Dưới đây là ảnh của Nhật hoàng lên ngôi năm 1867, người đứng đầu Kỷ nguyên Minh Trị với những sự thay đổi lớn lao có chọn lọc.

Sau vụ đảo chính giành được quyền lực ở Kyoto, vấn đề tức thời mà các nhà lãnh đạo ở triều đại Minh Trị phải đối mặt là thiết lập quyền kiểm soát trên khắp nước Nhật. Trong khi vị shogun chấp nhận sự thất bại của mình, thì những tướng lĩnh khác lại không chịu. Nội chiến đã xảy ra giữa các đội quân ủng hộ và chống đối chính quyền mới của vương triều.
Chỉ đến khi lực lượng đối kháng cuối cùng ở phía Bắc hòn đảo chính Hokkaido bị đánh bại vào tháng 6 năm 1869, thì các cường quốc phương Tây mới công nhận chính quyền của vương triều là chính danh. Chỉ đến lúc đó, các nhà lãnh đạo dưới triều Minh Trị mới theo đuổi nỗ lực cải cách đất nước.
Tuy vậy, một số lãnh đạo muốn một Thiên Hoàng có quyền lực thực sự. Số khác lại chỉ muốn một Thiên Hoàng làm vì, quyền lực thực sự sẽ nằm trong tay Hội đồng cố vấn. Còn có đề xuất khác là Nhật Bản trở thành một nước cộng hòa, không còn hoàng đế nào nữa. Một số người muốn thay đổi chữ viết sang mẫu tự La tin. Một số người muốn phát động ngay cuộc chiến với Cao Ly. Giới samurai thì muốn giữ lại lực lượng của mình, trong khi những người khác lại muốn giải giáp và kết thúc tầng lớp Samurai.
Với sự hỗn loạn của những đề xuất mâu thuẫn nhau, các nhà lãnh đạo thời Minh Trị nhanh chóng đề ra ba nguyên tắc cơ bản.
Thứ nhất, khẳng định nước Nhật hiện thời không thể tống xuất được người phương Tây. Trước khi có thể thực hiện được điều này, Nhật Bản phải trở nên mạnh mẽ bằng cách chấp nhận các nguồn lực phương Tây, nghĩa là không chỉ súng đạn mà còn cả những cải cách xa hơn về mặt chính trị và xã hội đã cung cấp những nền móng cho sức mạnh phương Tây.
Thứ hai, mục tiêu tối hậu của giới lãnh đạo thời Minh Trị là sửa đổi lại những hiệp ước bất bình đẳng mà Phương Tây áp đặt lên nước Nhật. Nhưng điều này đòi hỏi Nhật Bản phải mạnh và được phương Tây xem là một quốc gia hợp pháp theo kiểu phương Tây, với thể chế và luật lệ phương Tây. Phải mất 26 năm kể từ lúc bắt đầu Minh Trị, nước Nhật mới thực hiện được điều này.
Thứ ba, trong mỗi lĩnh vực đời sống cần nhận diện, bắt chước và sửa đổi hình mẫu nước ngoài phù hợp nhất với những điều kiện và giá trị Nhật Bản. Sự vay mượn từ phương Tây của Nhật thời Minh Trị ở quy mô lớn, có ý thức và kế hoạch. Hải quân lấy hình mẫu của Anh. Quân đội lấy hình mẫu của Đức. Để tạo ra một bộ luật Dân sự Nhật, bộ Tư pháp nhờ một học giả Pháp đưa ra một phác thảo ban đầu, nhưng rồi sau đó lại dựa vào hình mẫu Đức. Đưa giáo viên phương Tây vào để giảng dạy hoặc tư vấn về giáo dục. Đưa hai học giả Đức vào để giúp viết Hiến pháp Nhật dựa nhiều hiến pháp Đức.
Nhưng vay mượn nhiều hơn lại đến từ những người Nhật đi khảo sát ở châu Âu và Mỹ. Chỉ hai năm sau khi củng cố quyền lực, phái đoàn Iwakura 1871-1873, gồm 50 đại biểu chính phủ đi thăm nước Mỹ và một tá nước châu Âu, đến thăm các nhà máy và văn phòng chính phủ, gặp gỡ tổng thống Mỹ Grant và các nhà lãnh đạo châu Âu. Sau đó, công bố một báo cáo gồm 5 tập, cung cấp cho Nhật những thông tin chi tiết trên phạm vi rộng lớn về những điều thực tiễn ở phương Tây. Phái đoàn tuyên bố mục đích là nhằm “chọn lựa từ những thể chế đang chiếm ưu thế giữa những nước đã khai sáng để tìm cái phù hợp nhất trong điều kiện nước ta”.
Năm 1870, bùng nổ chiến tranh Pháp - Phổ, Nhật cử hai quan sát viên để xem người Châu Âu đánh nhau ra sao.
Để triển khai kết quả các chuyến đi ra nước ngoài, những người Nhật có kinh nghiệm ở nước ngoài trở thành những nhà lãnh đạo Nhật Bản thời Minh Trị, cả trong chính phủ hay ở các lĩnh vực tư.
Trong thập niên 1880, Ito Hirobumi từng có một số chuyến đi dài đến châu Âu trở thành người chỉ đạo thiết kế hiến pháp mới.
Yamagata Arimoto học khoa học quân sự ở Đức trở thành Thủ tướng.
Godai Tomoatsu áp dụng kinh nghiệm ở châu Âu trở thành Chủ tịch phòng thương mại Osaka, là người sáng lập ngành Đường sắt và khai mỏ.
Shibusawa Eiichi (người kiểm soát tài chính của một phái đoàn Nhật ở Paris năm 1867) tiếp tục phát triển các kỹ nghệ ngân hàng và dệt may...
Để khiến cho sự vay mượn quy mô này từ phương Tây trở nên hợp khẩu vị của những người Nhật còn giữ truyền thống, những phát kiến và vay mượn thường được tuyên bố là không mới chút nào, chỉ là quay về với những phương thức truyền thống Nhật Bản. Chẳng hạn, khi Thiên Hoàng ban bố hiến pháp đầu tiên vào năm 1889, chủ yếu dựa vào hiến pháp Đức, trong bài nói, ngài viện dẫn “sự lên ngai vàng của kẻ thừa kế trực hệ liên tục trường tồn” và “quyền chủ quyền quốc gia (mà) chúng ta thừa hưởng từ Tổ tiên”.
Tương tự như thế, những lễ nghi mới được nghĩ ra cho triều đình trong thời Minh Trị cũng được tuyên bố là những lễ nghi cung đình xưa cũ bất biến với thời gian.
Cũng chính vì nguyên tắc này mà sự đối kháng với những cải cách thời Minh Trị trở nên ít bạo lực hơn. Các nhà lãnh đạo thời Minh Trị đã chứng tỏ được khả năng mua chuộc, thu nạp hoặc hòa giải với những đối thủ thực sự hay tiềm năng. Chẳng hạn, đô đốc hải quân Enomoto Takeaki chỉ huy hạm đội ở đảo Hokkaido chống lại quân đội của Minh Trị cho đến năm 1869, nhưng sau đó lại được đưa vào giữ chức Bộ trưởng Nội các và đặc sứ.
Những thay đổi có chọn lọc được áp dụng thời Minh Trị đã tác động tới hầu hết mọi phạm vi đời sống Nhật Bản: nghệ thuật, y phục, chính trị trong cả nước, kinh tế, giáo dục, vai trò của Thiên hoàng, chế độ phong kiến, chính sách ngoại giao, chính phủ, kiểu tóc, hệ tư tưởng, luật lệ, quân sự, xã hội, công nghệ.
Commentaires