top of page
​AD
Hòa Nguyễn

Món Quà Tư Liệu Quý Giá Cho Đại Gia Đình Phạm Quỳnh

Từ khi thân xác học giả Phạm Quỳnh bị chôn vùi thì tên tuổi ông ít khi được nhắc tới mà không kèm theo những cụm từ như “bán nước”, “tay sai đắc lực của thực dân Pháp”.

Phạm Quỳnh (17/12/1892 - 6/9/1945) là nhà văn hóa, nhà báo, nhà văn và quan đại thần triều Nguyễn. Ông là người đi tiên phong trong việc quảng bá chữ Quốc ngữ và dùng tiếng Việt.

Tối thứ bảy, ngày 24/3/2018, tại khách sạn Rex Thành phố Hồ Chí Minh, đã diễn ra trọng thể lễ trao Giải Văn hóa Phan Châu Trinh năm 2018, năm thứ 11 của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh và của Giải.


Năm nay, Quỹ trân trọng tôn vinh nhà văn hóa Phạm Quỳnh là Danh nhân văn hóa Việt Nam thời hiện đại.



Trong diễn từ vinh danh Phạm Quỳnh, nhà văn, nhà nghiên cứu Nguyên Ngọc, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh đã nhắc lại những đóng góp lớn lao của Phạm Quỳnh trong việc gìn giữ chữ quốc ngữ: “Có một cuộc đấu tranh mất còn về mặt ngôn ngữ và chữ viết ở Việt Nam vào thời ấy (đầu thế kỷ XX), kiên định, quyết liệt, khôn khéo, thông minh để hiện đại hóa tiếng Việt và lối viết bằng chữ quốc ngữ của nó, hoàn thiện nó thành vũ khí sắc bén của cuộc đấu tranh văn hóa.”


Kết thúc phần vinh danh Phạm Quỳnh là Danh nhân văn hóa Việt Nam thời hiện đại, nhà văn đã nói về con người chính trị của Phạm Quỳnh. Một vấn đề đến nay vẫn rất nóng vì còn không ít ý kiến trái chiều.


Chủ tịch Hội đồng khoa học chỉ nói rất ngắn gọn, trong có vài phút mà toàn thể người tham dự buổi lễ đồng loạt vỗ tay nhiệt liệt tán thưởng.


Nhà văn Nguyên Ngọc, tại Hội An. Ảnh: Thịnh Cao


Ông Nguyên Ngọc nói: “Về con người chính trị của Phạm Quỳnh, hôm nay chúng tôi chỉ xin nhắc lại ở đây một báo cáo nói về ông của viên Khâm sứ Trung Kỳ Haelewyn ngày 8/1/1945 gửi Toàn quyền Đông Dương Decoux và Trung tướng Mordant, Tổng Đại diện và là Chỉ huy quân đội Pháp trên toàn cõi Đông Dương, nguyên văn như sau:


‘Một lần nữa, viên Thượng thư Bộ Lại (tức Phạm Quỳnh) lại cực lực công kích việc trưng dụng thóc gạo cho Nhật Bản … Tôi đã lưu ý Hoàng Đế Bảo đại rằng viên Thương thư Bộ Lại của Ngài đã lơ là các chức vụ của mình để nằng nặc đòi hỏi mở rộng các quyền của Viện Cơ Mật … Ông đòi hỏi chúng ta, trong thời hạn ngắn nhất, thực thi lời hứa thể hiện sự phát triển lũy tiến theo một tiến trình rõ rệt, và chúng ta phải cam kết trả lại cho Triều đình những biểu tượng của quyền uy tối thượng quốc gia bao trùm cả Bắc Kỳ và Nam Kỳ. Phạm Quỳnh đe dọa khuyến khích các phong trào phản loạn, nếu trong những tháng tới chúng ta không cam kết thương thảo với Hoàng Đế Bảo Đại một quy chế chính trị mới, thay thế chế độ ‘bảo hộ’ bằng một thể chế ‘Thịnh vượng chung’ trong đó những chức vụ chính được giao cho người bản xứ. Nói cách khác, Phạm Quỳnh đòi chúng ta ban bố chế độ tự trị cho Trung Kỳ, Bắc Kỳ, bãi bỏ chế độ thuộc địa ở Nam Kỳ và tạo dựng một quốc gia Việt Nam. Tôi xin lưu ý Ngài về điểm với bề ngoài lịch sự và chừng mực, ông này là một người quyết liệt tranh đấu cho Việt Nam độc lập và chúng ta không nên hy vọng làm dịu tinh thần ái quốc của ông ta, một tinh thần chân thành và không thể lay chuyển, bằng cách bổ nhiệm ông ta vào một chức vụ danh dự được hưởng nhiều bổng lộc. Cho đến nay, ông là một đối thủ hòa hoãn nhưng quyết liệt của nền thống trị Pháp … Chúng tôi xin chờ chỉ thị của Ngài.’


Từ trái sang: Hồ Đắc Khải, Phạm Quỳnh, Thái Văn Toản, Ngô Đình Diệm, Bùi Bằng Đoàn.


Nhưng tư liệu quý giá đó do ai đem đến cho đại gia đình Phạm Quỳnh?


Đó là bà Phan Thị Minh, tức Lê Thị Kinh, cháu ngoại cụ Phan Châu Trinh. Bà nguyên là Đại sứ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tại Italy và một số nước châu Âu khác như Luxembourg... Nhân sang Pháp tìm tư liệu về ông ngoại mình đã tìm thấy tư liệu về Phạm Quỳnh ở Kho tư liệu Pháp quốc Hải ngoại tại Aix-en-Provence.


Ngày 20/1/1994, bà Phan Thị Minh viết cho hai con gái Phạm Quỳnh định cư tại Paris, Pháp là bà Phạm Thị Ngoạn, tác giả ‘Luận văn Tiến sĩ Sorbonne’, ‘Tìm hiểu tạp chí Nam Phong’ và em gái là bà Phạm Thị Hoàn, vợ nhạc sĩ Lương Ngọc Châu, cháu nội cụ Lương Văn Can, có đoạn sau: “Tôi đi nghiên cứu ở Archives d’Outre-Mer ở Aix-en-Provence có thấy được một số báo cáo của agents của mật thám Pháp báo là đầu tháng 5/1922 có một cuộc gặp của cụ Phan Châu Trinh với cụ Phạm Quỳnh và ông Nguyễn Văn Vĩnh mà nó không ghi được nội dung, chỉ nghe được ông Vĩnh kể lại nhưng chúng không tin và có tin hai người này có gặp ông Phan Văn Trường và Nguyễn Ái Quốc tại Paris hoặc ở Tours nhưng nó không ghi được nội dung (Đó là năm hai người qua dự đấu xảo thuộc địa tại Marseille).”


Bà Phan Thị Minh, tức Lê Thị Kinh, cháu ngoại cụ Phan Châu Trinh.

Phần đầu và phần cuối bản viết tay của bà Lê Thị Kinh.


Bản sao chụp như sau:


Bản phúc trình (tối mật) đề ngày 8/1/1945 của Khâm sứ Trung Kỳ Haelewyn gửi Toàn quyền Decoux và Tư lệnh Đại tướng Mordant báo cao về Phạm Quỳnh ở Kho tư liệu Pháp quốc Hải ngoại tại Aix-en-Provence.

Đúng là sự thật thắng hùng biện.


Chỉ một báo cáo tuyệt mật của một thực dân cáo già, lộng hành cả miền Trung, ra lệnh triều đình phải tuân theo gửi trùm thực dân toàn cõi Đông Dương, và một trùm võ biền dưới quyền y đã rửa sạch mọi vết bùn vấy bẩn cuộc đời một con người trung với nước, hiếu với dân suốt hơn nửa thế kỷ và còn làm bao con người Việt Nam có lương tri cả ở trong và ngoài nước đau đớn, oán hận, mất niềm tin vào tương lai nước nhà.



Tác giả: Phạm Tôn

Comments


Không bao giờ bỏ lỡ bản tin mới

Đăng ký nhận thư từ Ngoài Kia

Cảm ơn bạn. Chúng tôi sẽ liên hệ sớm.

bottom of page