Tình thế đã bắt Nga phải ôm chân Trung Quốc cho anh bạn vàng hưởng lợi trên lưng mình mà không hề hé răng kêu ca.
Trong khi dòng chảy Phương Bắc 1 (North Stream 1) của Nga đã ngừng cung cấp khí đốt cho châu Âu thì theo số liệu của cơ quan Cơ sở hạ tầng khí châu Âu, tỷ lệ lưu trữ khí đốt của các kho khí đốt tự nhiên ở các nước EU đã đạt 79,94%, gần đạt mục tiêu của EU là 80%. Lý do khiến châu Âu nhanh chóng có được khí đốt tự nhiên là do Trung Quốc đã bán khí đốt của Nga cho châu Âu.
Tờ Nikkei của Nhật Bản cho biết Trung Quốc đã mua một lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Nga nhiều nhất thế giới và đã bán sang châu Âu với số lượng tương đương hơn 3 triệu tấn, chiếm gần 6% tổng lượng nhập khẩu của châu Âu trong nửa đầu năm nay. Một nhà giao dịch có trụ sở tại Thượng Hải xác nhận rằng công việc giao dịch này lãi tới 100 triệu USD cho mỗi vụ giao dịch.
Ngày 2/9/2022 khi nhóm nước G7 áp đặt giá trần cho giá dầu của Nga thì Gazprom cũng tuyên bố North Stream 1 chạy từ ngoại ô St.Petersburg qua Biển Baltic để cung cấp khí đốt tự nhiên cho Đức và các nước châu Âu khác ngừng cấp khí đốt vô thời hạn. Dòng chảy phương Bắc 1 này có thể cung cấp 55 tỷ mét khối/năm khí tự nhiên cho châu Âu lẽ ra đã phải mở lại trong tuần này nhưng vì lý do hỏng một tuyếc bin tưởng sẽ làm châu Âu điêu đứng nhưng đã có anh bạn vàng của Nga là Trung Quốc.
Nghe thì rất hợp lý, Nga vẫn bán được khí đốt tự nhiên thu Nhân dân tệ, châu Âu vẫn có khí đốt tích trữ cho mùa đông dù giá có hơi cắt cổ còn Trung Quốc chỉ buôn nước bọt kiếm lãi lớn. Nhìn sâu xa vào bản chất của sự việc này cũng có điều để bàn. Nga muốn dùng khí đốt làm vũ khí buộc phương Tây phải bỏ trừng phạt kinh tế Nga, không trợ giúp Ukraine để đưa cuộc chiến đến bàn đàm phán theo điều kiện của Nga sẽ không đạt được. Các nước châu Âu giàu có mua đắt một chút không sao nhưng người hưởng lợi nhiều nhất là anh bạn vàng Trung Quốc. Một là ép Nga bán giá rẻ bán lại cho châu Âu rất lời nhưng quan trọng hơn là Nga sẽ phụ thuộc vào đồng Nhân dân tệ hay nói khác đi nền kinh tế Nga sẽ phụ thuộc Trung Quốc nhiều hơn, quan hệ Trung Quốc và các nước phương Tây được cải thiện vì Trung Quốc đã cứu một bàn thua trông thấy cho các nước châu Âu. Chung qui chỉ khổ ngài Putin thiệt đơn thiệt kép nhưng như thế còn có chút doanh số duy trì chiến tranh. Đúng là khó ngăn được dòng chảy.
Về giá khí đốt tự nhiên Nga bị Trung Quốc ép giá, ngài Vladimir Putin tại phiên họp toàn thể của Diễn đàn Kinh tế Phương Đông, đã cho biết những khó khăn nảy sinh trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc về giá khí đốt được cung cấp qua đường ống Power of Siberia 2 như sau: “Không dễ để thống nhất về giá cung cấp, vì Trung Quốc xuất phát từ lợi ích quốc gia của mình.” Vừa đấm vừa xoa, ngài Putin nói: “Những người bạn Trung Quốc của chúng tôi là những nhà đàm phán khó tính. Tất nhiên, trong bất kỳ thương vụ nào họ cũng tiến hành từ lợi ích quốc gia, điều đó là rất đúng đắn. Nhưng họ là những đối tác ổn định và đáng tin cậy. Đây là thị trường thật khổng lồ.”
Đường ống dẫn dầu thứ hai đến Trung Quốc được lên kế hoạch vào tháng 9/2019 gọi là Power of Siberia 2 trải dài từ các cánh đồng Yamal đến tận biên giới phía tây Trung Quốc sẽ đi qua lãnh thổ của Mông Cổ.
Tháng 1/2022, Giám đốc điều hành Gazprom Alexei Miller và Phó Thủ tướng Mông Cổ Sainbuyangiin Amarsaikhan đã phê duyệt nghiên cứu khả thi cho đường ống này. Việc xây dựng đường ống dài 960 km sẽ bắt đầu vào năm 2024, nhưng tuyến đường cuối cùng vẫn chưa được xác định. Gazprom có kế hoạch cung cấp tới 50 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm thông qua Power of Siberia 2.
Putin giải thích: “Nhu cầu của Trung Quốc đang tăng lên và đường ống Power of Siberia sẽ cung cấp đầy đủ. Chúng tôi cũng đang nghiên cứu một vài tuyến đường khác qua vùng Primorsky, qua Mông Cổ. Những quyết định như vậy không được thực hiện ngay lập tức.”
Theo Putin, Mông Cổ là một “quốc gia thân thiện” với hệ thống chính trị ổn định, vì vậy Nga thấy “không có vấn đề gì” khi xây dựng đường ống quá cảnh qua đó.
Trên thực tế, Power of Siberia hoạt động với công suất thấp hơn một nửa, năm 2021, lượng giao hàng thông qua đường ống chỉ đạt hơn 10 tỷ mét khối và tăng 60% trong bảy tháng đầu năm nay và ước tính đến cuối năm sẽ đạt được 16 tỷ mét khối/ công suất 38 tỷ mét khối.
Gazprom không tiết lộ giá bán cho Trung Quốc, giải thích đây là bí mật thương mại. Tuy nhiên, trong quý 3/2021, Bắc Kinh chỉ phải thanh toán khoảng 140 USD cho mỗi nghìn mét khối, trong khi giá khí đốt trên sàn giao dịch vượt quá 1.000 USD. Giá khí đốt của Nga bán cho Trung Quốc thấp hơn 4,2 lần so với khí hoá lỏng và ít hơn 30% so với các nhà cung cấp khác như Uzbekistan, Turkmenistan và Kazakhstan.
Sergey Suverov, một nhà chiến lược hàng đầu của công ty đầu tư Arikapital cho biết: “Ngay cả Lukashenko cũng không được chiết khấu như vậy. Nga cung cấp khí đốt cho Belarus đắt hơn 6% so với Trung Quốc và đối với Armenia phải chịu giá đắt hơn 27%.”
Các nhà phân tích của JP Morgan lưu ý rằng người mua khí đốt chính của Nga là Công ty cổ phần khí đốt Trung Quốc đã tận dụng lợi thế này để bán lại khí đốt của Nga với giá đắt gấp 1,5 lần thông qua công ty con PetroChina.
Đường ống Power of Siberia và dự kiến Power of Siberia 2 của Nga cung cấp dầu cho Trung Quốc giá rẻ trong điều kiện Nga bị ép. Tương lai của nó khi quan hệ Nga Trung cơm không lành canh không ngọt có giống Nord Stream sang Đức không?
Comentarios