top of page
​AD
Hòa Nguyễn

Tháp Hòa Phong - Những Thông Tin Chưa Thấy Trước Đây

Nằm ngay bên bờ Hồ Gươm, tháp Hòa Phong lặng lẽ khiêm nhường giữa dòng người lại qua, mấy ai biết tòa tháp chứa bao câu chuyện kỳ thú.

Tháp Hòa Phong năm 1884. Ảnh: Charles Édouard Hocquard


Nhiều người còn nghĩ là nằm trong quần thể tháp Rùa mang một ý nghĩa tâm linh nào đó, bởi cho rằng tháp Rùa một thời là hậu chẩm hoặc minh đường cho ngôi chùa lừng danh được ví như động tiên một thuở: chùa Báo Ân.


Nhưng nếu kể cả chuyện về ngôi chùa thì e quá dài, và nhiều tấm ảnh chưa mấy người được xem, những thông tin rất nhiều người thắc mắc nhưng tạm thời chưa thể công bố, bởi chỉ riêng chuyện về ngôi tháp nhỏ cũng đủ tốn khá thời gian.



Bài viết này xin chỉ đề cập tới ngôi tháp rất gọn ghẽ nhưng khá đủ thông tin. Cũng là bởi vì đọc khá nhiều tài liệu, cả những bài viết nghiên cứu sâu về chuyên đề, vẫn thấy chưa đủ, thậm chí có cái gì đó sai sai. Có lẽ do trước đây người ta chưa có đủ tài liệu, hoặc vì một lý do bất khả kháng nào đó mà hơi vội vàng viết cho xong chuyện chăng?


Bởi có người cho rằng mặt trước chùa có tam quan trông ra sông Hồng, lưng quay về hồ (đáng tiếc là ý này được khá nhiều người cóp nhặt, hư truyền, bất kể hàng loạt bản đồ từ thời Pháp mới chiếm Hà Nội, nghĩa là khi chùa vẫn còn nguyên chưa bị cướp phá, vẽ rõ rằng chùa nhìn ra hồ mà lưng thì còn rất xa mới tới bờ sông Hồng), rồi thì chùa bị Pháp phá từ những năm cuối 1880, trong khi ảnh chụp năm 1896 và thậm chí khi đã có tầu điện chạy qua tháp Hòa Phong thì vẫn thấy đôi mái nhà của chùa vẫn còn, thậm chí nguyên cả tam quan và chùa.


Rồi thì tổng đốc Nguyễn Đăng Giai hưng công xây chùa với tư cách tổng đốc Hà Nội từ 1841 hoặc 1842, dù rằng tài liệu triều Nguyễn chép rõ, mãi tới 1841 vua Thiệu Trị mới giao ông giữ thự (tạm quyền) tổng đốc Ninh Thái (Bắc Ninh-Thái Nguyên) kiêm Tổng đốc Bắc Ninh, từ tháng Giêng năm 1843 giữ thự Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên rất bận với việc đánh dẹp, trị an rồi về chịu tang cha cuối 1844.



Xong, quay lại Tuyên ngay để lại dẹp quân chống đối triều đình. Mãi tới 1846 mới được giao làm tổng đốc Hà Ninh (Hà Nội-Ninh Bình). Từ cuối 1847 đầu 1848 khởi triều Tự Đức, mới nhận chức Thương thư Bộ Hình (có lẽ sớm nhất từ đây dân mới có thể gọi là chùa Quan Thượng, mặc dù thuyết phục hơn là kể từ năm 1854 sau khi ông mất tại quân doanh Hà Nội trong khi đang đảm nhận chức Kinh lược, dân gọi để ghi công ông đã tạo một danh thắng hàng đầu đất nước, lại ngay trung tâm Thăng Long, vì cùng thời cụm đền Ngọc Sơn mới được sửa sang khởi tạo, phải gần hai chục năm sau mới được thần Siêu định hình đầy đủ).


Thậm chí có chuyên gia còn phê rằng gọi là tháp Hòa Phong mà chẳng có chữ nào thể hiện điều ấy…


Để thấy rằng đây là quần thể rất đặc biệt, đẹp lộng lẫy ở Thăng Long, xin mở đầu bằng đoạn ca dao truyền tụng: "Gần xa nô nức tưng bừng. Vào chùa Quan Thượng xem bằng động tiên". Vậy mà chỉ sau một năm tập trung công sức của rất nhiều thợ có tay nghề hàng đầu đất Bắc, và tiền của của rất nhiều người đặc biệt của dân chúng Thăng Long (dù Thăng Long khi này chỉ còn lưu truyền trong dân chúng sau khi bị vua Minh Mạng xóa bỏ hẳn tên), chùa Báo Ân đã được khánh thành vào năm Thiệu Trị thứ 7 (năm 1847).



Tất nhiên có thể nhiều người nghi ngờ về thời khoảng này, nhưng sao không thể nhỉ? Trên khu đất gần 100 mẫu của quần thể chùa Báo Ân với 36 tòa nhà 180 gian, tháp Hòa Phong khiêm nhường chỉ chiếm 1 ô vuông mỗi chiều chưa tới 3m, vỏn vẹn chưa tới 80 thước vuông, khoảng 2 phần vạn tổng diện tích. Kiến trúc ngôi tháp hình vuông gồm có 3 tầng chính và phần tháp mái khá độc đáo, có tổng chiều cao là 6m. Riêng tầng 1 đã có chiều cao hơn 3m. Cứ tưởng như rất giống những tòa tháp ở bất cứ chùa chiền nào trên đất Việt, song tháp Hòa Phong lại ở bên ngoài khuôn viên chùa chính chứ không ở bên trong như mọi ngôi tháp khác.


Và phong cách thì lại còn khác nữa. Toàn bộ tháp xây bằng gạch Bát Tràng nhưng để mộc, không trát vữa, song mạch rất nhẵn và mặt tường rất phẳng tạo vẻ đẹp mộc mạc nhưng khá ấn tượng. Đã thế lại có 4 cổng vòm (nên còn được gọi là tứ môn tháp) mở gần như theo hướng chính Đông, chính Tây, chính Nam, chính Bắc với trang trí đối xứng.


Trên đỉnh vòm hướng Đông (nhìn sang Bưu điện quốc tế) có 3 chữ Báo Phúc môn 门福報 tức là cửa báo Phúc.



Trên đỉnh vòm hướng Nam (nhìn về phía phố Hàng Bài, Hàng Khay) có 3 chữ Báo nghĩa môn 门義報 tức là cửa báo Nghĩa.


Trên đỉnh vòm hướng Tây (nhìn ra hồ) có 3 chữ Báo Đức môn 门德報 tức là cửa báo Đức.


Trên đỉnh vòm hướng Bắc (nhìn về hướng đền Bà Kiệu, cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn) có 3 chữ Báo ân môn 门恩報 tức là cửa báo Ơn.

Tranh vẽ sưu tầm Tháp Hòa Phong và chùa Báo Ân.


Phúc Đức Ân Nghĩa cũng thể hiện một quan niệm rất rõ ràng không chỉ trong Phật pháp mà còn trong cuộc sống đời thường, từ khi sinh ra đã chịu ân nghĩa của bố mẹ, lớn lên có sự giáo dục giúp đỡ của thầy bạn, yên ổn làm ăn vui sống là nhờ ơn vua và thần Phật giữ cho đất nước thanh bình thịnh vượng, nhờ công của bao người lao động mang lại cơm rau cá thịt, áo mũ giày dép, công cụ lao động và tiện nghi sinh hoạt, vui chơi… Vì thế nên sống có đức, có nghĩa, biết đền ơn và mang lại niềm vui, chia sẻ với đồng loại, giúp đỡ người gặp khó, bất hạnh… Như thế sẽ được hưởng phúc, an lành không chỉ cho mình, mà còn cho cả gia đình, con cháu về lâu dài.

Khác lạ vẫn còn ở tháp Hòa Phong, bởi hiếm có (có thể là độc nhất vô nhị) tòa tháp nào trong kiến trúc Phật giáo mà tầng 1 lại vừa to, vừa cao hơn hẳn các tầng trên (có lẽ sau này Tháp Rùa cũng học theo motip này). Dù tường bao vẫn giữ kích thước như tầng 1, được trang trí bằng các đường viền hồi văn giao hóa. Ở 4 góc đường hồi này xây 4 trụ vuông trên mỗi trụ đặt một con nghê. Hai con phía gần hồ đứng theo hướng Tây Đông, hai con phía mép đường Đinh Tiên Hoàng đứng theo trục Bắc Nam song song với đường. Tuy nhiên cả 4 con đều quay măt hướng Đông, dường như luôn luôn chờ ánh mặt trời lên roi chiếu.

Thân tháp tầng 2 thu nhỏ lại, chỉ rộng khoảng 1m, cao 1,2m. Chính giữa thân lõm vào một ô vuông, mặt Đông và Tây là hai hình bát quái đối xứng, thể hiện phần đặc trưng thiếu âm theo phong thủy trong kiến trúc, sẽ được các chú nghê lấy ánh dương bù đắp. Ở hai mặt Bắc Nam lại có hai chữ Phạn đối xứng. Hai chữ này phiên âm sang tiếng Hán là Án, lấy từ mở đầu câu chân ngôn 6 chữ Án Ma Ni Bá(t) Mê Hồng được coi là câu thần chú cầu Quan Thế Âm Bồ Tát, vốn là câu chân ngôn quan trọng và lâu đời nhất của Phật Giáo, có tên là Lục tự Đại minh chân ngôn, nghĩa là câu niệm cầu sáng rõ gồm 6 chữ. Bất cứ khi gặp khó khăn, phật tử thương mở đầu những câu tụng niệm bằng 6 từ này hy vọng được Phật giúp trừ tà ma, giải nạn chướng, trị liệu bệnh tật bởi sự vi diệu của lời thỉnh cầu, thậm chí đây còn là tiếng hô hoán đầu tiên của thầy pháp khi cúng tế làm phép.


Tầng 3 của tháp thu lại một chút còn mỗi chiều 0,8m, cao 1m. Ở chính giữa thân, mặt Bắc và Nam đều có 3 chữ Báo Thiên tháp 㙮天報, phải chăng quan Thượng Nguyễn Đăng Giai muốn gợi nhớ lại tòa tháp Báo Thiên nổi tiếng từ đầu thời Lý nằm ở phía bờ bên kia Hồ Gươm. Cũng chính giữa thân tầng 3 của tháp, mặt Đông và Tây lồ lộ 3 chữ Hoà Phong tháp 㙮風和. Vậy mà nhiều nhà nghiên cứu có lẽ không tường minh đến thực địa kêu toáng lên rằng chẳng có biểu hiện nào tháp mang tên Hòa Phong.


Cũng phải thấy Quan Thượng khá tế nhị đặt tên tháp là Hòa Phong bởi ý nghĩa gió lành, mát mẻ, có lẽ muốn nhấn mạnh rằng từ khi ngài nhậm chức, thành Thăng Long tỉnh Hà Nội trở nên yên ổn thanh bình, dân cư no ấm, giáo dục văn chương lễ nghi phong hóa phát triển.

Nhưng tiếp theo vẫn còn một tầng nữa, gọi là tầng mái cũng được, mà gọi là đỉnh tháp cũng hay. Cấu trúc phần này gồm 1 đế hình vuông, trên có một cái bệ thân vuốt nhỏ đỉnh xòe ra như một đài hoa đỡ hồ lô phía trên cùng. Tổng chiều cao của tầng mái (hoặc đỉnh tháp) kể cả hồ lô là 0,8m. Ai có lẽ cũng biết rằng, hồ lô thường được dùng để làm bình đựng nước, rượu hoặc làm bình giữ thuốc, linh đan. Các đạo sĩ sử dụng để thu tà khí, bắt giữ các linh hồn xấu, ban cuộc sống trường thọ và sức khỏe viên mãn, bảo vệ con người khỏi tai ương, cái chết không tự nhiên và bệnh tật nặng nề.


Do vậy, nhiều người coi hồ lô như một tấm bùa hộ mệnh, giúp xua đuổi quỷ dữ và giúp con người sống lâu hơn. Hồ lô đặt ngay lối vào chùa Báo Ân giúp người tới hành lễ có tinh thần thoải mái bởi niềm tin mọi cái xấu, tà khí sẽ được gột rửa trước khi vào chùa và ra về sẽ khỏe mạnh, bớt tai ương và hưởng cuộc sống thọ hơn.

Có lẽ đó là điều mà Quan Thượng mong muốn, gửi gắm cho con dân Hà Thành.



Tác giả: Thúy Vân

Comments


Không bao giờ bỏ lỡ bản tin mới

Đăng ký nhận thư từ Ngoài Kia

Cảm ơn bạn. Chúng tôi sẽ liên hệ sớm.

bottom of page