Vào năm 1961, tình hình chiến tranh Việt Nam diễn tiến theo chiều hướng lo ngại khiến Tổng thống Ngô Đình Diệm đề nghị Hoa Kỳ giúp phát quang những khu rừng rậm rạp đang che chở cho kẻ thù ẩn náu.
Chất hoá học diệt cỏ được phát triển bởi Vương quốc Anh nhằm sử dụng trong Thế chiến II, được sản xuất tại Hoa Kỳ từ cuối những năm 1940 để dụng trong nông nghiệp công nghiệp, đồng thời cũng được rải dọc theo các tuyến đường sắt và đường dây điện để kiểm soát cây cối trong rừng.
Năm 1943, nhà thực vật học Arthur Galston và Đại học Illinois Urbana-Champaign đã ký hợp đồng với Quân đội Hoa Kỳ nghiên cứu phát triển thuốc axit diệt cỏ sau này được sử dụng trong chất độc da cam. Từ những nghiên cứu này đã nảy sinh khái niệm sử dụng thuốc diệt cỏ trên không để tiêu diệt cây trồng nhằm làm gián đoạn nguồn cung cấp thực phẩm của kẻ thù.
Do đó, Hoa Kỳ đã bắt đầu sản xuất nó vào năm 1946 và dự định sẽ sử dụng để chống lại Nhật Bản nếu chiến tranh vẫn tiếp diễn.
Sử dụng trong chiến tranh Việt Nam
Ngày 10/8/1961, Hoa Kỳ lần đầu tiên điều máy bay trực thăng H-34 phun rải chất độc này theo con lộ 14 thuộc tỉnh Kon Tum, mở đầu cho hành động hủy diệt tàn bạo kéo dài hơn 10 năm sau đó.
Vào tháng 11/1961, Tổng thống Kennedy cho phép bắt đầu chương trình sử dụng hoá chất diệt cỏ diện rộng tại Việt Nam, ban đầu lấy mật danh là “Chiến dịch Trail Dust” sau đổi thành “Chiến dịch Ranch Hand”.
Mục tiêu quân sự chính của Hoa Kỳ là phá huỷ các vùng đất rừng nông thôn để quân đội du kích Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam không còn lương thực và nơi ẩn náu, đồng thời xoá sạch các khu vực nhạy cảm như xung quanh vành đai căn cứ và các địa điểm phục kích có thể xảy ra dọc theo các con đường và kênh rạch.
Chiến dịch Ranch Hand cũng là một phần của chính sách đô thị hóa cưỡng bức, nhằm mục đích phá hủy khả năng sinh sống của nông dân ở nông thôn, buộc họ phải chạy đến các thành thị do Hoa Kỳ quản lý.
Chất độc da cam thực ra là một chất lỏng trong suốt, nó được gọi là “chất da cam” vì những thùng phuy dùng để vận chuyển có màu cam hoặc sọc cam.
Quân đội Hoa Kỳ còn có một số mã danh khác để chỉ đến các hoá chất diệt cỏ được dùng trong thời kỳ này như “chất xanh” (Agent Blue), “chất trắng” (Agent White), “chất tím” (Agent Purple) và “chất hồng” (Agent Pink).
Chất độc da cam thường được rải từ máy bay trực thăng hoặc từ máy bay Fairchild C-123 Provider bay thấp, trang bị máy phun và hệ thống bơm MC-1 “Hourglass”. Việc phun hoá chất cũng được thực hiện từ xe tải, thuyền và máy phun đeo lưng.
Vào ngày 9/1/1962, lô hoá chất đầu tiên được dỡ xuống Căn cứ Không quân Tân Sơn Nhứt ở miền Nam Việt Nam. Hồ sơ của Lực lượng Không quân Hoa Kỳ cho thấy ít nhất 6.542 phi vụ rải hoá chất đã diễn ra trong Chiến dịch Ranch Hand. Tổng cộng, hơn 80 triệu lít chất độc da cam đã được sử dụng.
Người dân Mỹ không được biết về các chương trình này cho đến năm 1965, và sau đó công chúng tưởng rằng việc phun thuốc chỉ mới bắt đầu vào mùa xuân năm đó.
Nhiều chuyên gia thế giới vào thời điểm đó đã phản đối vì lo ngại về tác dụng phụ đối với con người và môi trường do phun hóa chất bừa bãi trên diện rộng.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chỉ chính thức công khai thừa nhận vào tháng 3/1966, khi đề cập chỉ nhấn mạnh đến mục tiêu phát quang hơn là phá hoại mùa màng.
Năm 1966, các nghị quyết đã được đưa ra trước Liên hợp quốc buộc tội Hoa Kỳ vi phạm Nghị định thư Geneva 1925, quy định việc sử dụng vũ khí hóa học và sinh học. Hoa Kỳ đã phản đối hầu hết các nghị quyết, cho rằng chất độc da cam không phải là vũ khí hóa học hay sinh học vì nó được coi là thuốc diệt cỏ và nó được sử dụng để phá hủy mùa màng, tước đoạt tài sản của kẻ thù và không nhằm vào con người.
Phái đoàn Hoa Kỳ lập luận rằng vũ khí, theo định nghĩa, là bất kỳ thiết bị nào được sử dụng để gây thương tích, đánh bại hoặc phá hủy sinh vật sống, cấu trúc hoặc hệ thống và chất độc da cam không đủ điều kiện theo định nghĩa đó. Phái đoàn cũng lập luận rằng nếu Hoa Kỳ bị buộc tội sử dụng Chất độc da cam, thì Vương quốc Anh và các quốc gia thuộc Khối thịnh vượng chung cũng phải bị buộc tội vì họ cũng đã sử dụng rộng rãi chất này ở Malaya vào những năm 1950.
Năm 1969, Vương quốc Anh bình luận: “Đối với chúng tôi, bằng chứng dường như không đủ đáng kể để khẳng định rằng việc sử dụng trong chiến tranh các chất hóa học đặc biệt độc hại đối với thực vật bị luật pháp quốc tế nghiêm cấm.”
Hầu hết thực phẩm bị phá hủy không dùng để nuôi quân du kích mà để hỗ trợ dân thường địa phương. Theo Wil Verwey ước tính, 85% diện tích đất trồng trọt ở tỉnh Quảng Ngãi bị phá hủy chỉ trong năm 1970, gây ra nạn đói và khiến hàng trăm nghìn người không có thức ăn hoặc bị suy dinh dưỡng. Theo báo cáo của Hiệp hội khoa học Hoa Kỳ, chiến dịch diệt cỏ đã làm gián đoạn nguồn cung cấp thực phẩm cho hơn 600.000 người.
Ngày 15/4/1970, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ ra thông báo ngừng sử dụng chất độc da cam. Hai lữ đoàn của Sư đoàn Châu Mỹ (Americal Division) vào mùa hè năm 1970 tiếp tục sử dụng chất độc da cam để phá hoại mùa màng vi phạm lệnh đình chỉ. Một cuộc điều tra đã dẫn đến hành động kỷ luật đối với các chỉ huy lữ đoàn và sư đoàn vì họ đã che giấu các báo cáo.
Đến năm 1971, 12% tổng diện tích của miền Nam Việt Nam đã bị rải chất độc da cam, phá hủy 20.000 km vuông rừng ngập mặn cùng hàng nghìn km vuông mùa màng, với nồng độ gấp 13 lần tỷ lệ khuyến cáo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cho mục đích sử dụng tại Hoa Kỳ.
Đến ngày 30/6/1971, tình trạng rải chất độc da cam đã hoàn toàn chấm dứt.
Tác hại đối với người Việt
Chính phủ Việt Nam tuyên bố rằng có 4 triệu người đã bị phơi nhiễm chất độc da cam, và có tới 3 triệu người mắc bệnh.
Chính phủ Hoa Kỳ đã bác bỏ những con số này là không đáng tin cậy do sai lệch dữ liệu hồ sơ bệnh viện.
Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam ước lượng có khoảng 1 triệu nạn nhân Việt Nam, trong đó khoảng 400.000 người đã bị giết hoặc tàn phế và khoảng 500.000 trẻ em sinh ra bị dị dạng, dị tật bởi chất độc hóa học này.
Vào những năm 1970, hàm lượng dioxin cao được tìm thấy trong sữa mẹ của phụ nữ miền Nam Việt Nam và trong máu của quân nhân Hoa Kỳ từng phục vụ tại Việt Nam. Các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là dọc vùng núi Trường Sơn và biên giới giữa Việt Nam và Campuchia. Trẻ em ở những vùng bị ảnh hưởng đã gặp nhiều vấn đề về sức khỏe như hở hàm ếch, thiểu năng trí tuệ, thoát vị và thừa ngón tay, ngón chân và đang sống trong điều kiện tồi tệ.
Đất và trầm tích bị ô nhiễm tiếp tục ảnh hưởng đến người dân Việt Nam, đầu độc chuỗi thức ăn và gây ra các bệnh tật nghiêm trọng về da và nhiều loại ung thư ở phổi, thanh quản và tuyến tiền liệt.
Chất độc da cam đã gây ra những thiệt hại to lớn về môi trường ở Việt Nam. Hơn 3 triệu hécta rừng bị xói mòn, gây khó khăn cho việc trồng lại rừng. Sự đa dạng các loài động vật và thực vật giảm mạnh so với các khu vực không được rải.
Thủ tướng Thụy Điển Olof Palme cùng các luật sư, nhà sử học và các học giả khác đã mô tả sự tàn phá môi trường do hoá chất phát quang này là hành vi diệt chủng sinh thái.
Tác hại đối với người Mỹ
Khi ở Việt Nam, quân đội Hoa Kỳ và đồng minh được yêu cầu không phải lo lắng về chất độc da cam và được thuyết phục rằng hóa chất này vô hại. Sau khi trở về Mỹ, các cựu chiến binh Việt Nam bắt đầu nghi ngờ sức khỏe yếu của họ hoặc trường hợp vợ họ bị sảy thai hoặc con sinh ra bị dị tật bẩm sinh có thể liên quan đến các chất diệt cỏ độc hại mà họ đã tiếp xúc ở Việt Nam.
Tại Hoa Kỳ, các cơ quan y tế có thẩm quyền ước tính có khoảng 250.000 cựu binh Mỹ đã hoặc sẽ chết sớm do hậu quả của chất độc da cam và các biến chứng từ nó.
Các cựu chiến binh bắt đầu nộp đơn yêu cầu vào Bộ Cựu chiến binh vào năm 1977 yêu cầu được bồi thường tàn tật để chăm sóc sức khỏe cho các tình trạng mà họ tin là có liên quan đến việc tiếp xúc với các chất diệt cỏ độc hại, hay cụ thể hơn là dioxin, nhưng các yêu cầu của họ đã bị từ chối trừ khi họ có thể chứng minh tình trạng đó bắt đầu trong vòng một năm sau khi giải ngũ.
Để đủ điều kiện nhận bồi thường, các cựu chiến binh phải đã phục vụ trên hoặc gần vành đai của các căn cứ quân sự ở Thái Lan trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam, nơi chất diệt cỏ được thử nghiệm và cất giữ, các cựu chiến binh phải là thành viên phi hành đoàn trên máy bay C-123, hoặc làm việc cho các dự án của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ để thử nghiệm, xử lý hoặc lưu trữ chất diệt cỏ.
Đến tháng 4/1993, Bộ Cựu chiến binh Hoa Kỳ chỉ bồi thường cho 486 nạn nhân, mặc dù Bộ đã nhận được yêu cầu bồi thường thương tật từ 39.419 binh sĩ.
Năm 1968, phó đô đốc Tư lệnh Hải quân Mỹ tại Việt Nam Elmo R. Zumwalt Jr. đã cho triển khai chiến dịch rải chất độc da cam xuống các vùng sông nước để bảo vệ hoạt động của Hải quân Mỹ. Đúng 20 năm sau, người con trai Elmo R.Zumwalt III của ông đã qua đời vì bệnh ung thư, hậu quả của việc phơi nhiễm chất độc da cam khi tham chiến tại Việt Nam.
Tác phẩm ‘Cha con tôi’ dựa theo lời thuật của đô đốc Elmo Zumwalt Jr. phát hành tháng 11/1996, có đoạn viết:
“Tấn bi kịch của gia đình đô đốc Zumwalt là ở chỗ, chính người cha đã ra lệnh rải chất độc da cam lên các cánh rừng và các dòng sông ở vùng Nam Trung Bộ Việt Nam, nơi con trai ông làm nhiệm vụ tuần tra dọc các bờ sông. Mệnh lệnh của đô đốc không những tàn phá nhiều cánh rừng, làm ô nhiễm các dòng sông, gây đau khổ cho biết bao nhiêu người dân Việt Nam vô tội, mà còn làm cho chính con trai và cháu nội ông cũng bị nhiễm chất độc da cam.”
Vụ kiện tập thể của nạn nhân chất độc da cam
Năm 1980, luật sư Hy Mayerson làm việc với luật sư môi trường Victor Yannacone cùng với bác sĩ Ronald A. Codario và Trung sĩ Charles E. Hartz, với tư cách là bệnh nhân chính, đã nộp đơn kiện tập thể đầu tiên về chất độc da cam tại bang Pennsylvania, vì những thương tích mà quân nhân tại Việt Nam phải gánh chịu do tiếp xúc với chất độc dioxin trong chất khai quang. Đó là vụ kiện tập thể lớn nhất từng được đệ trình tính đến thời điểm nộp đơn.
Các công ty bị cáo phủ nhận mối liên hệ giữa chất độc da cam và các vấn đề y tế của các cựu chiến binh và tìm cách trốn tránh trách nhiệm bằng cách đổ lỗi mọi thứ cho chính phủ Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, vào ngày 7/5/1984, 7 công ty hóa chất (Công ty Hoá chất Dow, Công ty Monsanto, Tập đoàn Diamond Shamrock, Công ty Cao su Hoa Kỳ Uniroyal Inc., Công ty Nông nghiệp và Dinh dưỡng T. H., Công ty Hercules Inc., và Công ty Hóa chất Thompson) đã dàn xếp vụ kiện tập thể ngoài tòa án và đồng ý bồi thường 180 triệu đô la với điều kiện các cựu chiến binh từ bỏ mọi đơn kiện.
Riêng Công ty Monsanto đã giải quyết hơn 100.000 đơn kiện tính đến tháng 5/2022, đền bù khoảng 11 tỷ đô la.
Nhiều cựu chiến binh đã tỏ ra phẫn nộ vì cảm thấy họ đã bị các luật sư phản bội khi vụ án được dàn xếp thay vì đưa ra tòa và và lên án hành động của các luật sư và tòa án, yêu cầu vụ án được xét xử trước bồi thẩm đoàn. Quan toà liên bang Jack B. Weinstein đã từ chối các kháng cáo, cho rằng dàn xếp là “công bằng và chính đáng”.
Đến năm 1989, nỗi sợ hãi của các cựu chiến binh đã được thấu hiểu khi mỗi cựu chiến binh Việt Nam bị tàn tật sẽ chỉ nhận được tối đa 12.000 USD, chi trả trong vòng 10 năm. Hơn nữa, bằng cách chấp nhận các khoản thanh toán dàn xếp, các cựu chiến binh tàn tật sẽ không còn đủ điều kiện nhận nhiều phúc lợi của tiểu bang cung cấp hỗ trợ (nhiều hơn nhiều so với khoản dàn xếp), chẳng hạn như phiếu thực phẩm, phúc lợi xã hội và lương hưu của chính phủ. Một góa phụ của cựu chiến binh Việt Nam chết vì phơi nhiễm chất độc da cam sẽ chỉ nhận được 3.700 USD.
Năm 2004, Monsanto vẫn không chịu trách nhiệm về những thương tích hoặc cái chết do chất độc da cam gây ra. Người phát ngôn của Monsanto, Jill Montgomery, nói: “Chúng tôi thông cảm với những người tin rằng họ đã bị thương và hiểu mối quan tâm của họ là tìm ra nguyên nhân, nhưng bằng chứng khoa học đáng tin cậy chỉ ra rằng chất độc da cam không phải là nguyên nhân gây ra những ảnh hưởng sức khỏe lâu dài nghiêm trọng.”
Trong một cuộc thăm dò ý kiến của Zogby International vào tháng 11/2004 với 987 người, 79% số người được hỏi nghĩ rằng các công ty hóa chất Hoa Kỳ sản xuất chất độc da cam nên bồi thường cho những người lính Hoa Kỳ bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học được sử dụng trong chiến tranh Việt Nam và chỉ 51% ủng hộ bồi thường cho nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam.
Ngày 31/1/2004, nhóm bảo vệ quyền lợi nạn nhân chất độc da cam, Hội Nạn nhân Chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã kiện hơn 30 công ty Mỹ phải bồi thường do trách nhiệm gây ra thương tích vì đã sản xuất chất hóa học này.
Vào ngày 10/3/2005, thẩm phán Jack Weinstein đã bác đơn kiện, quyết định rằng những đòi hỏi của đơn kiện không có cơ sở pháp lý. Thẩm phán kết luận rằng dioxin đã không được xem là một chất độc dưới luật quốc tế vào lúc Hoa Kỳ sử dụng nó; rằng Hoa Kỳ không bị cấm dùng nó để diệt cỏ; và những công ty sản xuất chất này không có trách nhiệm về cách sử dụng của chính phủ.
Ngày 7/4/2005, các nguyên đơn Việt Nam đã tiếp tục gửi đơn kháng cáo lên Tòa Phúc thẩm của Mỹ đòi lật lại quyết định của tòa sơ thẩm.
Tòa Phúc thẩm Khu vực 2 tại Manhattan bắt đầu xem xét lại vụ kiện vào tháng 6/2006, ra phán quyết vào tháng 2/2007 đồng ý với phán quyết của Tòa sơ thẩm và bác đơn kháng cáo của các nguyên đơn Việt Nam.
Luật sư nguyên đơn Việt Nam tiếp tục gửi đơn kháng cáo lên Tòa án Tối cao Hoa Kỳ. Ngày 2/3/2009, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ từ chối mở phiên tòa xem xét lại kết quả của tòa phúc thẩm.
Cho đến nay vẫn không có cuộc điều tra lớn nào với các cựu binh bị nhiễm dioxin. Paul Sutton, cựu chủ tịch của Hội Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam, cho rằng chính phủ Mỹ muốn trì hoãn các nghiên cứu để ỉm đi chuyện này bởi chi phí đền bù sẽ rất cao, họ chỉ cần chờ tới khi tất cả các cựu binh của cuộc chiến đều đã qua đời thì sẽ chẳng còn bằng chứng để nghiên cứu nữa.
Khắc phục hậu quả cho những nạn nhân ở Việt Nam
Các cựu chiến binh Hoa Kỳ tham chiến tại Việt Nam và những cá nhân đồng cảm với tác động của chất độc da cam đã hỗ trợ các chương trình này tại Việt Nam. Một nhóm cựu chiến binh và các đồng minh của Hoa Kỳ cùng với Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã thành lập Làng Hữu nghị Việt Nam tại Hà Nội để hỗ trợ những nạn nhân bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam.
Người Việt cũng thành lập các “làng hòa bình”, mỗi làng có từ 50 đến 100 nạn nhân, giúp đỡ về y tế và tâm lý cho họ. Tính đến năm 2006, có 11 ngôi làng như vậy, cấp một số bảo trợ xã hội cho ít hơn một nghìn nạn nhân.
Làng Hữu nghị Việt Nam cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế, phục hồi chức năng và đào tạo nghề cho trẻ em và cựu chiến binh Việt Nam bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam.
Năm 1998, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam thành lập Quỹ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam để hỗ trợ trực tiếp cho các gia đình bị ảnh hưởng trên khắp Việt Nam.
Năm 2003, Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam được thành lập. Ngoài việc đệ đơn kiện các công ty hóa chất, Hội còn cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế, phục hồi chức năng và hỗ trợ tài chính cho những người bị thương bởi chất độc da cam.
Chính phủ Việt Nam trợ cấp 40,8 triệu đô la trong năm 2008 cho hơn 200.000 người bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam. Hội Chữ Thập Đỏ Việt Nam đã quyên góp được hơn 22 triệu đô la để hỗ trợ người bệnh hoặc người khuyết tật, và một số tổ chức của Hoa Kỳ, các cơ quan của Liên Hợp Quốc, các chính phủ Châu Âu và các tổ chức phi chính phủ đã quyên góp tổng cộng khoảng 23 triệu đô la để dọn dẹp chất độc, trồng rừng và chăm sóc sức khỏe cho những người có nhu cầu.
Ông Vương Văn Mơ, Trưởng phòng Thư ký Biên tập của Thông tấn xã Việt Nam, mô tả một trong những trung tâm:
“Mây 13 tuổi, nhưng cô bé không biết gì, không thể nói trôi chảy, cũng không thể đi lại dễ dàng do đôi chân vòng kiềng. Cha cô đã mất, cô có bốn người anh trai, tất cả đều bị thiểu năng trí tuệ... Các học sinh đều là những người khuyết tật, chậm phát triển và ở các độ tuổi khác nhau. Dạy chúng là một công việc khó khăn. Các em học lớp 3 nhưng nhiều em cảm thấy khó đọc. Chỉ một vài em có thể nói. Cách phát âm của các em bị méo mó do mím môi và trí nhớ của các em khá ngắn. Các em dễ quên những gì đã học... Ở Làng, rất khó để biết chính xác tuổi của các em. Một số ở độ tuổi đôi mươi có vóc dáng nhỏ như đứa trẻ 7 hoặc 8 tuổi. Các em cảm thấy khó khăn để nuôi sống bản thân, càng không có khả năng tinh thần hoặc năng lực thể chất để làm việc. Không ai cầm được nước mắt khi nhìn thấy những cái đầu vô thức quay tròn, những cánh tay khẳng khiu cố gắng đẩy thìa thức ăn vào miệng một cách khó khăn... Vậy mà các em vẫn cứ cười, hát hết sức hồn nhiên trước sự chứng kiến của một số du khách, khao khát một cái gì đó đẹp đẽ.”
Chính phủ Hoa Kỳ hiện vẫn từ chối trách nhiệm với những nạn nhân chất độc da cam và cho rằng vẫn chưa có đủ bằng chứng khoa học giữa các khuyết tật và thuốc diệt cỏ. Tuy nhiên vào tháng 5/2007, Quốc hội Hoa Kỳ đã phân bổ khoản ngân sách 3 triệu USD nhằm khắc phục ảnh hưởng của chất độc da cam tại một số điểm nóng và năm 2009 tăng lên 6 triệu USD.
Chương trình tẩy sạch các “điểm nóng”
28 trong số các căn cứ quân sự cũ của Hoa Kỳ tại Việt Nam nơi chất độc da cam được cất giữ và chất lên máy bay vẫn còn hàm lượng dioxin cực cao trong đất, gây ra mối đe dọa sức khỏe cho các cộng đồng xung quanh. Căn cứ không quân Đà Nẵng bị ô nhiễm dioxin cao gấp 350 lần so với khuyến nghị quốc tế.
Ngày 16/6/2010, các thành viên của Nhóm Đối thoại Hoa Kỳ - Việt Nam về Chất độc Da cam/Dioxin đã công bố kế hoạch hành động 10 năm toàn diện nhằm khắc phục hậu quả độc hại của chất độc da cam ở Việt Nam và kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ và Việt Nam cùng tham gia với các chính phủ, tổ chức, doanh nghiệp và tổ chức phi lợi nhuận khác trong quan hệ đối tác để tẩy sạch các “điểm nóng” dioxin ở Việt Nam và mở rộng các dịch vụ nhân đạo cho người khuyết tật.
Ngày 9/8/2012, Hoa Kỳ và Việt Nam bắt đầu hợp tác tẩy rửa chất độc hóa học tại Sân bay Quốc tế Đà Nẵng, nơi lưu trữ chính của hóa chất ngày xưa. Hai địa điểm tẩy độc khác mà Hoa Kỳ và Việt Nam đang xem xét là Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai và sân bay Phù Cát, tỉnh Bình Định.
Theo báo Nhân Dân, chính phủ Hoa Kỳ đã cung cấp 41 triệu đô la cho dự án.
Tính đến năm 2017, khoảng 110.000 mét khối đất đã được làm sạch.
Ngày 25/6/2004, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã quyết định lấy ngày 10/8 hàng năm là ngày “Vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam”.
Comments