Tại địa chỉ số 125 Phố Phùng Hưng, người Hà Nội ngày nay đều biết đó là trụ sở Ban phục vụ Lễ tang và nhà Tang lễ Thành phố. Nhưng rất ít người biết, thời Pháp thuộc, đây chính là trụ sở của một tổ chức xã hội rất nhân đạo, rất nhân văn có tên là Hội Hợp Thiện.
Hội viên hội Hợp Thiện họp mặt mừng xuân mới lần cuối cùng, trước khi Hội giải tán năm 1946. Ảnh: ông Ngô Thế Phổ
Hội Hợp Thiện được ra đời trong bối cảnh vào những năm 1903, 1904, 1905, lúc bấy giờ ở Hà Nội đã xẩy ra nhiều vụ dịch bệnh như thổ tả, kiết lỵ làm nhiều người chết, trên khắp nẻo đường có những xác chết vô thừa nhận không có ai chôn cất. Nhìn cảnh tượng ấy doanh nhân Bạch Thái Bưởi người được mệnh danh là "ông vua tầu thủy" đã cùng các ông Phạm Sỹ Hoạch, Vũ Huy Quang, Đỗ Đình Đắc, Long Ngố cũng là những doanh nhân rất thành công trong kinh doanh lại giầu lòng nhân ái góp tiền thuê dân phu sục sạo khắp ngõ ngách thành phố để thu gom những tử thi vô chủ tập trung đem chôn.
Những nhà tư sản có tấm lòng từ thiện này, lúc đầu chưa thành lập được một Hội chính thức mà chỉ họp mặt, góp tiền, gọi tạm là Hội làm phúc. Với mục đích ban đầu là " Phù thi tử lộ", nghĩa là chôn cất tử tế cho những xác chết vô thừa nhận. Làm công việc cứu tế, từ thiện xã hội là đảm đương trách nhiệm vô cùng nặng nề, hàng ngày phải giải quyết hàng đống công việc. Do đó cần phải nâng cấp Hội thành một tổ chức có tính chuyên nghiệp cao và có một tư cách pháp nhân rõ ràng.
Hội Hợp Thiện ở phố Phùng Hưng đầu thế kỷ XX.
Thống sứ Bắc kỳ đã cho phép tổ chức từ thiện này thành lập Hội với tên gọi là Hội Hợp Thiện theo nghị định ký ngày 09/7/1905.
Trụ sở của Hội lúc đầu chỉ là một bàn giấy ở phố Hàng Đào, chỗ đầu phố Gia Ngư, sau lại chuyển về đằng sau chợ Hàng Da đều quá chật chội. Do đó, Hội chung lưng bỏ ra khoản tiền lớn tậu khu đất rộng ở Boulevard Henri d’ Orléans, dân ta quen gọi là phố Oóc - lê - ăng, tức là địa chỉ số nhà 125 phố Phùng Hưng ngày nay. Một tòa nhà to đẹp rộng rãi khang trang, phân bổ không gian nội thất hợp lý, vừa làm trụ sở Hội vừa làm Nhà tang lễ. Kể từ đó, địa chỉ 125 Boulevard Henri d’ Orléans, chính thức sử dụng làm nơi tổ chức ma chay lý tưởng của người Hà Nội.
Trụ sở hội Hợp Thiên trên phố Phùng Hưng đầu thế kỷ XX.
Nhà tang lễ vừa chính thức đi vào hoạt động thì nảy sinh một vấn đề cần giải quyết gấp. Đó là phải có nghĩa địa chôn cất người chết, vì rất đông người nghèo ở xa khi chết không có điều kiện đem về quê, rồi những người ngoại tỉnh đến Hà Nội làm thuê làm mướn và rất đông hành khất khi nằm xuống đều là những cái thây vô chủ. Hội lại phải góp một khoản tiền lớn mua 300 mẫu đất ở cánh đồng làng Quỳnh Lôi, lúc bấy giờ nơi này còn là vùng ngoại ô, xa khu dân cư để xây nghĩa trang cho người xấu số yên nghỉ. Nghĩa trang được xây tường bao, có cổng mở ra phố Mai Động, là phố Minh Khai ngày nay. Trên trốc cổng đắp hàng chữ nổi Cimetière de Hop Thien, tức là Nghĩa trang Hợp Thiện.
Hội Hợp Thiện dần trở thành một tổ chức tư nhân lo việc tổ chức ma chay cho hội viên, người nhà hội viên, rồi mở rộng cho cả người ngoài hội. Dân Hà Nội thời đó chứng kiến hàng ngày có những đám ma từ nội thành theo đường phố Huế, Bạch Mai đi xuống nghĩa trang này.
Cũng nhờ có nghĩa trang này mà hình thành một con đường trải đá thay cho con đường đất lầy lội từ ngã tư Trung Hiền qua phố Hưng Ký, đến địa phận làng Mai Động. Xin nói thêm là về sau Hà Nội còn có hai tổ chức tương tự là Hội Quảng Thiện ở trong ngõ Cổng Đục và Hội Phúc Thiện ở phố Lê Trực cũng lo việc chôn cất từ thiện. Nhưng hội Hợp Thiện là nổi tiếng và để lại nhiều dấu ấn trong tâm thức người Hà Nội hơn cả.
Sau ngày tiếp quản Thủ đô, vào thập niên 60 thế kỷ trước Thành phố bỏ nghĩa trang này và hai nghĩa trang liền đó là nghĩa trang Trung Kỳ chôn cất người miền trung chủ yếu là người Huế; nghĩa trang Đạo chôn cất người Công giáo để xây dựng nhà máy dệt Khăn mặt, khăn tay.
Ngoài việc "độ tử", Hội Hợp Thiện còn có các hoạt động mang ý nghĩa "độ sinh", tức là săn sóc cả cho người sống, những mảnh đời bất hạnh. Hội đặt thêm một chỗ làm việc trong chùa Phổ Giác ở ngõ Hàng Đũa tức là phố Ngô Sỹ Liên ngày nay là một khu dân cư nghèo nhiều hạng người vô gia cư, lang thang tụ tập về đây tá túc.
Cũng ở ngõ Hàng Đũa, năm 1935 Hội Hợp Thiện tổ chức ra "Bình dân Phạn điếm" (Restaurant populaire) bán cơm không lấy lãi theo kiểu vừa bán vừa cho, giá bán một xuất cơm chỉ bằng 1/3 giá bán ở các nhà hàng khác, gạo thì được chính quyền thành phố trợ cấp cho một phần.
Năm 1938 Hội thành lập viện Tế bần ở phố Graffeuil (phố Bích Câu ngày nay) là nơi thu nạp những người cầu bơ, cầu bất, ngủ đường, ngủ chợ, cho họ chỗ ngủ qua đêm, sáng dậy phát cho mỗi người một bát cháo để họ ăn lót dạ trước khi ra phố kiếm sống.
Năm 1940 Hội Hợp Thiện đỡ đầu cho bà Cả Mọc (tên thật là Hoàng Thị Uyên là con gái nhà Nho Hoàng Đạo Thành, chị gái ông Hoàng Đạo Thúy), bà Vũ Quang Huy, bà Lê Trung Ngọc mở "Dạ Lữ Viện"(Asile de nuit) ở khu vực đầu làng An Trạch, phố Phan Văn Trị bây giờ, là kiểu nhà trọ rẻ tiền cho người nghèo, ban ngày lao động, tối không có chỗ ngủ, chủ yếu là những người lang thang, bán hàng rong, trẻ đánh giầy, bán báo hoặc lỡ độ đường. Nhà trọ có nhà tắm, có chăn, chiếu sạch, có tối thu hút tới 300 người trọ.
Năm 1945 xẩy ra nạn đói lịch sử đã làm cho hơn 2 triệu người dân bị chết đói, chủ yếu là những gia đình nông dân lang thang ở thành phố. Nhiều trẻ em mất cả cha lẫn mẹ, Hội đã thu về nuôi trong Cô Nhi viện, các em được nuôi ăn, phát quần áo và được học văn hóa, học nghề. Cụ quyền chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng đã dự buổi khánh thành Cô Nhi viện, có lúc số trẻ mồ côi lên tới 250 cháu.
Hội Hợp thiện còn mở rộng hoạt động của mình như mua đất của thành phố để xây 20 gian nhà ở cạnh chùa Phổ Giác, mỗi gian cho một gia đình người lao động thuê với giá rẻ tiền. Hội còn dự định làm nhà tắm bình dân, may quần áo lao động bán rẻ ...Nhưng tình hình chiến sự nổ ra cuối năm 1946 đã làm mọi hoạt động của Hội phải đình chỉ.
Sau ngày Tiếp quản Hà Nội vài năm, tấm biển Hội Hợp Thiện được gỡ xuống để thay bằng tấm biển Nhà Tang lễ Phùng Hưng.
Comments