Dù là ở bất cứ thể loại nào, underground và mainstream, Nguyễn Hồng Giang là người gắn kết các rapper với nhau, hay các nghệ sĩ nói chung.
Hiếm có cơ hội trên đất Việt Nam ta được chứng kiến các rapper đứng chung sân khấu với những nghệ sĩ làm nhạc thể nghiệm (noise, industrial...) như trong sự kiện ‘Mất Ngủ’ tháng 8 vừa rồi. Các nghệ sĩ điển hình những cái tên quen thuộc như Antipop Consorti, Death Grips hoặc Ye với Yeezus đã làm điều này rất lâu nhưng phải đến gần đây tại Việt Nam thì việc rap kết hợp với những âm thanh khác lạ ngoài sampling đơn thuần mới được rộng rãi chấp nhận trong giới âm nhạc.
Tua ngược lại độ 12-13 năm về trước, danh từ “noise” ở Việt Nam vẫn còn là một cái gì đó xa lạ, kỳ quặc và chịu nhiều sự kỳ thị của giới truyền thông cũng như khán giả đại chúng. Mọi người không hiểu, hoặc không chịu tìm hiểu về nhạc thể nghiệm và xếp vào những hạng mục không hay ho bằng các từ ngữ như “thảm họa âm nhạc” hay thậm chí còn bị lăng mạ, ném gạch đá khi đi biểu diễn ở các venue lớn nhất tại Hà Nội hay Sài Gòn.
Trích bài phỏng vấn ‘Nghệ sĩ Noise Music Nguyễn Hồng Giang: Những nỗ lực cô đơn’ của báo Công an Nhân dân với Nguyễn Hồng Giang về Đại Lâm Linh:
“Khi họ manh nha biểu diễn tại Sài Gòn đã bị chọi đá vào đầu. Bị chủ quán cắt hợp đồng giữa chừng không cho diễn vì sợ khán giả bỏ về hết… Đất diễn bị thu hẹp. Công chúng bình thường có ác cảm, đặc biệt sau sự kiện Đại Lâm Linh, cứ nhắc đến đương đại với thử nghiệm là họ rùng mình tránh xa.”
Cớ gì, một dòng nhạc bị hắt hỏi tạo Việt Nam đến thời điểm gần đây lại bắt đầu có sự công nhận? Nhân vật nào có thể đưa thử nghiệm các âm thanh trong âm nhạc tới gần với công chúng hơn? Tôi chọn Nguyễn Hồng Giang làm “biến số X” trong trường hợp này.
Khi nhìn vào tổng thể discography của anh, ta có thể thấy một producer “thiên biến vạn hóa” trong các thể loại âm nhạc mình theo đuổi.
Datmaniac từng nêu cảm nghĩ về Nguyễn Hồng Giang:
“Lần đầu anh coi anh Giang trình diễn là show 10 năm trước, ở một nhà hát cũ ở quận 5 tên Lệ Thanh. Mà đoạn anh Giang diễn noise, ổng cầm một cục tạo noise rồi lắc các kiểu tầm 10 phút thì có vài khán giả bỏ về. Đó mà trải nghiệm đầu tiên của anh với nhạc noise của sir Giang. Nhưng cái để lại cho anh từ hôm đó tới giờ là ý chí của anh Giang, vẫn tự tin với âm nhạc của mình…”
Nguyễn Hồng Giang (NHG) sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn, là nhạc sĩ, DJ, streamer, nhà phát triển game và phần mềm. Bí ẩn, hoạt động độc lập một mình, song hành trình diễn cùng âm nhạc từ khi còn là một thiếu niên. Giang theo học 11 năm piano cổ điển tại Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh. Làm nhạc từ nhỏ, trong gia đình không có ai làm nghệ thuật, Giang đã sản xuất rất nhiều bản thu âm, biểu diễn trực tiếp ở nhiều nơi trên thế giới bằng chính âm nhạc của mình. Anh ấy chơi nhiều thể loại nhạc như pop, hip-hop, rock, classical, experimental, noise. Cho đến hiện tại, tinh thần và đam mê của anh vẫn luôn cháy bỏng.
NHG phát triển âm nhạc của mình theo nhiều cách khác nhau, thử nghiệm âm thanh và tiếng ồn. Anh ấy tạo ra âm thanh với máy tính, phần mềm, bộ tổng hợp, vòng lặp băng, băng cassette, micrô, nhạc cụ, hiệu ứng analog. Anh ghi lại âm thanh từ cuộc sống thực, chủ yếu từ mọi nơi, sử dụng phần mềm tùy chỉnh của mình ‘The Architect’ để điều khiển, thao tác và sắp xếp tất cả các mẫu vào một cấu trúc đặc biệt, đưa chúng vào một không gian mới.
Xuất hiện ở cả hai thế giới đối lập nhau hoàn toàn khi vừa sản xuất cho các rapper mà vừa dấn thân mình trong thể loại noise, NHG được biết đến như là một “producer của producer” và được xem như một người anh lớn đối với các producer cũng như nghệ sĩ nói chung tại Việt Nam.
NHG làm nhạc noise nhưng đồng thời cũng có mối quan hệ thân thiết với các nghệ sĩ hip-hop Việt, điển hình là Nah, Karik, Wowy, Vsoul, Datmaniac và nhiều hơn nữa. Giang đã hợp tác với nhiều nghệ sĩ, ca sĩ, rapper, cho ra đời rất nhiều bài hit trăm triệu view. Các bạn có thể đã nghe tên anh trong các mixtape gồm các artist như Datmaniac, Blacka, Tony TK hay của Huỳnh James với giọng đọc “Giang Producer” mở đầu từng track huyền thoại.
Giang cũng chính là người đã sản xuất một trong những hit lớn của D of NKI (Mac), ‘365 24/7 x5’.
NHG chia sẻ trên báo Công an Nhân dân năm 2010:
“Tôi biết dòng nhạc tôi đang theo đuổi quá khó nghe với nhiều người, thậm chí ngay cả người trong nghề cũng khó chấp nhận nổi những âm thanh mà tôi tạo ra. Họ nói đó không phải âm nhạc. Nhưng dù không ai hiểu mình, tôi vẫn chơi. Vì đó là đam mê của tôi. Âm nhạc thử nghiệm nói chung và ‘Hard Noise’ nói riêng mục đích là mở rộng quan niệm về âm nhạc của mọi người. Có thể nói đó là cách mạng tư tưởng. Không phải thế này hay thế kia mới là âm nhạc. Âm nhạc chính là bất cứ âm thanh nào của đời sống. Không có giới hạn nào, chuẩn mực nào được áp dụng với Noise Music.”
Lê Minh Tú từ Tạp chí Ngoài Kia đã có cuộc trò chuyện với NHG về hành trình của anh ấy từ DJ phòng ngủ, thông qua chuyên ngành nghệ thuật thu âm Sài Gòn đến sản xuất các bản nhạc với nhiều triệu lượt phát khắp nơi trên thế giới, chia sẻ quan điểm giá trị trong bài phỏng vấn sau đây:
Tạp chí Ngoài Kia: NHG có thể chia sẻ về lịch sử âm nhạc bản thân?
NHG: Mình sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn. Hành trình âm nhạc của mình mỗi giai đoạn mình có những hướng đi khác nhau. Mình hoạt động trước giờ không có quản lý, tự thân vận động.
2009 dự án harsh noise ‘Writher’, đây là dự án bắt đầu thành lập từ năm 2009, concept mang hơi hướng dark fantasy. Sử dụng các thiết bị như microphone, analog pedal. Giai đoạn này mình đã có nhiều kết nối với các nghệ sĩ trong và ngoài nước, cộng tác, thu âm, phát hành CD / Cassette, có dịp trình diễn tại các event, festival tại Hà Nội.
Trong giai đoạn này mình vẫn còn đang học piano tại Nhạc Viện TPHCM. Mình trình diễn ở Sài Gòn khá ít vì không có cộng đồng hoặc địa điểm để trình diễn thể loại này. Ban đầu Writher là một dự án nhạc “one man band” black metal / drone / dark ambient.
Một số noise artist tạo khá nhiều cảm hứng cho mình trong giai đoạn này: Incapacitants, Sickness, Torturing Nurse, Astro, The Gerogerigegegr, Ultra9000, Orgasm Denia, Merzbow, Masonna, Otomo Yoshihide, Guilty Connector, Sachiko M, Stimbox, Xome, Macronympha, ...
2010 mình bắt đầu build studio, tập trung cho việc sản xuất nhiều thể loại âm nhạc khác nhau, đặc biệt là nhạc điện tử, hip-hop, kpop, pop, soundtrack. Tham gia nhiều hoạt động hip-hop, mình sản xuất âm nhạc và tham gia chỉnh DJ cùng với các rapper trong các hip-hop show. Mình kết hợp song song với việc trình diễn nhạc điện tử và sản xuất âm nhạc.
2022 mình vừa ra album hip-hop mới ‘Cyber’, quay một số video TikTok. Mình vẫn thu âm, cũng làm được khá nhiều bài hit, sáng tác các tác phẩm thể nghiệm, tham gia trình diễn tại Hà Nội và các festival quốc tế.
Các event gần đây nhất mình tham gia là ‘Cyber’ tổ chức tại Gác và Neo, chơi nhạc hip-hop ở sự kiện ‘The Visual Abstract City’ tại The Ant Studio, chơi nhạc electronic - techno - EDM ở sự kiện ‘Trôi Mini Art Festival’ tại Good Apple, chơi nhạc noise ở sự kiện ‘Nusasonic’ tại Lô 49 và trở lại cùng cây guitar với dự án ‘Writher’. Show cuối là ‘CTM Festival Persistence 2019’, tổ chức tại Berghain, Berlin.
Anh có thể chỉ ra thời điểm mà anh thấy hip-hop có sự biến chuyển lớn hay không?
Có thể là năm 2020, với nhiều sự thay đổi từ vibe âm nhạc, hình ảnh, con người mới.
Theo anh, có điều gì ở nền hip-hop cũng như thể nghiệm hiện tại cần sự thay đổi hay không?
Nền nhạc nào cũng vậy, nếu sự thay đổi tạo nên được những kết quả tốt cho hiện tại và tương lai thì cần thiết cho sự phát triển, luôn cần thêm sự chuyên nghiệp, nghiêm túc, tử tế. Hoạt động trong music scene thì tất cả mọi người đều cũng sẽ biết nhau, sự kết nối cũng đã là từ lâu rồi, music scene hiện tại có nhiều chuyển biến tích cực.
Mối quan hệ giữa hai nền nhạc, anh cảm thấy bắt đầu có sự kết nối từ giai đoạn nào của lịch sử Việt Rap? Anh có dự kiến sẽ có quyết định gì với sự nghiệp âm nhạc mình trong thập niên tới?
Mình vẫn tiếp tục với vai trò là producer đa thể loại âm nhạc, tiếp tục sản xuất âm nhạc và trình diễn, hợp tác với các nghệ sĩ, rapper, kế hoạch năm sau sẽ làm và phát hành album hip-hop ‘Cuộc Chơi 2’. Mình vẫn theo dõi các hoạt động event âm nhạc, hy vọng sẽ có cơ hội trình diễn, kết nối, đưa âm nhạc và hip-hop đến khán giả nhiều hơn.
Tiếp tục phát triển các sáng tác mới cho những dự án âm nhạc cá nhân như dự án post - rock ‘Time Keeper’ hoặc dự án harsh noise / drone metal ‘Writher’.
Hãy kể tên 5 artist trong năm 2022 mà anh chịu ảnh hưởng nhiều nhất?
Mình enjoy thể loại nhạc khác nhau, không quá kén chọn. Hiện tại 2022 thì mình đang nghe Eve, Ali, Sik K, Kanye West, Seventeen, BlackPink, Yoasobi.
Những nghệ sĩ Việt Nam mình hợp tác tham gia sản xuất âm nhạc gần đầy MAYCHANOI, Young Bowlie, Han Han, Ndrew, Tobeyy, 4GK, Cao Vũ, Tùng Viu, HuyR, Phaos, Huỳnh James & Pjnboiz, Lonie, From Da Slum.
Comments