top of page
​AD
Hòa Nguyễn

Những Chiến Binh Người Tày - Nùng

Trong 34 chiến sĩ đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam thì có đến 19 chiến sĩ dân tộc Tày và 9 chiến sĩ dân tộc Nùng.

34 đội viên đầu tiên của lực lượng Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, trong đó có đến 19 chiến sĩ dân tộc Tày, 9 chiến sĩ dân tộc Nùng.

Niên hiệu Hàm Thông thứ 7 (866), hoàng đế Đường Ý Tông thuận thỉnh tấu của quan kinh lược Cao Biền mà nâng An Nam đô hộ phủ thành Tĩnh Hải quân. Nhờ công dẹp loạn Nam Chiếu, đại thần Cao Biền được trọng nhậm tiết độ sứ, tùy nghi hành sự tại đất Lĩnh Nam.

Quân (軍) là cấp hành chính địa phương cao nhất thời Đường, thể hiện tính xung yếu và cần được quan phòng mức cao. Nhưng thực tế, thời kỳ này Đường triều chỉ đủ khả năng Kimi. Một đại châu Kimi ở cực nam của đế chế do những quý tộc gốc Hán nói tiếng An Nam tự chủ và họ dần toan tính để thoát khỏi sự cương toả của phương Bắc. Cuối cùng mở ra cục diện thiên ngoại hữu thiên.


Lãnh thổ Tĩnh Hải quân bao gồm bắc bộ và bắc trung bộ thuộc Việt Nam ngày nay, hay An Nam. Cùng với phần lớn Quảng Tây và một phần nhỏ Vân Nam thuộc Trung Quốc ngày nay. Khi đó phần thuộc Trung Quốc, trái với phần thuộc Việt Nam, có ít sự Hán Hoá. Quảng Tây núi rừng là đất của Lý - Lão hay Choáng - Tráng/ Tày - Nùng bây giờ. Những người mà triều đình Trung Hoa khi đó có lẽ chưa từng thực sự kiểm soát được. Họ hay nổi loạn và làm tắc nghẽn con đường bộ đến An Nam.

Có lần nhà Đường đánh dẹp cuộc nổi dậy quy mô lớn tại Quảng Tây, chém đầu hàng chục nghìn người. Đã dẫn đến sự bỏ chạy của 1 bộ phận Lý - Lão về phía Tây vào Nam Chiếu và sau này thành lập trung tâm mới gọi là 12 khoảng ruộng Tây Song Bản Nạp. Khi Mông Cổ diệt Nam Chiếu thì một lần nữa những người này lại chạy về phương nam, hình thành nên các quốc gia Lào, Thái Lan và bang Shan, Myanmar bây giờ.

Vậy Quảng Tây từ Tĩnh Hải Quân tự chủ bị nhập về phương Bắc khi nào?


Có thể là sau chiến thắng Bạch Đằng 938 thì Quảng Tây đã bị Nam Hán kiểm soát. Người An Nam Hán hoá có lẽ cũng không mặn mà với vùng đồi núi của thổ nhân khó cai trị này cho đến tận khi các mỏ vàng bị phát lộ.

Cũng có thể là sau loạn 12 sứ quân, thì Đinh Bộ Lĩnh cũng không mặn mà với việc thu hồi Quảng Tây. Ông ta có lẽ chỉ muốn thống nhất các vùng Hán hoá ở đồng bằng và trung du vịnh Bắc Bộ kiểm soát các vùng giáp ranh xung quanh của thổ nhân theo dạng châu Kimi.

Vùng miền núi phía Bắc nói chung và sắc dân Choang - Tráng / Tày - Nùng nói riêng chưa bao giờ là dễ thu phục. Sau này khi Trần tộc nắm quyền ở An Nam, họ cũng phải cử nhà ngoại ngữ và dân tộc học kiêm ngoại giao là Trần Nhật Duật đi làm công tác dân vận các chúa đạo miền ngược. Trước đó vào thời Lý thì Nùng Trí Cao đã chống lại cả Đại Tống và Đại Việt, 2 thế lực đều tuyên bố chủ quyền với châu Quảng Nguyên.


Tướng Nùng Tôn Đản và quân đội của ông ta là 1 thành phần quan trọng trong đội quân nhà Lý viễn chinh vào đất Trung Hoa dưới sự chỉ huy của thái uý Lý Thượng Cát.

Các Chúa Bầu cũng như nhà Mạc đã dựa vào đất của người Tày - Nùng mà cát cứ trong một thời gian dài.

Nguyễn trào sau khi thành lập với các chính sách coi Việt nhân là Hán nhân, gọi người Trung Hoa là Thanh nhân, phận biệt đối xử các sắc dân thiểu số đã dẫn tới cuộc nổi dậy của Nông Văn Vân.

Thời chiến tranh Pháp - Thanh tại Bắc Kỳ, khi quân Pháp tiến vào Quảng Tây cũng gặp phải sự kháng cự ngoan cố của Choang - Tráng. Quân Cờ Đen, Cờ Trắng, Cờ Vàng có lẽ cũng có được sự hợp tác của người Choang - Tráng.


Thế giới thường nhắc đến sự dũng cảm thiện chiến không biết sợ của lính đánh thuê Gurkha trong biên chế quân đội Anh, quân đội Ấn. Hay gần đây khi chiến tranh Tiểu Nga - Nga La Tư nổ ra, thế giới lại lan truyền những hình ảnh về các chiến binh Chechen người Chechnya. Ví họ như là IS phiên bản quân đội chính quy. Những chiến binh liều mạng, máu lạnh với kẻ thù, rất ít khi bắt tù binh.


Tuy vậy ít ai biết rằng trong chiến tranh Đông Dương lần 1 hay Kháng chiến chống Pháp, có một đội quân sư đoàn người Nùng chiến đấu bên phe Pháp. Những lính Nùng này cực kỳ thiện chiến và hung dữ, ngang ngạnh.


Sang đến chiến tranh Đông Dương lần 2 hay Kháng chiến chống Mĩ cứu nước, Sư đoàn lính Nùng này di cư vào nam và vẫn nổi tiếng về độ thiện chiến, máu lạnh. Ngoài chỉ huy trực tiếp, họ không hề thần phục bất cứ ai, kể cả tổng thống. Khi nổi nóng, họ có thể cắt tai luôn cả một vị tướng nếu ông ta là người khiêu khích. Chính điều này làm Ngô Đình Diệm sợ dù ông cũng rất cần họ, nên đã xé lẻ Sư đoàn ra.


Khi Lê Thái Tổ dấy binh ở vùng miền núi phía tây Thanh - Nghệ, có lẽ ông ta đã có được sự ủng hộ của các sắc dân Thái - Mường. Sau này Thái Tổ thành đại công nghiệp Bình Ngô.

Khi phong trào Tây Sơn nổi lên, đã có nhiều chiến binh người Thượng Tây Nguyên gia nhập đoàn quân tại Tây Sơn thượng đạo. Sau này nhà Tây Sơn lập nên đại võ công nam đuổi Xiêm La, bắc phá Mãn Thanh.

Khi Hồ Chí Minh về nước năm 1941 đã gây dựng chiến khu Việt Bắc, còn được gọi là Khu giải phóng Việt Bắc, là căn cứ địa lớn nhất của cách mạng Việt Nam thời kỳ cao trào kháng Nhật, cứu nước và chuẩn bị Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945 (Cách mạng Tháng Tám).



Chiến khu Việt Bắc là địa bàn sinh sống của người Tày - Nùng. Trong 34 chiến sĩ đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam thì có đến 19 chiến sĩ dân tộc Tày và 9 chiến sĩ dân tộc Nùng.

Có rất nhiều cán bộ chiến sĩ người Nùng phục vụ và chiến đấu trong quân đội nhân Việt Nam qua các thời kỳ. Nhiều người trong số họ đã chiến đấu dũng cảm anh dũng, được nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu cao quý. Sự thật là ngày nay, có một bộ phận người Kinh có tâm lý e ngại, trốn tránh khi con em hay bản thân phải đi nghĩa vụ quân sự. Nhưng với người Tày - Nùng ở các huyện như huyện Bình Liêu thì đã gọi đi khám tuyển là phải nhận con em họ đi, không thì họ sẽ kéo cả họ lên Ủy ban. Đơn giản là vì ở đó, nếu không được đi lính khi gọi nghĩa vụ, thì sẽ khó mà lấy được vợ.


Theo sách ‘60 Năm Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng (hỏi và đáp)’ - Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia (2004), danh sách 34 chiến sĩ Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân dự lễ thành lập ngày 22/12/1944 gồm các đồng chí:


  1. Trần Văn Kỳ (bí danh Hoàng Sâm), dân tộc Kinh, quê Lệ Sơn, Tuyên Hóa, Quảng Bình - Đội trưởng.

  2. Dương Mạc Thạch (bí danh Xích Thắng), dân tộc Tày, quê Minh Tâm, Nguyên Bình, Cao Bằng - Chính trị viên.

  3. Ngô Quốc Bình (bí danh Hoàng Văn Thái), dân tộc Kinh, quê An Khang, Tiền Hải, Thái Bình - Tình báo và kế hoạch tác chiến.

  4. Lâm Cẩm Như (bí danh Lâm Kính), dân tộc Kinh, quê Đông Khê, Thạch An, Cao Bằng - Công tác chính trị.

  5. Lộc Văn Lùng (bí danh Văn Tiên), dân tộc Tày, quê Mai Pha, Cao Lộc, Lạng Sơn - Quản lý.

  6. Hoàng Thịnh (bí danh Quyền), dân tộc Tày, quê Tràng Xá, Võ Nhai, Thái Nguyên.

  7. Nguyễn Văn Càng (bí danh Thu Sơn), dân tộc Tày, quê Hồng Việt, Hòa An, Cao Bằng.

  8. Đàm Quốc Chủng (bí danh Quốc Chủng), dân tộc Tày, quê Bình Long, Hòa An, Cao Bằng.

  9. Hoàng Văn Nình (bí danh Thái Sơn) dân tộc Nùng, quê Thượng Ân, Ngân Sơn, Bắc Kạn.

  10. Hà Hương Long, dân tộc Tày, quê Nam Tuấn, Hòa An, Cao Bằng.

  11. Đức Cường (tức Cơ), dân tộc Tày, quê Đề Thám, Hòa An, Cao Bằng.

  12. Bế Văn Sắt (bí danh Hồng Quân Mậu), dân tộc Tày, quê Bình Long, Hòa An, Cao Bằng.

  13. Đinh Trung Lương (bí danh Trung Lương), dân tộc Tày, quê Lê Lợi, Thạch An, Cao Bằng.

  14. Tô Vũ Dâu (bí danh Thịnh Nguyên), dân tộc Tày, quê Vĩnh Quang, Hòa An, Cao Bằng.

  15. Đồng chí Luận, dân tộc Kinh, quê Quảng Bình.

  16. Bế Bằng (bí danh Kim Anh), dân tộc Tày, quê Hồng Việt, Hòa An, Cao Bằng.

  17. Nông Phúc Thơ, dân tộc Nùng, quê Tràng Xá, Võ Nhai, Thái Nguyên.

  18. Nông Văn Kiểm (bí danh Liên), dân tộc Tày, quê Tam Kinh, Nguyên Bình, Cao Bằng.

  19. Ma Văn Phiêu (bí danh Bắc Hợp, Đường), dân tộc Tày, quê Nguyên Bình, Cao Bằng.

  20. Chu Văn Đế (bí danh Nam), dân tộc Tày, quê Minh Tâm, Nguyên Bình, Cao Bằng.

  21. Bế Văn Vạn (bí danh Vạn), dân tộc Tày, quê Vân Tùng, Ngân Sơn, Bắc Kạn.

  22. Nông Văn Bê (bí danh Thâm), dân tộc Nùng, quê Hoàng Tung, Hòa An, Cao Bằng.

  23. Hồng Cô, dân tộc Mông, quê Lũng Giẻ, Nguyên Bình, Cao Bằng.

  24. Nguyễn Văn Phán (bí danh Kế Hoạch), dân tộc Tày, quê Hồng Việt, Hòa An, Cao Bằng.

  25. Đặng Dần Quý (bí danh Quí), dân tộc Dao, quê Tam Kinh, Nguyên Bình, Cao Bằng.

  26. Tô Văn Cắm (bí danh Tô Tiến Lực), dân tộc Tày, quê Tam Kinh, Nguyên Bình, Cao Bằng.

  27. Hoàng Văn Lương (bí danh Kinh Phát), dân tộc Nùng, quê Đức Vân, Ngân Sơn, Bắc Kạn.

  28. Hoàng Văn Nhủng (bí danh Xuân Trường), dân tộc Tày, quê Sóc Hà, Hà Quảng, Cao Bằng.

  29. Trương Đắc (bí danh Đồng), dân tộc Tày, quê Minh Tâm, Nguyên Bình, Cao Bằng.

  30. Dương Đại Long, dân tộc Nùng, quê Pác Bó, Hà Quảng, Cao Bằng.

  31. La Thanh, dân tộc Nùng, quê Pác Bó, Hà Quảng, Cao Bằng.

  32. Ngọc Trình, dân tộc Nùng, quê Bình Long, Hòa An, Cao Bằng.

  33. Nông Văn Ích, dân tộc Nùng, quê Hà Quảng, Cao Bằng.

  34. Thế Hậu, dân tộc Nùng, quê Trường Hà, Hà Quảng, Cao Bằng.



Tác giả: Nguyễn Quang Đạt

Commentaires


Không bao giờ bỏ lỡ bản tin mới

Đăng ký nhận thư từ Ngoài Kia

Cảm ơn bạn. Chúng tôi sẽ liên hệ sớm.

bottom of page