự tích cực có phần ngây thơ trong ‘Wouldn’t It Be Nice’ để dẫn đến ‘Caroline, No’ — nơi tình yêu kết thúc chóng vánh, cuối cùng là tiếng đoàn tàu băng ngang.



Có lẽ album này buồn nhiều hơn là vui, nhưng điều đó là chưa đủ để ta có thể xác định ‘Pet Sounds’ là một album emo.



‘Pet Sounds’ emo vì nó có một sự day dứt, hay chính xác hơn là “cay cú” có thể tìm thấy trên các album emo về sau của My Chemical Romance, hay Fall Out Boy. Ca từ của ‘Pet Sounds’ nếu chỉ dừng lại ở nỗi buồn mà không có sự lặp đi lặp lại có chủ ý: “Listen, listen, listen” trên ‘Don’t Talk’ hoặc “I wanna cryyy” kéo theo đó là dàn nhạc thì ta đã không có gì để nói. Hoặc một ví dụ nữa, là ‘I’m Waiting For The Day’. Khởi đầu của bài hát muốn ta đồng cảm với người hát khi anh đã chấp nhận việc người tình mình đã ra đi và như tiêu đề, sẽ đợi để cô sẵn sàng yêu lần nữa. Nhưng, cuối cùng thì nhân vật chính đã “xuất đầu lộ diện” bản chất thật của mình (đây là bait-and-switch căn bản) và nhất quyết không để người tình của mình đi theo người khác, có phần sở hữu và ích kỷ, y như sáng tác ‘Run For Your Life’ của Lennon.


‘Pet Sounds’ không khác gì “linh hồn” của Brian muốn thoát ra khỏi sự kiềm cặp của band cũng như những lần đi tour không ngừng nghỉ để làm hài lòng công chúng, sự hứng thú với các chất thức thần như LSD (phản ánh qua bản gốc của ‘I Know There’s An Answer’ đó là ‘Hang Onto Your Ego’) và về sau là amphetamine, cocaine, heroin và nỗi khao khát muốn đánh bại The Beatles trên trường âm nhạc để rồi dẫn đến dự án dở dang ‘Smile’ mà đáng lẽ sẽ tồn tại nếu không vì tâm lý bất ổn của mình và những người làm ông càng đi vào tận cùng khổ đau khác qua năm tháng.


Song đó lại là một câu chuyện hoàn toàn khác về những nhân vật quan trọng nhất của thời kỳ quan trọng nhất thế kỷ XX trong âm nhạc.

コメント


Không bao giờ bỏ lỡ bản tin mới

Đăng ký nhận thư từ Ngoài Kia

Cảm ơn bạn. Chúng tôi sẽ liên hệ sớm.

bottom of page