top of page
​AD

Tại Sao Các Thủ Lĩnh Vùng Thanh Nghệ Thành Công Hơn Thủ Lĩnh Vùng Khác?

Hòa Nguyễn

Trong 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh là người chiến thắng. Theo sử sách thì họ Đinh cai quản Hoan châu từ thời Đinh Công Trứ. Hoan châu là vùng xứ Nghệ.


Ngược dòng lịch sử một tí, ta thấy cả Ngô Quyền lẫn Dương Đình Nghệ đều là người Ái châu, tức Thanh Hoá.


Tại sao không phải là thủ lĩnh từ những vùng khác, như vùng núi phía Tây, vùng núi phía Bắc mà lại là từ vùng này?


Tuyến thương mại đường bộ từ Giao Chỉ đến vịnh Thái Lan rồi sang Ấn Độ.


Câu trả lời có lẽ nằm ở vị trí then chốt của vùng này trên cả 2 tuyến đường thương mại kết nối Trung Hoa với Đông Nam Á, Ấn Độ, và xa hơn: đường biển và đường bộ.



Sử sách Trung Hoa cho thấy từ thế kỷ 3 đến thế kỷ 8 hiện diện một tuyến đường bộ từ Giao Chỉ đến vùng vịnh Thái Lan. Trong giai đoạn này, đặc biệt là thế kỷ 7-8, Trung Hoa dành nhiều sự chú ý cho một vương quốc nằm về phía đông bắc của Thái Lan ngày nay, Tam Quốc Chỉ gọi là Đường Minh 堂明, các nguồn sau gọi là Văn Đan 文單, được Tân Dường Thư chú giải là Lục Chân Lạp.


Học giả Tatsuo Hoshino năm 2002 xác định con đường này dẫn từ Giao Chỉ qua đèo Mụ Giạ đến vịnh Thái Lan rồi tiếp tục hướng đến Ấn Độ qua Kra Isthmus, và xa hơn nữa là vùng Địa Trung Hải.


Tatsuo Hoshino.


Tiến sĩ Li Tana nói rằng tuyến đường đi dọc dãy Trường Sơn, đến vương quốc Khmer là một phần trên tuyến Tây Dương Hàng Lộ 西洋航路, là con đường cổ xưa nhất kết nối Trung Hoa và Ấn Độ Dương.


Học giả Trần Trọng Dương trích Tân Đường Thư nói rằng nhà Đường có 7 tuyến đường lớn, trong đó An Nam chiếm 2 tuyến: một tuyến đường bộ và một tuyến đường biển. Tuyến đường bộ thông từ Hoan Châu sang Lục Chân Lạp rồi Thiên Trúc và là lối đường bộ duy nhất của nhà Đường đến Ấn Độ thời đấy vì nhà Đường bị Thổ Phồn và Nam Chiếu ngăn cách.


Trần Trọng Dương. Ảnh: Ngữ Thiên


Theo Trần Trọng Dương, tuyến đường này cũng đóng vai trò quan trọng trong trao đổi thượng nguồn-hạ nguồn ở vùng Thanh Nghệ. Điển hình là con đường trầm hương hình thành vào thời Đường khi các cảng Diễn - Hoan - Phúc Lộc đóng vai trò là "nút cuối quan trọng của đế chế thương mại ở phương Nam."


Vùng Hoan châu "nối liền các bờ biển của nhà Đường ở Giao Châu với hệ thống thương cảng duyên hải khắp nơi ở Đông Á- Đông Nam Á, và trên đất liền từ Mekong đi xuống Angkor của đế chế Khmer hùng mạnh."


Vì vậy, cả đường biển lẫn đường bộ, vùng Hoan châu đều đóng vai trò quan trọng.


Ngoài ra, theo Li Tana, vùng Nghệ - Tĩnh còn đóng vai trò như cửa khẩu của Lục Chân Lạp với Biển Đông, bởi thế mà vua nước này đã gửi cống nạp đến Đại Việt 19 lần trong khi gửi đến Tống chỉ 5 lần. Bia ký Khmer tại Phum Mien (987) và những địa điểm khác tại vùng Mekong cụ thể có nhắc đến những thương nhân người Việt đi lại và duy trì tuyến đường này.


Vào thời Hán, từ vùng Nhật Nam, thương thuyền có 2 cách tiếp cận Trung Hoa: đi dọc bờ biển lên phía Bắc, vào vùng sông Hồng rồi ngược lên Vân Nam hoặc đi thẳng từ Nhật Nam sang Phúc Kiến (không qua Quảng Đông).


Tuyến lên Vân Nam đóng vai trò quan trọng trong việc trao đổi ngựa. Ngựa từ Vân Nam được đổi lấy muối rồi sau đó ngựa lại được đổi với Champa để lấy thứ mà được biết đến tại Trung Quốc với cái tên "Giao Chỉ Trầm Hương" 交阯沉香, nhưng kì thực nó xuất phát từ Champa.


Nước Đông Ngô cũng đã phụ thuộc vào thương mại trên tuyến đường Đông Dương vì không tiếp cận được với con đường tơ lụa ở Trung Á. Sự phụ thuộc kinh tế lẫn nhau giải thích vì sao Phù Nam nổi lên cùng với Đông Ngô.



Momoki Shiro chỉ ra rằng trái với hình ảnh một vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh nghèo khó và kém phát triển ngày nay, đây từng là một khu cảng thương mại giàu có, nơi người Hoa, người Chăm, và người Khmer tập trung.


Momoki Shiro. Ảnh: Thành Long


Là móc giao thương quan trọng, thủ lĩnh vùng Thanh Nghệ hẳn tích luỹ được nhiều tài nguyên, kinh nghiệm, và nhân lực hơn thủ lĩnh nhiều vùng khác. Đây có thể giải thích vì sao họ thường thành công hơn.

Comments


Không bao giờ bỏ lỡ bản tin mới

Đăng ký nhận thư từ Ngoài Kia

Cảm ơn bạn. Chúng tôi sẽ liên hệ sớm.

bottom of page