top of page
​AD
Hòa Nguyễn

Kỷ Nguyên Minh Trị (Phần 1): Nhật Bản Tiến Vào Thời Kỳ Minh Trị

Trong dịp kỷ niệm Chiến thắng phe Phát xít, kết thúc Chiến tranh thế giới 2, tôi muốn chia sẻ thông tin về nước Nhật. Nhưng không phải thời kỳ này, mà bắt đầu từ thời kỳ Minh Trị. Mục đích để tìm hiểu thêm về lịch sử phát triển của nước Nhật Bản.

Thiên hoàng Minh Trị 15 tuổi, di chuyển từ Kyoto đến Tokyo vào cuối năm 1868, sau khi Edo sụp đổ. Ảnh: Thư viện Điện tử Gallica

Nhật Bản là một đất nước hiện đại không phải châu Âu đầu tiên đạt mức sống, công nghiệp hóa và công nghệ hàng đầu thế giới. Chúng ta hãy trở lại thời gian trước năm 1542.


Trước năm 1542, châu Âu không có chút ảnh hưởng nào tới Nhật Bản. Giai đoạn 1542-1639, là giai đoạn bành trướng ra hải ngoại của châu Âu. Hầu hết những khía cạnh châu Âu ở xã hội Nhật Bản đương đại đều đến từ năm 1853.


Trước thời Minh Trị Duy Tân, người thực sự cai trị nước Nhật là một nhà độc tài quân sự theo chế độ cha truyền con nối, gọi là shogun (tướng quân), trong khi vị hoàng đế chỉ ngồi làm vì, không có thực quyền (giống như thời kỳ Chúa Trịnh Vua Lê nước ta).


Giai đoạn 1639-1853, các shogun hạn chế sự tiếp xúc giữa Nhật Bản với người ngoại quốc, tiếp nối một lịch sử cách biệt lâu dài nảy sinh từ những tác động về mặt địa lý, với vị trí là những hòn đảo giữa biển.


Tuy vậy, những người châu Âu đầu tiên đến Trung Hoa và Nhật Bản bằng đường biển tương ứng các năm 1514 và 1542. Nước Nhật từng giao thương một số mặt hàng với Trung Hoa và Cao Ly, sau đó buôn bán với Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan và Anh. Đó là chưa kể đến sự giao thương trực tiếp của những người Nhật ở nước ngoài như ở Trung Hoa, các nơi khác ở vùng Đông Nam Á, trong đó có xứ Đàng Trong, Đàng Ngoài Việt Nam.


Những lần tiếp xúc với người châu Âu đã tác động đến các lĩnh vực của xã hội Nhật Bản, từ vũ khí đến tôn giáo. Khi người Bồ Đào Nha đến Nhật năm 1542, họ bắn vịt trời bằng những khẩu súng thô sơ nhưng đã khiến người Nhật rất ấn tượng và họ đã say sưa phát triển loại súng cầm tay cho riêng mình. Kết quả, khoảng năm 1600 Nhật Bản có nhiều súng tốt hơn bất kỳ nước nào trên thế giới.


Nhưng các shogun có nhiều lý do để lưu tâm đến ảnh hưởng của phương Tây nói chung, Ki-tô giáo nói riêng. Vì thế, sau khi đóng đinh hàng ngàn giáo dân Nhật, trong giai đoạn 1636 - 1639, shogun cắt đứt hầu hết các mối quan hệ giữa Nhật Bản với châu Âu, Ki-tô giáo bị cấm đoán. Hầu hết người Nhật bị cấm đi lại hay sống ở nước ngoài. Những cuộc viếng thăm nước Nhật của người nước ngoài cũng bị cấm đoán. Ngoại trừ những thương nhân Trung Hoa được giới hạn ở một khu vực trên thành phố cảng Nagasaki, thương nhân Hà Lan ở đảo Deshima trong vịnh Nagasaki (do người Hà Lan theo đạo Tin lành nên Nhật xem họ không phải tín đồ Ki-tô giáo).


Về mặt kinh tế, giao thương nhỏ lẻ giữa Nhật Bản và Hà Lan không đáng kể. Nhưng điều quan trọng đối với Nhật Bản là những thương nhân Hà Lan trở thành một nguồn tin quan trọng về châu Âu. Trong những khóa hướng dẫn do các trường tư của người Nhật tổ chức có môn là “Hà Lan học”. Có những thông tin về các môn thực hành và khoa học: y học, thiên văn, bản đồ, khảo sát súng và thuốc nổ. Trong bộ phận Thông Thiên Giám của chính quyền Nhật Bản có một văn phòng chuyên dịch sách Hà Lan của những món học trên sang tiếng Nhật. Ngoài ra còn có luồng thông tin từ Trung Hoa, sách của Trung Hoa, sách châu Âu dịch ra tiếng Hán.


Nhật Bản năm 1853 vẫn còn là một xã hội phân tầng phong kiến, phân chia thành các lãnh địa. Mỗi lãnh địa do một daimyo (lãnh chúa) kiểm soát, quyền lực vượt xa các lãnh chúa châu Âu thời Trung cổ. Trên đỉnh cao quyền lực là một shogun thuộc dòng dõi Tokugawa đã cai trị nước Nhật từ năm 1603 và kiểm soát 1/4 đất trồng lúa của Nhật Bản. Các shogun dòng Tokugawa đã xử lý được các vấn nạn trong xã hội Nhật Bản và vẫn giữ quyền lực trong 250 năm, không gặp rủi ro báo trước nào về việc bị lật đổ. Thay vào đó, cú sốc dẫn đến họ bị lật đổ lại đến từ phương Tây.


Bối cảnh của áp lực từ phương Tây lên Nhật Bản chính là từ áp lực của phương Tây lên Trung Hoa. Cuộc chiến tranh Nha phiến 1 (1839-1842) giữa Anh với Trung Hoa là phép thử nghiêm túc đầu tiên về sức mạnh quân sự của phương Tây với Trung Hoa. Kết quả, Trung Hoa bị đánh bại, buộc phải nhượng bộ nhục nhã, bồi thường một khoản chiến phí lớn và ký một hiệp ước mở 5 cảng biển cho người Anh giao thương. Rồi tiếp theo, Pháp và Mỹ cũng bòn rút được những nhượng bộ tương tự từ Trung Hoa.


Trước tình hình đó, Nhật Bản sợ rằng việc một số cường quốc phương Tây yêu sách một hiệp ước tương tự về hệ thống cảng biển của Nhật chỉ còn là thời gian. Điều này thực sự xảy ra vào năm 1853. Cường quốc phương Tây đứng ra lãnh trách nhiệm là Hoa Kỳ.


Năm 1848, Mỹ đã chinh phục vùng đất California từ tay Mexico, phát hiện ra vàng ở đây. Do vậy, đã tạo ra bùng nổ lưu thông tàu thuyền đến bờ biển Thái Bình Dương. Ngoài ra săn bắt cá voi và buôn bán cũng gia tăng. Điều không thể tránh khỏi là một số tàu của Mỹ bị đắm ở vùng biển Nhật Bản, một số thủy thủ sống sót đến được Nhật Bản. Ở Nhật, họ bị giết hay bị giam theo chính sách biệt lập của shogun Tokugawa. Nhưng Mỹ lại muốn những thủy thủ đó được bảo vệ và giúp đỡ, và cũng muốn tàu Mỹ được mua than tại Nhật Bản.


Vì thế, tổng thống Mỹ Millard Fillmore gửi Phó đô đốc Marthew Perry cùng hạm đội 4 tàu chiến đến Nhật, trong đó có 2 tàu chiến trang bị đại bác chạy bằng hơi nước hoàn toàn vượt trội về sức mạnh quân sự so với các tàu chiến của Nhật.


Ngày 8/7/1853, Perry đưa hạm đội của mình vào vịnh Edo (vịnh Tokyo ngày nay), khước từ mệnh lệnh bắt phải rời đi của Nhật, chuyển thư yêu cầu của Tổng thống Fillmore, đồng thời tuyên bố ông ta mong nhận được phúc đáp khi trở lại vào năm sau.


Đối với Nhật Bản, đây là một thách thức nghiêm trọng không thể xử lý bằng những phương pháp đã có sẵn. Sau khi Perry rời đi, vị shogun liền chuyển bức thư của Fillmore đến các daimyo để tham khảo ý kiến về việc đáp trả như thế nào là tốt nhất. Có nhiều ý kiến phản hồi, nhiều cách khác nhau, nhưng cuối cùng thống nhất là nên thỏa hiệp để kéo dài thời gian cho đến khi Nhật Bản có được súng và công nghệ phương Tây để tự bảo vệ mình.


Khi Perry trở lại vào ngày 13/2/1854, với một hạm đội gồm 9 tàu chiến, vị shogun đáp lại bằng việc ký hiệp ước đầu tiên của Nhật Bản với một quốc gia phương Tây, chấm dứt chính sách biệt lập trong suốt 215 năm. Nhật đồng ý mở 2 cảng biển làm chỗ trú cho tàu Mỹ, chấp thuận có một lãnh sự Hoa Kỳ ở một trong hai cảng này và đồng ý đối xử nhân đạo với thủy thủ Mỹ bị đắm tàu.


Sau khi Nhật ký hiệp ước với Mỹ, các chỉ huy hải quân Anh, Nga, Hà Lan ở vùng Viễn Đông cũng nhanh chóng đạt được những hiệp ước tương tự với Nhật.


Năm 1858, lãnh sự mới của Mỹ lại ép chính quyền của shogun (còn là bakufu, hay Mạc phủ) ký hiệp ước mới rộng rãi hơn về giao thương. Tiếp là những hiệp ước tương tự với Anh, Pháp, Nga, Hà Lan. Những hiệp ước này bị xem là sự xỉ nhục cho nước Nhật.


Chiến lược cơ bản của Mạc phủ từ 1854 trở đi là câu giờ. Mạc phủ cùng hai daimyo hùng mạnh Satsuma và Choshu ganh đua nhau mua tàu, súng của phương Tây, hiện đại hóa quân đội, gửi du học sinh đến châu Âu và Mỹ. Những người này không chỉ học những thực tiễn như kỹ thuật hàng hải, tàu thuyền, kỹ nghệ, xây dựng, khoa học, công nghệ mà còn về luật pháp, ngôn ngữ, thể chế, kinh tế học, chính trị học và mẫu tự phương Tây. Mạc phủ còn lập Viện nghiên cứu về sách của người nước ngoài, dịch sách Phương Tây, tài trợ cho việc xuất bản sách ngữ pháp và một từ điển bỏ túi tiếng Anh.


Tuy vậy, nhiều vấn đề mới nảy sinh đã ảnh hưởng đến sự tồn tại của Mạc phủ. Các nước phương Tây tiếp tục o ép. Sự đầu tư của Mạc phủ và các lãnh địa lớn gây nợ nần chồng chất. Giá tiêu dùng và sinh hoạt tăng vọt. Nhiều samurai và thương nhân phản đối sự độc quyền ngoại thương của Mạc phủ. Nhiều daimyo muốn tham gia nhiều hơn về chính sách và kế hoạch thay vì để shogun xử lý mọi việc như trước. Ngay giữa Mạc phủ và vị hoàng đế làm vì ở triều đình cũng có xung khắc về việc ai là người quyết định cuối cùng. Chẳng hạn, triều đình từ chối chấp thuận hiệp ước 1858 mà Mạc phủ thương thảo với Mỹ, nhưng Mạc phủ vẫn tiến hành ký kết.


Năm 1859, giới samurai trẻ tuổi phẫn uất, ngây thơ, nóng nảy bắt đầu theo đuổi mục tiêu tống xuất những kẻ ngoại quốc bằng chiến dịch ám sát. Họ được biết dưới tên gọi “shishi”, nghĩa là “chí sĩ”.


Năm 1860, một nhóm shishi chém đầu quan nhiếp chính Li Naosuke, người đã ủng hộ việc ký các hiệp ước với phương Tây.


Ngày 14/9/1862, Charles Richardson, thương nhân 28 tuổi người Anh, bị các tay kiếm ở Satsuma giết chết. Nước Anh không những yêu cầu Satsuma mà còn cả Mạc phủ phải bồi thường nhân mạng, xin lỗi, xử tử các thủ phạm.


Sau khi thương thảo bất thành, một hạm đội tàu chiến của Anh nã pháo hủy diệt hầu như toàn bộ thủ phủ Kagoshima của lãnh địa Satsuma, giết chết khoảng 1.500 chiến binh Nhật.


Một trường hợp khác: cuối tháng 6/1863, đại bác trên bờ lãnh địa Choshu bắn vào các tàu phương Tây và đóng cửa eo biển Shimonoseki nằm giữa hai đảo chính Honshu và Kyushu. Để trả thù, 17 chiến hạm của Anh, Pháp, Mỹ và Hà Lan nã pháo, hủy diệt những đại bác trên bờ và lấy đi một đại bác còn lại của Choshu.


Hai cuộc trả thù này đã làm cho các shishi biết rõ sức súng đạn của phương Tây, hiểu rõ sự vô ích trong nỗ lực tổng xuất người phương Tây ra khỏi đất nước trong điều kiện nước Nhật hiện thời yếu ớt. Những kẻ nóng nảy sẽ phải chờ đợi đến khi Nhật Bản đạt được sức mạnh quân sự ngang bằng với phương Tây. Đó cũng là chính sách mà Mạc phủ theo đuổi, vì nó mà những kẻ nóng máu chỉ trích Mạc phủ.


Năm 1866, một vị shogun qua đời, vị shogun mới lên thay đưa ra một chương trình hiện đại hóa và cải cách cấp thời, bao gồm nhập thiết bị và cố vấn quân sự từ Pháp. Điều này làm gia tăng mối đe dọa đến lãnh địa Satsuma và Choshu.


Năm 1867, hoàng đế qua đời, vị hoàng tử 15 tuổi kế vị ngai vàng. Các daimyo vùng Satsuma và Choshu liền âm mưu với người ông của vị hoàng đế mới và tranh thủ được sự ủng hộ của vương triều.


Vào ngày 3/1/1868, nhóm âm mưu chiếm giữ các cổng thành của Cung điện ở Kyoto, triệu tập một Hội đồng tước bỏ đất đai, danh vị trong hội đồng của shogun này và kết thúc chế độ Mạc phủ. Hội đồng ra tuyên bố phục hồi trách nhiệm cai trị nước Nhật thuộc về Thiên Hoàng (trách nhiệm đó trước đây là của các shogun).


Đây là sự Khôi phục triều đại Minh Trị. Nó đánh dấu sự khởi đầu của Kỷ nguyên Minh Trị: thời kỳ cai trị của vị Thiên Hoàng mới.

Comments


Không bao giờ bỏ lỡ bản tin mới

Đăng ký nhận thư từ Ngoài Kia

Cảm ơn bạn. Chúng tôi sẽ liên hệ sớm.

bottom of page