Gia đình của Đề Thám mong muốn tổ chức một cuộc hội thảo, có sự tham gia của các nhà sử học đầu ngành để công bố một cách khoa học, chính thống những nghiên cứu về thân thế, sự nghiệp cùng cái chết của ông.
Hoàng Hoa Thám, còn gọi là Đề Dương, Đề Thám (Đề đốc Thám) hay Hùm thiêng Yên Thế, là người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Yên Thế chống thực dân Pháp (1884 - 1913).
Người cháu nội duy nhất của cụ Đề Thám còn sống đến ngày hôm nay là bà Hoàng Thị Diệp (75 tuổi).
Bà nội của bà Diệp chính là Đoàn Thị Nho (tức bà Ba Cẩn, vợ ba của Đề Thám), người nổi tiếng thông minh, giỏi giang và là một trợ thủ đắc lực cho nghĩa quân Yên Thế.
Đề Thám và Ba Cẩn có hai người con là Hoàng Thị Thế và Hoàng Hoa Vi.
Hoàng Hoa Vi (Hoàng Hoa Phồn hay Hoàng Văn Vi) sau này lấy Thân Thị Huệ (con gái ông Thống Luận). Họ có hai người con là Hoàng Thị Hải và Hoàng Thị Diệp.
Theo bà Diệp, gia đình bà luôn mong muốn được làm sáng tỏ hai việc:
Thứ nhất là giả thuyết ông nội của bà không phải do giặc Pháp giết hại. Theo lời kể của gia đình thì Đề Thám bị bệnh kiết lỵ mà chết. Việc Đề Thám bị giặc Pháp chặt đầu là không có, giải thích về cái thây người bị chặt đầu, họ khẳng định đó là của một nhà sư tại địa phương có hình dáng rất giống Đề Thám.
Thứ hai là làm sao tìm lại được phần mộ của Đề Thám. Trong thời gian qua rất nhiều người tìm cách liên lạc với gia đình bà Diệp qua thư tín, điện thoại hoặc tìm đến nhà. Có người còn quả quyết mình là con cháu của nghĩa quân Yên Thế trước đây và khẳng định mộ Đề Thám nằm ở Hà Tây. Người khác lại bảo mộ cụ ở Hải Phòng, Lào Cai… thậm chí có người còn nói đã nhìn thấy phần mộ của cụ ở bên đất Trung Quốc.
Ngoài ra bà Diệp còn muốn tập hợp được tất cả những con cháu của cụ Đề, bất luận là người đó ở Việt Nam hay nước ngoài. Lúc sinh thời, có thời gian bà Hải được kề cận và nghe người bác Hoàng Thị Thế tâm sự quãng thời gian sống cạnh người cha đầy mưu lược, uy dũng. Sau khi vỡ đồn Phồn Xương năm 1913, phong trào nghĩa quân Yên Thế bị dập tắt, lúc đó Hoàng Thị Thế mới 12 tuổi và đã bị thực dân Pháp bắt sang Pháp. Ở đó bà được học hết tú tài phần hai. Đến tuổi trưởng thành, bà lập gia đình với ông chủ nhà sản xuất rượu vang nổi tiếng Robert Bourgés ở Bordeaux.
Năm 1960, theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bà Thế đã trở về nước với tư cách của một nhân sĩ yêu nước. Bà được sắp xếp cho làm việc tại Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Tuy về sinh sống tại Việt Nam, nhưng bà Thế vẫn thường xuyên liên lạc với người con là Jean Marie Bourgés. Thời gian sau đó, hai mẹ con có nhiều bất đồng quan điểm dẫn đến mối quan hệ bị cắt đứt. Thậm chí, năm 1988 khi bà Thế qua đời, thọ 87 tuổi, gia đình bên Pháp cũng không hề hay biết. Lúc lâm chung, bà Thế luôn dặn dò con cháu phải tìm người con trai mình ở Pháp.
Theo lời dặn đó của bác, bà Hải được biết, vợ chồng J.M. Bourgés đã có ba người con là Hubert, Girard và Florence, đều đã ở tuổi ngoài đôi mươi.
Tháng 8/1999, bà Hải cùng gia đình đã sang Pháp tìm đến tòa nhà số 14, Cours de I’Intendance tại Bourdeaux như đã hẹn trước. Tại đây, những người con, cháu của đại gia đình Đề Thám đã đoàn tụ sau bao năm xa cách.
Ông Bourgés còn kể lại, và cho gia đình bên Việt Nam xem ảnh bà Thế đóng phim ở Pháp, cùng với những con tem in hình ảnh cụ Đề Thám mà ông đã cất giữ cẩn thận…
Vào thời điểm này, gia đình Đề Thám ở Pháp và ở Việt Nam đang xúc tiến việc đúc tượng của Hùm thiêng Yên Thế đặt tại quê hương Bắc Giang làng Trũng, thôn Quang Châu, xã Ngọc Châu, huyện Tân Yên.
Comentarios