top of page
​AD
Hồ Tri Thức

Frederick Demuth - Con Riêng Của Karl Marx Với Người Đầy Tớ Gái Ở London

Câu chuyện về tình, tiền của những người cộng sản nhập cư đầu tiên tại Anh tiếp tục khiến dư luận ngạc nhiên.

Henry Frederick “Freddy” Demuth, được cho là con trai của Karl Marx từ Helene Demuth, năm 1921.

Các đoàn thăm mộ Karl Marx ở nghĩa địa Highgate, London có thể không biết rằng còn một người nữa gắn bó với gia đình ông tổ chủ nghĩa cộng sản cũng được chôn cất tại đó.


Đó là bà Helene Demuth, người đầy tớ từ Đức theo Jenny von Westphalen sang Anh để phục vụ cho nhà Marx và đã sinh cho Karl Marx một con trai, theo các sử liệu tại Anh.



Thời kỳ tại London là giai đoạn gia đình Marx sống cơ cực vì bần hàn, bệnh tật.


Trong bảy con của họ có bốn chết hồi nhỏ — hai con trai Charles Edgar, Henry, con gái Franziska, và thêm một em bé tử vong lúc sơ sinh chưa kịp đặt tên.


Cũng không biết vì lý do gì mà trong ba con gái trưởng thành của Marx, Caroline, Laura và Eleanor, thì hai người tự tử.


Căn nhà số 28 Dean Street, khu Soho, London có tấm biển nhỏ về Karl Marx. Đây cũng là nơi Helene Demuth sinh ra con trai Frederick Lewis Demuth, con ngoại hôn của Marx.


Triết gia Karl Marx cùng nhà kinh tế học Friedrich Engels, vợ ông Jenny và các con gái Laura và Eleanor. Ảnh: Mondadori


Gia đình phức tạp


Ta hãy điểm lại cuộc sống di cư vất vả vì hoạt động cách mạng của Karl Marx cùng các vấn đề tình ái của ông.


Sau Cách mạng 1848, Marx bị trục xuất khỏi quê hương ở Đức và bị đuổi khỏi Brussels nên đem vợ con sang Anh.


Ông xin nhập tịch Anh mà không được và suốt đời chỉ là một kiều dân Đức có quyền cư trú.


Về hoàn cảnh cá nhân, Karl Marx (1818 - 1883) chỉ là nhà báo nghèo gốc Do Thái nhưng cưới vợ là Jenny von Westphalen, con nhà quý tộc Phổ (Prussia).


Đằng nội Jenny có các quan chức cao cấp, còn họ ngoại (Wishart) là quý tộc Scotland, trực hệ của vua James I Stuart.


Cuộc hôn nhân vì lý tưởng — cha của Jenny tin vào Cách mạng Pháp và chủ nghĩa xã hội sơ khai — nhưng bất bình đẳng về gia thế là vấn đề cho cuộc đời hai người.


Cả hai đều không biết kiếm tiền nhưng cố sống theo phong cách nhà giàu và mọi việc trong nhà đều cần đầy tớ.


Sau khi sang Anh, Jenny đã có lần trở về Đức xin gia đình trợ giúp kinh tế nhưng bị từ chối.


Johanna Bertha Julie Jenny Edle von Westphalen.


Helene Demuth

Helene Demuth (1820 - 1890) là con gái một người thợ làm bánh, từ tuổi nhỏ đã làm hầu gái cho Jenny, và cùng gia đình Marx sang Anh. Còn gọi là Nimy hoặc Lenchen, Helene chuyển sang làm người hầu cho Friedrich Engels sau khi Marx chết.


Marx làm Helene có thai cùng lúc vợ ông Jenny mang thai con gái Jenny Eveline Frances tức Franziska. Bé này chết khi chưa đầy một tuổi năm 1852. Nhưng bé trai con của Helene sinh ra khoẻ mạnh năm 1851 ở căn nhà 28 Dean Street, Soho.


Để “chạy tội” cho bạn, Engels đã nhận với Jenny rằng ông là cha của Freddy, theo Mary Gabriel trong cuốn sách ‘Love and Capital’ về Marx và Jenny.


Không chỉ có chuyện làm người hầu có mang, Marx bắt Helene đuổi bé trai Freddy khỏi nhà ngay sau khi chào đời.


Ngày nay, một số tác giả thiên vị Marx tìm cách giải thích cho hành động này. Theo họ, việc đem Freddy cho người khác nuôi là đúng theo các quy tắc ứng xử thời đó ở Anh — một gia đình khả kính không nuôi con của ôsin.


Harrison Fluss và Sam Miller thì viết trên một tạp chí thiên tả ở Anh hồi 2016, giải thích rằng dù Karl Marx có con riêng với Helene nhưng chính tình yêu “vô hạn” của Jenny đối với chồng đã giúp gia đình họ vượt qua cuộc khủng hoảng.


Được một gia đình người Anh họ Lewis ở khu xóm nghèo Hackney nhận về, Freddy Lewis Demuth đã lớn lên làm thợ, rồi nhà hoạt động nghiệp đoàn.


Chính ông đã sáng lập ra chi bộ của Đảng Lao Động Anh tại khu Hackney và thường đọc các sách của Marx và Engels viết.


Ông cũng có mặt trong các hoạt động cánh tả quốc tế, theo trang Hackney History.


Con trai Freddy và bà Ellen Murphy (người Ireland) có tên là Harry và hồi nhỏ vẫn tới nhà Engels để thăm bà nội Helene.


Harry Lewis tiếp tục đi theo các hoạt động xã hội và tham gia nhóm Dân chủ Xã hội Hackney, London nhưng dừng ở đó chứ không theo chủ nghĩa cộng sản.


Sau đó, ông sang Australia định cư.



Những khoản tiền lớn trong gia đình cộng sản


Ngày nay, các tác giả Anh và Mỹ coi Freddy hoàn toàn là người Anh và không bày tỏ nhiều thiện cảm với nhóm người Đức “cách mạng” là Marx và Engels.


Mary Gabriel cho rằng cuộc hôn nhân của Marx chắc chắn không có gì là “Marxist” tức là không hề nhân ái, bình đẳng như ông rao giảng.


Theo ghi nhận của Louise Kautsky, vợ của Karl Kautsky — nhà Marxist nổi tiếng bị Lenin sau này chửi là “tên phản bội” — thì Engels luôn lạnh nhạt với Freddy.


Trước khi chết năm 1895, Engels đã nói với các con gái của Marx rằng ông không phải là cha của Freddy. Điều này được ghi lại trong các bức thư Eleanor viết cho Laura rằng cô cảm thấy có lỗi “suốt đời” với Freddy.


Nay ta cũng biết các con gái lớn nhà Marx đã có gắng làm sao để Freddy có tên trong di chúc Engels để lại nhưng không thành.


Năm 1896, Eleanor Marx giới thiệu Freddy với Clara Zetkin tại Quốc tế Xã hội Chủ nghĩa II ở Queen’s Hall, Langham Place, London, là “anh cùng cha khác mẹ của tôi”.


Khi qua đời, Engels, nhà tư bản bỏ tiền cho Marx viết về chủ nghĩa cộng sản, để lại gia sản rất lớn, tương đương 4,8 triệu đô la ngày nay.


Trong số đó, phần cho các con gái Marx là bằng 2 triệu bảng Anh bây giờ, cộng thêm 20% cổ phần trong nhà máy.


Ngoài ra, di chúc của Engels không để lại gì cho ai khác vì chính thức mà nói, ông không có con.


  • Jenny “Caroline” Marx Longuet, con gái cả của Marx, chết năm 39 tuổi ở Argenteil, Pháp.

Jenny Longuet.


  • Eleanor Marx tự sát chết ở London năm 1898 và được chôn cất trong nghĩa địa Highgate cùng cha mẹ.


Eleanor Marx.

  • Laura Marx tự tử ở Graveil, Pháp năm 1911 cùng chồng là Paul Lafargue, nhà hoạt động xã hội chủ nghĩa Pháp gốc Cuba.

Laura Marx.

Từ đó, trong các con của Marx chỉ còn lại người con không được thừa nhận là Freddy.


Nhưng khi ông qua đời năm 1929, Freddy để lại gần 2.000 bảng Anh (bằng 120 nghìn năm 2017), khoản tiền rất lớn với người chỉ làm công nhân.


Điều này khiến người ta tin rằng ông có nhận được một phần tiền thừa kế Engels để lại từ chị em nhà Marx.


Cuối cùng thì tình cảm và đồng tiền có vẻ vẫn rơi lại cùng một chỗ.



Tác giả: Nguyễn Giang

Kommentare


Không bao giờ bỏ lỡ bản tin mới

Đăng ký nhận thư từ Ngoài Kia

Cảm ơn bạn. Chúng tôi sẽ liên hệ sớm.

bottom of page