Nhà máy Kurganmashzavod hầu như không có gì để lắp ráp xe tăng, không có đủ thiết bị điện tử cho hàng không, tên lửa mới thiếu hụt...
Ngày 25/10, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev đã đến thị sát một trong những doanh nghiệp hàng đầu của tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga - Uralvagonzavod (UVZ – Nhà máy Toa xe Ural).
Theo lời ông, Medvedev đã kiểm tra tình hình sản xuất xe tăng. Trên kênh Telegram của mình, vị quan chức này nói về các nhiệm vụ được hoạch định trong quá trình chuyến đi: đẩy nhanh việc cung cấp thiết bị cho quân đội để sử dụng trong “chiến dịch quân sự đặc biệt”, thực hiện nghiêm lệnh đặt hàng quốc phòng theo tất cả các thông số chính của nó, không để gián đoạn trong việc cung cấp trang thiết bị được sản xuất.
Nhưng Medvedev lại dành kết luận chính sau chuyến thăm nhà máy sản xuất xe bọc thép lớn nhất trong nước cho những người nước ngoài xem kênh Telegram của mình: “Và còn một điều nữa. Trong khi đọc phân tích của thế lực thù địch, tôi đã nhiều lần bắt gặp các khẳng định rằng thiết bị quân sự và vũ khí đang có nhu cầu của Nga sẽ sớm cạn kiệt. Kiểu như người ta đã vung vít mọi thứ. Đừng hy vọng. Việc xuất xưởng vũ khí và thiết bị chuyên dụng đang được đẩy mạnh gấp nhiều lần theo tất cả các hướng: từ xe tăng và súng cho đến tên lửa có độ chính xác cao và máy bay không người lái. Hãy đợi đấy!”
Công việc sinh tử này có giá gần 5 nghìn tỷ rúp, được bao gồm trong ngân sách quốc phòng của Liên bang Nga cho năm 2023.
Nga đã không chuẩn bị cho chiến tranh
Một nguồn tin trong ngành công nghiệp quốc phòng Nga nói với Báo Mới (Novaya Gazeta-Europe): “Những người khởi xướng Chiến dịch quân sự đặc biệt đã bọc ngành công nghiệp quốc phòng Nga bằng nhựa đường một cách có phương pháp trong nhiều năm”. Với việc Putin lên nắm quyền, sự phân chia lại thị trường theo cách tầm thường đã bắt đầu trong ngành công nghiệp quốc phòng. Đội ngũ giám đốc cũ bị loại bỏ. Những “nhà quản lý hiệu quả” mới đã xuất hiện. Tiếp tục tồn tại là những doanh nghiệp có một phần sản phẩm quân sự được định hướng xuất khẩu. Chỉ nhờ điều này mà ngành công nghiệp quốc phòng mới sống sót. Tại thời điểm đó những doanh nghiệp không có tiềm năng xuất khẩu đã bị xóa sổ, hay bị bán, và bây giờ ở vị trí của chúng là những đống đổ nát hoặc trung tâm mua sắm.
Theo người đối thoại của Báo Mới, lợi nhuận từ các đơn đặt hàng quốc phòng của nhà nước là tối thiểu. Đây là những tàn dư của thời kỳ Xô viết, khi giá sản phẩm được tính là giá thành cộng với một tỷ lệ phần trăm lợi nhuận nhất định – chẳng hạn 5-15%. Nếu một chiếc xe tăng khi xuất khẩu được bán với giá 2,5-3 triệu USD, thì Bộ Quốc phòng Nga chỉ trả nhiều nhất là một triệu USD. Trong những điều kiện như vây, các doanh nghiệp không có lợi lắm khi làm việc với nhà nước và đơn đặt hàng quốc phòng. Nguồn tin nhắc lại việc nhà máy Kurganmashzavod đã vi phạm đơn đặt hàng quốc phòng trong nhiều năm liên tiếp như thế nào, nhưng trong thời gian đó lại đảm bảo giao những chiếc BMP-3 của mình cho UAE và Malaysia.
Một số doanh nghiệp - đặc biệt là những doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm xuất khẩu có khả năng cạnh tranh - đã vay các ngân hàng phương Tây để mua thiết bị. Nhưng sau khi “gói trừng phạt Crimea” được đưa ra, họ phải khẩn cấp vay lại tại các ngân hàng Nga, rơi vào cảnh con nợ thực sự. Nhiều doanh nghiệp đứng trước bờ vực phá sản. Bây giờ có vấn đề là tái cơ cấu các khoản nợ này với chi phí từ ngân sách.
Ở Nga, theo nguồn tin của bản báo, công việc nghiên cứu khoa học và thiết kế - thử nghiệm không được tài trợ.
Một nhân viên ngành công nghiệp quốc phòng Nga giải thích: “Ở Mỹ có thông lệ là Bộ Quốc phòng trả tiền cho doanh nghiệp để sản xuất các mẫu thử nghiệm. Hơn nữa, việc đặt hàng có thể cạnh tranh và do hai hãng thực hiện. Và Bộ Quốc phòng Mỹ trả tiền làm mẫu cho cả hai bên, thử nghiệm chúng, rồi chọn một trong số đó để sản xuất hàng loạt loạt”. Ở Nga người ta nói: tiến lên đi, các bạn, bằng tiền riêng của mình! Còn một số ít những kẻ may mắn, nhận được tài trợ cho công việc như vậy, lại quan tâm đến chuyện kéo dài nó càng lâu càng tốt để tiếp tục nhận được tiền. Bởi vậy, các doanh nghiệp Nga sẽ có lợi hơn khi chạy theo những sản phẩm cũ, đã được kiểm chứng, ở những nơi còn dự trữ nguyên vật liệu từ thời Liên Xô và không có rủi ro đặc biệt trong sản xuất.
Ở Nga bây giờ đơn giản là chẳng có cái gì là có hàm lượng khoa học, là tiên tiến, và cũng chẳng nhìn thấy trước được cái gì, theo ý kiến của vị chuyên gia.
“Rõ ràng là quân đội Nga hiện đang thiếu kinh khủng các loại trang thiết bị,” một nhân viên của tập đoàn nhà nước Rostekh nói với Báo Mới. “Điều này được giải thích bởi nhịp độ ‘khét lẹt’ của các đơn đặt hàng từ chính phủ gửi xuống các nhà máy”. Có ấn tượng là sự ưu tiên đã được dành hoàn toàn cho số lượng, chứ không phải là chỉ tiêu chất lượng. Nói đơn giản là không quan trọng loại xe tăng nào sẽ ra trận, T-90M mới nhất hay T-62 được dỡ niêm cất từ các cơ sở bảo quản.
Nhân viên của Rostekh khẳng định rằng ngay sau khi bắt đầu cuộc xung đột với Ukraine, Uralvagonzavod đã nhận được đơn đặt hàng 400 xe tăng. Theo dịch vụ báo chí của doanh nghiệp, việc sản xuất xe tăng cần phải triển khai hết công suất trước năm 2024. Nhưng sau khi bắt đầu xảy ra tổn thất quy mô lớn về trang thiết bị trên các mặt trận, thời hạn rõ ràng đã được xiết lại một cách nghiêm ngặt.
Tuy vậy trong ngành công nghiệp xe tăng các chỉ thị của ngay cả cấp lãnh đạo cao nhất cũng không thể được thực hiện ngay lập tức.
“Không ai chuẩn bị cho chiến tranh. Cần có thời gian để tăng tốc bất kỳ sản xuất nào. Để bắt đầu cần kết nối tất cả các nhà cung cấp, nhà đóng gói sản phẩm và nhà thầu phụ,” người đối thoại từ Rostekh cho biết. “Để sản xuất một chiếc xe tăng cần phải có kim loại, súng, động cơ, thiết bị điện tử, đài liên lạc vô tuyến và nhiều cơ cấu, tổ máy phức tạp khác. Tất cả những thứ này được mua trên cơ sở các hợp đồng hiện tại và không thể có được trong thời gian sớm hơn. Không có các bộ phận dự trữ. Bởi Nga có nền sản xuất giảm thiểu phí tổn.”
Xe tăng được sản xuất thủ công
Nguồn tin từ tập đoàn nhà nước ước tính công suất hiện tại của Uralvagonzavod là 200 - 250 xe tăng mỗi năm. Đoạn phim từ phóng sự về chuyến thăm của cựu Thủ tướng Medvedev tới UVZ cho thấy thay vì dây chuyền mà thời Liên Xô cho phép sản xuất hàng nghìn chiếc ô tô hàng năm, ngày nay các sản phẩm mới được lắp ráp thủ công và những sản phẩm cũ được hiện đại hóa trên hệ thống sàn nâng.
Các nhân viên của doanh nghiệp trong cuộc trò chuyện thân mật với phóng viên của Báo Mới đã nói đùa rằng xe tăng của họ được làm thủ công.
Để tăng sản lượng, cần mở rộng diện tích. Hàng chục tỷ rúp được phân bổ cho các phân xưởng mới nhất với dây chuyền lắp ráp tự động cho dự án Armata (xe tăng T-14) đã “có chủ”.
Thế nhưng UVZ đang kiện các nhà thầu, chưa một mét vuông mặt bằng nào được xây dựng. Các thiết bị đã mua và máy móc nhập khẩu đắt tiền đã mục nát nhiều năm trong các thùng đựng. Vì vậy trong tương lai gần chưa thể thấy được việc sản xuất hàng loạt “Armata”.
Ngoài ra, Tổng giám đốc UVZ Alexander Potapov đã không bị trừng phạt vì phá hỏng một trong những dự án tham vọng nhất của ngành công nghiệp quốc phòng Nga.
Kết quả là người ta lắp ráp Armata trong cùng một xưởng mà về mặt nguyên tắc được sử dụng cho các xe tăng nặng hơn và to hơn T-90 và T-72, mặc dù chúng không có các thiết bị cần thiết. Hiện tại không biết có bao nhiêu chiếc Armata đang di chuyển. Nhưng có thể giả định rằng khoảng một tá xe mẫu, cần thiết cho các cuộc duyệt binh trên Quảng trường Đỏ, cộng với một vài chiếc đã được chuyển giao để huấn luyện trong các đơn vị quân đội. Chẳng hạn như chiếc ‘Armata’ đang lấp lánh ở Trường Cao đẳng xe tăng Kazan.
Hiện không đủ thợ lắp ráp lành nghề để khởi động dây chuyền trong các phân xưởng đang có tại UVZ. Để tăng đáng kể khối lượng thành phẩm, cũng cần phải tăng số lượng lao động tương ứng. Ngày nay tại UVZ, cũng như tại hầu hết các doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp quốc phòng, công việc diễn ra liên tục không ngày nghỉ và ngày lễ theo ba ca.
Nếu trước đây xe tăng được bàn giao theo lô gồm hàng chục chiếc thành phẩm, thì ngày nay người ta thường xuất xưởng từ 5-10 chiếc cho đơn vị. Công việc chính tại UVZ hiện đang được thực hiện trên T-72 B3M, nhưng gần đây trên Internet đã xuất hiện thông tin về loạt T-90M hiên đại.
Những chiếc xe như vậy đã rơi vào tay quân đội Ukraine. Cho dù không thể nghĩ ra chiêu tiếp thị nào tồi tệ hơn việc những chiếc xe tăng mới nhất của Nga bị vỡ nát bởi những hệ thống tên lửa chống tăng vác vai và súng phóng lựu cũ kỹ.
Theo kênh Telegram Volya, Bộ Quốc phòng Nga hiện có thể có tới 8 nghìn xe tăng thuộc nhiều mẫu khác nhau, từ T-62 đến T-80. Theo kênh này, vốn đang cố gắng tìm hiểu vấn đề xe tăng, gần 90% tất cả các xe được phá niêm cất đều phải bắt buộc hiện đại hóa. Theo ước tính của Volya, ngành công nghiệp xe tăng Nga hiện có thể sản xuất tới 250 xe mới mỗi năm và nâng cấp gần 600 xe cũ.
Những “Kẻ hủy diệt” đang được sửa chữa
Trên chiến trường, phía Ukraine ngày càng chiếm ưu thế về hỏa lực nhờ hệ thống pháo tầm xa do các nước NATO cung cấp, bắn xa 30 - 40 km. Hiện đại nhất trong quân đội Nga hiện nay là pháo tự hành SAU 2S19 “Msta-S”, chỉ có thể bắn đạn đi xa 24 km. Tầm bắn ngắn như vậy, so với tiêu chuẩn ngày nay, là do trong quá trình thiết kế người ta dựa trên việc sử dụng các viên đạn cũ, đang được bảo quản với số lượng lớn trong các kho.
Bởi vậy khả năng tăng tầm bắn bị hạn chế bởi quy luật đường đạn của chính khẩu pháo. Pháo tự hành 2S35 “Koalitsiya-SV” mới nhất của Nga, có khả năng bắn đến 70 km, đã được phát triển từ cuối những năm 90. Trong tháp của khẩu pháo này có mô-đun chiến đấu tự chủ với tốc độ bắn được nâng cao. Nhưng tại Uraltransmash chúng được xuất xưởng tổng cộng vài khẩu trong khuôn khổ loạt thử nghiệm tại đơn vị. Không có khẩu nào như vậy trên mặt trận.
Một nguồn tin của Báo Mới ở Rostekh cho biết cả xe tăng Armata và pháo tự hành Koalitsiya có cùng vấn đề về chất lượng nòng pháo: Nga không sản xuất loại thép làm pháo phù hợp. Việc sản xuất phôi cho các bộ phận của cụm nòng chỉ được duy trì tại hai doanh nghiệp ở Nga: Motovilikhinskiye Zavody (Perm) và Barrikady (Volgograd).
Người này nói “ngành luyện kim đã bị hủy hoại. Khi cuộc thi làm phôi cho nòng pháo được công bố, tất cả các mẫu đưa ra đều bị lỗi”. Đặc thù của nòng pháo mới là phải chịu được áp lực lớn hơn, tức là phải bền hơn. Điều này đòi hỏi các hợp kim và chế độ nấu chảy đặc biệt. Cần những lò có dung tích nhỏ. Còn ở Nga toàn ngành luyện kim đã được cải tiến sang các lò dung tích lớn và các mác thép có sản lượng nhiều.
Có ai đó trong số các lãnh đạo của ngành luyện kim cho rằng quá trình luyện thép mác-tanh đã trở nên kém hiệu quả và tất cả các lò mác-tanh trong nước đã bị dập tăt. Họ dập tắt chúng, không nghĩ rằng chỉ có những lò này mới luyện được thép có chất lượng đặc biệt, trong đó có cả loại để làm pháo.
Một sản phẩm được công bố rộng rãi khác của UVZ là xe chiến đấu hỗ trợ tăng “Terminator”, đã được cung cấp với số lượng thương mại cho Algeria. Bốn bản sao của xe chiến đấu hỗ trợ tăng này đã tỏa sáng trong khu vực chiến dịch quân sự đặc biệt, tạo ra sự khen ngợi từ công chúng yêu nước. Tuy nhiên trong video tiếp theo, khoảng một tháng sau đó, những chiếc xe này đang được sửa chữa.
Không còn là chuyện đùa với Iskander
Người ta thường chấp nhận rằng Nga có một kho dự trữ chiến lược gồm Iskander, Calibr và các tên lửa hiện đại khác.
Phóng viên BBC Pavel Aksenov giải thích cho Báo Mới: “Bộ Quốc phòng Liên bang Nga không cung cấp bất kỳ dữ liệu nào về số lượng thiết bị được sản xuất, được sử dụng trên chiến trường và bị tổn thất ở đó. Ví dụ, chỉ có thể đánh giá có bao nhiêu tên lửa đang được sản xuất ở Nga bằng các chỉ dấu gián tiếp: theo số lần phóng và theo loại tên lửa được sử dụng. Trong cuộc pháo kích ồ ạt vào Ukraine, sau vụ nổ cầu Crimea, hỏa lực được thực hiện bởi cả Tornado S, cả S-300, cả Kh-101, cả Kh-55, cả Calibr, cả Iskander, và UAV... Và cho đến bây giờ vẫn chưa có thông tin về số lượng tên lửa của một loại cụ thể nào đó đã bị bắn hạ hoặc đã đánh trúng mục tiêu ở Ukraine.”
Người đối thoại của Báo Mới, đang làm việc trong lĩnh vực phát triển vũ khí tên lửa, thông báo rằng rất nhiều loại tên lửa, chẳng hạn như Calibr, được đưa ngay lập tức từ xưởng đến các trận địa phóng.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, tổng cộng 99 tên lửa đã được bắn vào các mục tiêu ở Syria trong khoảng thời gian từ ngày 7/10/2015 đến 3/11/2017.
“Tàu khu trục thông thường của Mỹ mang được hơn 90 tên lửa hành trình. Và Mỹ có hàng chục tàu khu trục,” nguồn tin cho biết. “Không có điều tương tự ở Liên bang Nga. Tên lửa của Nga được phóng từ các tàu hộ tống và tàu chiến đa năng (corvet), vốn chỉ có 8 hoặc 16 ống phóng. Sang năm sau cần đưa tàu tuần dương chạy bằng năng lượng hạt nhân Đô đốc Nakhimov (tên cũ là Kalinin), đã được hiện đại hóa từ năm 1999, trở lại thực hiện nhiệm vụ trực ban chiến đấu. Nó sẽ được chuyển đổi để phóng các loại tên lửa hiện đại.”
Một lý do khác để nghi ngờ khả năng có đủ tên lửa với độ chính xác cao của Nga là việc sử dụng hệ thống tên lửa phòng không S-300 chống lại các mục tiêu mặt đất. Những tên lửa như vậy ở chế độ đất đối đất được dẫn đường không đủ chính xác. Ngoài ra, một đầu đạn nổ văng mảnh mạnh khi rơi vào khu dân cư sẽ dẫn đến thương vong cho nhiều người dân thường không được bảo vệ.
Hệ thống tên lửa Kinzhal, mà Putin thường sử dụng để đe dọa phương Tây, chính là Iskander được treo dưới tiêm kích đánh chặn MIG-31. Nga có không nhiều tên lửa như vậy, theo các nguồn tin. Và ngay cả MIG-31, được sửa đổi để mang Kinzhal, cũng chỉ có một vài chiếc.
Vị kỹ sư tên lửa cho biết: “Khi pháo kích vào Ukraine người ta đã sử dụng cả tên lửa chống hạm Kh-22 với đầu tự dẫn. Nói một cách đơn giản, đầu tự dẫn này có thể phân biệt một khối kim loại có hình dạng như tàu sân bay trên bối cảnh một vùng biển phẳng. Nhưng nó không thể chọn đúng một tòa nhà trong số rất nhiều tòa nhà trong thành phố. Và khi đó nó bay theo các tham số dẫn đường đã cho và đến một nơi nào đó gần với vị trí của mục tiêu. Độ lệch nhỏ nhất có thể là hàng trăm mét.”
Theo người đối thoại của Báo Mới, Nga không có năng lực sản xuất để thay thế đủ những tên lửa đã được tiêu thụ. Ngay từ năm 2018, tại Nhà máy Chế tạo Máy Dubna, một tập thể đã phản đối các phương pháp quản lý của Công ty Tài chính cổ phần Sistema trực thuộc doanh nghiệp. Chính tại đây, vào đầu những năm 2000, người ta đã chuyển các thiết bị từ Dnepropetrovsk đến và triển khai việc sản xuất tên lửa dòng Kh. Theo nguồn tin của Báo Mới, Almaz-Antey, công ty sản xuất Calibr, S-300 và S-400, đã bắt đầu gặp vấn đề với việc các máy công cụ nhập khẩu đã bị đình chỉ do lệnh trừng phạt.
Đề tài vô dụng
Ngay từ thời Liên Xô, các phòng thiết kế hàng không của Nga đã tập trung cho các nghiên cứu nền tảng về khí động học. Máy bay mới nhất, ví dụ Su-57, có phần thân và cánh thật tuyệt vời. Nhưng thiết bị điện tử của Nga kém tin cậy hơn và kích thước lớn hơn, điều này dẫn đến việc tăng trọng lượng của máy bay.
Các đặc tính của radar, cũng như hệ thống thông tin liên lạc, thua kém đáng kể so với các đối tác phương Tây. Radar của Nga có phạm vi phát hiện ngắn hơn, chúng có thể theo dõi ít mục tiêu hơn, chất lượng nhận dạng mục tiêu kém hơn... Động cơ cũng thua kém về các đặc tính kỹ thuật.
Đồng thời, nguồn tin của Báo Mới trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng khẳng định rằng mỗi năm loại máy bay chiến đấu SU-57 mới nhất này cũng chỉ có thể lắp ráp được vài chiếc.
Tình hình cũng không khá hơn với trực thăng. Các máy bay cánh quay hiện đại của Mỹ nhỏ hơn một lần rưỡi và hiệu quả hơn nhiều về tải trọng và vũ khí. Xét về trọng lượng, kích thước và đặc điểm hoạt động, chúng đã bỏ xa Liên bang Nga. Trực thăng của Nga tiêu tốn nhiều nhiên liệu hơn, chưa kể động cơ của hầu hết các mẫu trực thăng đều được sản xuất tại Ukraine.
Điều đáng chú ý là Vyacheslav Boguslaev, người đứng đầu và đồng sở hữu công ty Motor Sich PJSC của Ukraine, đã bị bắt vì tội cung cấp động cơ và phụ tùng thay thế cho trực thăng tấn công của Nga. Còn Nga vẫn chưa thể tìm được nguồn thay thế trong lĩnh vực này, và rất có thể trong tương lai gần trực thăng chiến đấu của Nga sẽ đơn giản là bị ngừng sản xuất.
Những người đối thoại của Báo Mới gọi việc sản xuất máy bay không người lái là một trong những “đề tài vô dụng” mới trong ngành công nghiệp quốc phòng Nga.
Chuyên gia Rostekh cho biết: “Bộ Chỉ huy rất kém hiểu biết trong lĩnh vực này. Toàn bộ kinh nghiệm về việc sử dụng hiệu quả các UAV cho đến thời điểm gần đây chỉ có ở bên dưới. Những chiếc quadrocopter (trực thăng không người lái 4 cánh quay) được mua bằng tiền của những nhà tài trợ hoặc quỹ tự nguyện đã xuất hiện trong các đơn vị, và người ta học cách ‘bay’ trên đó, làm chủ chiến lược, chiến thuật, kỹ thuật lái ứng dụng chiến đấu và các phương pháp sử dụng hiệu quả. Bộ Quốc phòng không có một đơn vị nào thu thập, hệ thống hóa và phân tích những kinh nghiệm này. Khi nhu cầu nảy sinh, suy nghĩ đầu tiên không phải là đảm bảo khả năng chiến đấu, mà chỉ đơn giản là cưa xẻ và rửa cái bong bóng.”
Theo người đối thoại của Báo Mới, vài năm trước rất nhiều công ty nhỏ đã xuất hiện, dường như là để tham gia vào phát triển UAV. Thông thường việc phát triển được hiểu là sự lắp ráp tầm thường một “thiết bị bay” nào đó, dựa trên máy bay không người lái (drone) của Trung Quốc, sau đó “vận động hành lang” thông qua những người của mình trong bộ chỉ huy quân đội để coi nó như là bản thiết kế mới nhất được phát triển trong nước.
Nga thực sự không sản xuất các động cơ hàng không công suất nhỏ. Cả động cơ piston, cả động cơ phản lực – đều không sản xuất! Những động cơ như vậy có một đặc điểm riêng: cần một tỷ lệ nhất định giữa khối lượng riêng và công suất hữu ích. Động cơ điện, tương tự như loại mà Trung Quốc lắp trên các trực thăng không người lái, cũng không được sản xuất ở Nga. Nhưng người ta đã tung bụi che mắt cấp trên, và cuối cùng đành phải mua máy bay không người lái từ Iran, và để có những mẫu triển vọng nhất của riêng mình, họ nhập khẩu các khối lớn và các linh kiện từ Trung Quốc.
Tất cả những người đối thoại của Báo Mới đều đồng ý rằng Nga bước vào cuộc chiến với ngành công nghiệp chưa kịp hiện đại hóa. Số tiền cấp cho quá trình hiện đại hóa này đã được chi tiêu không hiệu quả. Việc áp đặt các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã cắm dấu Thánh giá cho khả năng có những thiết kế mới của chính Nga.
Người đối thoại của Báo Mới từ Rostekh cho biết: “Nhưng dù sao T-62 là loại xe tăng đơn giản và những người được huy động sẽ học cách vận hành nó dễ dàng hơn nhiều so với các phương tiện hiện đại. Và nếu chúng hết, người ta có thể lấy T-34 ra từ các bệ đài tưởng niệm. Chúng vẫn còn rất nhiều ở Nga.”
Comentários