Trên đảo Java của Indonesia, cách thủ đô Jakarta khoảng 120 km, chôn vùi trong một ngọn núi là bí ẩn khổng lồ có khả năng buộc chúng ta phải suy nghĩ lại toàn bộ lịch sử của nhân loại.
Gunung Padang là di sản văn hóa cự thạch thời tiền sử ở biên giới của các thôn Gunung Padang và Panggulan, làng Karyamukti, quận Campaka, vùng Cianjur, Tây Java, Indonesia. Ảnh: RaiyaniM
Gunung Padang (Ngọn núi Ánh sáng) được nhiều người coi là dấu vết thực sự của nền văn minh Atlantis đã mất. Có bằng chứng nào về một nền văn minh cổ đại đủ tiên tiến để tạo ra kỳ quan vĩ đại nhất thế giới, lâu đời đến mức bất kỳ ghi chép nào về nó cũng đã đều bị mất hàng nghìn năm trước khi người Ai Cập nghĩ đến việc xây dựng kim tự tháp đầu tiên của họ không?
Theo tuyên bố của nhà điều tra chính, tiến sĩ địa chấn học Danny Hilman Natawidjaja, Gunung Padang là di tích cổ đại lớn nhất và sớm nhất được xác định cho đến nay, có niên đại từ 20.000 năm trước, và chứng minh rằng Indonesia (hay Sundaland ngày xưa) là trái tim của một nền văn minh tiền sử tiên tiến cho đến khi mực nước biển tăng lên.
Tiến sĩ Danny Hilman tại địa điểm khảo cổ Gunung Padang.
Danny Hilman Natawidjaja, Tiến sĩ địa chấn học từ trường đại học CalTech ở California, ban đầu đã đưa một nhóm đến khu vực để nghiên cứu các thảm họa địa chấn trong quá khứ để nghiên cứu tìm hiểu nhằm giảm thiểu thiệt hại trong tương lai. Nhưng sau đó, ngọn núi tự nhiên hình kim tự tháp quá đẹp đến mức đã thu hút sự chú ý của ông ấy và những tuyên bố của ông ấy về nó đã lan truyền rộng rãi, thu hút sự chú ý của tổng thống Indonesia.
Các tầng lớp của Gunung Padang
Không phải là một kim tự tháp như ở Ai Cập, Gunung Padang là một cấu trúc giống như sân thượng được xây dựng trên đỉnh một ngọn đồi núi lửa hiện có. Cấu trúc bậc thang rất có thể được so sánh với các kim tự tháp bậc thang của người Maya. Cấu trúc cự thạch trên đỉnh, là công trình lớn nhất ở Đông Nam Á, có lẽ được dùng làm nơi thờ tự. Tuy nhiên, lý do chính xác cho việc xây dựng rất khó xác định nhưng có thể sẽ trở nên rõ ràng hơn khi có thêm nhiều nghiên cứu khác được tiến hành.
Trên bề mặt, các tảng đá nằm rải rác trên bãi cỏ có hình chữ nhật, dài trung bình khoảng 2 mét, được xếp xung quanh tương đối lộn xộn. Tuy nhiên, đây không phải là nhân tạo. Mỗi khối đều là đá rắn rất nặng và được rèn bởi một ngọn núi lửa trong một thời gian dài. Người cổ đại chỉ vận chuyển và sắp xếp chúng để tạo ra công trình cổ đã từng đứng trên đỉnh núi này. Có thể đoán chúng đã được sử dụng làm cột các tòa nhà hoặc nằm ngang để xây dựng các bàn thờ.
Khám phá hoàn toàn mang tính đột phá
Sử dụng các kỹ thuật khoa học khác nhau như radar xuyên đất (GPR), Hilman đã xác định được ba lớp khác nhau bao phủ lớp thứ tư ban đầu và tuyên bố Gunung Padang có nguồn gốc là một ngọn đồi núi lửa tự nhiên, bao quanh những khoảng trống bắt nguồn từ ống dung nham. Tuổi của bốn lớp đã được xác định chính xác bằng một kỹ thuật gọi là xác định niên đại bằng carbon. Giải thích một cách đơn giản, vật chất hữu cơ hấp thụ carbon, bao gồm một lượng carbon-14 phóng xạ. Qua nhiều năm carbon phân hủy và bằng cách kiểm tra các hạt carbon trong thời hiện đại, các nhà nghiên cứu có thể xác định carbon đã bị phân hủy trong bao lâu và do đó, địa điểm được đề cập đã được xây dựng trong bao lâu.
Sơ đồ các lớp bên trong kim tự tháp bởi Danny Hilman.
Lớp 1: Khoảng 3.000 năm trước, một nhóm người mới đến, sửa chữa những hư hỏng của Lớp Hai, và mang lại cho cấu trúc một sự thay đổi lớn. Đỉnh được lấp lại bằng đất từ bên dưới, để tạo thành năm bậc thang hiện có, trong khi các bậc thang hình cột-andesite bao quanh ngọn đồi được mở rộng và tôn tạo.
Lớp 2: Khoảng 7.000 năm trước, con cháu cùng dân tộc đã cải tạo lại cấu trúc và phủ lên bề mặt phong hóa Lớp 3 bằng các lớp cột đá song song.
Lớp 3: Khoảng 9.000 năm trước, ngọn đồi đã được sửa đổi thêm trong một dự án xây dựng lớn bao bọc nó trong một lớp da cột andesite nằm ngang, biến nó thành một kim tự tháp bậc thang.
Lớp 4: Khoảng 10.000 năm trước và có thể lâu hơn nhiều (khoảng 20.000 năm trước), con người đã bắt đầu sửa đổi cả bên ngoài của ngọn đồi và các khoang chứa dung nham bên trong.
Hầu hết các cuộc nghiên cứu ráo riết đang diễn ra cho đến nay đã được thực hiện trên bề mặt (các lớp 1 và 2). Tuy nhiên, câu chuyện của Gunung Padang trở nên bí ẩn thực sự khi vượt qua sâu hơn hai lớp đầu tiên này. Bị chôn vùi bên dưới hai lớp đầu tiên, ở độ sâu từ 15 đến 25 mét tính từ đỉnh của cấu trúc, Hilman đã phát hiện ra một thứ thực sự đặc biệt. Các kỹ thuật radar xuyên đất đã tìm thấy và xác nhận sự hiện diện của các khoang, tường, cầu thang và cổng khác nhau được chôn sâu giữa các tàn tích trên bề mặt. Hiện tại, Hilman và nhóm của ông chỉ có thể suy đoán lý do về những phát hiện bí ẩn này nằm sâu dưới tầng thứ ba và thứ tư của cấu trúc. Cần thêm các cuộc khai quật trước khi có thể phát hiện thêm chi tiết.
Nếu các nhà nghiên cứu thực sự chính xác, Gunung Padang sẽ là cấu trúc nhân tạo cổ đại nhất trên Trái Đất.
Một số nhà khảo cổ học tin rằng ngọn núi là một lăng mộ khổng lồ được xây dựng bằng đá núi lửa bởi con người qua nhiều thế hệ, ước tính rằng cấu trúc đồ sộ bên dưới lớn hơn gấp 3 lần so với Khu phức hợp đền Borobudur nổi tiếng của Java, cách đó 580 km.
Borobudur, ngôi chùa Phật giáo lớn nhất thế giới tại Java, Indonesia. Ảnh: World Atlas
Với một địa điểm khảo cổ có khả năng thay đổi thế giới như vậy trên đất Indonesia, Tổng thống tiền nhiệm, Susilo Bambang Yudhoyono, đã hết lòng ủng hộ dự án vì nó mang lại số tiền du lịch và làm phóng đại thêm quá khứ của đất nước. Theo báo cáo, chính phủ tài trợ quỹ không giới hạn cho các nghiên cứu. Trong khi đó, các bảo tàng và nhà khảo cổ học khác của Indonesia thì phải vật lộn đấu tranh để có kinh phí tiếp tục thực hiện những công việc thực thụ của họ. Và nhiệm vụ tìm ra sự thật không hề đơn giản với sự khác biệt dữ dội về quan điểm và sự pha trộn phức tạp giữa chính trị, tiền bạc và niềm tự hào dân tộc.
Du khách khám phá trang Gunung Padang. Ảnh: Hans Hansson
Hầu hết các công nhân ở Gunung Padang đều là thành viên của quân đội Indonesia được triệu tập cho một loạt nhiệm vụ lao động nặng nhọc dưới sự giám sát của các chuyên gia khoa học. Ảnh: Michael Turtle
Cận cảnh đá núi lửa ở Gunung Padang. Ảnh: Michael Turtle
Phê bình về các nghiên cứu được thực hiện
Kể từ báo cáo ban đầu, Hilman và nhóm của ông đã phải hứng chịu sự chỉ trích dữ dội từ cộng đồng khảo cổ học toàn cầu. Bất chấp sự khăng khăng và hy vọng của chính phủ Indonesia, vẫn có một số lượng lớn các nhà khoa học cho rằng Gunung Padang không thể đơn giản được xây dựng cách đây 20.000 năm. Nói cách khác, cộng đồng khảo cổ rất hoài nghi và do dự chấp nhận những tuyên bố của Hilman.
Một bản kiến nghị được 34 nhà khảo cổ và địa chất Indonesia ký và đệ trình lên Tổng thống Yudhoyono đồng ý rằng phần trên của Gunung Padang là "cấu trúc cự thạch lớn nhất ở Đông Nam Á", nhưng các chuyên gia vô cùng nghi ngờ về phương pháp, động cơ và ngọn cờ địa chất, trái ngược với khảo cổ học, mà Hilman cố gắng kêu gọi. Nhóm của ông cũng bị cáo buộc sử dụng các phương pháp khai quật không chính xác.
Những người khởi kiện lo ngại kế hoạch của Hilman "mời những người dân bình thường làm tình nguyện viên để hỗ trợ 'Chiến dịch Vinh quang Đỏ và Trắng ở Gunung Padang' mà họ gọi là 'nghiên cứu'" đe dọa đến việc bảo tồn địa điểm hiện có. Màu đỏ và trắng là màu của quốc kỳ Indonesia. "Hoạt động này được thực hiện mà không có các tiêu chuẩn khoa học về kiến thức bảo tồn," những người khởi kiện nói.
Một nhà khảo cổ học không muốn được nêu tên do tổng thống Indonesia đã thành lập một đội đặc nhiệm, nói rằng bằng chứng không đủ tốt và có những lý do thay thế cho tại sao một số thử nghiệm kiểm tra niên đại carbon lại cổ xưa như vậy. "Trong khảo cổ học, chúng tôi thường tìm 'văn hóa' trước ... Sau đó, sau khi chúng tôi tìm ra tuổi của đồ tạo tác, chúng tôi sẽ tìm kiếm các tài liệu tham khảo lịch sử về bất kỳ nền văn minh nào tồn tại trong khoảng thời gian đó. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể giải thích đồ tạo tác về mặt lịch sử. Trong trường hợp này, họ 'tìm thấy' thứ gì đó, kiểm tra niên đại bằng carbon, sau đó có vẻ như họ đã tạo ra một nền văn minh khoảng thời gian để giải thích phát hiện của họ."
Thật phi lý khi tin rằng một nền văn minh có thể xây dựng một cấu trúc khổng lồ như vậy nhưng không để lại dấu vết nào khác về sự tồn tại của họ. Có bằng chứng trong thời kỳ đó những người hàng xóm trong hang động Pawon ở Padalarang cách đó 45 km chỉ mới biết sử dụng các công cụ làm bằng xương vào 9.500 năm trước, thời điểm Hilman đề xuất. Điều này có vẻ kỳ quặc nếu có một nền văn minh tiến bộ lớn có được công nghệ để xây dựng một kim tự tháp ở gần bên như vậy.
Các khối đá núi lửa nằm ngang ở Gunung Padang hình thành một cách tự nhiên mà không phải nhân tạo tương tự được tìm thấy ở những nơi khác.
Indonesia được biết có 147 núi lửa và 76 trong số đó là núi lửa đang hoạt động và trải dọc các đảo Java, Lesser Sunda, Sumatra và Celebes. Đặc điểm của núi lửa Indonesia khá độc đáo về quá trình hình thành. Nhà nghiên cứu núi lửa Sutikno B Toronto nói Gunung Padang đơn giản là cổ của một ngọn núi lửa gần đó, không phải là một kim tự tháp cổ đại.
Indonesia là vùng đất của núi lửa - điều này khiến một số người nghi ngờ rằng "kim tự tháp" Gunung Padang thực sự chỉ là một trong nhiều ngọn núi lửa trong khu vực. Ảnh: Sara Marlowe
Danny Hilman vẫn không nản lòng. Ông ta tỏ ra chắc chắn về nghiên cứu của mình, mặc dù ông ta thừa nhận vẫn còn một số điều cần thuyết phục. "Đây là một trường hợp mạnh mẽ nhưng không phải là một trường hợp dễ dàng. Chúng tôi đi ngược lại niềm tin của thế giới."
Bất kể sự thật ra sao, điều quan trọng là đây vẫn là công trình cự thạch lớn nhất Đông Nam Á, di tích quan trọng và là dấu hiệu của một nền văn minh cổ đại đã hoạt động trong lĩnh vực kiến trúc và xây dựng đi trước phần còn lại của quần đảo.
Một số địa điểm khác có những ngọn đồi hình kim tự tháp ấn tượng hình thành trong tự nhiên:
Comments