top of page
​AD

Sự Hiểm Trở Của Vùng Vịnh Bắc Bộ Giai Đoạn Hán Đường Khiến Giao Chỉ Phụ Thuộc Vào Vùng Phía Nam

Hòa Nguyễn
Sự hiểm trở của vùng vịnh Bắc Bộ giai đoạn Hán Đường khiến Giao Chỉ phụ thuộc vào vùng phía Nam để liên kết giao thương.

Gạch ngói Nam Kinh (thế kỷ 1-3) và gạch ngói Trà Kiệu (thế kỷ 4-5) cho thấy ảnh hưởng Hán lên khu vực Lâm Ấp trước khi Ấn Độ hoá, đồng thời thể hiện mối liên kết giữa các cảng miền Trung Việt Nam với Giao Chỉ và Trung Hoa.


Giao Chỉ


Giao Chỉ hoặc Giao Châu là một cái tên nổi tiếng trên đường thương mại thời cổ. Thời Hán được xem là điểm giao thương mấu chốt của phương Nam. Thời Đường cùng với Quảng Châu là 2 cảng lớn. Khi địa danh Giao Chỉ không còn được dùng nữa thì tên này vẫn đọng lại trong hồi ức đi biển của các thương nhân truyền tai nhau sau nhiều đời, dẫn đến việc người Bồ Đào Nha gọi vương quốc Đàng Trong của chúa Nguyễn là Kuchi (lấy từ tiếng Malay). Thương gia Nhật vẽ tranh người Đàng Trong chú thích là Giao Chỉ. Tại Philippines, người Tây Ban Nha vẽ một nhóm thương nhân Việt cũng chú thích là Cauchy.


Sự Hiểm Trở Của Vùng Vịnh Bắc Bộ


Thế nhưng biển vùng vịnh Bắc Bộ là khu biển rất hiểm trở, thương thuyền tự cổ ít ai dám đi.


Mã Viện đã vì "tránh các tuyến đường biển" mà phải đào hầm thông qua núi để đến Giao Chỉ.


Thời Đường, vùng vịnh vẫn là nơi cần được tránh. Nếu nghe theo gió đi dọc bờ biển này sẽ tan thân nát thịt.


Đến Cao Biền còn phải than rằng đường thuỷ từ An Nam đến Vĩnh Quan hiểm trở, đá gập ghềnh, rằng một khi đã lên thuyền thì không hi vọng quay lại sống còn.



Đây cũng là lý do mà đảo Hải Nam bị cô lập khỏi thương mại với vùng Bắc Việt trong thời gian dài dù nằm sát bên cạnh. Điển hình là mạng lưới trao đổi ngựa. Ngựa được trao đồi từ Vân Nam xuôi xuống sông Hồng, rồi từ Hoan Châu sang Champa để đổi lấy trầm hương và nhiều sản vật. Cống vật mà Sĩ Tiếp gửi đến vua Ngô thường bao gồm hàng trăm con ngựa. Mạng lưới trao đổi ngựa quan trọng đến mức nó là nguyên nhân bùng nổ chiến tranh Nam Chiếu - An Nam, do tiết độ sứ An Nam khi ấy là Lý Trác tham lam và ép giá ngựa. Đến thời Lý, Giao Chỉ vẫn là nguồn ngựa lớn nhất của Champa theo Tống Hội Yếu và Đông Tây Dương Khảo. Và năm 1012 nhà Lý có lần chiếm đoạt 10 nghìn con ngựa từ người Man.


Trong khi đó, theo sử liệu Hán Đường thì Hải Nam hoàn toàn không có ngựa, cho thấy sự cô lập này.


Cao Biền Dở Đá Mở Đường


Cao Biền tâu về sự hiểm trở của vùng vịnh và xin triều đình cho phép dở đá mở đường biển.


ĐVSKTT chép: "Mùa xuân, tháng giêng, Cao Biền đi tuần thị đến hai châu Ung, Quảng thấy đường biển có nhiều đá ngầm làm đắm thuyền, vận chở không thông, bèn sai bọn Nhiếp trưởng sử Lâm Phúng, Hồ Nam tướng quân Dư Tồn Cổ đem quân bản bộ và thuỷ thủ hơn nghìn người đến đục đá khai đường."


Cao Biền không phải là người đầu tiên muốn mở đường biển. Trước đó đã có 3 vị quan muốn làm điều này nhưng không thành công và tốn nghìn sinh mạng.


Như vậy, Cao Biền đã phần nào giúp việc đi lại trên vùng vịnh ít trở ngại hơn. Không phải ngẩu nhiên mà cụm từ Giao Chỉ Dương 交阯洋 xuất hiện vào thời Tống để chỉ vùng vịnh Bắc Bộ. Lĩnh Ngoại Đại Đáp viết rằng người Giao hay đến bằng thuyền nhỏ, đi dọc bờ biển và cập cảng Khâm châu.


Như đã nói ở trên, từ thời Hán đến Đường, sử Trung Hoa ghi chép rằng Hải Nam hoàn toàn không có ngựa. Tuy vậy, đế thời Tống, Hải Nam lại được biết đến với giống ngựa tơ địa phương. Và đến thời Minh, Hải Nam lại trở thành một trong những nguồn ngựa chính.


Vậy ngựa Hải Nam đến từ đâu? Li Tana cho rằng một trong những nguồn ấy là Giao Chỉ. Bởi vào thời Tống, nhờ những nổ lực của Cao Biền trước đó, giao thương vùng vịnh đã trở nên khả thi.


Truyền thuyết về Lê Mẫu 黎母, nữ thần của dân tộc Lê ở Hải Nam, kể rằng Lê Mẫu vốn ăn quả trên núi và sống trên cây. Một ngày kia có một người đàn ông từ Giao Chỉ đã vượt biển đến Hải Nam để thu thập trầm hương. Tại đây chàng gặp Lê Mẫu, kết hôn với cô ấy, có con cái và từ đó mở đất.


Câu chuyện này hẳn được kể sau khi đường biển vượt từ Bắc Việt sang Hải Nam đã được thông, còn trước đó vùng vịnh là một vùng gập ghềnh, hiểm trở.


Lợi Thế Của Giao Châu Thời Hán Đường


Nếu biển vùng vịnh khó đi và hiểm trở, vậy vì sao Giao Chỉ lại trở thành địa điểm nổi tiếng trên tuyến đường thương mại với Đông Nam Á và Ấn Độ?

Câu trả lời có lẽ nằm ở mối liên kết quan trọng giữa Giao Chỉ và vùng duyên hải miền Trung Việt Nam.


Hậu Hán Thư nhiều lần chép về đế quốc Đại Tần (La Mã) cập cảng Nhật Nam và đến dâng các sản vật như ngà voi, sừng tê. Từ Nhật Nam, thương thuyền có thể men theo bờ đi lên Giao Chỉ rồi dùng đường bộ đến kinh đô, hoặc từ Nhật Nam đi thẳng đến cảng Phúc Kiến.


Lương Thư chép rằng Đại Tần thường xuyên ghé Phù Nam, Nhật Nam, và Giao Chỉ. Vào năm thứ 5 Hoàng Vũ, dưới sự trị vì của Tôn Quyền, một thương nhân Đại Tần đã đến Giao Chỉ, được thái thú quận Giao Chỉ cho người đưa đến kinh đô Tôn Quyền.


Những đoạn ghi chép của Hậu Hán Thư và Lương Thư cho thấy mối liên kết thương mại giữa Giao Chỉ và Nhật Nam. Những sản phẩm mà Đại Tần dâng cho triều đình Trung Hoa, gồm ngà voi, sừng tê, và cả giấy mật hương đều là những thứ họ trao đổi được từ Nhật Nam và Giao Chỉ.



Nhật Nam được xác định là vùng Bình Trị Thiên. Khai quật khảo cổ tại vùng Gò Cấm, gần Trà Kiệu, cho thấy một tầng văn hoá Hán niên đại thế kỷ 2-3 CN, cổ hơn tầng văn hoá Ấn Độ, cho thấy khu vực này chịu ảnh hưởng Hán trước ảnh hưởng Ấn Độ. Những hiện vật bao gồm mái ngói kiểu Hán với hoạ tiết giống ngói Nam Kinh và cả ấn có khắc chữ Hán. Nhà nghiên cứu Ian Glover cho rằng những hiện vật đã được bỏ lại bởi chính quyền Nhật Nam của nhà Hán.


Về phía bắc vùng Bình Trị Thiên, mộ lượng lớn mộ thời Hán kiểu Hán cũng đã được khai quật tại Nghệ Tĩnh.


Có lẽ không ngạc nhiên khi ghi chép dân số thời Hán cho thấy quận Giao Chỉ và Cửu Chân có dân cư đông hơn các quận về phía đông. Vì đây là tuyến thương mại quan trọng của nhà Hán, được ủng hộ bởi sử liệu và khảo cổ.


Như vậy, Giao Chỉ không có cảng biển thật sự nhưng liên kết với vùng Thanh-Nghệ-Tĩnh-Bình-Trị-Thiên để trao đổi hàng hoá từ lục địa ra biển và ngược lại.


Một câu hỏi thú vị là kinh tế Giao Chỉ, Cửu Chân bị ảnh hưởng như thế nào khi Nhật Nam tách khỏi nhà Hán thành nước Lâm Ấp?

Comments


Không bao giờ bỏ lỡ bản tin mới

Đăng ký nhận thư từ Ngoài Kia

Cảm ơn bạn. Chúng tôi sẽ liên hệ sớm.

bottom of page