top of page
​AD

Đặng Thị Nhu - Vợ Thứ Ba Của Hoàng Hoa Thám

Đề Thám có năm vợ. Trong số đó ông quý nhất bà vợ ba — Đặng Thị Nhu.

Hoàng Thị Thế và mẹ Đặng Thị Nhu lúc bị bắt.

Đặng Thị Nhu (hay Nho), tục gọi bà Ba Cẩn, là vợ thứ ba và là cộng sự của Hoàng Hoa Thám (Đề Thám), lãnh tụ cuộc khởi nghĩa kháng Pháp ở Yên Thế, Bắc Giang vào cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20.


Sinh trưởng trong một gia đình nghèo ở Phú Khê, huyện Yên Thế, sớm mồ côi mẹ, bà sống với cha, là một thầy mo ở làng. Lúc nhỏ, bà được học chữ Nho và học nghề của cha.



Đề Thám hơn bà 18 tuổi. Ông lấy bà khoảng năm 1893 - 1894, khi bà chưa đầy đôi mươi. Bà sinh hạ cho ông một con gái tên là Hoàng Thị Thế (1900) và một trai Hoàng Vi Phồn (1908).


Vừa là vợ và là cộng sự chỗ dựa vững chắc của Đề Thám, bà Ba Cẩn đã sát cánh cùng Đề Thám bàn định nhiều kế hoạch cho công cuộc kháng chiến lâu dài và gian khó. Bà lo việc hậu cần, đảm bảo sinh hoạt, mua sắm đạn dược cho nghĩa quân. Khi có chiến trận, bà ở bên Đề Thám cùng chiến đấu.

Những ngày chiến đấu cuối cùng của bà được kể như sau:


Ngày 17/11/1909, Đề Thám cùng tàn quân về đến Yên Thế, thì quân của Tiểu đoàn trưởng Bonifacy cũng kéo đến bao vây Nhã Nam. Quân Pháp cùng các cộng sự người Việt tăng cường khủng bố, làm cho sự tiếp tế bị tê liệt.

Ngày 1/12/1909, bà Ba Cẩn bị trung đội Coucron đi tuần bắt được gần đồn chợ Gồ. Hôm sau, ông Thám dẫn 5 nghĩa quân đi cứu bà, thì lọt vào ổ phục kích. Một nghĩa quân hy sinh, nhưng Đề Thám chạy thoát được.


Ngày 24/2/1910, 78 nghĩa quân, trong đó có bà Ba Cẩn bị đối phương mang về giam ở Hỏa Lò rồi bị án đày sang Guyane (Nam Mỹ). Dọc đường, thừa lúc quân canh sơ ý, bà nhảy xuống biển tự tử ngày 25/12/1910.



Hoàng Thị Thế — người con gái duy nhất của Đề Thám khi đó khoảng 8 - 9 tuổi. Số phận của cô bị đưa đẩy. Khi đồn Phồn Xương bị vỡ, người chị dâu cõng cô đi lánh nạn thì gặp một toán binh lính do một viên đại úy người Pháp chỉ huy. Cô được đưa ngay về Nhã Nam cho Boucher như một món chiến lợi phẩm đáng giá.


Vì thương con gái bé bỏng của chủ tướng mà Cai Mễ, một nghĩa quân già, đã đến gặp Đại lý Nhã Nam Boucher xin hàng chỉ với một điều kiện là được trông nom cô Thế. Người con của thủ lĩnh Yên Thế được đưa về Phủ Lạng Thương, rồi tiếp đó xuống Hà Nội.

Toàn quyền Đông Dương lúc đó là Albert Sarraut đặt tên cho bà là Marie Beatrice Destham và nhận làm con nuôi, rồi đưa sang Pháp lúc bà 12 tuổi. Bà được học tại trường nội trú Jeanne d’Arc ở Biarritz.


Tại sao người Pháp đưa cô Thế sang Pháp nuôi dạy? Vì muốn xoa dịu sự phẫn nộ của dân chúng? Vì sự kính trọng dành cho cha cô?


Hoàng Hoa Thám cùng con gái Hoàng Thị Thế và Alfred Bouchet.

Trong hồi kí của mình sau này, bà Hoàng Thị Thế kể, trong thời gian sống tại Pháp, cựu toàn quyền Đông Dương Paul Doumer (sau này trở thành tổng thống Pháp) đã nhiều lần đến thăm bà. Một lần, chính Tổng thống Pháp P. Doumer đã phải thừa nhận:


“Không có lòng độ lượng của cha cô thì Galliéni (một vị tướng lẫy lừng của Pháp), không thể cứu được Paris… Ông Đề Thám đã vượt hơn hẳn chúng tôi. Ông ta bị gọi là giặc nhưng chính ông ta lại là người thượng võ… Đề Thám đúng là một con người ra con người.”


Khi lớn lên, cô Thế trở thành một thiếu nữ xinh đẹp và duyên dáng. Danh tiếng cùng với nhan sắc đã đưa cô đến với màn bạc Pháp. Cô được mời thủ vai công chúa trong một bộ phim ‘La lettre’, phiên bản thứ hai của bộ phim ‘The Letter’ sản suất trước đó một năm tại Mỹ. Báo chí Pháp gọi cô là “công chúa Tàu”. Ngoài ‘La lettre’, Hoàng Thị Thế còn xuất hiện trong ‘La Donna Bianca’ (1930) và ‘Le secret de l Emeraude’ (1935).


Năm 1925, cô Thế về nước làm việc trong phủ Thống Sứ Bắc Kỳ. Cô luôn luôn tìm cơ hội giúp đỡ những đồng bào cơ cực.

Người Pháp không khỏi lo ngại và đưa cô trở lại Pháp vào năm 1927.


Năm 1930, bà quyết định lên xe hoa cùng ông Robert Bourgés, một nhà độc quyền sản xuất rượu vang hàng đầu tại vùng Bordeaux. Họ có với nhau một cậu con trai tên là Jean Marie. Sau đó gia đình ông Bourgés vốn là tư bản nghe tin bà Thế có tham gia vào những hoạt động phong trào cộng sản tại Pháp, hai người li dị. Bà Thế tiếp tục sống những năm tháng tha phương nơi đất khách quê người. Trong thời gian này bà đi học và trở thành một người xem tướng tay khá nổi tiếng.


Hoàng Thị Thế, con gái Hoàng Hoa Thám (Hùm thiêng Yên Thế), minh tinh điện ảnh người Việt đầu tiên tại trời Tây, từng là con nuôi Tổng thống Pháp.

Năm 1959, Ngô Đình Diệm đã cử Trần Lệ Xuân sang Pháp thuyết phục Bà Thế về Sài Gòn, nhưng bà Thế lại trở về Hà Nội vào năm 1965. Bà sống ở khu tập thể Văn Chương, và mất ngày 9/12/1988, được an táng tại khu di tích Yên Thế, Bắc Giang.


Hoàng Thị Thế trong bộ váy cưới. Bà kết hôn ngày 14/8/1931, ở Tòa thị chính Saint Amand. Ảnh chụp lại từ sách ‘Kỷ niệm thời thơ ấu’.


Cái tên Phồn của ông được mẹ của ông là bà Ba Cẩn đặt với ý nghĩa để gợi nhắc đến đồn Phồn Xương – thủ phủ của nghĩa quân Yên Thế, cũng là nơi mà ông được sinh ra. Song, để tránh sự truy lùng gắt gao của thực dân Pháp, ông đã đổi tên thành Hoàng Văn Vi và Hoàng Bùi Phồn.


Hoàng Văn Vi, tức Hoàng Hoa Phồn, người con trai út ít được biết đến của Đề Thám và bà Ba Cẩn, sinh năm 1908 tại đại bản doanh Phồn Xương của Đề Thám ở Yên Thế.


Vì ông được sinh ra khi mà cuộc khởi nghĩa Yên Thế đang dần đi đến sự lụi tàn, thế nên khi ông chỉ mới lên 5 thì cha của ông là Đề Thám đã mất, đến 7 tuổi thì bị bắt bởi thực dân Pháp.


Ông được giao cho án Giáp Bắc Ninh nuôi và cho đi học trường tỉnh, nhưng “mỗi bước đi tới trường đều có hai người lính đi kèm”.


Khi ông 15 tuổi, người Pháp cho ông lên Hà Nội học trường bách nghệ. Ông mê nghề máy móc, nhưng người ta chỉ cho học nghề mộc. Sau 3 năm, ông xin về quê nhà làm ăn, lấy vợ là con gái Thống Luận, một bộ tướng cũ của Đề Thám. Vào năm 1945, khi chỉ mới 35 tuổi, ông đã qua đời một cách bi đát.


Hoàng Hoa Phồn – con trai nối dõi duy nhất của Đề Thám.

Trước những thông tin sai lệch về người cha, vào năm 1935, ông gửi cho báo Ngày nay một bức thư phê phán với lời lẽ bình tĩnh, khiêm nhường:


“Kính gửi ông Giám đốc báo Ngày nay, Hà Nội.


Thưa Ngài,


Nhân ông Văn Tước có ngỏ ý muốn viết một cuốn truyện dài về đời thầy tôi, ông Hoàng Hoa Thám, lại được ngài phái người lên hỏi tôi, tôi ấy làm cảm tạ tấm lòng tốt của ngài và ông Văn Tước. Đã có nhiều sách do mấy người Pháp viết về truyện của nhà tôi rồi. Song phần nhiều đều không nhằm hẳn vào sự thực và có ý coi thầy tôi như quân cường bạo. Thực ra, ngay chính phủ bảo hộ cũng không nỡ coi thầy tôi như tác giả các sách kia. Tôi nói thế là dựa vào bằng cớ hẳn hoi. Sự hiểu nhầm đó đối với người ngoại quốc, là lẽ cố nhiên, tôi không lấy làm lạ. Sự lạ là nay lại có những người Annam lại cứ theo những cuốn sách của mấy người ngoại quốc đó mà dịch ra, rồi cứ cho là của mình. Người ấy đã không biết coi trọng sự thật cứ thấy truyện là viết, là dịch, là đăng báo. Đó, một chuyện mới xảy ra hơn vài chục năm nay, mà họ còn hồ đồ như thế. Tôi tuy sinh sau, không được chứng kiến những chuyện của nhà tôi ra sao, song tôi đã từng chung sống với những người luôn ở bên thầy tôi, chuyện nhà tôi ra sao, những người ấy đã kể cho tôi nghe rành mạch.


Vậy xin có lời nhờ ngài cải chính trên báo những chỗ sai lầm của ông Quan Viên hiện cũng đang dịch đăng chuyện nhà tôi trên tờ Ngọ Báo.


Ngài lại làm ơn công bố lên báo để mọi người biết cho rằng thầy tôi không hề nghiện thuốc phiện theo như các sách Tây nói và bài ‘Cầu vồng Yên Thế’ của Quan viên trong Ngọ Báo. Thầy tôi vì sự thù tiếp, nhà phải có bàn đèn. Người Pháp nhầm nên cho là thầy tôi nghiện đấy thôi. Còn ông Quan Viên chỉ biết phỏng theo sách Tây, không chịu khảo xét, nên cũng nhầm là phải lắm.


Kính thư Hoàng Văn Vi tức Phồn - Bắc Giang.”

Comments


Không bao giờ bỏ lỡ bản tin mới

Đăng ký nhận thư từ Ngoài Kia

Cảm ơn bạn. Chúng tôi sẽ liên hệ sớm.

bottom of page