Cuộc đời và sự nghiệp của Văn Cao, qua tình yêu, chiến tranh và nghệ thuật, phản ánh sâu sắc bức tranh văn hóa phong phú của Việt Nam.
Văn Cao tên thật là Nguyễn Văn Cao, sinh năm 1923 tại phố Lạch Tray (Hải Phòng), cha của ông vốn là giám đốc nhà máy nước Hải Phòng. Văn Cao bắt đầu học âm nhạc trường dòng Saint Josef. Sau khi học năm thứ hai bậc Thành chung, vì gia đình sa sút, Văn Cao phải bỏ học khi mới 15 tuổi (1938). Cùng giai đoạn đó, nền âm nhạc cải cách (tân nhạc) Việt Nam ra đời.
Ở Hải Phòng, Văn Cao gia nhập nhóm Đồng vọng của nhạc sĩ Hoàng Quý cùng với các nhạc sĩ Hoàng Phú (Tô Vũ), Canh Thân, Đỗ Nhuận. Không ai có thể phủ nhận sự tài hoa của nhạc sĩ Văn Cao - 16 tuổi đã có sáng tác đầu tay (Buồn tàn thu, năm 1939) và các tình khúc tiếp theo của ông đã được sánh vào hàng “siêu phẩm”: Suối mơ, Thiên thai, Cung đàn xưa, Bến xuân, Thu cô liêu, Trương Chi. Vào đầu những năm 40 của thế kỷ trước, những bài hát của Văn Cao đã lan tỏa từ Bắc chí Nam, người có công đầu là ca sĩ Phạm Duy (lúc đó chưa sáng tác nhạc mà đi theo Đoàn Cải lương Đức Huy - Charlot Miều lưu diễn xuyên Việt, Phạm Duy chuyên hát “phụ diễn”, bài hát ruột là Buồn tàn thu). Tri âm đến nỗi Văn Cao đã đề tặng dưới cái tựa Buồn tàn thu dòng chữ: “Tương tiến Phạm Duy, kẻ du ca đã gieo nhạc buồn của tôi đi khắp chốn”. Còn những người hát nhạc Văn Cao ở phía Bắc là ca sĩ Kim Tiêu (nam), Thương Huyền, Thái Thanh (nữ). Cũng chính ở thành phố biển này, Văn Cao đã gặp một giai nhân để rổi dòng nhạc tiền chiến có thêm một viên ngọc lấp lánh: ca khúc Bến xuân! “Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước, em đến tôi một lần.”
Trong cuốn băng video Văn Cao - Giấc mơ đời người (đạo diễn Đinh Anh Dũng, hãng phim Trẻ sản xuất năm 1995, tái bản năm 2009), trong phần giới thiệu ca khúc Bến xuân, nhạc sĩ Văn Cao tâm sự: “Ngày xưa tôi có thầm yêu một người con gái mà không dám nói ra. Nhưng người ấy hiểu lòng tôi và đến với tôi. Vì thế nên mới có câu hát “Em đến tôi một lần” và có bài hát này”. Người con gái ấy chính là Hoàng Oanh, nữ ca sĩ ở Hải Phòng (sau này ở trong miền Nam cũng có nữ ca sĩ Hoàng Oanh hiện ở hải ngoại, không phải là Hoàng Oanh trong bài viết). Nhưng tại sao nhạc sĩ Văn Cao yêu mà không dám nói? Là bởi con tim của nhạc sĩ “chậm xao động” hơn hai ông bạn thân. Biết được cả Kim Tiêu lẫn Hoàng Quý đều đem lòng yêu thương Hoàng Oanh, chàng nhạc sĩ trẻ đành nín lặng, ôm mối tình đơn phương. Tuy thế, sau những lần gặp gỡ, qua ánh mắt, nụ cười nàng đã hiểu tấm chân tình của chàng. Rồi một hôm, Văn Cao đang ở Bến Ngự (Hải Phòng) thì nàng tìm đến. Không chỉ thăm suông mà nàng còn ngồi làm mẫu cho chàng vẽ (Văn Cao là một nhà thơ kiêm họa sĩ), rồi ân cần ngồi quạt cho chàng sáng tác nhạc.
Có thể nói ca khúc Bến xuân không chỉ là một bài hát làm xuyến xao lòng người mà còn là mội bức tranh hết sức sống động, một bài thơ với những ca từ đầy biểu cảm. Tóm lại cả ba năng khiếu (thơ, nhạc, họa) tài hoa của Văn Cao đều dồn vào Bến xuân: “Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước, em đến tôi một lần, bao lũ chim rừng hợp đàn trên khắp bến xuân.” Hình ảnh thẹn thùng, khép nép của giai nhân trong nhạc của Văn Cao sao mà đáng yêu chi lạ: “Mắt em như dáng thuyền soi nước. Tà áo em rung theo gió nhẹ thẹn thùng ngoài bến xuân!”. Hôm đó có lẽ nàng cũng có hát nữa nên mới “nghe réo rắt tiếng Oanh ca”. Bản nhạc được NXB Tinh Hoa ấn hành năm 1942 với lời ghi “nhạc: Văn Cao, lời Văn Cao - Phạm Duy” (sau này nhạc sĩ Văn Cao đặt lời mới và đổi tựa thành Đàn chim Việt). Chẳng biết nhạc sĩ Phạm Duy “đóng góp” như thế nào trong phần lời nhưng ở đoạn cuối, rõ ràng là tâm trạng của Văn Cao: “Nhà tôi sao vẫn còn ngơ ngác. Em vắng tôi một chiều. Bến nước tiêu điều còn hằn in nét đáng yêu. Từng đôi chim trong nắng khe khẽ ru u ù u ú. Lệ mùa rơi lá chan hòa.” Cái cảnh chàng gột áo phong sương trở vế bến cũ sao mà buồn đến nao lòng: “Người đi theo mưa gió xa muôn trùng. Lần bước phiêu du về chốn cũ. Tới đây mây núi đồi chập chùng. Liễu dưỡng tơ tóc vàng trong nắng. Gột áo phong sương du khách còn ngại ngùng nhìn bến xưa.” Nàng đến thăm chàng một lần, rồi. thôi, chừng đó cũng đủ hiểu lòng nhau và đã quá lãng mạn. Sau này gia đình ca sĩ Kim Tiêu có dạm hỏi Hoàng Oanh nhưng hôn sự bất thành vì gia đình nhà gái thách cưới cao quá. Bản thân Kim Tiêu cũng gặp phải nhiều sóng gió và nghe nói chết trong nghèo đói ở thềm ga Hàng Cỏ (Hà Nội). Rồi Hoàng Anh lên xe hoa, trở thành vợ của nhạc sĩ Hoàng Quý.
Nhạc sĩ Hoàng Quý lớn hơn Văn Cao 3 tuổi. Là thủ lĩnh nhóm Đồng vọng, khi chia tay người yêu (có thể là Hoàng Oanh), từ Hải Phòng để lên Sơn Tây trông coi trang trại, Hoàng Quý đã viết ca khúc bất hủ Cô láng giềng: “Hôm nay trời xuân bao tươi thắm, dừng bước phiêu du về thăm nhà.” Tiếc rằng tài hoa yểu mệnh; Hoàng Quý bị lao phổi, mất khi mới 26 tuổi (1946). Người góa phụ trẻ Hoàng Oanh, nửa đường gãy cánh, không biết số phận sau này thế nào?! Má tựa vai kề bản “Làng tôi”.
Cuối năm 1944, Văn Cao tham gia Việt Minh. Nhiệm vụ đầu tiên của ông là sáng tác bài Tiến quân ca, tại căn gác số 171 phố Mongrant (45 Nguyễn Thượng Hiền) Hà Nội, Quốc hội khóa I nước Việt Nam mới đã ghi trong Hiến pháp năm 1946 chọn bài hát này làm quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (sau này là quốc ca của nước CHXHCN Việt Nam). Sau đó, Văn Cao làm phóng viên và trình bày cho báo Độc Lập. Cũng trong thời gian này, ông gặp một giai nhân Hà thành - như một định mệnh gắn liền với cuộc đời ông: cô Nghiêm Thúy Băng. Dạo ấy ở Hà Nội, ông Nghiêm Xuân Huyến rất nổi tiếng vì là chủ nhà in Rạng Đông, đồng thời là chủ bút hai tờ báo Bắc kỳ thể thao (1939-1940) và Con Ong (1941-1942). Là con gái thứ của một gia đình thế lực và giàu có như vậy nên tiểu thư Nghiêm Thúy Băng (sinh năm 1929) , được giáo dục một cách rất nghiêm cẩn trong cảnh giàu sang, nhung lụa.Tuy thế, cũng như các thiếu nữ Hà Nội lúc đó, Thúy Băng cũng rất thích hát những bài hát cải cách, nhất là những Buồn tàn thu, Thiên thai. Rồi cô được bố mẹ cho ra đứng coi sóc một tiệm sách nhỏ, kiêm luôn việc giao - nhận với khách hàng đặt in. Nhạc sĩ Văn Cao lại phụ trách in ấn cho báo Độc Lập. Duyên gặp gỡ bắt đầu từ đó. Và, từ chỗ yêu mến những bài hát của người nhạc sĩ chưa hề quen biết đến sự ngưỡng mộ chàng nghệ sĩ tài hoa mỗi lần chàng đến tiệm sách của nàng. Con tim “xanh thẳm và băng trinh” của Nghiêm tiểu thư đã biết thế nào là lỗi nhịp! Tuy nhiên, một đám mây đen đã phủ lên cuộc tình mới manh nha này: ông Nghiêm Xuân Huyến bị Nhật bắt và bắn chết chỉ trước ngày Cách mạng tháng Tám thành công 3 ngày. Trong những năm tháng đầy biến động này, từ sau khi ông Nghiêm Xuân Huyến mất, công việc kinh doanh bị đình trệ, gia cảnh ngày càng sa sút nhưng tình yêu của Văn Cao - Thúy Băng ngày càng thắm thiết. Rồi Văn Cao nhờ người bạn cùng làm chung với mình là Nguyễn Thành Lê, (cũng là bạn với người anh của Thúy Băng) làm mai mối. Đầu năm 1947, bà Nghiêm Xuân Huyến quyết định hiến nhà in Rạng Đông cho cách mạng để tản cư rời Hà Nội. Lễ hỏi của Văn Cao - Thúy Băng được tổ chức tại quê ngoại đàng gái: làng Cự Đà, huyện Thanh Oai, Hà Tây. Sau đó họ tản cư về làng Lưu Xá (huyện Chương Mỹ). Đó là một làng quê nghèo, yên tĩnh, nằm bên bờ một con sông hiền hòa. Phía bên kia sông, vươn lên khỏi lũy tre xanh ngắt là tháp chuông của một ngôi nhà thờ nhỏ; xinh xắn. Đều đặn mỗi ngày, cứ khoảng mờ sáng là tiếng chuông nhà thờ lại lảnh lót vang lên kêu gọi giáo dân ở cả hai bờ đến dâng lễ sớm. Ông Trần Huy Liệu, lúc đó là Bộ trưởng Tuyên truyền của Chính phủ Cách mạng non trẻ cũng chọn một nơi yên tĩnh nằm cách ngôi nhà thờ ấy non cây số để làm việc nên nhạc sĩ Văn Cao trở thành thuộc cấp trực tiếp của ông Trần Huy Liệu. Cai quản xứ đạo là một linh mục người Ý nhưng rất thạo tiếng Việt; thường được gọi là cha Minh. Ông Trần Huy Liệu và Văn Cao thường xuyên tiếp xúc với vị linh mục này bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Pháp (có khi phải cải trang thành giáo dân). Nhưng chỉ một thời gian ngắn không lâu sau đó, không khí chiến tranh đã ập đến vùng xứ đạo yên lành. Người ta hối hả đào hào, đắp lũy, thanh niên trai tráng nhộn nhịp tập luyện trong các đội du kích, tự vệ. Cảm khái trước tinh thần chống giặc của giáo dân làng Lưu Xá, Văn Cao nói với người vợ chưa cưới: “Anh sẽ viết một bản nhạc về ngôi làng này”.
Đám cưới Văn Cao - Thúy Băng được tổ chức đơn giản tại làng Lưu Xá. Ngay tuần trăng mật, họ được dọn về nơi ở mới - chính là nơi làm việc của ông Trẩn Huy Liệu khi ông được Trung ương điều lên Việt Bắc. Trước khi chia tay, ông Liệu còn đùa vợ chồng Văn Cao: “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ nhé!”. Và thế là, trong ngôi nhà nhỏ của đôi vợ chồng son vào tuần trăng mật năm 1947, Văn Cao đã thực hiện lời hứa với vợ, sáng tác một ca khúc về cái làng đạo Lưu Xá, bài Làng tôi ra đời: “Làng tôi xanh bóng tre, từng tiếng chuông ban chiều, tiếng chuông nhà thờ rung.” Trong căn phòng nhỏ ấm cúng, chàng nhạc sĩ vừa đàn vừa hát cho vợ mình nghe. Cô tiểu thư Hà thành vừa từ bỏ cuộc sống nhung lụa để làm vợ một chàng nghệ sĩ cách mạng lòng ngập tràn hạnh phúc bởi mình là người đầu tiên được nghe bài hát ấy. Sau đó, ca khúc này được in trên báo Độc Lập và trở thành niềm tự hào của người dân Lưu Xá rồi trở thành bài ca tiêu biểu của mọi làng quê thời kháng chiến chống Pháp. Cũng trong giai đoạn này, Văn Cao đã sáng tác những ca khúc nổi tiếng khác như: Ngày mùa (1948), Tiến về Hà Nội (1949) và đặc biệt là Trường ca Sông Lô (1947).
Comments