top of page
​AD
Hồ Tri Thức

Thảm Sát Mỹ Lai - Những Lính Mỹ Đó Giờ Ra Sao?

Câu chuyện về bi kịch thảm sát dân thường lớn nhất của Quân đội Hoa Kỳ được công khai trong thế kỷ 20.

Bên trái: William Calley, người chịu trách nhiệm về vụ thảm sát tại Mỹ Lai, tại Câu lạc bộ Kiwanis ở Columbus, Georgia, năm 2009, nơi ông ta lần đầu tiên công khai nói về Mỹ Lai; bên phải: Calley tại phiên điều trần trước khi xét xử ở Fort Benning năm 1970. Ảnh tổng hợp: Bình Đặng

Sự kiện thảm sát Mỹ Lai trong Chiến tranh Việt Nam do khoảng 100 lính Mỹ sát hại khoảng 350 đến 504 thường dân không có vũ khí bao gồm đàn ông, phụ nữ, trẻ em và trẻ sơ sinh vào ngày 16/3/1968 ở huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.


Một số phụ nữ bị hãm hiếp tập thể và cơ thể của họ bị cắt xẻo, một số binh lính còn cưỡng hiếp trẻ em mới 12 tuổi.



26 binh sĩ Mỹ bị buộc tội hình sự nhưng chỉ có Trung úy William Calley Jr., trung đội trưởng của Đại đội C bị kết tội giết 22 dân làng. Ban đầu ông ta bị kết án chung thân nhưng sau đó Tổng thống Mỹ Richard Nixon miễn án và chỉ bị quản thúc tại gia 3 năm rưỡi.


Vụ thảm sát đã gây ra sự phẫn nộ trên toàn thế giới khi được công bố vào tháng 11/1969, góp phần tạo ra sự phản đối trong nước Mỹ đối với việc Hoa Kỳ can dự vào Chiến tranh Việt Nam, cả vì quy mô giết chóc và các nỗ lực nhằm che đậy.


Trung uý William Laws Calley Jr.



William Calley chỉ huy một trong ba trung đội của Đại đội Charlie và chịu trách nhiệm về vụ thảm sát tại Mỹ Lai, là lính Mỹ duy nhất bị kết tội. Ban đầu, ông ta bị kết án tù chung thân nhưng chỉ thụ án được 3 ngày vì Tổng thống Richard Nixon đã ra lệnh giảm án cho ông ta. Sau 3 năm bị quản thúc tại gia, ông ta kết hôn và làm việc tại cửa hàng trang sức của bố vợ. Calley, 80 tuổi, hiện đang sống ở thành phố Atlanta, tiểu bang Georgia.


Năm 2009, ông Calley đưa ra lời xin lỗi ngắn gọn trong một buổi nói chuyện tại cuộc họp của Câu lạc bộ Kiwanis ở Columbus, tiểu bang Georgia.


“Không một ngày nào trôi qua mà tôi không cảm thấy hối hận về những gì đã xảy ra ở Mỹ Lai ngày hôm đó,” ông ta nói về Mỹ Lai công khai lần đầu tiên. “Tôi cảm thấy thương tiếc cho những người Việt Nam đã thiệt mạng, cho gia đình của họ, cho những người lính Mỹ có liên quan và gia đình của họ. Tôi rất xin lỗi."


Năm 2018, Smithsonian đề nghị William Calley cơ hội đến Việt Nam để xin lỗi các nạn nhân đã chết và còn sống cùng gia đình họ, ăn năn, thừa nhận và cầu nguyện trước các linh hồn, nhưng ông đã từ chối.



Đại tá Oran Kenneth Henderson



Vụ thảm sát Mỹ Lai xảy ra vào ngày đầu tiên của Oran Henderson với tư cách là chỉ huy lữ đoàn, sự nghiệp đã đưa ông ta tham gia ba cuộc chiến và mang về bốn Huy chương Trái tim Tím, năm Huy chương Đồng và năm Huy chương Ngôi sao Bạc.


Sau cuộc điều tra sơ bộ về Mỹ Lai, ông Henderson báo cáo rằng 20 thường dân Việt Nam đã vô tình thiệt mạng trong các cuộc pháo kích hoặc bị trúng đạn lạc. Ông Henderson bị đưa ra tòa án binh vì tội lơ là nhiệm vụ, sĩ quan cấp cao nhất bị xét xử. Ông được tha bổng vào năm 1971.


Ông nghỉ hưu với quân hàm đại tá vào năm 1974 và ba năm sau trở thành giám đốc phòng dân sự của bang Pennsylvania. Ông qua đời năm 1998 ở tuổi 77 vì bệnh ung thư tuyến tụy.



Trung tướng William Ray Peers



Trung tướng William Peers và hai luật sư dân sự trợ lý của ông từ New York được chọn để đứng đầu cuộc điều chất vấn khoảng 400 nhân chứng, trong đó có 50 người ở Việt Nam, để đưa ra bản báo cáo liên quan đến hàng chục binh sĩ Mỹ và các cấp lãnh đạo trong vụ thảm sát Mỹ Lai.


William Peers là lính Mũ nồi xanh và lực lượng đặc biệt đã tiến hành các hoạt động phản gián bí mật trong Chiến tranh Triều Tiên được vinh danh trong Thế chiến thứ hai, đồng thời là Giám đốc Văn phòng Lực lượng Dự bị, nổi tiếng là khách quan và công bằng, từng phục vụ tại Việt Nam với tư cách là Tư lệnh Sư đoàn Bộ binh 4 và Tư lệnh Lực lượng dã chiến I.


Ông Peers biết rằng nhiệm vụ này sẽ khiến ông bị phỉ báng vì làm xấu hình ảnh của Quân đội Mỹ.


“Ông làm việc này cho tôi, và tôi đảm bảo rằng ông sẽ có được ngôi sao thứ tư đó,” Tham mưu trưởng Lục quân Hoa Kỳ William Westmoreland nói với ông Peers, theo lời kể của Christina Peers Neely, con gái của ông Peers.


Tuy nhiên, sau đó ông Peers lại được giao nhiệm vụ phó chỉ huy phục vụ dưới quyền một vị tướng bốn sao tại Hàn Quốc.


Quân đội nghĩ rằng Trung tướng Peers là một người “gọi dạ bảo vâng” nhưng khi ông Peers công bố báo cáo cuối cùng thì họ mới phát hiện ra rằng ông không phải là người như vậy. Báo cáo của ông ấy khá chính xác về những gì xảy ra ở Mỹ Lai ngày hôm đó.


“Ông ấy đã làm xấu hình ảnh của Quân đội Hoa Kỳ. Ông ta bị trừng phạt còn những kẻ giết người thì không,” Christina Neely nói. “Ông ấy kinh hoàng vì điều đó.”


William Peers qua đời vì cơn đau tim vào năm 1984 ở tuổi 69.



Chuẩn uý Hugh Clowers Thompson Jr.



Hugh Thompson Jr., sĩ quan quân đội 25 tuổi và phi công trực thăng đến từ tiểu bang Georgia đã mạo hiểm mọi thứ, kể cả mạng sống của mình, để ngăn chặn lính Mỹ tàn sát thường dân Việt Nam.


Ông Thompson cùng phi hành đoàn hai người của mình bay qua Mỹ Lai trên một chiếc trực thăng quan sát, đã liên tục hạ cánh để đối đầu với các sĩ quan cấp trên và những người lính khác tham gia vụ thảm sát. Ông ấy đã nhiều lần cảnh báo qua vô tuyến và một lần nữa khi ông ấy trở lại trại căn cứ.


Trong nhiều năm, hành động anh dũng của ông Thompson đã khiến ông ấy bị đồng đội coi thường, thù ghét, xa lánh, thậm chí bị Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện Hoa Kỳ Mendel Rivers tố cáo là kẻ phản bội.


“Nó làm tan nát trái tim của Hugh,” Lawrence Colburn, xạ thủ trực thăng của ông nhớ lại. “Nhưng nó không phá vỡ ý chí của ông ấy.”


“Trong suốt hai năm điều trần về vụ Mỹ Lai, Thompson đã nói lên sự thật bất chấp áp lực của đồng đội tẩy chay, các mối đe dọa truy tố và sự chỉ trích của Quốc hội được truyền hình toàn quốc,” theo William Eckhardt, công tố viên trưởng của Lục quân Hoa Kỳ.


Ông Thompson tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ quan sát ở Việt Nam, bất chấp những nghi ngờ rằng những nhiệm vụ này được giao để cố ý giết ông ta. Ông ấy đã bị trúng đạn của địch tổng cộng tám lần và trong lần va chạm cuối cùng sau khi máy bay trực thăng của ông ấy bị bắn hạ bởi hỏa lực súng máy của địch, ông ấy đã bị gãy lưng.


Năm 1998, Quân đội Hoa Kỳ đã trao tặng Huân chương Chiến sĩ cho Hugh Thompson và phi hành đoàn của ông trong một buổi lễ gần Đài tưởng niệm Việt Nam.


Đúng 30 năm sau vụ thảm sát Mỹ Lai, Hugh Thompson và Lawrence Colburn trở lại Việt Nam để gặp một số người được họ cứu sống năm xưa.


Hugh Thompson qua đời vì bệnh ung thư ở tuổi 62 vào năm 2006.



Quân nhân chuyên nghiệp Lawrence Manley Colburn



Lawrence Colburn, xạ thủ trực thăng 18 tuổi, người đã giúp giải cứu hàng chục người khỏi vụ thảm sát Mỹ Lai, tham gia vào một cuộc đối đầu căng thẳng với các đồng đội chuẩn bị tàn sát một nhóm dân thường trốn trong một boong-ke.


Khi phi công Hugh Thompson từ trên không phát thanh yêu cầu sơ tán thường dân ra ngoài, ông Colburn và Glenn Andreotta chĩa súng về phía quân bất hảo, sẵn sàng bắn vào lính Mỹ nếu họ bắn vào ông Thompson hoặc dân thường.


Ông Colburn nói rằng lúc đó ông ấy không chắc chắn liệu mình có bị đuổi khỏi quân đội hay không.


“Đó luôn là câu hỏi 64.000 đô la,” ông ấy nói trong một cuộc phỏng vấn năm 2016. “Nếu tôi đã biết những gì tôi biết bây giờ… khoảng 125 trẻ em dưới 5 tuổi đã bị giết. Nếu tôi biết điều đó, thì vâng, tôi đã nổ súng rồi.”


Ông Colburn đã làm chứng trong các phiên điều trần và trong các phiên tòa quân sự vụ án Thảm sát Mỹ Lai, mà theo ông, đó chỉ là “việc che đậy”. Ông ấy quay trở lại Georgia sau khi rời quân đội và mở một công việc kinh doanh nhỏ.


Nhưng Mỹ Lai đã ám ảnh ông.


“Nó đã lấy đi một phần lớn cuộc sống của chúng tôi,” ông Colburn nói. “Chúng tôi cảm thấy thật tồi tệ khi không can thiệp sớm hơn, rằng chúng tôi không thể làm gì hơn. Chúng tôi đã hoàn toàn loại bỏ từ ‘anh hùng’ ra khỏi vốn từ vựng của mình.”


Sau khi Quân đội Hoa Kỳ công nhận muộn màng những hành động của Hugh Thompson, Glenn Andreotta và Lawrence Colburn vào năm 1998 với Huân chương Chiến sĩ, ông Colburn đã có những buổi nói chuyện và cùng ông Thompson đến thăm Việt Nam, và sau khi ông Thompson qua đời đã thành lập một quỹ mang tên Hugh Thompson Foundation.


Nhưng không có gì có thể xóa đi quá nhiều đau khổ.


“Ở Mỹ Lai, hàng lít nước mắt đã rơi,” ông Colburn nói. “Tôi đã nói điều đó được 47 năm rồi. Thật khó để làm điều đó một mình. Và tôi không thể nói cho bạn biết tôi nhớ ông Thompson đến mức nào.”


Hugh Thompson, Glenn Andreotta và Lawrence Colburn được ghi nhận đã cứu được 11 mạng sống ngày hôm đó.


“Một số học giả nói rằng chúng tôi đã cứu được khoảng 20.000 sinh mạng vì chiến dịch đó được cho là sẽ diễn ra trong bốn ngày, tấn công một ngôi làng vào buổi sáng, tấn công một ngôi làng vào buổi chiều và có tới 20.000 người sống trong cả 8 ngôi làng đó. Bằng hành động và lời phàn nàn của chúng tôi, hoạt động đã bị dừng sau bốn giờ,” ông Thompson nói trong bài thuyết trình tại Học khu Burnaby, Canada.


Lawrence Colburn qua đời vì bệnh ung thư vào năm 2016 ở tuổi 67 tại nhà riêng gần Atlanta, Georgia.



Quân nhân chuyên nghiệp Glenn Urban Andreotta



Glenn Andreotta, 20 tuổi, đang thực hiện chuyến đi thứ hai đến Việt Nam với nhiệm vụ là trưởng phi hành đoàn trên chiếc trực thăng trinh sát OH-23 Raven của Chuẩn uý Hugh Thompson.


Trong khi Hugh Thompson đang quay trở lại căn cứ để tiếp nhiên liệu, ông Andreotta phát hiện chuyển động trong một mương chứa khoảng 100 thi thể. Sau khi lội qua xác chết của những người đàn ông, phụ nữ và trẻ em đang hấp hối, ông Andreotta cứu vớt ra một cậu bé còn sống và giao cho Lawrence Colburn.


Hugh Thompson đã mô tả:


“Glenn Andreotta—nếu có một anh hùng, tôi không thích từ đó, nhưng nếu có một anh hùng ở Mỹ Lai—thì đó là Glenn Andreotta, bởi vì anh ấy nhìn thấy chuyển động trong con mương đó, và anh ấy đã nhảy xuống mương đó. Tôi không muốn đi vào cái mương đó. Nó không đẹp. Nó đã rất tệ. Tôi có thể tưởng tượng điều gì đang diễn ra trong tâm trí anh ấy ở dưới đó, bởi vì còn nhiều người vẫn còn sống, mọi người túm lấy quần anh ấy, cầu cứu. ‘Tôi không thể giúp bạn. [Tình trạng của] bạn quá tệ’. Anh ta tìm thấy một đứa trẻ này và mang đứa trẻ trở lại và giao nó cho Larry, rồi chúng tôi đặt nó ngang qua Larry và lòng tôi rồi đưa nó ra khỏi đó. Tôi nhớ mình đã nghĩ Glenn Andreotta đã đặt mình vào nơi mà không ai có đầu óc tỉnh táo muốn đến, và anh ấy đã bị điều gì đó thúc đẩy. Tôi còn chưa đáp chiếc máy bay trên mặt đất thực sự ổn định. Anh ta lao ra khỏi chiếc máy bay và lao xuống con mương. Bây giờ anh ấy đã là một anh hùng. Glenn Andreotta đã hiến mạng sống cho đất nước của mình khoảng ba tuần sau đó. Anh ấy là người như vậy và ngày đó anh ấy là một anh hùng.”


Glenn Andreotta tử trận cùng một đồng đội ba tuần sau đó khi chiếc trực thăng trinh sát của ông bị trúng đạn và rơi khi được lệnh hộ tống hai pháo hạm đến phía Tây Nam Quảng Ngãi để tấn công và tiêu diệt kẻ thù. Ông Andreotta bị giết ngay lập tức bởi hỏa lực từ mặt đất, một phát đạn duy nhất vào đầu.


Glenn Andreotta đã được truy tặng Huân chương Ngôi sao Đồng vì đã tham gia giải cứu nạn nhân ở Mỹ Lai, mặc dù bản báo cáo đã bị làm sai lệch rằng những nạn nhân đã “trốn trong một hầm trú ẩn nằm giữa lực lượng thiện chiến và lực lượng thù địch đang giao tranh trong một cuộc đọ súng dữ dội”, với chữ ký của Hugh Thompson đã bị giả mạo trên bản báo cáo của nhân chứng.


Glenn Andreotta được truy tặng Huân chương Chiến sĩ năm 1998.



Trung sĩ Ronald L. Haeberle



Ronald Haeberle là một trung sĩ tham mưu kiêm nhiếp ảnh gia Quân đội theo trung đội 3 của Đại đội Charlie vào xóm nhỏ ở Sơn Mỹ.


Những bức ảnh của ông Haeberle là bằng chứng không thể phủ nhận rằng tội ác chiến tranh đã xảy ra.


Ông ấy xuất bản những bức ảnh lần đầu tiên trên tờ báo lớn The Plain Dealer tại thành phố Cleveland, tiểu bang Ohio, sau đó bán ảnh cho Tạp chí Life. Ông Haeberle tuyên bố rằng ông đã không giao cuộn phim ảnh gốc của mình cho lữ đoàn vì ông ấy tin rằng nó sẽ bị phá hủy.


Ông Haeberle còn sống ở Ohio, hiện 82 tuổi. Ông làm quản đốc tại các nhà máy sản xuất cho đến khi nghỉ hưu. Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 9/1969 với The Plain Dealer Cleveland, Haeberle nói rằng ông ấy cảm thấy bất lực trong việc ngăn chặn vụ thảm sát hoặc báo cáo chúng.


“Tôi đã bị tê liệt. Tôi không thể hiểu tại sao những đứa trẻ nhỏ, những người phụ nữ lại bị giết hại,” ông nói. “Tất cả chúng tôi đều biết điều đó là sai. Không thể chỉ đổ lỗi cho Calley. Đó là tất cả mọi người. Đó là tất cả chúng ta.”



Trung tá Frank Akeley Barker Jr.



Frank Barker, chỉ huy Lực lượng Đặc nhiệm, đã ra lệnh “đốt nhà, giết gia súc, phá hủy lương thực và đóng các giếng” tại Mỹ Lai, nhưng không đưa ra chỉ thị nào để bảo vệ thường dân.


Theo một cuộc điều tra của Quân đội, ông Barker, giống như một số sĩ quan trong sư đoàn, đã theo dõi hoạt động từ trên không và đưa ra một báo cáo tuyên bố rằng nhiệm vụ đã khiến 128 chiến binh địch thiệt mạng nhưng không có dân thường nào thiệt mạng. Ông Barker chết trong một vụ tai nạn máy bay trực thăng ba tháng sau đó.



Đại úy Ernest Lou Medina



Ernest Medina, chỉ huy Đại đội Charlie lớn lên trong nghèo khó ở New Mexico, nổi tiếng là một sĩ quan hiếu chiến, người đã thúc giục binh lính của mình tìm cách trả thù cho những đồng đội đã chết của họ.


Ernest Medina bị đưa ra tòa án quân sự vào năm 1971. Ông ta phủ nhận mạnh mẽ việc giết hại bất kỳ thường dân Việt Nam nào tại Mỹ Lai, ngoại trừ một phụ nữ trẻ ông tìm thấy đang trốn trong một con mương. Khi cô giơ tay lên, ông Medina đã bắn cô vì ông ta tuyên bố rằng ông ta nghĩ rằng cô có một quả lựu đạn. Trên thực tế, cô ấy không có vũ khí. Các luật sư bào chữa của ông Medina đưa ra lý giải nhiều vụ việc trong Chiến tranh Việt Nam về các nghi phạm Việt Cộng giả vờ đầu hàng để sử dụng súng lục hoặc lựu đạn được giấu kín nhằm hãm hại hoặc giết hại quân nhân Mỹ.


Tuy nhiên, Hugh Thompson, Glenn Andreotta và Lawrence Colburn chứng kiến sự việc trong khu vực ngày hôm đó đã có quan điểm khác về hành động của Medina.


Lawrence Colburn nói: “Sau đó, chúng tôi nhìn thấy một cô gái trẻ khoảng hai mươi tuổi nằm trên bãi cỏ. Chúng tôi có thể thấy cô ấy không có vũ khí và bị thương ở ngực. Chúng tôi đánh dấu khu vực bằng khói vì chúng tôi nhìn thấy một đội cách đó không xa. Khói màu xanh lá cây, nghĩa là an toàn để đến gần. Màu đỏ có nghĩa ngược lại. Chúng tôi đang lơ lửng cách mặt đất 2 mét, cách đó không quá 6 mét thì đội trưởng Medina tiến tới, đá cô ta, lùi lại và kết liễu cô ta. Anh ta đã làm điều đó ngay trước mặt chúng tôi. Khi chúng tôi thấy Medina làm điều đó, chúng tôi đã hiểu. Chính người của chúng tôi đang giết người.”


Ông Medina được tuyên bố trắng án sau khi bồi thẩm đoàn cân nhắc trong một giờ.


Bất chấp sự trắng án của ông, tòa án quân sự và dư luận tiêu cực đã khiến cuộc đời binh nghiệp của Ernest Medina chấm dứt. Ông từ chức, rời quân đội và làm việc cho F. Lee Bailey, một trong những luật sư của mình. Sau đó, ông thừa nhận rằng, trong thời gian ra tòa, ông đã “không hoàn toàn thẳng thắn để tránh làm ô nhục quân đội, Hoa Kỳ, gia đình và bản thân”.


Ernest Medina qua đời vào năm 2018 ở tuổi 81.



Thiếu tướng Samuel William Koster



Samuel Koster, Thiếu tướng chỉ huy của Sư đoàn Americal, đang phục vụ với tư cách là Giám đốc Học viện Quân sự Hoa Kỳ khi ông bị Quân đội buộc tội cố gắng che đậy vụ thảm sát.


Quân đội sau đó đã bác bỏ các cáo buộc nhưng kiểm điểm ông ta, tước Huân chương Phục vụ Xuất sắc và giáng chức ông ta xuống tướng lữ đoàn.


Ông Koster nghỉ hưu năm 1973 và dành hơn một thập kỷ để cố gắng đảo ngược những lời chỉ trích.


Năm 1982, ông nói với tờ báo Washington Post rằng “việc vào Việt Nam ngay từ đầu là sai lầm của chúng tôi”.


Ông Koster qua đời năm 2006 vì bệnh ung thư ở tuổi 86 tại nhà riêng ở Annapolis, tiểu bang Maryland.



Xạ thủ trực thăng Ronald Lee Ridenhour



Ronald Ridenhour là xạ thủ trực thăng ở một đơn vị khác khi ngay sau vụ thảm sát, ông bắt đầu nghe tin về Mỹ Lai từ đồng đội. Ông ấy đã phỏng vấn một số người tham gia, và sau khi trở về Hoa Kỳ, ông ấy đã gửi một lá thư tới 30 quan chức vạch trần vụ thảm sát và yêu cầu điều tra, góp phần lớn vào việc đưa tội ác ở Mỹ Lai ra ánh sáng.


Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, ông Ridenhour nói rằng ông đã quyết định rằng không thể sống khi biết về vụ thảm sát mà không cố gắng thực thi công lý.


Ông Ridenhour trở thành một nhà báo đoạt giải thưởng. Ông qua đời vì cơn đau tim ở tuổi 52 vào năm 1998. Giải thưởng Ridenhour, công nhận việc nói lên sự thật để “bảo vệ lợi ích công cộng, thúc đẩy công bằng xã hội hoặc soi sáng một tầm nhìn công bằng hơn về xã hội” được đặt theo tên ông.




Comments


Không bao giờ bỏ lỡ bản tin mới

Đăng ký nhận thư từ Ngoài Kia

Cảm ơn bạn. Chúng tôi sẽ liên hệ sớm.

bottom of page