top of page
​AD
Hòa Nguyễn

Giao Chỉ và Giao Châu: Hai Tên Gọi Dễ Nhầm Lẫn Vì Lịch Sử Duyên Cách Phức Tạp

Giao Chỉ và Giao Châu là hai tên gọi dễ nhầm lẫn vì lịch sử duyên cách phức tạp của nó. Muốn hiểu được phải xem ở từng hoàn cảnh thời gian và địa điểm cụ thể.

Bản đồ lãnh thổ 13 châu (bộ) thời Tây Hán. Bộ Giao Chỉ ở cực nam, phần lớn đất Lưỡng Quảng và miền Bắc Việt Nam ngày nay.


Giao Chỉ thời xưa chữ Hán là Giao Chỉ (交趾), Giao Chỉ (交阯), Giao Chỉ (交址) dùng qua lại lẫn nhau, chỉ khác ở chữ Chỉ (趾), Chỉ (阯), Chỉ (址) đồng âm khác nghĩa, nhưng dùng qua lại. Tuy nhiên tần suất chữ Chỉ (趾) dùng nhiều hơn, dùng vừa phải là chữ Chỉ (阯) và ít dùng chữ Chỉ (址). Ở bài luận văn này, tác giả dùng chữ Giao Chỉ (交趾) cho tiện lợi.


Giao châu thời xưa dùng chữ Hán là Giao châu (交州), sau đó hoặc có khi gọi là Giao bộ (交部) hoặc Giao thổ (交土), hoặc muộn hơn nữa gọi là Giao quản (交管), hoặc gọi là Giao phủ (交府). Chữ Giao (交) trong Giao châu (交州) là lấy từ chữ Giao (交) của tên gọi Giao Chỉ (交趾, 交阯, 交址).




Lịch sử tên gọi Giao Chỉ và Giao châu từ thời Tây Hán đến thời Nam bắc triều


Trước thời Tây Hán, trong sách vở đã có tên gọi Giao Chỉ, tuy nhiên ý nghĩa không thật sự rõ ràng, để chỉ về một vùng đất hay một quốc gia nào đó ở phía nam của Trung Quốc. Tuy nhiên, đây không phải là trọng tâm của bài luận văn này. Trọng tâm của bài luận văn này là nói về tên gọi Giao Chỉ và Giao châu đã xác định trên bản đồ với tư cách là đơn vị hành chính cấp quận (郡), bộ (部) hoặc châu (州).


Vào thời Tây Hán, đời vua Vũ Đế, năm Nguyên Đỉnh thứ sáu (năm 111 Trước công nguyên), sau khi diệt nước Nam Việt (南越) bèn đặt ra 9 quận, trong đó có quận Giao Chỉ. Đây là mốc đầu tiên đánh dấu sự ra đời của tên gọi Giao Chỉ với tư cách mà một đơn vị hành chính cấp quận (郡), quan lại đứng đầu là một quận là Thái thú (太守), trợ giúp Thái thú có quan Đô úy (都尉) chuyên trách việc quân. Quận (郡) thống lĩnh huyện (縣). Quan lại đứng đầu một huyện gọi là Lệnh (令) nếu là huyện to, gọi là Trưởng (長) nếu là huyện nhỏ.


Theo Hán thư (漢書) - Địa lí chí (地理志) của người thời Đông Hán là Ban Cố ghi chép thì quận Giao Chỉ thời Tây Hán thống lĩnh 10 huyện là Luy Lâu (羸𨻻), An Định (安定), Câu Lậu (苟屚), Mê Linh (麊泠), Khúc Dị (曲昜), Tỉ Đái (比帶), Kê Từ (稽徐), Tây Vu (西于), Long Biên (龍編), Chu Diên (朱䳒).



Sách vở thời xưa gọi quận Giao Chỉ là Giao Chỉ quận (交趾郡, 交阯郡) hoặc gọi tắt là Giao Chỉ (交趾, 交阯).


Sách vở thời xưa, quan lại đứng đầu quận Giao Chỉ gọi là Giao Chỉ thái thú (交趾太守, 交阯太守).


Đời vua Vũ Đế năm Nguyên Phong thứ năm (năm 106 Trước công nguyên), đặt ra 13 châu (州) và bộ (部), đứng đầu mỗi châu hoặc bộ là một viên quan gọi là Thứ sử (刺史). Trong đó có bộ Giao Chỉ. Tuy nhiên Thứ sử lúc đầu chỉ có quyền giám sát hành chính các quận trong châu hoặc bộ mà mình trông coi mà thôi. Cuối thời Đông Hán, quyền hạn của Thứ sử được nâng cao, có quyền nắm giữ quân đội và hành chính của các quận, đổi sang gọi là Mục (牧). Tuy nhiên, theo thói quen, sách vở thời xưa vẫn gọi lẫn lộn Thứ sử và Mục là quan lại đứng đầu một châu hoặc một bộ.


Sách vở thời xưa gọi bộ Giao Chỉ là Giao Chỉ bộ (交趾部, 交阯部), hoặc có khi gọi tắt là Giao Chỉ (交趾, 交阯).


Từ khi thành lập bộ Giao Chỉ có lúc gồm 7 quận là Nam Hải (南海), Thương Ngô (蒼梧), Uất Lâm (鬱林), Hợp Phố (合浦), Giao Chỉ (交趾), Cửu Chân (九真), Nhật Nam (日南).


Sách vở thời xưa gọi quan lại đứng đầu bộ Giao Chỉ là Giao Chỉ thứ sử (交趾刺史, 交阯刺史) hoặc Giao Chỉ mục (交趾牧, 交阯牧).



Giao Chỉ thứ sử hoặc Giao Chỉ mục đóng sở trị lúc đầu ở huyện Luy Lâu (羸𨻻) quận Giao Chỉ, sau dời sang huyện Quảng Tín (廣信) quận Thương Ngô.


Thời Đông Hán, đời vua Hiến Đế, năm Kiến An thứ tám (năm 203), bắt đầu đổi bộ Giao Chỉ gọi là Giao châu (交州).


Theo sách Hậu Hán thư (後漢書) - Quận quốc chí (郡國志) của người thời Lưu Tống là Phạm Diệp ghi chép thì Giao châu thời Đông Hán gồm 7 quận như bộ Giao Chỉ thời Tây Hán.


Từ năm Kiến An thứ tám về sau, Giao châu (交州) có khi gọi là Giao bộ (交部), hoặc Giao thổ (交土).


Quan lại đứng đầu Giao châu, sách vở thời xưa gọi là Giao châu thứ sử (交州刺史) hoặc Giao châu mục (交州牧).


Sở trị của Giao châu lúc này đặt ở huyện Quảng Tín quận Thương Ngô, sau dời sang huyện Phiên Ngung (番禺) quận Nam Hải.



Vào thời Tam quốc nhà Đông Ngô, đời vua Tôn Quyền, năm Hoàng Vũ thứ năm (năm 226), chia các quận từ quận Hợp Phố về phía bắc đặt ra Quảng châu (廣州) trị ở huyện Phiên Ngung quận Nam Hải, từ quận Giao Chỉ về phía nam là Giao châu (交州) trị ở huyện Long Biên quận Giao Chỉ. Tuy nhiên chốc lát lại đặt Giao châu như cũ.


Thời nhà Đông Ngô, đời vua Tôn Hưu, năm Vĩnh An thứ bảy (năm 264), chính thức chia Giao châu đặt ra Quảng châu (廣州) như thời vua Tôn Quyền năm Hoàng Vũ thứ năm. Từ đây, Giao châu (交州) chỉ còn quản hạt từ quận Giao Chỉ về phía nam. Thời vua Tôn Hạo, ở Giao châu đặt thêm 3 quận là Tân Xương (新昌), Vũ Bình (武平), Cửu Đức (九德). Duyên cách thay đổi khác nhau, qua thời nhà Tấn (晉), Lưu Tống (劉宋), Nam Tề (南齊), cơ bản Giao châu vẫn như thời nhà Đông Ngô đời vua Tôn Hưu-Tôn Hạo.


Theo sách Tấn thư (晉書) - Địa lí chí (地理志) của người thời Đường là Phòng Huyền Linh ghi chép thì Giao châu thời nhà Tấn gồm 7 quận là Hợp Phố (合浦), Giao Chỉ (交趾), Tân Xương (新昌), Vũ Bình (武平), Cửu Chân (九真), Cửu Đức (九德), Nhật Nam (日南).



Theo sách Tống thư (宋書) - Châu quận chí (州郡志) của người thời Tiêu Lương là Thẩm Ước ghi chép thì Giao châu thời nhà Lưu Tống gồm 7 quận là Giao Chỉ (交趾), Vũ Bình (武平), Cửu Chân (九真), Cửu Đức (九德), Nhật Nam (日南), Nghĩa Xương (義昌), Tống Bình (宋平).


Theo sách Nam Tề thư (南齊書) - Châu quận chí (州郡志) của người thời Tiêu Lương là Tiêu Tử Hiển ghi chép thì Giao châu thời nhà Nam Tề gồm 9 quận là Cửu Chân (九真), Vũ Bình (武平), Tân Xương (新昌), Cửu Đức (九德), Nhật Nam (日南), Giao Chỉ (交阯), Tống Bình (宋平), Tống Thọ (宋壽), Nghĩa Xương (義昌).


Sử sách không ghi chép Giao châu thời nhà Tiêu Lương và nhà Nam Trần của thời Nam bắc triều ra sao. Nhưng dựa trên các ghi chép khác thì chúng ta có thể suy đoán được sơ bộ.


Từ thời nhà Tiêu Lương, bắt đầu có hiện tượng đặt ra châu (州) quản lí trực tiếp huyện (縣), mặc dù vẫn có châu quản lí quận như cũ. Nhà Nam Trần thay nhà Lương cũng không thay đổi nhiều.


Lấy quận Cửu Chân (九真) đặt ra Ái châu (愛州).


Lấy quận Cửu Đức (九德) đặt ra Đức châu (德州), Lợi châu (利州), Minh châu (明州).


Giao châu (交州) thời nhà Tiêu Lương có thể chỉ còn các quận Giao Chỉ (交阯), Vũ Bình (武平).




Ngữ cảnh của tên gọi Giao Chỉ và Giao châu trong sách Hán thư và Hậu Hán thư


Giao Chỉ (交趾, 交阯) trong sách Hán thư và Hậu Hán thư có thể hiểu là quận Giao Chỉ hoặc bộ Giao Chỉ, tùy vào hoàn cảnh và ý nghĩa trong đoạn văn. Đó là điều dễ gây nhầm lẫn và hiểu sai.


Hán thư (漢書) do người đầu thời Đông Hán là Ban Cố soạn nên khi chưa đổi bộ Giao Chỉ thành Giao châu, cho nên tên gọi Giao Chỉ trong sách Hán thư là quận Giao Chỉ hoặc bộ Giao Chỉ. Có một chỗ chép Giao Chỉ lại ở có ngữ cảnh nói về trước thời Tây Hán thì lại có nghĩa khác.


Hán thư - Công Tôn Hoằng liệt truyện:


"Phía bắc đánh dẹp Cừ Sưu, phía nam vỗ về Giao Chỉ." (北發渠搜,南撫交阯。)

Giao Chỉ (交阯) ở đây là nói vùng đất không xác định rõ ràng ở phương nam thời các vua thượng cổ (Nghiêu, Thuấn, Vũ).



Hán thư - Vũ Đế kỉ:


"Bình định đất Việt đặt ra các quận Nam Hải, Thương Ngô, Uất Lâm, Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, Châu Nhai, Đam Nhĩ." (定越地,以為南海、蒼梧、鬱林、合浦、交阯、九真、日南、珠崖、儋耳郡。)

Giao Chỉ (交阯) ở đây là nói quận Giao Chỉ sau khi vua Vũ Đế bình định đất Việt.


Hán thư - Địa lí chí:


"Vũ Đế xua đuổi người Hồ-Việt, mở đất lập cõi, phía nam đặt ra các xứ Giao Chỉ, phía bắc đặt ra vùng Sóc Phương, gồm cả các miền Từ, Lương, U, Tinh, theo chế độ của nhà Hạ-Châu, đổi miền Ung gọi là Lương, đổi miền Lương gọi là Ích, cả thảy là mười ba bộ (hoặc gọi là châu), đặt quan Thứ sử." (武帝攘卻胡、越,開地斥境,南置交阯,北置朔方之州,兼徐、梁、幽、并夏、周之制,改雍曰涼,改梁曰益,凡十三部,置刺史。)

Giao Chỉ (交阯) ở đây là bộ Giao Chỉ trong mười ba bộ (châu) đặt ra thời vua Vũ Đế.


"Quận Giao Chỉ, chín vạn hai nghìn bốn trăm bốn mươi hộ, bảy mươi tư vạn sáu nghìn hai trăm ba mươi bảy người. Quản mười huyện là Luy Lâu, An Định, Câu Lậu, Mê Linh, Khúc Dị, Tỉ Đái, Kê Từ, Tây Vu, Long Biên, Chu Diên." (交趾郡,戶九萬二千四百四十,口七十四萬六千二百三七。縣十:羸𨻻,安定,苟屚,麊泠,曲昜,比帶,稽徐,西于,龍編,朱䳒。)

Giao Chỉ (交趾) ở đây là quận Giao Chỉ.


"Đất Việt là phận dã của các chòm sao Khiên Ngưu-Vụ Nữ. Các quận Thương Ngô, Uất Lâm, Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân, Nam Hải, Nhật Nam ngày nay đều là đất Việt." (粵地,牽牛、婺女之分野也。今之蒼梧、鬱林、合浦、交阯、九真、南海、日南,皆粵分也。)

Giao Chỉ (交阯) ở đây là quận Giao Chỉ.



Hán thư - Nam Việt truyện:


"Đã bình định xong nước Nam Việt, bèn lấy đất ấy đặt ra chín quận là Đam Nhĩ, Châu Nhai, Nam Hải, Thương Ngô, Uất Lâm, Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam." (南粵已平。遂以其地為儋耳、珠崖、南海、蒼梧、鬱林、合浦、交阯、九真、日南九郡。)

Giao Chỉ (交阯) ở đây là quận Giao Chỉ.


Hậu Hán thư (後漢書) do người thời Lưu Tống là Phạm Diệp soạn nên, thời Lưu Tống đã gọi là Giao châu rồi, nhưng ghi chép lịch sử thời Đông Hán, chuyện kể chủ yếu là về quận Giao Chỉ và bộ Giao Chỉ khi chưa đổi bộ Giao Chỉ gọi là Giao châu, cho nên tùy vào ngữ cảnh cũng hiểu khác nhau.


Hậu Hán thư - Quang Vũ Đế kỉ:


"Giao Chỉ mục là Đặng Nhượng lệnh cho Thái thú của bảy quận sai sứ dâng cống."

(交阯牧鄧讓率七郡太守遣使奉貢。)

Giao Chỉ (交阯) ở đây là bộ Giao Chỉ.


"Phục ba tướng quân là Mã Viện phá Giao Chỉ, chém bọn Trưng Trắc. Nhân đó đánh phá giặc ở Cửu Chân là bọn Đô Dương, bắt bọn ấy đầu hàng."

(伏波將軍馬援破交阯,斬徵側等。因擊破九真賊都陽等,降之。)

Giao Chỉ (交阯) ở đây là quận Giao Chỉ.


Hậu Hán thư - Hiếu Hoàn Đế kỉ:


"Giặc ở Trường Sa-Linh Lăng nổi dậy, đánh (các quận) Quế Dương, Thương Ngô, Nam Hải, Giao Chỉ, sai Ngự sử trung thừa là Thịnh Tu đốc thúc châu quận đánh dẹp bọn giặc ấy, không thắng."

(長沙、零陵賊起,攻桂陽、蒼梧、南海、交阯,遣御史中丞盛脩督州郡討之,不克。)

Giao Chỉ (交阯) ở đây là quận Giao Chỉ.



Hậu Hán thư - Hiếu Linh Đế kỉ:


"Giao Chỉ thứ sử là Chu Tuyển đánh người man Ô Hử ở Giao Chỉ-Hợp Phố, phá bọn người ấy."

(交阯刺史朱雋討交阯、合浦烏滸蠻,破之。)

Giao Chỉ (交阯) ở đây là trước là nói bộ Giao Chỉ, sau là nói quận Giao Chỉ.


"Binh lính đồn đóng ở Giao Chỉ bắt giữ Thứ sử và Hợp Phố thái thú là Lai Đạt, tự xưng 'Trụ thiên tướng quân', sai Giao Chỉ thứ sử là Giả Tông đánh dẹp được bọn ấy."

(交阯屯兵執刺史及合浦太守來達,自稱「柱天將軍」,遣交阯刺史賈琮討平之。)

Giao Chỉ (交阯) ở đây là bộ Giao Chỉ.


Hậu Hán thư - Giả Tông liệt truyện:


"Trước đây đất Giao Chỉ có nhiều thứ trân bảo, minh cơ, phỉ thúy, sừng tê, ngà voi, đồi mồi, trầm hương, gỗ tốt, chẳng gì không có. Các quan Thứ sử trước sau phần nhiều không trong sạch, trên thì bợ đỡ kẻ quyền quý, dưới thì cất chứa của hối lộ, của cải chất đầy, liền lại xin chuyển thay chức khác, cho nên quan dân oán phản."

(舊交阯土多珍產,明璣、翠羽、犀、象、玳瑁、異香、美木之屬,莫不自出。前後刺史率多無清行,上承權貴,下積私賂,財計盈給,輒復求見遷代,故吏民怨叛。)

Giao Chỉ (交阯) ở đây là bộ Giao Chỉ.


Hậu Hán thư - Trịnh Hoằng liệt truyện:


"Trước đây bảy quận của Giao Chỉ cống hiến chuyển chở đều từ huyện Đông Dã dong thuyền buồm vượt biển mà đến (kinh đô), sóng gió gian khổ, chìm đắm liền nhau. Hoằng tấu mở đường núi Linh Lăng-Quế Dương, do đó thông suốt, đến nay bèn là con đường đi thường xuyên."

(舊交阯七郡貢獻轉運,皆從東冶汎海而至,風波艱阻,沈溺相係。弘奏開零陵、桂陽嶠道,於是夷通,至今遂為常路。)

Giao Chỉ (交阯) ở đây là bộ Giao Chỉ.



Hậu Hán thư - Hồ Quảng liệt truyện:


"Hồ Quảng tên chữ là Bá Thủy, người huyện Hoa Dung quận Nam. Ông tổ sáu đời là Cương, thanh cao có chí tiết, vào thời vua Bình Đế được Đại tư đồ là Mã Cung gọi đến làm quan, gặp lúc Vương Mãng nhiếp chính, Cương cởi mũ áo, treo ở cửa phủ mà bỏ đi, rồi trốn tránh đến Giao Chỉ, ẩn mình ở trong chợ hàng thịt. Sau đó Mãng thua trận, (Cương) bèn về làng xóm. Cha là Cống, làm Giao Chỉ đô úy."

(胡廣字伯始,南郡華容人也。六世祖剛,清高有志節。平帝時,大司徒馬宮辟之。值王莽居攝,剛解其衣冠,縣府門而去,遂亡命交阯,隱於屠肆之閒。後莽敗,乃歸鄉里。父貢,交阯都尉。)

Giao Chỉ (交阯) ở đầu có thể hiểu là quận Giao Chỉ hoặc bộ Giao Chỉ, ở sau là quận Giao Chỉ.


Hậu Hán thư - Triệu Kì liệt truyện:


"Nay cả nước vỡ lở, chỉ có Kinh châu đất rộng thế tốt, phía tây thông Ba Thục, phía nam kề Giao Chỉ, thóc lúa được mùa, quân dân vẹn toàn." (今海內分崩,唯有荊州境廣地勝,西通巴蜀,南當交阯,年穀獨登,兵人差全。)

Giao Chỉ (交阯) ở đây là bộ Giao Chỉ.


Hậu Hán thư - Tuần lại liệt truyện:


Trước đây, vào thời vua Bình Đế, người quận Hán Trung là Tích Quang làm Giao Chỉ thái thú, dạy dỗ người Di, dần dần biết lễ nghĩa, tiếng tốt sánh ngang với (Nhâm) Diên." (初,平帝時,漢中錫光為交阯太守,教導民夷,漸以禮義,化聲侔於延。)

Giao Chỉ (交阯) ở đây là quận Giao Chỉ.



Tác giả: Quyển Tích

Comments


Không bao giờ bỏ lỡ bản tin mới

Đăng ký nhận thư từ Ngoài Kia

Cảm ơn bạn. Chúng tôi sẽ liên hệ sớm.

bottom of page