top of page
​AD
Hòa Nguyễn

Nvidia Trở Thành Công Ty Nghìn Tỷ USD Thứ 6

Nhu cầu tăng vọt trong cơn sốt AI đối với bộ vi xử lý H100 là động lực chính đưa vốn hóa thị trường của Nvidia áp sát CLB nghìn tỷ USD.


Nếu không am hiểu về phần cứng công nghệ, Nvidia có thể sẽ là cái tên xa lạ với phần lớn người dùng. Tuy nhiên, điều đó cũng chẳng thể ngăn cản công ty chip Mỹ trở thành một trong những công ty có giá trị nhất trong lịch sử.

Chỉ tính riêng từ đầu năm 2023, giá cổ phiếu của Nvidia đã tăng hơn 170%. Thậm chí, kết phiên giao dịch ngày 25/5, cổ phiếu của Nvidia đã tăng khoảng 24%, đưa giá trị vốn hóa của công ty lên 939 tỷ USD. Để so sánh, con số này lớn gấp đôi vốn hóa TSMC - nhà sản xuất chip lớn thứ hai thế giới.


Chỉ trong 5 tháng, giá trị của Nvidia đã lần lượt vượt qua cả Tesla và Facebook (lần lượt là 584,7 tỷ USD và 647,6 tỷ USD).


Chỉ tính riêng từ đầu năm 2023, giá cổ phiếu của Nvidia đã tăng gần gấp hai lần.

Nvidia đã trở thành công ty chip đầu tiên và là công ty thứ năm của Hoa Kỳ gia nhập câu lạc bộ nghìn tỷ đô la trong một thời gian ngắn.


Nvidia (mã: NVDA) đã tăng cao tới 419 đô la trong giao dịch trong ngày, đưa Nvidia lên trên 1 nghìn tỷ đô la giá trị thị trường, gia nhập câu lạc bộ nghìn tỷ USD với những gã khổng lồ công nghệ như Apple, Google, Microsoft, Amazon và công ty dầu mỏ Saudi Aramco.


Món quà bất ngờ

Hành trình của Nvidia bắt đầu vào năm 1993. Công ty là đứa con tinh thần của 3 kỹ sư chip máy tính gồm Jensen Huang, Chris Malachowsky và Curtis Priem.

Vào thời điểm đó, bộ ba dự đoán rằng khi máy tính ngày càng phát triển, nhu cầu xử lý hình ảnh phức tạp cũng cần phải tốt hơn.

Vụ đặt cược đã được đền đáp. Đến đầu những năm 2000, công ty đã giành được hợp đồng sản xuất chip độc quyền cho máy chơi game Xbox của Microsoft.


Ông Hoàng Nhân Huân, nhà sáng lập Tập đoàn công nghệ Nvidia. Ảnh: Bloomberg

Kể từ đó, Nvidia tiếp tục bành trướng ở thị trường trò chơi điện tử bùng nổ và còn lấn át ngành công nghiệp điện ảnh, truyền hình và âm nhạc về quy mô cũng như giá trị thị trường.

Tuy nhiên, sau khi giá trị thị trường của NVIDIA đạt đỉnh ở mức 800 tỷ USD vào cuối năm 2021, giá cổ phiếu của doanh nghiệp này đã giảm đến 50%.



Bối cảnh thị trường lúc này cũng không mấy khả quan khi doanh số bán chip chơi game và máy tính cá nhân liên tục đi xuống.

Đúng lúc này, một cơ hội khác lại đến với Nvidia. Những ông lớn công nghệ và kể cả các công ty mới thành lập tranh nhau mua các đơn vị xử lý đồ họa hoặc chip GPU của Nvidia vì một lý do hoàn toàn khác

Cụ thể, các con chip của Nvidia rất phù hợp để xử lý lượng dữ liệu khổng lồ, vốn là điều kiện cần thiết để huấn luyện cho các chương trình trí tuệ nhân tạo tiên tiến như PaLM 2 của Google hay GPT4 của OpenAI. Kể từ đó, Nvidia đã liên tục phát triển hoạt động kinh doanh của mình theo hướng tập trung vào AI.


Theo Greg Osuri, người sáng lập công ty tư vấn Akash Networks, việc đào tạo các mô hình AI đòi hỏi phần cứng là chip phải có dung lượng bộ nhớ cao. Thật tình cờ, Nvidia lại là công ty duy nhất đáp ứng được nhu cầu đó.

Nvidia nổi tiếng từ lâu trong giới công nghệ nhờ các sản phẩm GPU cho máy tính. Ảnh: Nvidia

Osuri tiết lộ, một bộ gồm 8 chip tiên tiến nhất của Nvidia có giá lên đến 300.000 USD. Để xây dựng một cỗ máy huấn luyện cho mô hình siêu AI, sẽ cần đến hàng nghìn bộ chip như vậy.

Danh sách người mua của công ty chip Mỹ cũng toàn những nhân vật tầm cỡ. Gần đây nhất, theo nguồn tin của Business Insider, tỷ phú Elon Musk được cho là đã mua 10.000 chip của Nvidia để phục vụ tham vọng xây dựng hệ thống AI mới của mình.


Cách Nvidia tạo ra con chip gây sốt giới công nghệ

Năm 2022, nhà sản xuất chip của Mỹ đã phát hành H100, phần cứng mà theo công ty tuyên bố một trong những bộ xử lý mạnh nhất mà họ từng chế tạo.

Đây cũng là một trong những bộ xử lý đắt nhất của hãng, khi có giá khoảng 40.000 USD mỗi chiếc. Ban đầu, việc ra mắt được đánh giá là không đúng thời điểm, trong bối cảnh các doanh nghiệp ngành bán dẫn tìm cách cắt giảm chi tiêu trong bối cảnh lạm phát gia tăng

Đến tháng 11, chatbot mang tên ChatGPT được ra mắt và tạo cơn sốt toàn cầu. Khi đó, Nvidia đã “bước chân” sang lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Tầm nhìn của những người đứng đầu Nvidia một lần nữa lại đi trước thời đại.


H100, chip mạnh nhất của Nvidia dùng để huấn luyện AI, từng được rao giá 46.000 USD trên eBay khi cơn sốt AI tăng vọt. Ảnh: CNET

“Chúng tôi đã đi từ một năm rất khó khăn rồi bất ngờ trở mình chỉ sau một đêm. Chatbot của OpenAI là một khoảnh khắc tuyệt vời. Nó tạo ra nhu cầu ngay lập tức với chip,” ông Jensen Huang, một trong 3 nhà sáng lập Nvidia nói.

Cơn sốt đột ngột từ hiệu ứng mà ChatGPT mang lại đã gây ra một cuộc chạy đua vũ trang giữa các công ty công nghệ hàng đầu thế giới và những startup trong ngành.


Tất cả đều đổ xô bằng mọi cách để mua được H100, thứ mà Huang mô tả là “con chip đầu tiên trên thế giới được thiết kế dành riêng cho trí tuệ nhân tạo”.

Giá trị của việc có đúng sản phẩm, vào đúng thời điểm đã trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết với nhà sản xuất chip này.

Trong báo cáo tài chính quý I, Nvidia nhắc đến sự gia tăng đáng kinh ngạc về nhu cầu chip xử lý cho các hệ thống AI thế hệ mới.


Tập đoàn mạnh dạn công bố doanh thu của họ trong 3 tháng tới sẽ đạt mốc 11 tỷ USD, cao hơn đến 50% so với ước tính trước đó của Phố Wall, nhờ sự hồi sinh trong chi tiêu cho trung tâm dữ liệu của nhóm Big Tech và nhu cầu về chip AI của ngành.

Nhờ tầm nhìn xa, Nvidia giờ đây là người chiến thắng đầu tiên từ sự gia tăng vượt bậc của AI thế hệ mới, một công nghệ có khả năng định hình lại các ngành công nghiệp, tạo ra mức tăng năng suất khổng lồ và thay thế hàng triệu việc làm.

Theo Financial Times, niềm tin của Huang về việc Nvidia có thể tiếp tục duy trì sự thống trị một phần xuất phát từ việc hãng chuẩn bị hợp tác với một ông lớn khác cùng ngành là TSMC.


Cụ thể, cả hai cái tên lớn nhất ngành sản xuất chip sẽ bắt tay để mở rộng quy mô sản xuất chip H100 nhằm đáp ứng nhu cầu bùng nổ từ các nhà cung cấp dịch vụ đám mây như Microsoft, Amazon, Google, các nhóm dịch vụ Internet như Meta và khách hàng doanh nghiệp.

GPU H100 của Nvidia gần như là điều kiện tiên quyết để huấn luyện cho các mô hình AI lớn. Ảnh: SCMP

“Đây là một trong những nguồn tài nguyên kỹ thuật khan hiếm nhất hành tinh,” Brannin McBee, giám đốc chiến lược và người sáng lập CoreWeave, một startup cơ sở hạ tầng điện toán đám mây tập trung vào AI nhận xét.


Sự phụ thuộc vào Nvidia phổ biến đến mức các ông lớn công nghệ đang phải nghiên cứu bộ phận phát triển chip cạnh tranh của riêng họ.

Apple đã dành nhiều năm để phát triển chip của riêng mình để tránh phải phụ thuộc và trả tiền cho các công ty khác. Google cũng đã tự làm chip xử lý Tensor cho các thiết bị di động của hãng.

Trong khi đó, cả Microsoft và Amazon cũng đều đã có các chương trình thiết kế chip cho riêng mình.


Tuy nhiên, theo Nathan Benaich, một nhà đầu tư chuyên về những startup trong lĩnh vực AI, khẳng định Nvidia vẫn sẽ dẫn trước các đối thủ của mình trong ít nhất là hai năm tới.

“Nvidia đã nhìn thấy tương lai trước mọi người với việc xoay trục kinh doanh của họ để làm cho GPU có thể lập trình được. Họ đã phát hiện ra một cơ hội, đặt cược vào nó và liên tục vượt xa các đối thủ cạnh tranh của mình,” Benaich nói.

Comments


Không bao giờ bỏ lỡ bản tin mới

Đăng ký nhận thư từ Ngoài Kia

Cảm ơn bạn. Chúng tôi sẽ liên hệ sớm.

bottom of page