top of page
​AD
Hòa Nguyễn

Hoàng Đế Gia Long và Chiếu Khai Sinh Việt Nam Quốc

Vua Gia Long ngoài những di sản vật chất còn tồn tại như Kinh thành Huế, kênh Vĩnh Tế... thì còn giá trị vô hình là để lại cho gần 100 triệu người Việt Nam hiện nay đang thụ hưởng, đó là QUỐC HIỆU VIỆT NAM.


Nguyên nước ta từ thời Đinh Tiên Hoàng (968-979) đã tự xưng hoàng đế và đặt tên nước là Đại Cồ Việt. Nhưng vua Tống chỉ phong cho làm Giao Chỉ quận vương. Nghĩa là vua ta chỉ mới được tước vương và nước ta chỉ là quận Giao Chỉ. Mãi đến năm 1164, sau khi nhà Tống thấy Lý Thường Kiệt đã lừng lẫy thắng Tống Bình Chiêm, thì mới chịu đổi Giao Chỉ quận thành An Nam quốc và phong cho Lý Anh Tông làm An Nam quốc vương, mặc dù vua Lý Thánh Tông đã đổi quốc hiệu nước ta là Đại Việt từ năm 1045. Suốt từ đó (1164) trải qua các triều đại Lý, Trần, Lê tới Nguyễn Quang Trung (1789), Cảnh Thịnh (1792), các vua ta chỉ được phong là An Nam quốc vương và quốc hiệu nước ta là An Nam quốc. Cho nên trong phúc thư của vua Thanh gởi Huế nhắc nhở triều Nguyễn sang cầu phong cũng chỉ nhắc lại danh hiệu An Nam mà thôi.



Tuy vậy không cam tâm với cái danh hiệu có từ nhà Đường thời Bắc Thuộc nên vua Gia Long quyết tâm đòi bằng được quốc hiệu Việt chính thức cho nước ta.


Thế là sau khi lên ngôi sắp đặt chính trị ổn định, vua Gia Long sai Lê Quang Định cùng các sứ thần sang nước Thanh cầu phong và đề nghị công nhận quốc hiệu Nam Việt với ý nghĩa “Các đời trước mở mang cõi viêm bang, mỗi ngày một rộng lớn, bao gồm cả các nước Việt Thường, Chân Lạp, dựng quốc hiệu là Nam Việt, truyền nối hơn 200 năm. Nay đã vỗ yên được toàn cõi Việt, nên cho khôi phục hiệu cũ để chính danh tốt”. Nhưng vua nước Thanh cho rằng chữ Nam Việt dễ bị nhầm lẫn bao gồm cả Đông Tây Việt nên không muốn cho. Vua Gia Long hai ba lần phục thư biện giải, lại nói nếu không cho thì không thụ phong.


Các tỉnh Quảng đông, Quảng Tây (TQ) khi xưa là đất Tổ của người Việt nên gọi là hai tỉnh Việt (lưỡng Việt),tiếng vùng đó hiện nay vẫn dùng là Việt Ngữ (Yue, 粤语) và cũng là ngôn ngữ chính của Hong Kong, Macau. Phiên Nhung (Quảng Châu) từng là kinh đô của Nam Việt (203-111 TCN) của Triệu Đà hay Đại Việt (917) do Lưu Nham kiến lập.



Vua Thanh sợ mất lòng nước ta, mới dùng chữ Việt Nam để đặt tên nước, gửi thư sang nói:


“Khi trước mới có Việt Thường thị đã xưng là Nam Việt, nay lại được toàn cõi An Nam (từ đèo Ngang ra Bắc), theo tên mà xét thực thì nên tóm cả đất đai mở mang trước sau, đặt cho nên tốt, định lấy chữ Việt để tỏ rõ rằng nước ta nhân đất cũ mà nối được tiếng thơm đời trước, lấy chữ Nam đặt ở dưới tỏ rằng nước ta mở cõi Nam giao mà chịu mệnh mới, tên xưng chính đại, chữ nghĩa tốt lành, mà đối với tên gọi cũ của Lưỡng Việt ở nội địa (Trung Quốc) lại phân biệt hẳn”.


Sau cùng, vua Gia Long chấp nhận tên nước Việt Nam.


Cuối năm 1803, Lê Quang Định, Trịnh Hoài Đức mới từ nước Thanh trở về, vì vấn đề tranh biện giữa các quốc hiệu An Nam, Nam Việt và Việt Nam làm mất nhiều thì giờ chờ đợi tại Yên Kinh.


Ngay sau khi được nhà Thanh công nhận quốc hiệu, ngày Đinh Sửu, tháng 2 năm Giáp Tý (1804) vua Gia Long cho làm lễ kính cáo Thái miếu. Xuống chiếu bố cáo khắp trong ngoài rằng:


“Đế vương dựng nước, trước phải trọng quốc hiệu để tỏ rõ nhất thống. Xét từ các đấng tiên thánh vương ta xây nền dấy nghiệp, mở đất Viêm bang, gồm cả đất đai từ Việt Thường về Nam, nhân đó lấy chữ Việt mà đặt tên nước. Hơn 200 năm, nối hòa thêm sáng, vững nền thần thánh dõi truyền, giữ được vận trong ngoài yên lặng. Chợt đến giữa chừng, vận nước khó khăn, ta đem tấm thân nhỏ bé lo dẹp giặc loạn, nên nay nhờ được phúc lớn, nối được nghiệp xưa, bờ cõi Giao Nam, đều vào bản tịch. Sau nghĩ tới mưu văn công võ tướng, ở ngôi chính, chịu mệnh mới, nên lấy ngày 17 tháng 2 năm nay, kính cáo Thái miếu, cải chính quốc hiệu là Việt Nam, để dựng nền lớn, truyền lâu xa. Phàm công việc nước ta việc gì quan hệ đến quốc hiệu và thư từ báo cáo với nước ngoài, đều lấy Việt Nam làm tên nước, không được quen xưng hiệu cũ là An Nam nữa”.



Sau đó hạ chiếu thông cáo đến các nước Xiêm La, Lữ Tống và các thuộc quốc Chân Lạp, Vạn Tượng đều biết.


Tuy hoàn toàn không như ban đầu của vua Gia Long là Nam Việt nhưng quốc hiệu Việt Nam cũng tốt, ít ra cũng có từ Việt đỡ hơn An Nam.

Comments


Không bao giờ bỏ lỡ bản tin mới

Đăng ký nhận thư từ Ngoài Kia

Cảm ơn bạn. Chúng tôi sẽ liên hệ sớm.

bottom of page