Trên mạng toàn cầu có xuất hiện một số tấm ảnh chụp cổng làng bề thế hay biển tên cầu cống vững chãi, một cách nghiêm túc, nhưng địa danh của các làng ấy, chiếc cầu ấy lại khá ngộ nghĩnh, đậm chất tín ngưỡng phồn thực. Đại để, các tên làng, tên cầu có ý nghĩa là Linga, Yoni hay “Linh tinh tình phộc”. Đó là các linh vật, động tác nghi lễ, tôi gọi là nguyên dương [+], nguyên âm [-] và âm dương tương tác tương sinh [+ & -]).
Cách đây hai hôm, một vài người đồng hương Quảng Trị lại bàn luận, thậm chí tranh cãi về một địa danh có thật: LÀNG CU HOAN.
Có lẽ có ai đó không tin là có thật, hay nghịch ngợm, hơi bất kính một chút, sẽ hỏi đùa: Cu hoan lạc hay cu hoang đàng?
Thưa rằng, hoàn toàn nghiêm túc, đó là làng Cu Hoan, xã Hải Thiện, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.
Trong sách “Ô châu cận lục” (tục biên, hoàn thành vào năm 1555) của Dương Văn An (1514 – 1591), ghi rõ là CÂU HOAN (俱 歡). Dương Văn An còn định nghĩa Câu Hoan: “trên dưới cùng vui hoan hỉ”, tức là kẻ chức sắc đến người bạch đinh, bậc trưởng lão đến nhi đồng, thảy đều vui vẻ. Và ở“Phủ biên tạp lục”, một bộ sách được Lê Quý Đôn (1726 – 1784) soạn sau đó, khoảng vào năm 1776, cũng ghi địa danh y như vậy.
Những người đồng hương Quảng Trị ấy đã rõ hai đầu sách trên, nhưng vẫn còn thắc mắc là vì sao dân làng vẫn gọi tên làng mình là CU HOAN. Và không chỉ là ở khẩu ngữ, mà cả trong giấy tờ hành chính ghi bằng chữ quốc ngữ, cũng như ngay trên biển cổng làng, vẫn cứ là Làng CU HOAN.
Tôi đành chịu khó tra lại hai đầu sách kia, rồi chụp ảnh các trang cần thiết, và bàn góp:
1) Người Quảng Trị, Huế thường gọi chim BỒ CÂU là chim BỒ CU hay gọi tắt là chim CU, còn chuồng bồ câu thì gọi là CHUỒNG CU. Ví dụ, tháp canh, dựng bằng 4 cây tre, phía trên có phên che 4 phía, có lót sàn, có mái lợp, cũng được gọi là tháp canh chuồng cu (trông như chuồng bồ câu). Nói tóm lại, địa danh được viết chính xác là CÂU HOAN nhưng người địa phương gọi là CU HOAN, tuy khác âm nhưng cùng mặt chữ Hán và cùng nghĩa.
2) Về vần ÂU và vần U, thay thế nhau, trùng nhau, không phải riêng chữ CÂU / CU đâu. Nhiều lắm: con TRÂU / con TRU ; cau TRẦU / cau TRÙ ; giấu / GIÚ ; mặc DẦU / mặc DÙ ; trái BẦU / trái BÙ ; ruồi BÂU / ruồi BU v.v…
3) Làng CU còn được phát âm thành làng CÙ là do quy luật hài thanh của tiếng địa phương. Từ ngữ có hai thanh không dấu, phát âm nghe ngang ngang, cho nên thường có thêm dấu huyền: “Trời lạnh quá, nó ngồi co ro” sẽ được phát âm là “Trời lạnh quá, nó ngồi CÒ ro”. Tương tự như vậy, làng CU HOAN thành làng CÙ HOAN.
Chúng tôi còn bàn luận với nhau, làng Câu Hoan là nguyên quán, sinh quán của giáo sư tiến sĩ L., lừng lẫy tên tuổi, và của cả tiến sĩ văn học hiện đại B., còn trẻ trung. Thầy L. là bậc thầy về Hán – Nôm. Nhưng B. thì không chuyên về Hán – Nôm. Tiến sĩ văn học mà không rành Hán – Nôm, cũng là điều bình thường. B. chỉ đi chuyên sâu vào văn học hiện đại. Hỏi tiến sĩ văn học hiện đại về Hán – Nôm cũng như đau tim mà đến khám bệnh tại bệnh viện phụ sản, gặp bác sĩ sản khoa! Thế là trái khoáy!
Ngoài ra, tôi còn biết có một thông tin nghiên cứu điền dã của nhóm nghiên cứu ở Huế do tiến sĩ Nguyễn Hữu Thông, giảng viên Đại học Huế, hướng dẫn: Làng Cu Hoan vẫn còn thờ sinh thực khí Linga – Yoni do người Chăm-pa để lại cách đây cũng đã bảy thế kỉ, thời công chúa Huyền Trân nhà Trần, vì nước non ngàn dặm, rời Thăng Long, vào làm dâu Chiêm Thành.
Dĩ nhiên, làng CÂU Hoan và làng CU Hoan, về mặt ngữ âm, thì không liên quan gì đến sinh thực khí Linga – Yoni (vốn đã thành Miếu Ông – Miếu Bà [Miếu Cầu tự] tại làng, đến nay vẫn còn hương khói). Tuy vậy, biết đâu, có thể ước vọng phồn thịnh, sung túc, đông vui, no ấm, mọi người dân làng đều cùng nhau hát hò hoan ca vẫn còn được lưu dấu tích trong tên làng từ ngày xưa cho đến hôm nay và cả mai sau.
Xin thưa thêm rằng, âm (-) – dương (+) là nguyên lí bao trùm, phổ quát và sâu sắc nhất về mặt triết học. Ngay kí hiệu về hai cực của điện năng trong vật lí học cũng đã làm sáng tỏ thêm giá trị vĩnh hằng của nguyên lí âm – dương ấy. Nhưng không gì trực quan sinh động hơn để biểu đạt nguyên lí âm – dương cho bằng Linga – Yoni. Có điều, đó là biểu tượng chứa đựng sự khái quát. Người xưa, quả thật, họ có mắt nhìn thơ dại mà vô cùng minh triết.
Và Câu Hoan (hay tên chính thức là Cu Hoan) mãi mãi là một địa danh đẹp, hàm chứa khát vọng, mơ ước rất đại đồng, rất nhân văn. Có gì đẹp hơn, lành mạnh hơn là nhà nhà, người người đều vui tươi, không ai tị hiềm, thù hận ai, không có kẻ khóc người cười!
Đó là bàn luận cho thật rốt ráo. Tuy vậy, chỉ cần hiểu một nghĩa chính của địa danh ấy. Cu Hoan (Câu Hoan) là đều vui vẻ hay niềm vui như nhau.
Comments