Khoảng một tuần trước Rằm tháng Bảy, mọi gia đình nhộn nhịp với Vu Lan báo hiếu. Tháng 7 có một sự kiện lịch sử trọng đại. Đó là việc tiến hành dời của vua Lý Thái Tổ (974-1028).
Tượng Lý Thái Tổ trong công viên gần hồ Gươm, Hà Nội, Việt Nam. Ảnh: Hanoi Photography
Năm 968, 44 tuổi, Vạn Thắng Vương Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, hiệu là Đại Thắng Minh Hoàng Đế. Đinh Tiên Hoàng đặt tên nước là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư (xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình ngày nay). Kinh đô Hoa Lư đã thực sự là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa đầu tiên của nước Đại Cồ Việt thống nhất, độc lập, tự chủ. Cũng là nơi thể hiện ý chí kiên cường, bất khuất chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước. Vua Đinh Tiên Hoàng và vua Lê Đại Hành đã xây dựng Kinh đô Hoa Lư là nơi đánh dấu chấm hết ngàn năm Bắc thuộc, mở ra Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên độc lập dân tộc, thống nhất quốc gia.
Ngày Tân Hợi, tháng 10, năm Kỷ Dậu (1009), sau 4 năm cầm quyền, vua Lê Long Đĩnh mất khi 23 tuổi. Con của vua còn nhỏ. Thiền sư Vạn Hạnh, Chi hậu Đào Cam Mộc, Hữu điện tiền chỉ huy sứ Nguyễn Đê cùng các quan trong triều bàn nhau đưa Lý Công Uẩn lên làm vua. Hai ngày sau, ngày Quí Sửu, tháng 10, năm Kỷ Dậu (1009), Lý Công Uẩn lên ngôi vua. Nhà Lý chính thức ra đời ở Kinh đô Hoa Lư nhờ một tư tưởng, một chính trị và Phật giáo. Dưới thời Tiền Lê, Đại Cồ Việt đã phát triển mạnh mẽ. Hoa Lư đã trở nên chật chội, khó đáp ứng cho sự phát triển tiếp tục của đất nước.
Tháng 2, năm Canh Tuất (1010), năm thứ nhất hiệu Thuận Thiên, vua Lý Thái Tổ về châu Cổ Pháp, quê hương của Ngài. Tại đây, Lý Thái Tổ đã quyết định dời đô. Tháng 3 năm đó, vua Lý Thái Tổ tự viết "Chiếu dời đô", đọc trước quần thần và được ủng hộ.
Cuộc dời đô của vua Lý Thái Tổ được thực hiện vào thời gian hợp lý nhất, tháng 7 năm Canh Tuất (1010). Đây là thời gian mức nước lên cao nhất, thuận tiện cho chuyên chở bằng thuyền. Đức Vua đã chọn con đường thủy ngắn nhất, dài khoảng 130 km. Đầu tiên xuống sông Sào Khê chảy qua kinh đô Hoa Lư. Từ đây, thuyền ngự đi ngược lên phía Bắc đến sông Hoàng Long. Tiếp, thuyền Vua quay mũi về phía Đông đến ngã ba Gián Khẩu gặp sông Đáy, là con sông thứ ba. Thuyền vua ngược sông Đáy lên Phủ Lý (Hà Nam), rẽ vào ngã ba Châu Giang - sông Nhuệ. Châu Giang là con sông thứ tư trong hành trình. Thuyền Vua lại ngược sông Nhuệ (con sông thứ 5) đến làng Tó, theo sông Tô Lịch (con sông thứ 6) về Đại La. Sách "Đại Việt sử lược" đã ghi:" Khi khởi sự dời đô, thuyền đậu dưới thành (thành Đại La) thì có rồng vàng hiện ra nơi thuyền của vua, nhân đó mà gọi là Thăng Long". Như thế, tên kinh đô là Thăng Long do vua Lý Thái Tổ đặt, thay cho tên Đại La.
Ngay sau khi dời đô, Lý Thái Tổ đã tiến hành "Xây dựng các cung điện trong kinh thành Thăng Long, phía trước dựng điện Càn Nguyên làm chỗ coi chầu, bên tả làm điện Tập Hiền, bên hữu dụng điện Giảng Võ. Lại mở cửa Phi Long thông với cung Nghinh Xuân, cửa Đan Phượng thông với của Uy Viễn, hướng chính Nam dựng điện Cao Minh, đều có thềm rồng, trong thềm rồng có hành lang dẫn ra xung quanh bốn phía. Sau điện Càn Nguyên dựng hai điện Long An, Long Thụy làm nơi vua nghỉ. Bên tả xây điện Nhật Quang, bên hữu xây điện Nguyệt Minh, phía sau dựng hai cung Thúy Hoa, Long Thụy làm chỗ ở cho cung nữ. dựng kho tàng, đắp thành, đào hào. Bốn mặt thành mở 4 cửa: Phía Đông gọi là cửa Tường Phù, phía Tây gọi là cửa Quảng Phúc, phía Nam gọi là cửa Đại Hưng, phía Bắc gọi là cửa Diệu Đức."
Tháng 12, năm Canh Tuất, sứ giả Tống sang kinh đô Thăng Long phong cho vua Lý Thái Tổ làm Giao Chỉ Quận Vương, lĩnh Tiết Hải quân Tiết độ sứ, đến năm 1016, gia phong làm Nam Bình Vương.
Qua đây thấy rằng,vua Lý Thái Tổ rất thực tế, lợi dụng điều kiện thiên nhiên hợp lý nhất cho việc dời đô, vận chuyển bằng đường thủy trong tháng 7. Không hề kiêng khem nặng nề như hiện nay. Tổ chức xây dựng các công trình ở kinh đô Thăng Long rất nhanh. Trong vòng 5 tháng đã xây cất xong, bố trí nội thất các cung điện chủ yếu. Điều này phản ánh khả năng tổ chức, tiềm lực kinh tế, lực lượng lao động có trình độ chuyên môn cao cuối đời Tiền Lê đã rất tốt (không kể còn xuất kho 2 vạn quan tiền, 1680 lạng bạc để xây chùa ở Thăng Long và các nơi khác).
Làm lễ Rằm tháng Bảy, nhớ về tổ tiên, vô cùng khâm phục các vĩ nhân của dân tộc Việt, đã xây dựng lên một Đại Cồ Việt, Đại Việt hùng cường, có nhiều chiến công chống giặc ngoại xâm hiển hách.
Comments