Câu châm ngôn “Dù ai nói ngả nói nghiêng, thì ta vẫn vững như kiềng 3 chân” có lâu lắm rồi.
Chẳng hiểu từ bao giờ, dân gian lại gọi ngày hôm nay là ngày “ông Công ông Táo”, từ đó, người người, nhà nhà theo nhau bày đặt ra nhiều nghi thức, như mua “đồ ông Công ông Táo”, mua cá chép cúng cạnh bàn thờ gia tiên rồi đem thả ra sông, hồ, ao, ...
Trên thực tế, tư liệu Dân tộc học cũng như nhiều các sách xưa đều khẳng định, Tết 23 tháng Chạp là tết cúng thần bếp (và tôi mở rộng là ngày tôn vinh lửa, tôn vinh người phụ nữ) trong xã hội của nhiều tộc người sống bằng nông nghiệp (lửa tìm thấy cách ngày nay khoảng gần 800.000 năm, có tác dụng to lớn: sưởi ấm, tạo ánh sáng, nấu chín thức ăn, xua đuổi thú dữ, ...).
Một tài liệu cho biết, phụ nữ phát hiện ra lửa (?). Tư liệu Dân tộc học ở các tộc người cho biết, phụ nữ là người giữ lửa (giấm lửa, giấm bếp), nên từ nghĩa đen, khái niệm “phụ nữ giữ lửa” chuyển thành nghĩa bóng, ý chỉ là người giữ nhịp, giữ sự hài hòa của cuộc sống gia đình.
Cúng thần bếp chính là tôn vinh lửa, vì bếp gắn với lửa - nguồn năng lượng cần thiết vĩnh cửu, bất diệt cho cuộc sống của loài người. Bếp là “nguyên bản” của nhà, khi người nguyên thuỷ có lửa, nhà dựa trên nền là đất (chữ “Táo” 灶 gồm bộ “Hỏa” và bộ “Thổ”).
Mỗi gian bếp của người Việt xưa thường có ba bếp để đun, mỗi bếp gồm 3 ông đầu rau (hay vua bếp), được nặn bằng đất sét, nồi - niêu được bắc lên đầu các ông vua bếp này; đến đầu thập niên 1970 mới dùng kiềng bằng sắt thay thế. Có ý kiến cho rằng, ba bộ vua bếp (9 ông đầu rau) là biểu hiện cho 9 vía của phụ nữ. Cũng có ý kiến ba ngôi vua bếp là hiện thân của “một bà hai ông”, hiện thân cho thời kỳ mà người phụ nữ còn lấy (hoặc sống với) nhiều chồng (chế độ đa phu).
Thông thường, cứ khoảng mồng 10 tháng Chạp, các gia đình nặn vua bếp mới, để ngoài sân hay hiên, đến ngày 23 tháng Chạp, vua bếp vừa khô, thay vào bếp, bỏ và đem trầm thủy các vua bếp cũ; đồng thời làm lễ cúng thần bếp, cúng gia tiên, chính thức bắt đầu cho những ngày nghỉ Tết, ăn Tết. Bàn thờ thần bếp trước đây ở dưới bếp, người Việt vùng Sơn Tây sau hoà bình lập lại vẫn còn, sau đó bị vận động bỏ vì hoả hoạn, để “xây dựng đời sống mới”.
Vậy tại sao, từ ngày cúng thần bếp lại chuyển thành ngày “ông Công ông Táo”? Đấy là khái niệm của Đạo giáo, du nhập vào Việt Nam rất muộn (nhiều ý kiến cho rằng vào thời Đông Hán, từ đầu Công nguyên đến thế kỷ III. Song bi ký ở Linh Tiên quán xã Đức Thượng huyện Hoài Đức, Hà Nội cho biết, vào năm 111 TCN, Đạo giáo đã phát triển ở vùng này với 4 ngôi quán đã được dựng và đây là nơi các đạo sĩ luyện đan Đan Sơn, hiện 1 trong các quán này đã biến thành chùa, 2 quán nửa chùa nửa quán và 1 quán còn tương đối nguyên vẹn. Tục cúng thần bếp dần dần bị phủ lên bởi lớp văn hoá Đạo giáo, với hình ảnh của Ngọc Hoàng, Táo quân, ...
Để hiểu rõ gốc gác của tục cúng thần bếp ngày 23 tháng Chạp, xin trở về với người Thổ - một trong 4 tộc người thuộc Ngôn ngữ Việt - Mường ở nước ta.
Khảo sát tại nhiều làng ở Nghệ An cho thấy, vào năm 2013, nhiều làng vẫn còn bàn thờ thần bếp ở tường chính của bếp, vào ngày 23 tháng Chạp cúng to ở đây trước khi cúng gia tiên. Lễ cúng không có đồ mã “ông Công ông Táo”.
Còn ở người Mường Hoà Bình, ngày 22 tháng Chạp (ứng với 23 lịch người Việt) cúng “Bua Bếp” (Vua bếp) ở “chạn” (khoảng sàn từ bậc cầu thang cao nhất đến trước cửa vào nhà chính, không phải là chạn bát) để cầu sự yên ổn cho bếp, nhà, mọi người được khoẻ mạnh, gia súc, gia cầm được đông đàn; hoàn toàn không có quan niệm lên báo cáo với Ngọc Hoàng về các công việc trong năm của gia đình.
Lễ vật cúng Vua Bếp có gà (hoặc thịt, cá), xôi, rượu, không có đồ mã Táo quân, không có cá chép. Chủ nhà (hoặc thầy cúng) đứng ở phía sau (phía lan can) nhìn xuống đất khấn cúng. Mục đích của cúng thần bếp (thần trông coi bếp núc), nghĩa đen nhằm bảo đảm sự an toàn, sạch sẽ cho bếp; nghĩa bóng là mong muốn sự sung túc, no đủ và êm ấm cho gia đình, mong muốn có cuộc sống đầm ấm, hạnh phúc, nhắc nhở mọi người luôn thương yêu, quý trọng nhau.
Như vậy, nguồn gốc ngày 23 tháng Chạp là ngày cúng Thần bếp, ngày tôn vinh lửa, tôn vinh người phụ nữ từ rất xa xưa và thịnh đạt vào thời kỳ mẫu hệ, người phụ nữ nắm quyền làm chủ gia đình, giữ địa vị thống trị xã hội. Về sau, rất muộn, mới bị yếu tố Đạo giáo phủ lên.
Hệ quả của quan niệm “Ông Công ông Táo” của Đạo giáo làm cho nhiều người vào ngày này chỉ lo mua đồ “ông Công ông Táo” để đốt, mà đốt mã ngày nay gây khói bụi - ô nhiễm cho không gian sống, nhiều trường hợp vì đốt mã mà mất xích mích, gây hoả hoạn cháy nhà, chết người; thực tế, nếu tính trên toàn xã hội thì, đốt mã gây lãng phí rất lớn (lấy tiền thật, mua tiền giả, đồ giả để đốt), gây mê tín dị đoan.
Rất nhiều người mua các chép về cúng, thậm chí, nhiều người còn để 3 con cá chép trong chậu nước đặt trên ban thờ. Do hiểu sai việc phóng sinh (放生), nên rất nhiều người biến phóng sinh thành hành vi “ném cá” (ném cả túi nilon đựng cá, buộc chặt xuống sông hồ). Trên thực tế, thả các con cá chép con được nuôi theo lối công nghiệp xuống môi trường đang bị ô nhiễm, cá không thể sống được, kết hợp túi nilon càng gây ô nhiễm cho ao, hồ, sông. Tệ hại hơn, nhiều nơi, cá vừa thả xuống đã bị người khác vớt - bắt.
Tóm lại, hiểu rõ ngọn nguồn của ngày 23 tháng Chạp để có một hành xử đúng. Vào ngày này, mọi người (nhất là nam giới) cần tranh thủ dọn bếp cho sạch sẽ, xem xét cho an toàn bếp ga, bếp từ; sau đó dọn dẹp, trang hoàng lại bàn thờ, nhà cửa để chuẩn bị đón Tết an toàn, vui tươi. Việc thả cá tùy từng điều kiện của mỗi người, mỗi gia đình, nhưng hãy đúng nghĩa “phóng sinh”, tại nơi nguồn nước sông hồ sạch.
Hãy gọi đúng, để có thái độ ứng xử đúng với ngày 23 tháng Chạp. Năm ngoái, vào ngày này, tôi đã có một bài viết tương tự và đề nghị các tờ lịch không ghi ngày này là “Tết ông Công Táo”. Vậy mà điểm qua nhiều tờ lịch, vẫn thấy ghi (lịch của NXB CTQG, ...).
Comentários