top of page
​AD
Hòa Nguyễn

Formosa - Hòn Đảo Xinh Đẹp; Chiến Tranh Tây Ban Nha - Hà Lan; Trịnh Thành Công Thu Hồi Đài Loan

Giống như Hong Kong và Macau, Đài Loan được chính quyền Trung Quốc ngày nay khẳng định là một phần lãnh thổ “không thể tách rời”. Tuy nhiên, nếu như Hong Kong và Macau đã ngã ngũ thì có vẻ như Đài Loan đang trở thành một khúc xương khó gặm với Trung Quốc.

Bức vẽ màu nước thế kỷ 17 về Pháo đài Zeelandia của Công ty Đông Ấn Hà Lan trên đảo Formosa, Đài Nam ngày nay, được vẽ bởi người vẽ bản đồ người Hà Lan Joan Blaeu.

Từ lịch sử xa xưa cho thấy, những lần Đài Loan trở về với “đất mẹ” trước đây đều phải kinh qua binh đao, hôm nay chúng ta cùng xem lại một chút về lịch sử của hòn đảo này.


Ilha Formosa (Hòn đảo xinh đẹp)


Mặc dù nằm gần Trung Hoa nhưng những cư dân đầu tiên của Đài Loan lại là những cư dân có gốc gác từ nam đảo – tức khu vực Đông Nam Á và Châu Đại Dương, những người này đã theo bè gỗ định cư tại đảo này từ 3.000 năm TCN.


Người Hán có lẽ đã biết đến hòn đảo này từ thời Tam Quốc nhưng họ không để tâm tới nó nhiều lắm, có lẽ do người Hán trọng nông nên không mấy hứng thú với những lãnh thổ ngăn cách bởi đại dương.



Suốt hơn mấy ngàn năm sau đó, dân bản địa Đài Loan sống theo kiểu thị tộc bộ lạc và có rất ít liên hệ với người Hán ở Trung Hoa. Ngược lại Đài Loan cũng không có nhiều sản vật có giá trị nên các triều đại Trung Hoa cũng chả thiết tha giao thương buôn bán, chỉ có những ngư dân từ Phúc kiến, Quảng Đông thỉnh thoảng dạt vào khu vực quần đảo Bành Hồ ở lân cận Đài Loan để trao đổi, mua bán sản vật linh tinh với người bản địa.


Năm 1281, nhà Nguyên đặt ra Bành Hồ tuần kiểm ty, đánh dấu thời điểm người Hán đặt cơ quan chính quyền đầu tiên tại khu vực Đài Loan.


Năm 1384, nhà Minh thực thi chính sách đóng biển nên đóng cửa sở quan tại Bành Hồ, đến năm 1563 thì đặt lại. Tuy nhiên khi đó đã có người khác đặt chân đến trước họ.

Các cuộc phát kiến địa lý vào thế kỷ 16 đã biến Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha trở thành những cường quốc hàng hải trong thời kỳ đó, cùng với sự kiện ‘Inter caetera’ của giáo hoàng Alexander VI, “một nét bút chì chia đôi thế giới” phía tây bán cầu thuộc về Tây Ban Nha và phía đông thuộc về Bồ Đào Nha. Người Bồ Đào Nha men theo bờ biển Châu Phi đi về phía đông để tìm đường đến Ấn Độ, nhằm đặt lại “con đường gia vị” trên biển.


Ngày 20/5/1498, thuyền trưởng lừng danh Vasco de Gama người Bồ Đào Nha đã đến được Calicut, Ấn Độ. Từ đó người Bồ liên tục đông tiến. Đến năm 1513, Jorge Álvares trở thành người Bồ Đào Nha đầu tiên đặt chân đến Trung Quốc, ở vùng đất gọi là Kính Hải, tương truyền ở vùng này có một ngôi miếu lớn thờ nữ thần bảo hộ cho ngư dân và người đi biển, khi những thủy thủ đầu tiên của Bồ Đào Nha đặt chân đến đây, họ nhìn thấy ngôi miếu đồ sộ này và hỏi người dân địa phương đó là nơi nào, những người bản địa trả lời rằng đó là Ma Các, phiên âm tiếng Quảng là Ma Gok, người Bồ phiên âm thành Amacão, lâu ngày gọi luôn là Macau đến tận sau này.


Vì là những người đầu tiên đến được Trung Hoa nên người Bồ Đào Nha được nhà Minh ưu ái, ban đầu là được quyền neo đậu tàu thuyền, sau đó là quyền buôn bán trao đổi hàng hóa rồi lâu dần là quyền được mở kho bãi và định cư lâu dài. Ma Cao vẫn thuộc quyền kiểm soát của nhà Minh, sau đó là nhà Thanh mãi cho đến năm 1887.


Người Bồ tiếp tục đi về phía đông, và đến năm 1544, họ đã phát hiện ra đảo Đài Loan, người Bồ gọi nó là Ilha Formosa, nghĩa là “hòn đảo xinh đẹp”, cái tên Formosa sẽ trở thành tên gọi cho Đài Loan từ đây cho đến tận 500 năm sau, tức là đến tận những năm 1950.

Trong lúc đó thì người Tây Ban Nha tiếp tục dong thuyền về phía tây theo tinh thần phân chia của giáo hoàng Alexandrer VI.


Vào tháng 9/1519, một người đàn ông tên là Ferdinand Magellan, hay còn gọi là Fernão de Magalhães, ông này là người Bồ Đào Nha, từng tham gia hải quân Bồ Đào Nha và tham chiến ở Goa (Ấn Độ) nhưng sau đó đã đổi sang quốc tịch Tây Ban Nha để nhận tài trợ của vua Carlos I và chỉ huy đội tàu gồm 5 chiếc xuất phát từ cảng Cadiz lên đường về phía tây để đi tìm “Quần đảo gia vị” trong truyền thuyết. Ba năm sau, chỉ có một con tàu trong năm chiếc ban đầu là tàu Victoria cùng với 18 trong 237 thủy thủ có thể quay trở lại Tây Ban Nha sau khi đi vòng quanh thế giới. Rất đen, trong số này không hề có Magellan, ông này đã bỏ mạng trong một trận giao tranh với thổ dân Philippines. Tuy nhiên chuyến hải trình của Magellan đã đánh dấu lần đầu tiên con người có thể đi vòng quanh thế giới và chứng minh thực tế được rằng trái đất có hình cầu, cũng từ đó người Tây Ban Nha bắt đầu bành trướng thế lực ỡ viễn đông.


Năm 1565, người Tây Ban Nha xác nhận chủ quyền với đảo Luzon của Philippines và đổi tên nó thành Tân Castilla. Tới năm 1571, sau khi quét sạch các thế lực hải tặc người Hoa cát cứ thì người Tây Ban Nha xây dựng thành phố Manila làm thủ đô của Đông Ấn Tây Ban Nha, một nhà nước Tây Ban Nha ở phương đông. Từ đây Tây Ban Nha được mang danh hiệu là “đế quốc mặt trời không bao giờ lặn” (nhiều người vẫn tưởng rằng Anh quốc mới có danh xưng này nhưng từ rất lâu trước đó danh xưng này là dành cho Tây Ban Nha).


Đến năm 1592, ở Đông Bắc Á, Thái chính đại thần Toyotomi Hideyoshi sau khi thống nhất Nhật Bản đã quyết tâm bành trướng ra ngoài nước Nhật, mục tiêu đầu tiên là Triều Tiên, nhưng mục tiêu xa hơn là Trung Quốc. Trong lần xâm lược thứ 2 vào năm 1598, một đội tàu của Nhật đã đổ bộ lên Formosa và dự tính lấy đó làm căn cứ để chiếm đảo Luzon của Philippines.


Thế nhưng cái chết của Hideyoshi trong cùng năm đó đã khiến kế hoạch trên tan tành, dù không phải đánh nhau với người Nhật, nhưng người Tây Ban Nha đã thấy được mối nguy tiềm tàng do vị trí địa lý của Formosa đem lại cho họ, đáng lo hơn nữa, kẻ thù không đội trời chung của người Tây Ban Nha là người Hà Lan đã tăng cường sự hiện diện của họ tại đây. Người Tây Ban Nha quyết tâm “giũ sổ” Hà Lan và điều này dẫn tới cuộc chiến tranh giữa hai nước từ 1626 - 1642.



Chiến tranh Tây Ban Nha - Hà Lan


Đương khi thế lực của người Tây Ban Nha lên như mặt trời giữa trưa thì ngay ở Châu Âu, một vùng đất nằm dưới sự thống trị của họ đã phất cờ khởi nghĩa, đòi độc lập, lịch sử gọi đó là cuộc chiến 80 năm hay là cuộc đấu tranh của Vùng Đất Thấp mà ngày nay đã trở thành hai quốc gia độc lập là Hà Lan và Bỉ. Nguyên nhân sâu xa là vì Tây Ban Nha vốn là nước Công giáo nhiệt tình, tất cả các đời vua Tây Ban Nha đều có liên hệ mật thiết với tòa thánh và giáo hoàng trong khi đó vào thế kỷ 16, phong trào Tin lành đang phát triển rộng rãi ở các nước Châu Âu, Đức, Thụy Sỹ, Flandre là những nơi mâu thuẫn tôn giáo diễn ra gay gắt.


Flandre khi đó là một tỉnh thuộc Tây Ban Nha, hoàng đế Felipe II đã đàn áp triệt để phong trào kháng cách tại vùng này, tăng cường kiểm soát và thu lợi tức bằng thuế nặng để kìm hãm sự phát triển của vùng đất này. Lại thêm vào đó quy định hễ ai là tín đồ Tân giáo là đàn ông thì bị chặt đầu, đàn bà bị chôn sống hoặc bị thiêu và tài sản bị tịch thu, những người che giấu, giúp đỡ và nói chuyện với họ cũng bị tịch thu tài sản.


Năm 1566, dân chúng Bắc Netherlands vùng lên khởi nghĩa, sang năm sau vua Felipe II gửi quân đội sang đàn áp. Thế nhưng từ nhân dân đến giới tư sản Netherlands đều đồng lòng đứng lên chống lại ách áp bức của Tây Ban Nha, đến năm 1579 bảy tỉnh miền bắc tuyên bố độc lập, tách ra khỏi Tây Ban Nha gọi là liên minh bảy tỉnh thống nhất, sau này gọi tắt là Cộng hòa Hà Lan - Holland (vì tỉnh Holland trong liên minh 7 tỉnh là nơi có nhiều đóng góp cho nền độc lập nhất), dù trải qua nhiều lần sáp nhập, chia tách lãnh thổ nhưng cái tên Hà Lan từ nay sẽ trở thành tên gọi cho một quốc gia mới ở Châu Âu từ đó cho đến tận ngày nay. Tuy nhiên tên gọi Hà Lan này không chính xác, nó chỉ là tên gọi của một tỉnh trong liên minh, còn tên gọi cho toàn bộ vùng này chính xác là Netherlands (dịch nôm nghĩa là Những vùng đất thấp). Năm 2019 Hà Lan đã kiến nghị xóa tên cũ là Holland, thay bằng danh từ duy nhất là Netherlands nhằm nhấn mạnh đến sự toàn vẹn lãnh thổ của họ, nhưng thôi, tạm gác chuyện này ở đây.

Dù đã tuyên bố độc lập và Tây Ban Nha đã hết cửa can thiệp vào Hà Lan nhưng Tây Ban Nha vẫn ngoan cố không thừa nhận nền độc lập của quốc gia này, chỉ đến khi thất bại trong cuộc chiến Ba mươi năm ở Đức vào năm 1648 thì Tây Ban Nha mới chịu ký vào hào ước Westfalen qua đó công nhận Hà Lan là một đất nước độc lập và từ bỏ mọi quyền lợi ở vùng này.


Từ khi tuyên bố độc lập Hà Lan phát triển như vũ bão, vì đây là đất nước do giai cấp tư sản cầm quyền nên họ không gặp bất cứ cản trở nào về mặt thần quyền hay giai cấp. Mặc dù Hà Lan có diện tích khiêm tốn và dân số chỉ khoảng 1,5 triệu người, nhưng sở hữu một hạm đội khổng lồ lên đến 2.000 con tàu, nhiều hơn cả hạm đội Anh và Pháp cộng lại hồi đầu thế kỷ 17.



Hà Lan sau đó học theo Anh quốc, phát triển mô hình công ty độc quyền thương mại với nhà nước: Công ty Đông Ấn Hà Lan (VOC - Vereenigde Oost-Indische Compagnie) và Công ty Tây Ấn Hà Lan (GWC - Geoctroyeerde Westindische Compagnie). Công ty Đông Ấn Hà Lan tuy sinh sau để muộn (1602) nhưng lại làm lu mờ tất cả các đối thủ thương mại khác tại châu Á.


Từ 1602 đến 1796, VOC đã gửi gần 1 triệu người châu Âu làm việc cho các giao dịch thương mại với 4.785 tàu và mạng lưới vận tải đã vận chuyển hơn 2,5 triệu tấn hàng hóa với châu Á. Phần còn lại của cả châu Âu chỉ gửi đi 882.412 người từ năm 1500 đến năm 1795. Hạm đội vương quốc Anh (sau là Đế quốc Anh) với công ty Đông Ấn Anh, đối thủ cạnh tranh chính của VOC, ở vị trí thứ 2 với 2.690 tàu và vận chuyển chỉ bằng 1/5 trọng tải hàng hóa so với VOC.


Những nhà nghiên cứu lịch sử sau này gọi thế kỷ 17 là Thời đại Hoàng Kim của Hà Lan. Khi trận chiến tranh giành Formosa diễn ra, thật ra là chiến tranh giữa Công ty Đông Ấn Hà Lan và Tây Ban Nha.

Năm 1623, các thương nhân Hà Lan đi tìm kiếm một căn cứ nữa tại châu Á đã lần đầu tiên đặt chân lên đảo Đài Loan, họ có ý định biến hòn đảo thành một trung tâm trong hoạt động giao thương của Hà Lan với Nhật Bản và các khu vực ven biển Trung Quốc. Người Hà Lan cho xây dựng pháo đài Zeelandia để làm cơ sở cho các chiến dịch quân sự của họ sau này, pháo đài này ngày nay thuộc huyện An Bình, tỉnh Đài Nam.


Từ năm 1626 người Hà Lan bắt đầu chiến dịch bình định Formosa, bằng các thủ đoạn mua chuộc, lôi kéo và cả vũ lực, trong vòng 10 năm người Hà Lan đã cơ bản bình định xong phía nam hòn đảo.


Khi người Hà Lan bắt đầu xây pháo đài ở Đài Nam thì ở phía bắc người Tây Ban Nha cũng nhanh chóng đổ bộ vào phía bắc. Năm 1626, Antonio Carreño de Valdes suất lĩnh hạm đội xuất phát từ Manila đi men theo bờ biển Đông Đài Loan đổ bộ lên phía bắc đảo. Năm 1628, người Tây Ban Nha đánh bại 2 làng thổ dân bản địa, thổ dân không địch nổi nên phải bỏ làng chạy trốn, người Tây Ban Nha xây dựng thành Santo Domingo trên đất này, từ đó tiếp tục chiếm them Cơ Long, Đạm Thủy và dần tiến vào vùng đất ngày nay được gọi là Đài Bắc. Thế nhưng sau đó người Tây Ban Nha quyết định không tiến sâu vào nội địa, họ chỉ xây dựng các cơ sở định cư ở Cơ Long và Đạm Thủy nhằm tận dụng lợi thế giáp biển dễ bề tiếp tế.

Mục đích ban đầu của người Tây Ban Nha là chiếm lấy phần phía bắc của Formosa để thông thương với nhà Minh, sau khi đặt chân vững chắc ở đảo rồi thì lấy đó làm căn cứ hất cẳng người Hà Lan, độc chiếm hòn đảo, bước tiếp theo là từ Philippines và Formosa sẽ tiến xuống phía nam chiếm nốt Batavia (tức Indonesia ngày nay).


Tuy nhiên thời thế lúc này đã không ủng hộ người Tây Ban Nha. Nhà Minh lúc này đang lâm vào khốn đốn do những cuộc xâm lược từ phía bắc của nhà Hậu Kim (nhà Thanh sau này), trong nội địa Trung Hoa thì dân tình đói khổ, khởi nghĩa nông dân nổ ra khắp nơi, đội quân Tây Ban Nha đồn trú tại Formosa lâm vào cảnh đói méo mồm.


Chưa hết, năm 1588, thất bại của hạm đội Tây Ban Nha ở trận Gravelines đã đánh dấu sự suy tàn của đế chế Tây Ban Nha hùng mạnh một thời. Người Tây Ban Nha có thêm kẻ thù mới trên biển là người Anh. Những cuộc chiến liên miên ở Châu Âu trong thế kỷ 17 đã khiến đế chế Tây Ban Nha lâm vào một cuộc khủng hoảng kinh tế vào những năm 1640, những thuộc địa của họ ở Nam Mỹ và Philippines cũng không thoát khỏi vòng suy thoái này. Hoạt động của người Tây Ban Nha tại Bắc Formosa gần như đều phải dựa vào hỗ trợ của Philippines, song bản thân nhà cầm quyền Tây Ban Nha ở Philippines cũng cần kinh phí để duy trì sự hiện diện của họ ở đây và tiến hành chiến tranh với người Hồi giáo, khiến người Tây Ban Nha ngày càng khó khăn.


Năm 1637, tổng đốc Philippines Sebastián Hurtado de Corcuera đã quyết định cắt giảm quân lực ở Bắc Formosa để giảm chi phí. Ông hạ lệnh phá bỏ thành Santo Domingo ở Đạm Thủy, chỉ để lại quân đồn trú tại Cơ Long, các nhân lực vật tư khác đều đưa về Manila, Cơ Long trở thành cái vỏ rỗng.


Năm 1641, người Hà Lan đến Cơ Long thám thính tình hình và tìm cơ hội tấn công nhưng lực lượng của họ không đủ, năm sau họ quay lại với bốn tàu lớn, và khoảng 369 lính, sau 6 ngày chiến đấu, lực lượng Tây Ban Nha quyết định đầu hang và đổi lại họ được quyền rút lui an toàn. Thống đốc Sebastián Hurtado de Corcuera sau đó bị quy kết toàn bộ trách nhiệm cho việc để mất Cơ Long - Đạm Thủy và ngồi tù 5 năm.


Thế nhưng người Hà Lan cũng không giữ được Formosa lâu.



Trịnh Thành Công thu hồi Đài Loan


Tháng 4/1644, Lý Tự Thành, một thủ lĩnh khởi nghĩa nông dân đã công hạ được Bắc Kinh lập ra nước Đại Thuận, Sùng Trinh đế, vị vua cuối cùng của nhà Minh treo cổ tự vẫn bên ngoài thành.


Tuy nhiên, quân Lý Tự Thành không giữ được cơ đồ. Tháng 6/1644, tướng giữ Sơn Hải Quan ở phía bắc trường thành là Ngô Tam Quế mở cổng rước quân Mãn Châu (nhà Thanh) vào Trung Nguyên.


Ngày 6/6/1644, Ngô Tam Quế và người Mãn Châu tiến vào Bắc Kinh, tuyên bố Hoàng đế Thuận Trị trẻ tuổi là người cai trị mới của Trung Quốc. Sau năm 1644, nhiều quốc gia tàn dư của nhà Minh vẫn tồn tại rải rác ở miền nam Trung Quốc, được các sử gia thế kỷ 19 gọi chung là Nam Minh, các tỉnh phía nam Trung Quốc như Nam Kinh, Phúc Kiến, Quảng Đông, Sơn Tây, Vân Nam đều là những thành trì kháng chiến của nhà Minh, tuy nhiên lại sớm bị chia rẽ khi có nhiều người đều tự nhận mình là hoàng đế.


Ở Phúc Kiến lúc bấy giờ có một người tên là Trịnh Chi Long, vốn xuất thân là cướp biển, sau quy thuận triều đình, có công dẹp tan các toán cướp biển khác và từng đánh thắng hạm đội công ty Đông Ấn Hà Lan tại đảo Hổ Môn nên được nhà Minh phong chức tổng đốc Phúc Kiến. Sau khi quân Thanh vào trung nguyên, ban đầu Trịnh Chi Long cũng đứng về phía các hậu duệ của nhà Nam Minh để chống người Mãn Châu nhưng sau đó Long nhanh chóng nhận ra khí số nhà Thanh đã tận bèn quyết định ra hàng triều đình. Vốn xuất thân trộm cướp nên họ Trịnh đã quyết là làm, dù huynh đệ, thuộc hạ và vợ con ra sức ngăn cản cũng không được. Cuối cùng con trai lớn của Trịnh Chi Long là Trịnh Thành Công quyết định dứt áo ra đi, mang theo những thuộc hạ trung thành chạy ra đảo Kim Môn từ đó mộ thêm binh lính trong đất liền tính kế lâu dài phản Thanh phục Minh.


Năm 1661, một người tên là Hạ Bân đến tìm gặp Trịnh Thành Công, Hà Bân dâng một số mưu kế, sách lược giải phóng Đài Loan, lại còn trình bày tỉ mỉ tình hình Đài Loan, Hà Bân nói:


“Đài Loan rộng mấy nghìn dặm, thật sự là xứ sở của các bậc vương hùng mạnh; dạy cho người dân biết cày cấy, có thể có cái đủ ăn. Ở trên thì có nước ngọt ở Kê Long, có tiêu, lưu huỳnh. Dưới thì có biển vàng biển bạc, thông ra các nước. Có thể đóng thuyền lắp bè; cần làm cột buồm hay bánh lái tàu thuyền, chẳng thiếu gì thép đồng. Cứ di chuyển binh sĩ các trấn và gia quyến họ, chỉ 10 năm đoàn tụ sinh sống, chỉ 10 năm nuôi dạy trưởng thành, thì nước sẽ giàu, binh sẽ mạnh.”

Tiếp đó Hà Bân đưa cho Trịnh Thành Công bản địa đồ Đài Loan. Ông ta còn trình bày tỉ mỉ tình hình Đài Loan, và bày tỏ ý muốn tình nguyện làm người dẫn đường cho đại quân Trịnh Thành Công đi giải phóng Đài Loan. Từ đó Trịnh Thành công bắt đầu thận trọng nghiên cứu phương hướng hành quân và thời cơ khởi binh, ông đã xem xét rất kỹ kế hoạch hành quân cụ thể để đánh chiếm Đài Loan.


Ngày 23/3/1661, Trịnh Thành Công dẫn đại quân gồm 2,5 vạn người, 120 chiến thuyền từ đảo Kim Môn hướng ra Đài Loan. Sau một ngày đêm, quân của Trịnh đến đảo Bành Hồ thì gặp gió bão rất to, thuyền phải neo lại gần 30 ngày mà lương thực đã gần cạn, Trịnh Thành Công quyết định liều mạng giong buồm thẳng tiến, nhờ gió mạnh nên sáng sớm hôm sau đoàn quân của Trịnh đã đến bên ngoài vịnh Lộc Nhĩ Môn. Do bãi biển ở Lộc Nhĩ Môn nước nông, nhiều đá ngầm, trước đó lại có nhiều thuyền từng đắm ở đó nên người Hà Lan ỷ lại, những hôm trời mưa bão thì rút vào thành không canh giữ. Trịnh Thành Công chớp thời cơ này, đánh một đòn bất ngờ.


Ngày 24/3, Trịnh Thành Công lợi dụng nước triều buổi sớm đang dâng cao, cho Hà Bân làm hoa tiêu, đưa toàn chiến thuyền đi vòng qua pháo đài địch, nhanh chóng tiến vào nội hải Lộc Nhĩ Môn. Sau đó lập tức đổ bộ lên đất liền. Theo phân công, quân chủ lực của Trịnh Thành Công đổ bộ lên cảng Hòa Liêu, tiến thẳng đến phía sau lực lượng quân Hà Lan đang bảo vệ pháo đài Provintia (Sakam - Xích Khảm lầu).


Một cánh quân khác của Trịnh đánh chiếm khu vực Bắc Tuyến Vĩ nhằm bảo đảm cho quân chủ lực đổ bộ an toàn. Trên đảo bấy giờ, người Hà Lan có 2.000 lính và 4 pháo hạm, khi quân Trịnh tiến đánh, Tổng đốc Hà Lan Frederik Coyett ra lệnh cho toàn quân rút hết vào pháo đài Provintia, đồng thời mang chiến hạm ra đấu pháo ngoài Lộc Nhĩ Môn.


Ngay ngày giao chiến đầu tiên, quân Trịnh đã bắn cháy hết 3 trong số 4 tàu chiến Hà Lan trong trận hải chiến, trên đất liền với ưu thế tuyệt đối về quân số, Trịnh Thành Công đánh bại được cuộc hành quân của người Hà Lan buộc họ phải chạy vào cố thủ trong pháo đài. Từ đó cuộc chiến chuyển sang bao vây - phòng ngự. Người Hà Lan đã cố thủ trong pháo đài Provinta suốt 9 tháng, mọi nỗ lực cứu viện từ Batavia (Indonesia) hay từ Nhật Bản đều bị quân Trịnh ngăn cản, tàu tiếp viện không vào được bờ, ngoài ra dân trên đảo cũng dần ngả theo phe Trịnh Thành Công hết.


Trước đó năm 1652, người Hoa ở Đài Loan đã tổ chức một cuộc khởi nghĩa dưới quyền của Quách Hoài Nhất - một người Hoa gốc Phúc Kiến, do tức giận với việc đánh thuế khắc nghiệt và sự tham nhũng của các quan chức Hà Lan ở đảo. Cuộc khởi nghĩa này bị đàn áp thẳng tay nhưng nó để lại mâu thuẫn trầm trọng giữa những người Trung Quốc làm thuê và người Hà Lan trên đảo, khi Trịnh Thành Công đánh tới, những người Hoa này nhanh chóng trở cờ khiến tình cảnh của người Hà Lan càng trở nên bi đát.



Tháng 1/1662, một sĩ quan người Đức của Hà Lan là Hans Jeuriaen Rade đào ngũ ra ngoài và khai hết tình hình trong pháo đài cho quân Trịnh. Nhận thấy thời cơ đã đến, Trịnh Thành Công hạ lệnh tổng tiến công, ngày 1/2 cùng năm, do sức cùng lực kiệt, nên Frederik Coyett buộc phải ra ngoài thành đầu hàng và rút quân chạy về Batavia, sự kiện này đánh dấu kết thúc 38 năm thống trị của công ty Đông Ấn Hà Lan trên đảo Đài Loan, từ đây Đài Loan trở thành một căn cứ vững chắc cho các phong trào phản Thanh phục Minh ở miền nam Trung Quốc.


Tháng 6/1662, Trịnh Thành Công đột ngột qua đời, có thuyết nói là do ông quá đau buồn vì ngay trước đó nhà Thanh đã ra lệnh xử tử cha ruột ông là Trịnh Chi Long, có thuyết cho là ông đau buồn trước việc Chu Do Lang, vị vua cuối cùng của nhà Nam Minh bị Ngô Tam Quế lùng bắt được và cho xử tử vào năm 1661, cũng có thuyết cho là ông bị sốt rét rừng.


Trịnh Thành Công qua đời, một số bộ tướng cũ không muốn lập con trưởng của Công là Trịnh Kinh, với lý do Trịnh Kinh trước đây từng bất tuân mệnh lệnh của cha, khi Trịnh Thành Công chiếm được Đài Loan thì Trịnh Kinh vẫn đang trấn thủ Hạ Môn (ven biển Phúc Kiến), người em thứ năm của Trịnh Thành Công là Trịnh Thế Tập lúc đó lại đang ở Đài Loan, được các tướng lập lên thay. Trịnh Kinh được tin bèn gửi thư xin hòa hoãn với nhà Thanh rồi gấp rút chuẩn bị binh thuyền vượt biển sang đánh Đài Loan.


Cuối năm 1662, Trịnh Kinh tranh đấu thành công, đòi lại quyền bính và chính thức trở thành người đứng đầu của Đài Loan. Dưới sự lãnh đạo của Trịnh Kinh, Đài Loan đổi tên thành Đông Ninh vương quốc và lập triều đình riêng theo mô hình của nhà Minh, Trịnh Kinh ra sức chiêu mộ dân chúng từ các vùng duyên hải Quảng Đông, Phúc Kiến ra đảo, tích cực khai khẩn đất hoang, truyền bá văn hóa Trung Quốc cho người bản địa. Ngoài ra ông còn tăng cường giao thiệp với các nước lân bang. Trịnh Kinh có mối giao thương chặt chẽ với Mạc phủ Tokugawa ở Nhật, kim loại, áo giáp và thuốc súng được Trịnh mua từ Nhật, ông còn ký giao kèo với công ty Đông Ấn Anh vào năm 1672, nhờ người Anh cung cấp đại bác và huấn luyện thủy quân, Trịnh Kinh cũng liên hệ chặt chẽ với Hoa kiều ở Philippines và Batavia, xúi giục họ nổi loạn chống lại người Tây Ban Nha và Hà Lan nhưng kèo này không thành công.


Trong quá trình xây dựng Đài Loan, Trịnh Kinh nhận được sự trợ giúp đắc lực từ hai nhân vật là Trần Vĩnh Hoa (nguyên mẫu của Trần tổng đà chủ - Trần Cận Nam một trong Ngũ tổ của Hồng Môn, tức Thiên Địa Hội sau này), ngoài ra còn có Phùng Tích Phạm chuyên cai quản việc quân cơ, cả hai ông này đều xuất hiện trong trong tiểu thuyết Lộc Đỉnh Ký của Kim Dung.

Năm 1673, nhà Thanh bùng nổ loạn Tam Phiên, Ngô Tam Quế, Cảnh Tinh Trung và Thượng Khả Hỉ là ba tướng cũ của nhà Minh đánh hơi được ý đồ triệt phiên của Khang Hy nên đồng loạt ra quân nổi dậy tuy nhiên trên thực tế chỉ có quân Vân Nam của Ngô Tam Quế là đánh đấm đàng hoàng, hai cánh quân Quảng Đông và Phúc Kiến thì chỉ ra quân trợ uy.


Cảnh Tinh Trung gửi thư cho Trịnh Kinh đề nghị cùng đưa quân vượt biển vào phối hợp, Trịnh Kinh lập tức cho tướng mang binh thuyền vào tham gia, trong 4 năm đầu quân Tam Phiên nhanh chóng giành được những thắng lợi ở miền nam, có lúc buộc các đại thần ở Bắc Kinh gây sức ép buộc Khang Hy phải xuống nước cầu hòa, thế nhưng Khang Hy tuổi nhỏ nhưng gan to, nhanh chóng nhận ra những mâu thuẫn vốn có giữa các phiên bèn dung sách lược chia rẽ và ly gián. Trước mắt cho phủ dụ Cảnh Tinh Trung và Thượng Khả Hỷ để dồn quân đánh Ngô Tam Quế trước, việc binh tạm yên, Cảnh Tinh Trung xúi Trịnh Kinh đi lấy đất của Thượng Khả Hỷ, một dải Tuyền Châu, Chương Châu, Triều Châu sau đó đều lần lượt quy thuận Trịnh Kinh, Cảnh Tinh Trung thấy Trịnh Kinh thắng dễ quá bèn đòi chia phần nhưng Trịnh Kinh không đồng ý, Trung bèn đánh úp Tuyền Châu nhưng sau đó Trịnh Kinh phái bộ tướng Lưu Quốc Hiên mang quân đến đánh lấy lại. Từ đó giữa Cảnh Tinh Trung - Thượng Khả Hỷ - Trịnh Kinh thường xuyên phát sinh mâu thuẫn về địa bàn, thay vì cùng chống quân Thanh, ba cánh quân này lại xoay ra đánh lẫn nhau rồi tự suy yếu dần, đến năm 1676, quân Thanh đã quay trở lại, ép Trịnh Kinh phải quay trở về Hạ Môn, cho đến năm 1680 thì hoàn toàn rút khỏi nội địa, phải quay về Đài Loan.


Có lẽ do vất vả chiến đấu mấy năm mà lại chẳng có kết quả gì, tháng 3/1681 Trịnh Kinh lâm bạo bệnh qua đời, trước khi mất Trịnh Kinh có ý muốn để cho con cả là Trịnh Khắc Tang lên thay nhưng do khi còn làm giám quốc, Trịnh Khắc Tang quá nghiêm khắc, làm mất lòng các đại tướng và cả các em của cha mình, đặc biệt là Phùng Tích Phạm và Lưu Quốc Hiên nên chúng quay sang ủng hộ con thứ của Trịnh Kinh là Trịnh Khắc Sảng.


Ngay sau khi Trịnh Kinh vừa chết bọn Phùng Tích Phạm liền đòi Trịnh Khắc Tang giao ra ấn kiếm nhằm lấy lại binh quyền nhưng Tang nhất định không chịu giao, Phùng Tích Phạm vu cáo ông phản lại di nguyện của Trịnh Kinh bèn phái người tới thắt cổ cho chết.


Tác giả: Bách Hiểu Sinh

Comments


Không bao giờ bỏ lỡ bản tin mới

Đăng ký nhận thư từ Ngoài Kia

Cảm ơn bạn. Chúng tôi sẽ liên hệ sớm.

bottom of page