top of page
​AD
Hòa Nguyễn

Hồi ký ‘Tình Trai’ của Xuân Diệu

Xuân Diệu từ lâu đã biết đến là cây đại thụ của nền thi ca Việt Nam.

Nhà thơ Xuân Diệu.


Cuộc đời sáng tác của ông có rất nhiều bài thơ vẫn nằm trong di cảo chưa được công bố. Ông nổi tiếng từ phong trào Thơ mới với tập Thơ thơ và Gửi hương cho gió. Những bài được yêu thích nhất của Xuân Diệu là thơ tình làm trong khoảng 1936 – 1944, những bài thơ tình của ông thể hiện một triết lý bi quan, tuyệt vọng về tình đời nhưng lại có một mạch ngầm thúc giục, nhiều khi hừng hực sức sống. Vì thế, ông được mệnh danh là "ông hoàng thơ tình". Nhưng trong thơ tình của Xuân Diệu, những đối tượng nào được ông yêu thì hình như chưa có ai bàn đến. Trong khi, đó lại chính là điểm hứa hẹn nhiều chuyện thú vị.



Những “bóng hồng” ngang đời xuân diệu


Chúng ta đều biết những nghi ngờ xung quanh giới tính của Xuân Diệu cứ âm ỉ suốt mấy chục năm, từ thời ông còn trai trẻ cho đến sau khi chia tay với vợ. Ở Hà Nội, trong giới quen biết với Xuân Diệu, hình như đã có nhiều người biết chuyện này. Tuy nhiên, ít ai dám công khai nói ra, có lẽ vì sợ cái uy thế của Xuân Diệu. Người đầu tiên dám đề cập đến chuyện này một cách công khai chính là Tô Hoài trong cuốn Cát bụi chân ai xuất bản năm 1993 tại Hà Nội.


Đặc biệt là đoạn tả những đêm "ma quái": "Bàn tay ma ở đâu sờ vào. Không phải. Tay người, bàn tay người đầy đặn, ấm ấm. Hai bàn tay mềm mại xoa lên mặt lên cổ rồi xuống dần, xuống dần khắp mình trần truồng trong mảnh chăn dạ…”.Trong đoạn hồi ký trên, Tô Hoài có nhắc đến chi tiết: Xuân Diệu nức nở nói về 'tình trai' của mình. Tình trai là tình giữa hai người con trai với nhau. Chữ 'tình trai' gợi cho chúng ta nhớ, trong tập Thơ thơ, tác phẩm đầu tay xuất bản năm 1938 của Xuân Diệu, có một bài thơ nhan đề là ‘Tình trai’. Từ trước đến nay, đọc bài thơ trên, ít ai chú ý đó là bài thơ tả mối tình của một người đồng tính luyến ái. Người được tác giả gọi bằng em một cách tha thiết lại là một người con trai. Nhà thơ yêu người con trai ấy và ghen tức trước viễn tượng là một ngày kia người con trai sẽ lấy vợ “Ta biết ngày mai em có vợ.”


Sau này, có thời gian Xuân Diệu sống hẳn với một thanh niên tên là Hoàng Cát. Ông làm bài ‘Đời anh em đã đi qua’ tả lại quãng đời hạnh phúc này. Khi Hoàng Cát đi bộ đội, phải rời Hà Nội vào chiến trường miền Nam, Xuân Diệu làm bài thơ đưa tiễn đầy nước mắt với nhan đề là ‘Em đi’ và lời đề “Tặng Hoàng Cát”. Hoàng Cát đi rồi, Xuân Diệu buồn vô cùng. Trong bài ‘Đời anh em đã đi qua’, còn có một đoạn cuối nói đến nỗi buồn trống vắng người yêu của Xuân Diệu. Xin nhắc lại là Hoàng Cát, người được Xuân Diệu gọi là 'em', em Cát, người em có khuôn mặt như đoá hoa, là một người con trai. Có thể thấy, dù người yêu là con trai nhưng tình cảm của Xuân Diệu vẫn dạt dào và nồng cháy. Nếu chúng ta đừng để ý đến chuyện đồng tính luyến ái của nhà thơ thì đây là một bài thơ tình rất mực đằm thắm. Nó góp một tiếng nói tương đối đẹp vào kho tàng thơ tình vô cùng giàu có của Xuân Diệu.



Em rể thành "chàng thơ"


Một điều cũng rất quan trọng, ai cũng biết người bạn thân nhất của Xuân Diệu là Huy Cận. Và chúng ta không thể không thắc mắc: nếu Xuân Diệu là người đồng tính luyến ái, vậy thì Huy Cận là người như thế nào?


Chúng ta nên biết là Huy Cận có hai đời vợ, mà người vợ trước không ai khác hơn là chính em gái ruột của Xuân Diệu. Tuy nhiên, cái chuyện Huy Cận có vợ, một hay hai đời vợ cũng vậy, không có ảnh hưởng gì đến cái kết luận có thể có: ông cũng là một người đồng tính luyến ái, hoặc ít nhất là lưỡng tính luyến ái (bisexual).


Gần như suốt cả cuộc đời, Xuân Diệu và Huy Cận luôn song hành bên nhau như hình với bóng. Huy Cận từng có thời kỳ trở thành em rể của Xuân Diệu khi lấy Ngô Xuân Như, em gái Xuân Diệu làm vợ. Nhưng từ trước đó, vào những năm 30 của thế kỷ trước, họ đã quen nhau khi cả hai còn là học sinh trung học ở Huế..Trong bài thơ, Huy Cận dùng chữ ‘hai ta’, ‘Hai ta hạt chín chung mùa nắng trong’. Người Việt Nam không ai dùng chữ ‘hai ta’ hay ‘đôi ta’ để chỉ hai người bạn cùng phái. Cách xưng hô như vậy rất lạ. Trong bài ‘Nửa thế kỷ tình bạn’ in trong tập Xuân Diệu, con người và tác phẩm xuất bản tại Hà Nội năm 1987, Huy Cận kể tỉ mỉ hơn về mối quan hệ giữa ‘hai ta’ đó. Xuân Diệu và Huy Cận sống với nhau, gắn bó với nhau đến nỗi nhà xuất bản họ lập ra hồi đó cũng mang tên là Huy-Xuân, tức là ghép hai chữ đầu của tên hai người lại với nhau, như tên của một tình nhân hay một cặp vợ chồng trẻ. Rồi trong bài ‘Mai sau’, Huy Cận lại giới thiệu Xuân Diệu như người bạn thân thiết, hay đúng hơn, như một tình nhân thân thiết của mình.



Chi tiết đáng chú ý nhất chính là chữ ‘bạn’ được lặp lại hai lần trong bài thơ, trong câu ‘Nắng đã xế về bên xứ bạn’ và câu ‘Thương bạn chiều hôm, sầu gối tay’. ‘Bạn’ chứ không phải là người yêu. Chúng ta nhớ lại sự kiện khi Xuân Diệu phải đi làm việc ở Mỹ Tho, Huy Cận sống ở Hà Nội, và lời kể của Huy Cận: "Hai đứa phải sống xa nhau, buồn đứt ruột." Một chi tiết khác quan trọng không kém, đó là câu 'Chiếu chăn không ấm người nằm một'. Lúc này Huy Cận còn là học trò, chưa lập gia đình, chưa có vợ con. Người nằm chung chăn, chung chiếu với ông không phải là vợ ông, mà chính là người bạn trai của ông. Điều này sẽ rõ hơn, thuyết phục hơn, khi chúng ta đọc thêm bài ‘Ngủ chung’ cũng của Huy Cận, in trong tập Lửa Thiêng, xuất bản năm 1940.


Huy Cận và Xuân Diệu.


Bài thơ tả cảnh ngủ chung của học trò cùng phái tính, giữa những người bạn trai với nhau. Ở Việt Nam, đó là chuyện bình thường. Nhưng chúng ta hãy để ý kỹ, cả ngôn ngữ lẫn cảm xúc trong bài thơ này lại thấp thoáng những dấu hiệu không bình thường, chẳng hạn như chuyện ‘ân ái’: 'ân ái xưa kia kiếp ngủ giường'; rồi ‘đôi lứa’: 'Còn đâu đôi lứa chuyện canh sương', Rồi chuyện ‘nệm là hơi thở’, ‘da là chăn ấm’, rồi chuyện ‘xương cọ vào xương’, v.v... Đọc kỹ bài thơ, chúng ta thấy ngay tính chất không bình thường của nó. Có lẽ, cùng với bài ‘Tình trai’ và bài ‘Em đi’ của Xuân Diệu, bài ‘Ngủ chung’ này của Huy Cận là những bài thơ tiêu biểu nhất cho chuyện đồng tính luyến ái trong thơ Việt Nam.

1 Comment


thiết nghĩ không nên chỉ vì một bài văn mà đánh giá cả con người vậy. Huy Cận vốn là người bạn thân thiết của Xuân Diệu, sau này còn lại em rể, chẳng phải mối quan hệ này như người một nhà. Tình thân thiêng liêng vậy lại bị ví như thứ tình cảm mờ ám?

Like

Không bao giờ bỏ lỡ bản tin mới

Đăng ký nhận thư từ Ngoài Kia

Cảm ơn bạn. Chúng tôi sẽ liên hệ sớm.

bottom of page