Năm 2002, Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) công bố một báo cáo dày 500 trang kể về những bí mật được hé lộ của cuộc chiến tranh Đông Dương từ năm 1954 đến 1975, trong đó có câu nguyên văn như sau: “Đường Hồ Chí Minh là một trong những thành tựu vĩ đại của nền kỹ thuật quân sự ở thế kỷ 20”.
Sáng trời se lạnh, cái lạnh chớm Đông miền Bắc, ngồi bên ly cafe nóng thật dễ chịu. Mở máy, bất chợt gặp bài viết hay. Cười thầm: cái cậu này trẻ tuổi mà thông thái phết; là kỹ sư xây dưng suốt ngày bám công trường vậy mà tối về lao đầu vào viết, mà viết toàn những vấn đề hóc búa, ít người quan tâm. Tôi đã từng bê về tường nhà 2 bài của cậu ta về tướng Lê Trọng Tấn và nhà tình báo huyền thoại tướng Phạm Xuân Ẩn với nhiều tư liệu quí!
Lời đầu tiên: Kể từ khi tôi - Dũng Phan, bắt đầu ghi dấu ấn với các bài lịch sử, thì hơn 7 năm qua tôi đã nhận được rất nhiều lời nhắn nhủ về một bài viết dành cho Hồ Chủ Tịch.
Tôi luôn từ chối vì tính phức tạp của vấn đề, và cũng vì cách viết lịch sử của tôi rất dễ gây war không đáng có. Tuy nhiên hôm nay tôi sẽ phá lệ bằng bài viết này. Tôi tin rằng những người quan tâm dù ở bên này hay bên kia sẽ tìm được những lát cắt mới, những điều thú vị quanh con đường mòn Hồ Chí Minh và quanh cái tên Hồ Chí Minh.
Năm 2002, Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) công bố một báo cáo dày 500 trang có tựa đề ‘Spartans in darkness’ (tạm dịch là Chiến binh trong bóng tối’),kể về những bí mật được hé lộ của cuộc chiến tranh Đông Dương từ năm 1954 đến 1975. Tác giả Robert J. Hanyok, sử gia của NSA đã có một chương dành riêng cho đường mòn Hồ Chí Minh, trong đó có câu nguyên văn như sau:
“The Ho Chi Minh Trail is one of the great achievements in military engineering of the twentieth century.” (Tạm dịch: Đường Hồ Chí Minh là một trong những thành tựu vĩ đại của nền kỹ thuật quân sự ở thế kỷ 20.)
Báo cáo viết:
“Như đã đề cập ở phần đầu của chương, Đường mòn Hồ Chí Minh còn hơn cả một con đường đơn giản nối từ Bắc vào Nam Việt Nam. Con đường này là một công trình kỹ thuật quân sự mà miền Bắc Việt Nam đã liên tục mở rộng và cải tiến cho đến khi nó trở thành một mạng lưới rộng khắp và bao trùm. Đến năm 1974, tức là tròn 15 năm kể từ khi mở ra con đường này, nó đã đưa khoảng một triệu binh lính và cán bộ chính trị ở miền Bắc đến tiếp liệu cho Miền Nam.”
Nhắc đến đường mòn Hồ Chí Minh, thì tướng Đồng Sỹ Nguyên là người nổi tiếng nhất, dấu ấn nhiều nhất với 10 năm làm Tư lệnh Trường Sơn. Cái bóng của tướng Đồng Sỹ Nguyên quá lớn nên ít ai biết đến cái tên Võ Bẩm – người “khai sơn phá thạch” đường Trường Sơn, vị tư lệnh đầu tiên. Và còn một nhân vật vĩ đại nữa phía sau con đường này!
Ngày 19/5/1959, Đoàn 559 tức Binh Đoàn Trường Sơn được thành lập, bổ nhiệm Thượng tá Võ Bẩm giữ chức vụ Đoàn trưởng kiêm Chính ủy Đoàn 559. Trách nhiệm của Đoàn 559 rất rõ ràng: mở một mạng lưới giao thông quân sự chạy dọc dãy Trường Sơn, từ miền Bắc qua miền Trung, hạ Lào và Campuchia để vận chuyển vũ khí trang bị kỹ thuật, lương thực, thực phẩm, đưa đón cán bộ chi viện cho Quân Giải phóng miền Nam.
“Cuối tháng 5/1959, đơn vị lên tàu ở ga Tiên Kiên, một ga nhỏ trên tuyến đường Hà Nội - Lào Cai. Không có ai tiễn đưa, cảnh ra đi đơn giản như một cuộc chuyển quân bình thường về hậu phương. Về Hà Nội, chỉ đứng lại ga Hàng Cỏ mấy tiếng đợi tàu rồi đi luôn vào Thanh Hóa, rồi đi ôtô từ đó vào Khe Hó, một khu rừng đại ngàn ở tây Vĩnh Linh.”
Họ không biết rằng hành trình đơn giản như một chuyến đi hành quân bình thường ấy sẽ mở ra một con đường vĩ đại, nơi ghi dấu những chiến công vĩ đại và cả những đau thương vĩ đại, nơi một công trình xứng đáng là kỳ quan quân sự sẽ mở ra một chiến thắng quan trọng diễn ra sau đó 16 năm.
Ban đầu tuyến đường này chỉ như một sự kế thừa từ những con đường thời Pháp, nên vận tải ban đầu cũng là gùi cõng trên vai và đi bộ. Nhưng sự thô sơ ấy cũng đủ để đi 8 chuyến hàng, tạo thêm 3, 4 nhánh mới, và đặt nền móng đầu tiên cho đường mòn Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, tướng Võ Bẩm không phải là nhân vật chính trong câu chuyện hôm nay. Nhân vật chính trong câu chuyện hôm nay là Bác Hồ.
Trích từ ‘Spartans in darkness’:
“Giá trị của đường mòn Hồ Chí Minh như đã biết là còn lớn hơn một con đường cắt qua trung tâm của Đông Dương. Về bản chất, nó là trái tim, là mạch máu của những người cộng sản Việt Nam trong cuộc chiến tranh này. Con đường này bao trùm toàn bộ mạng lưới cung cấp tiếp tế nhân lực, tài lực, khí lực chạy từ các điểm ở Bắc Việt Nam đến Nam Việt Nam thôn qua một hệ thống các tuyến đường, đường mòn, lối đi và các trụ sở liên lạc. Miền Bắc đã nỗ lực rất nhiều, tiêu tốn cũng rất nhiều để giữ cho nó hoạt động. Và ngược lại, Mỹ và quân đồng minh cũng bỏ rất nhiều tiền bạc, bom đạn, quân lực để quyết tâm đóng cửa cho được con đường này.”
“Để ngăn chặn tuyến đường này, Mỹ đã đưa vào đó 2 chiến dịch ném bom với hơn 733.000 chuyến máy bay, đánh phá khoảng 152.000 trận, ném xuống các tuyến đường Trường Sơn gần 4 triệu tấn bom đạn, gần 1 triệu galông chất độc hoá học, và thiết lập một hệ thống máy móc trinh sát điện tử, được gọi là Hàng rào Điện tử McNamara.”
Vâng, khi đối thủ nói như thế thì cần hiểu đường Hồ Chí Minh quan trọng và tầm vóc lớn lao thế nào. Bởi không có lời ca ngợi nào tuyệt vời hơn là đến từ chính kẻ thù. Cũng chẳng có thống kê nào giá trị hơn về chính bạn khi nghe những gì người ta đã làm để ngăn chặn bạn.
Câu hỏi vì thế xin được đặt ra ở đây: Ai là tác giả của đường mòn Hồ Chí Minh? Ai là kiến trúc sư với tầm nhìn trước 16 năm? Ai là người đã làm tất cả để đường mòn Hồ Chí Minh trở thành con át chủ bài cho chiến thắng về sau của Miền Bắc? Ai là người đủ kinh nghiệm lịch sử và tầm nhìn để có thể tạo ra con đường này từ những ngày đầu khi chiến tranh còn chưa leo thang?
Chỉ có thể là duy nhất một người, một người đủ tất cả mọi kinh nghiệm, khả năng, vị trí quyền lực để quyết định nhân sự và vạch ra đường hướng lựa chọn con đường này, có đủ các phương tiện ngoại giao và mối quan hệ ngoại giao để bảo vệ con đường này. Người đó chính là Hồ Chí Minh.
Có 3 điều để chứng minh cho nhận định này.
Trong Hồi ký ‘Những nẻo đường kháng chiến’ của Thiếu tướng Võ Bẩm có kể hai chi tiết sau:
“Một buổi trưa trước khi lên đường mấy ngày, tôi vào Văn phòng Quân ủy Trung ương thì sững người khi thấy Bác Hồ đang nói chuyện với Thượng tướng Văn Tiến Dũng. Thấy tôi, Bác Hồ bảo: - Chú Bẩm đấy à, nghe nói chú vào Nam ra Bắc như thoi, vậy anh em chiến sĩ miền Nam thế nào, đồng bào dân tộc trên Trường Sơn có đủ cơm ăn hay không, quan hệ giữa ta và nước bạn Lào ra sao? Tôi mở cặp ra dùng bản đồ báo cáo chi tiết tuyến Đông và Tây Trường Sơn, từng trục dùng cho xe đạp thồ, các cung đường giao liên… cho Bác Hồ nghe, Người bảo: - Các chú phải tận dụng “thiên thời địa lợi, nhân hòa” để phát triển đường Tây Trường Sơn. Sắp tới phải đưa cả ô tô đi vào Nam. Nhưng cũng phải chủ động phát triển đường Đông Trường Sơn phòng khi tình hình ở Lào (Tây Trường Sơn) không thuận lợi. Vào đầu tháng 5/1959, lúc đó tôi đang là ở Cục Nông trường Quân đội thì nhận được điện của cấp trên yêu cầu đến gặp Trung tướng Nguyễn Văn Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Khi giao nhiệm vụ cho tôi, thứ trưởng Vịnh nói: “Đây không phải là lệnh của Bộ Quốc phòng mà là quyết định của Bộ Chính trị, là việc lớn rất khó khăn và tuyệt mật. Bộ Chính trị chỉ cho phép chuyển vũ khí, bộ đội từ miền Bắc đến bờ sông Bến Hải nơi vĩ tuyến 17 cắt ngang (nay thuộc huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị). Còn sang đến bờ bên kia sông (Gio Linh, Quảng Trị), các anh tập trung mở đường và tổ chức vận chuyển.”
Điều đó có nghĩa là quyết định làm đường Trường Sơn là đến từ bộ chính trị, không phải của bộ quốc phòng. Trong bộ chính trị trước năm 1960, người quyết định quan trọng nhất và người quyết định cuối cùng là Hồ Chủ Tịch. Và chi tiết Hồ Chủ Tịch soi bản đồ, lựa chọn ông Võ Bẩm cho vai trò tư lệnh đầu tiên đã cho thấy sự quan tâm quan trọng này.
Một con đường đòi hỏi lịch sử và kinh nghiệm
Như đã biết, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, đất nước ta đã bị chia đôi trong hiệp định Geneve 1954. Vị trí chia cắt là con sông Bến Hải và vĩ tuyến 17. Hiệp định nói rằng năm 1956 sẽ có cuộc tổng tuyển cử để thống nhất đất nước. Nhưng Hà Nội biết rằng sẽ không có điều đó xảy ra. Bên phía chính quyền Ngô Đình Diệm cũng nhìn rõ khoảng cách của hai bên, cũng không tin vào cái gọi là tổng tuyển cử ấy có thể đem lại chiến thắng cho dòng họ ông. Hoàn cảnh này đòi hỏi Hà Nội phải hành động trong việc đưa ra ý tưởng về việc mở một con đường để chuyển vũ khí, lương thực, và quân đội vào Miền Nam. Chỉ có 3 con đường để xâm nhập vào miền Nam: thứ nhất là đi đường biển (sau này đã có đường mòn Hồ Chí Minh trên biển), thứ hai là đánh thẳng vào biên giới vĩ tuyến 17, và thứ ba chính là con đường trong bài viết này của chúng ta, đi men theo biên giới Lào - Việt, và vượt dãy Trường Sơn để vào Nam.
Con đường thứ 3 đã được lựa chọn vì tính lịch sử của nó. Đường mòn Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn không phải tự nhiên mà sinh ra. Cũng không phải do người Pháp tìm thấy. Bản thân nó đã có dấu chân của vua Hàm Nghi trên hành trình của phong trào Cần Vương từ cuối thế kỷ 19. Vua Hàm Nghi đã đi và đã luồn lách cực khổ ở các huyện miền núi Minh Hóa, Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Một con đường đã có sự định hình từ trước.
Hồ Chí Minh, một người đã đi khắp thế giới và Việt Nam từ khi còn trẻ chính là người hiểu rõ nhất con đường này. Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất thân từ vùng miền núi Nghệ An (sau đó Nghệ An trở thành điểm đặt km số 0 của đường Hồ Chí Minh), rồi vào Huế, đến Phan Thiết, rồi vào Sài Gòn. Đấy là hành trình và lựa chọn của kinh nghiệm thực tiễn về địa lý hơn là kiểu bàn giấy.
Các quyết sách ngoại giao có tính chiến lược
Chi tiết thứ ba là liên quan đến một vùng đất có tính chất tồn vong cho con đường mòn Hồ Chí Minh, đấy là Lào. Cuộc đấu xung quanh con đường này còn là một cuộc đấu chính trị ở chính trong lòng nước Lào – là quốc gia có vai trò quan trọng nhất trong sự tồn tại và phát triển của con đường này.
Một tướng lãnh Pháp từ thời còn đô hộ Đông Dương đã từng nói: “Qui tient Boloven, tiendra L’Indochine” (Ai chiếm được Hạ Lào là chiếm được Đông Dương) nên Lào cũng trở thành điểm giành giật ảnh hưởng của VNCH và VNDCCH. Nhưng không ai quyết liệt bảo vệ Lào và “chăm sóc” Pathet Lào kỹ càng như cách Miền Bắc Việt Nam làm thời điểm đó.
Vào thập niên 50, Đông Dương không chỉ náo loạn vì cuộc chiến tranh Việt Nam mà trong lòng nước Lào cũng có một cuộc chiến giữa Vương Quốc Lào (nằm dưới sự yểm trợ của Hoa Kỳ), và Pathet Lào (nằm dưới sự yểm trợ của VNDCCH và các nước cộng sản). Trước đó cũng như Việt Nam và Campuchia, ba quốc gia Đông Dương này nằm dưới sự đô hộ của Pháp. Khi Pháp bị Nhật hất cẳng, rồi Nhật bại trận sau thế chiến II và Võ Nguyên Giáp “thịt luộc” luôn Pháp ở Điện Biên Phủ, thì Lào cũng nhân đó độc lập. Hiệp định Geneve giúp chính phủ Hoàng gia Lào do Hoàng thân Souvanna Phouma đứng đầu được thành lập. Tuy nhiên trong lòng chính phủ Lào cũng có nhiều sự chia rẽ. Bản thân Lào muốn trung lập trong cái thế Đông Dương như lò lửa ấy cũng không xong. Những người Cộng sản Lào là hậu nhân của thế hệ Đảng Cộng Sản Đông Dương, những người từng chiến đấu kháng Pháp trong thời kỳ trước đã không chấp nhận chính phủ mới, và một lực lượng có tên là Pathet Lào được hình thành.
Và ở đây, ta hãy nói đến vai trò của Hồ Chí Minh, một trong những người Cộng Sản đầu tiên từ trong tổ chức Cộng Sản Đông Dương. Hãy nhớ một câu văn trong “Chương VII: Bóc lột người bản xứ”, tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp”, Hồ Chí Minh viết câu này: “Ở Luông Prabăng, nhiều phụ nữ nghèo khổ thảm thương phải mang xiềng đi quét đường chỉ vì một tội không nộp nổi thuế.” (Luang – Prabang là cố đô Lào). Khi nắm quyền, Hồ Chí Minh là người chủ trương “Cách mạng Lào không thể thiếu sự giúp đỡ của cách mạng Việt Nam và cách mạng Việt Nam cũng không thể thiếu sự giúp đỡ của cách mạng Lào”. Trong điếu văn đọc tại Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức ngày 5/9/1969 tại Sam Neua, vùng giải phóng Lào, Tổng bí thư Đảng Nhân dân Lào nói:
“Đối với cách mạng Lào chúng ta, đồng chí Hồ Chí Minh đã thường xuyên quan tâm chỉ đạo cho Đảng bộ Đảng Cộng sản Đông Dương tại Lào trước đây, cũng như sau này cho Đảng Nhân dân Lào khi Đảng đã được thành lập. Chủ tịch trực tiếp giúp cho chúng ta những ý kiến quan trọng về chiến lược, sách lược, về phương thức hoạt động.”
Tổng hợp từng đó yếu tố, có thể nói góc nhìn của Hồ Chí Minh khác hẳn và trên tầm so với các lãnh tụ ở Miền Nam. Hồ Chí Minh nhìn là toàn cảnh Đông Dương chứ không phải chỉ mỗi một Việt Nam. Và cách mạng mà chủ tịch thực hiện là xác định cho cả Đông Dương. Chính vì vậy Pathet Lào trở thành một “người con” mà Miền Bắc đã chăm bẵm, viện trợ, để biến từ một lực lượng phiến quân nhỏ trở thành một lực lượng đối kháng mạnh, phát triển thành một chính phủ và cuối cùng có được cả vùng đất Lào. Đổi lại là gì đây? Pathet Lào dành cho Việt Nam nguyên một dải tự do ở bờ Trường Sơn, để từ đó phát triển con đường mòn Hồ Chí Minh.
Ngược lại với tầm nhìn bao quát và rộng khắp của Hồ Chí Minh thì chính quyền của Ngô Đình Diệm lại rất non nớt. Dù là phía có được ảnh hưởng với chính phủ Hoàng Gia Lào trực tiếp hơn, nhưng lại có thái độ quan lại kẻ cả với phía Lào. Sau khi Hoàng thân Souvanna Phouma công nhận VNDCCH ở miền Bắc thì anh em Diệm-Nhu lại chọn cách phản ứng là gì? Bãi bỏ tòa Đại sứ VNCH tại Lào. Hành động ‘dỗi’ này chẳng mang lại tác dụng gì cho những quyết sách có tính quốc gia cả, vì với hành động này, VNCH mất đi một mạng lưới tình báo theo dõi ở quốc gia có tính “môi hở răng lạnh” với phía Việt Nam. Và đó là cơ hội để phía Miền Bắc tha hồ “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.
Từ điều 1, 2, 3, ta có thể khẳng định chính chủ tịch Hồ Chí Minh là kiến trúc sư của con đường mang tên mình. Đây là con át chủ bài cho chiến thắng ngày 30/4. Con đường này đứng cao hơn tất cả các chiến lược khác.
Sau này, VNCH đã nhận thức rõ sai lầm của mình, thấy được sinh mạng Miền Nam liên hệ mật thiết với Lào như thế nào nên họ đã thực hiện cuộc hành quân nổi tiếng mang tên Lam Sơn 719. Đây là cuộc tấn công rất hay, nếu thành công thì không chỉ phá được con đường mòn Hồ Chí Minh, mà còn làm bàn đạp tấn công vào Thanh-Nghệ. Mất Thanh-Nghệ thì sinh mạng của Hà Nội chỉ như “mành treo chuông”, và lịch sử có khi đã đổi ngược bên thắng cuộc. Tuy nhiên chiến dịch này đã gặp phải thất bại bởi hai con người xuất chúng khác mà Miền Bắc đã sản sinh ra. Người đầu tiên là thiếu tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn và người thứ hai là vị tướng đánh trận hay nhất của Miền Bắc khi ấy: đại tướng Lê Trọng Tấn. Bằng khả năng quan sát và suy luận của mình, Phạm Xuân Ẩn nhận thấy một số tướng lĩnh của VNCH biến mất và xuất hiện sau đó vài tuần với khuôn mặt đen đúa cháy nắng. Ông không có gì trong tay nhưng sự thông minh nhạy bén đã nảy ra suy luận đó chỉ có thể là mới từ Lào về, và có nghĩa đang có một cuộc hành quân qua Lào sắp được diễn ra. Vâng, quá tuyệt vời! Phạm Xuân Ẩn gửi thông tin này ra Hà Nội. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận được tin và lập tức cử ngay cánh tay mặt của mình là tướng Lê Trọng Tấn qua Lào. Tháng 2/1971, trung tướng Hoàng Xuân Lãm đưa 17.000 quân VNCH vượt biên giới hành quân qua Lào. Nhưng họ không biết đại tướng Lê Trọng Tấn đã dàn sẵn xe tăng và lực lượng “đón lỏng” họ ở trong rừng. Những gì sau đó chỉ có thể miêu tả bằng mấy chữ: “đưa dê vào miệng hổ”.
Lời kết
Hồ Chí Minh có trong tay những con người như thế nên không có gì bất ngờ trong chiến thắng của VNDCCH trước VNCH. Dù bạn có yêu hay ghét, dù bạn có tô hồng quá đáng hay vấy bùn quá đáng, có phủ nhận hay không phủ nhận, thì với những con người và các chi tiết lịch sử như tôi phân tích ở trên đây, thì chiến thắng của miền Bắc là hợp lý. Và cốt lõi cho chiến thắng ấy chính là tầm nhìn của Hồ Chủ Tịch từ tháng 5/1959 khi khai phá con đường mòn Hồ Chí Minh từ thời điểm chiến tranh còn chưa leo thang.
Tướng Đỗ Mậu, một người Quảng Bình, quân sư của Hội đồng tướng lĩnh, người đã vạch ra kế hoạch đảo chính Diệm-Nhu ngày 1/11/1963 đã viết những dòng này vào trong cuốn Hồi ký nổi tiếng “Việt Nam máu lửa quê hương tôi” của mình:
“VHCH không phải bị người ta chôn sống vào ngày 30/4/1975, cũng không phải từ ngày chế độ Nguyễn Văn Thiệu biến tham nhũng thành quốc sách, mà phải tính từ ngày người cán binh Cộng Sản Hà Nội cuốc miếng đất đầu tiên khai mở đường mòn Hồ Chí Minh.”
Chủ tịch Hồ Chí Minh mất ngày 2/9/1969, người mãi mãi không thể chứng kiến được ngày chiến thắng và non sông liền một mối. Nhưng chính việc đặt quyết định mở ra con đường mòn Trường Sơn ấy là tiền đề của tất cả chiến thắng. Một sự vĩ đại và trên tầm trong thế kỷ 20 đầy biến động của đất nước hình chữ S.
Comments