Hệ tư tưởng của chế độ Putin đã thay đổi như thế nào trong suốt hai mươi năm?
Chế độ chính trị ở Nga đang thay đổi trong bối cảnh nước này tiến hành cuộc xâm lược quân sự chống lại Ukraine. Nó trở nên đàn áp hơn và thể hiện những tham vọng ngày càng rộng lớn hơn trong việc kiểm soát tư tưởng đối với đời sống xã hội, giáo dục, đào tạo và đời sống văn hóa. Ngoài ra, sự động viên chính trị trong dân chúng, cùng với những câu chuyện lớn lao và kiến tạo hệ tư tưởng để ủng hộ nó, là nhu cầu bức thiết của chiến tranh. Người ta tin rằng các chế độ toàn trị của thế kỷ trước đã có tất cả các tính chất và công cụ này, trong khi đó các chế độ độc tài mới của thế kỷ 21 được đặc trưng bởi chủ nghĩa con buôn và sự thụ động về ý thức hệ. Tuy nhiên, các cuộc tìm kiếm nền tảng tư tưởng cho chủ nghĩa chuyên chế Nga đã diễn ra từ giữa những năm 2000. Kết quả của chúng là gì và triển vọng trong điều kiện chiến tranh như thế nào? Liệu cuối cùng cuộc chiến có giúp tìm ra hệ tư tưởng động viên cho chủ nghĩa chuyên chế Nga? Nhà xuất bản ‘Re: Russia’ đã công bố tài liệu đầu tiên trong một loạt các cuộc thảo luận về chủ đề này của các nhà khoa học và trí thức có uy tín.
Giáo sư Đại học Oxford Andrey Zorin, tác giả cuốn sách chuyên khảo về hệ tư tưởng nhà nước của chế độ quân chủ chuyên chế Nga trong thế kỷ 18-19, đã theo dõi tư tưởng của chế độ Putin thay đổi như thế nào trong suốt 20 năm qua - từ công thức ‘quốc gia hùng mạnh và cuộc sống văn minh’ đến đấng cứu thế phục thù, vốn đã trở thành nền tảng tư tưởng của cuộc phiêu lưu quân sự hiện nay. Giáo sư Zorin nhấn mạnh, nguyên nhân dẫn đến những thay đổi này là sự cần thiết phải biện minh cho sự không thể thay thế của chính quyền Nga. Nhưng nếu như phiên bản được phê duyệt đầu tiên của chủ nghĩa phục thù ý thức hệ của Putin, dựa trên những khuôn sáo bảo thủ về ‘các giá trị truyền thống’ và ‘sự gắn kết chính thống giáo’, không cần tính đến phản ứng đặc biệt từ người dân, thì những lời hùng biện hiện tại về "trận chiến tận thế" và cuộc thập tự chinh đòi hỏi sự chuyển đổi sang mô hình huy động.
Ngay cả các chế độ tương đối ổn định, mà chế độ chính trị Nga tồn tại cũng đã hơn hai thập kỷ, không thể tồn tại nếu không có hệ tư tưởng, bởi đây là ngôn ngữ để chúng thiết lập những mong muốn, quy định và điều cấm kỵ đối với người dân. Không thể có một chế độ mà lại không có hệ tư tưởng, cũng như không có lực lượng cảnh sát hoặc hệ thống tài chính. Một vấn đề khác là bản thân nó ổn định, nhất quán và rõ ràng đến mức độ nào, tiềm năng huy động thực sự của nó là gì?
Hiển nhiên là trong tay chính quyền Nga hôm nay chẳng có cả triết lý chính trị đã phát triển, cả chương trình đã được tính toán kỹ lưỡng, cả tinh thần thống nhất kiểu tôn giáo, nhưng các công cụ mạnh mẽ như vậy nói chung là của hiếm trong kho tư tưởng của những chế độ độc tài gần đây nhất. Phần lớn trong số đó có thể dễ dàng thay thế bằng tập hợp cơ bản các biểu tượng và ẩn dụ tựa như đồng thuận, chúng cho phép nhà chức trách giải thích dễ hiểu cho kẻ thuộc quyền những gì được trông đợi từ họ, cần phân biệt ta và địch dựa trên những dấu hiệu nào, và vì sao phải dung hòa với những bất tiện tạm thời trong cuộc sống và tuyệt đối ủng hộ cấp trên. Cụ thể, đây chính là công dụng của hệ tư tưởng nhà nước, mà để thành công nó phải dựa trên một tập hợp những hoang tưởng chính trị nửa thực nửa hư được chia sẻ bởi đa số. Trong hai mươi năm qua, chế độ Putin một cách thành thạo và khéo léo đã trình làng urbi et orbi (cử chỉ chúc phép lành của giáo hoàng) một vài bộ (biểu tượng và ẩn dụ) thay đổi cho nhau như vậy.
Quốc gia hùng mạnh và cuộc sống văn minh
Ma trận ý thức hệ trong những năm đầu cầm quyền của Putin có thể được định nghĩa là ‘một quốc gia hùng mạnh và một cuộc sống văn minh’. Theo mặc định, tính kế thừa được tuyên bố liên quan đến các lý tưởng cơ bản của những năm 1990, chẳng hạn như ‘bước vào thế giới văn minh’ và ‘trở thành một đất nước bình thường’, được nhấn mạnh bởi mục tiêu đã nêu là ‘đuổi kịp Bồ Đào Nha’. Đồng thời, người ta tin rằng chế độ Yeltsin không thể đạt được những mục tiêu này do sự yếu kém của chính quyền trung ương, không thể đương đầu với cả phe đối lập, cả chủ nghĩa khủng bố ở Chechnya, vì vậy cuộc sống yên bình của đồng bào đòi hòi phải bổ sung ‘chiều dọc của quyền lực’, ‘chế độ độc tài về luật pháp’, v.v... Trong thông điệp năm mới, được phát sóng khoảng 12 giờ sau khi Putin nhậm chức tổng thống, mọi người thấy ông đứng đầu trần trước tường Điện Kremlin. Trong khi cả đất nước uống rượu mừng một cách thanh bình, Tổng thống trên cương vị của mình đang bảo vệ sự bình yên cho họ. Sau khi chúc mừng đất nước nhân dịp năm mới, Putin lập tức lên đường đến Chechnya.
Phải nói rằng cách xây dựng ý thức hệ như vậy được ủng hộ bởi đa số, cả những người bắt đầu hoài niệm về thời Xô Viết, khi nhìn từ xa có vẻ no đủ và yên bình, và cả giới tinh hoa thành thị đang mong muốn nhanh chóng Âu hóa. Nhưng sự đồng thuận này thậm chí đã bị phá hủy bao nhiêu do đình trệ trong tăng trưởng kinh tế, thì cũng chừng ấy là do không có khả năng đảm bảo tính không thể thay thế của chính quyền, vốn là ưu tiên tuyệt đối của giới lãnh đạo đất nước. Khẩu hiệu ‘dân chủ có chủ quyền’, được thiết kế để biện minh cho sự không thể thay thế đó, đã được đưa ra ngay cả trước khi cuộc khủng hoảng kinh tế bắt đầu.
Những sự gắn kết và giá trị
Sau các cuộc biểu tình phản đối Bolotny năm 2011-2012 [được gọi theo tên cuộc mít tinh phản đối rầm rộ nhất ngày 10/12/2011 tại quảng trường Bolotnay (Đầm lầy) ở Moskva với khoảng 150 ngàn người tham gia; phong trào phản đối này còn có tên gọi «болотная революция» (cách mạng đầm lầy) hay «снежная революция» (cách mạng tuyết), những người biểu tình tuyên bố rằng các cuộc bầu cử (Duma Quốc gia và Tổng thống) đi kèm với vi phạm luật pháp liên bang và gian lận lớn, một trong những khẩu hiệu chính của hầu hết các hành động là "Vì các cuộc bầu cử công bằng!" và "Nước Nga sẽ được tự do", biểu tượng của các cuộc biểu tình là một dải ruy băng trắng, các cuộc biểu tình cũng có định hướng chống Putin], những yếu tố hiện đại hóa của hệ tư tưởng chính thức đã bị loại bỏ, thay vào đó là ‘những gắn kết’ và ‘các giá trị truyền thống’ được thiết kế để đảm bảo ‘sự ổn định’, mà thực chất vẫn là sự không thể thay thế của chính quyền. Ngoài sự gắn kết tự có giá trị của ‘chính quyền mạnh mẽ’, trên thực tế có hai ‘giá trị truyền thống’ - sự sùng bái Chiến thắng, đã trở thành một thứ tôn giáo chính thức, và sự kỳ thị hung hãn đối với quan hệ đồng tính, nó hoàn toàn xa lạ với văn hóa Nga và được vay mượn từ kho vũ khí ý thức hệ của những phần tử cực đoan cánh hữu Mỹ. ‘Cuộc chinh phục Crimea’, các biện pháp trừng phạt và chống trừng phạt cuối cùng đã định hình mô hình tư tưởng, trong đó người dân của đất nước được chia thành hai phe: ‘đa số áp đảo’ và ‘thiểu số’ bị đàn áp, còn ‘gia cấp sáng tạo’ trước đây được đổi tên thành ‘người làm bánh mì Parmesan’ và ‘người làm jambon’, tức là những kẻ phản bội tiềm năng.
Theo nền tảng của mình thì đây là mô hình của chủ nghĩa biệt lập và khởi phát từ những hình dung mơ hồ về ‘con đường đặc biệt’ của Nga, được đa số người dân chia sẻ nếu như tin vào số liệu của Trung tâm Levada. Ý tưởng về ‘con đường đặc biệt’ đã thay thế mong muốn trở thành một đất nước ‘bình thường’, và nó có bản chất chống phương Tây rõ rệt. Đây có lẽ là lý do tại sao nhiều nhà quan sát ngày nay nhấn mạnh bản chất biệt lập của hệ tư tưởng hình thành sau khi chiến tranh bùng nổ, trong khi liên kết nó với di sản tư tưởng của người Slavophile (những trí thức Nga ủng hộ văn hóa truyền thống, đặc biệt là trong đời sống chính trị và tôn giáo, trước những đổi mới của phương Tây). Trong khi đó cách giải thích như vậy có vẻ ít nhất là chưa đầy đủ, và rất có thể đơn giản là không chính xác.
Thời cơ phục thù: bản phê duyệt của Đấng Cứu thế
Dĩ nhiên bản phê duyệt hiện tại của hệ tư tưởng chính thức kế thừa phiên bản trước đó cả trong tuyên truyền ‘các giá trị truyền thống’, cả trong tôn thờ Chiến thắng. Tuy vậy, nếu như trước đây dường như nỗi ám ảnh về sự vĩ đại trong quá khứ chỉ thuần túy là sự phục hồi tự nhiên, và nó chỉ thể hiện sự hoài niệm nào đó đối với Liên Xô hoặc Đế quốc Nga, thì giờ đây khía cạnh dân tộc - đấng cứu thế của nó đã được bộc lộ. Nước Nga của Putin mong muốn giành vị trí đứng đầu liên minh các chế độ chuyên quyền chống lại quyền bá chủ của phương Tây, và có ý định dồn chúng đến thất bại lịch sử trên toàn cầu.
Một trong những câu chuyện thần thoại chính trị dai dẳng của Nga là chuyển bại thành thắng. Tất cả các cuộc chiến tranh được kể trong câu chuyện cơ bản của lịch sử Nga đều bắt đầu với những thất bại nghiêm trọng, nhưng rồi cuối cùng lại chuyển thành chiến thắng hiển hách, cho dù với những hy sinh đáng kinh ngạc. Sau trận chiến trên sông Kalka là cuộc chinh phục Kazan, sau thất bại ở Narva là chiến thắng ở Poltava, sau khi phải thiêu hủy Moscow là việc chiếm đóng Paris. “Chúng ta thầm lặng rút lui đã lâu”, Lermontov viết trong bài thơ ‘Borodino’ mà học sinh Nga đã học thuộc lòng trong một thế kỷ rưỡi. Lịch sử Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại từ thất bại năm 1941 đến khi Berlin sụp đổ dường như là kết tinh của thần thoại này.
Lần này sự tan rã của Liên Xô – ‘thảm họa địa chính trị lớn nhất trong thế kỷ 20’ – được chọn làm điểm khởi đầu, và ‘những năm 1990 tồi tệ’ sau đó được coi là sự lặp lại của Thời loạn lạc (giai đoạn trong lịch sử nước Nga từ 1598 đến 1613 được đặc trưng bởi các thảm họa thiên nhiên và loạn binh đao do thù trong, giặc ngoài). Bây giờ, theo logic của cốt truyện đã chọn, đã đến lúc Nga phải trả thù. Cần nhớ rằng tối hậu thư được đưa ra cho phương Tây cuối năm 2021 không chỉ bao gồm các điều kiện liên quan trực tiếp đến Ukraine, mà còn yêu cầu chung về việc hủy bỏ sự mở rộng của NATO trên thực tế - “hãy thu dọn đồ đạc và cuốn xéo về ranh giới năm 1997”, như một quan chức cỡ bự của Nga (Thứ trưởng Ngoại giao Ryabkov) phát biểu trong những tháng đó.
Có thể hiểu được là trong liên minh các chế độ chuyên quyền hiện nay Nga không thể cạnh tranh với Trung Quốc về giá trị của mình trong kinh tế, nhưng điểm yếu này phải được bù đắp bằng sức mạnh của vũ khí Nga và lòng dũng cảm của những người lính Nga như đã được khẳng định trong lịch sử. Rõ ràng chuyến thăm của Putin tới Trung Quốc nhân dịp khai mạc Olympics, diễn ra ngay trước các cuộc đánh bom Kyiv, đã chốt lại sự phân vai này.
Biến đổi quốc gia: lãnh tụ và thân thể dân tộc
Sự biến đổi quốc gia như vậy hàm ý không chỉ một lãnh tụ mạnh mẽ, hình ảnh mà tuyên truyền chính thức đã tạo ra khá thành công cho Putin ngay từ ngày đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống, mà còn là một nhà lãnh đạo thể hiện trong mình toàn bộ quá trình và sự không thể chia cắt của lịch sử dân tộc. Rõ ràng việc trao cho tập hợp các ‘giá trị truyền thống’ khét tiếng quy chế hợp hiến, được thực hiện một cách vội vàng bởi các sửa đổi Hiến pháp năm 2020, không chỉ là ngụy trang cho việc tạo dựng một chế độ tổng thống suốt đời, như người ta đã nói, mà nó còn phải thiết lập được mối liên hệ giữa lãnh tụ và dân tộc, đương nhiên không phải là với những người thật sự sống ở Nga cuối những năm 2010, mà là với cơ thể của dân tộc thần bí đã tồn tại trong suốt lịch sử hàng nghìn năm của nước Nga.
Trong một dân tộc như vậy không còn chỗ cho những ai nghi ngờ sự sáng suốt của lãnh tụ và quyền của ngài dẫn dắt đất nước đến những hy sinh mới và thắng lợi mới. Hạn chế quyền của những kẻ rời bỏ hàng ngũ, như thường nói trong thời Xô Viết, hay những kẻ bị đào thải, như thường nói vào thế kỷ 19, như vậy là chưa đủ, chúng phải được ‘chặt ra’ từ cơ thể dân tộc và ‘thải loại’ từ nó theo đúng nghĩa đen.
Tuy nhiên, nếu lãnh tụ của công cuộc xây dựng ý thức hệ mới đã sẵn sàng và đã xuất hiện trước đất nước trong hai thập kỷ, ngài còn cần phải tạo ra một dân tộc thực sự. Và bước quan trọng nhất trên con đường này đã được công bố là khôi phục lại sự thống nhất lịch sử của dân tộc đã bị phá vỡ bởi Lenin, người đã tạo ra các hình thái ‘gần giống như nhà nước’ trên lãnh thổ Ukraine và Belarus, rồi lại bị hủy hoại bởi Gorbachev và Yeltsin, những người đã chấp nhận sự chia tách của chúng. Theo nghĩa này, mục tiêu của cuộc chiến bắt đầu vào ngày 24 tháng 2 không phải là phục hưng đế chế, mà là thống nhất chính quốc (mẫu quốc). Theo đó các công dân của những nước này, những người tin rằng họ thuộc về các dân tộc riêng và có quyền có nhà nước độc lập của riêng mình, hóa ra không phải là những phần tử ly khai, như quân nổi dậy Chechnya những năm 1990, mà là những kẻ phản bội – những tên điệp viên của nước ngoài, đồng thời cũng là những kẻ bỏ hàng ngũ và bị đào thải.
Trong các câu chuyện cổ tích của Nga, thoạt đầu người ta tưới ‘nước chết’ cho những tráng sỹ bị giết để các phần cơ thể bị cắt rời của họ có thể tự mọc lại, và chỉ sau đó với ‘nước sống’ họ mới có thể sống lại. Bị chặt chém bởi phương Tây xảo quyệt và tàn ác, cơ thể của dân tộc Nga trước hết phải được tưới bằng dòng nước chết chóc của chiến tranh.
Cuộc Thập tự chinh và vòng đu quay “khủng”
Chẳng có ý nghĩa gì khi chỉ ra sự không kết nối về mặt lôgic của cấu trúc (ý thức hệ) như vậy, hoặc sự mâu thuẫn của nó với các sự kiện lịch sử. Điều quan trọng hơn nhiều là sự khác biệt giữa nội dung và trạng thái của nó. Trên thực tế đây là một hệ tư tưởng độc tài toàn trị, đòi hỏỉ có quan hệ với tôn giáo. Trong khi đó, không giống như Liên Xô hay Đức trong những năm 1930, Trung Quốc trong những năm 1960 hay Iran trong những năm 1970, ở nước Nga đương đại không có những tiền đề về nhân khẩu, về kinh tế, hoặc về xã hội để đảm bảo cho thành công của chủ nghĩa toàn trị.
Những công trình tư tưởng này hoàn toàn phù hợp với ý tưởng, kỳ vọng và khát vọng của một bộ phận đáng kể dân chúng, những người sẵn sàng chấp nhận và quán triệt chúng, nhưng chưa chắc đã thực sự tin tưởng vào chúng và hy sinh vì chúng. Có vẻ như chính chính quyền đã nhận thức được vấn đề này và do đó cấm gọi chiến tranh là chiến tranh, không vội vàng hỗ trợ các hình thức tuyên truyền cho huy động thời chiến bằng cách huy động thiết thực hoặc vội vàng chuyển từ đàn áp có chọn lọc sang đàn áp hàng loạt. Tính độc đáo của tình hình hiện tại nằm ở chỗ Điện Kremlin muốn kết hợp những lời hùng biện và biểu tượng của cuộc thập tự chinh với những nỗ lực thuyết phục người dân rằng cuộc sống bình thường vẫn tiếp tục. Trong ngày diễn ra cuộc phản công của quân đội Ukraine ở vùng Kharkiv, Tổng thống Putin đã tham dự khai trương một Vòng đu quay “khủng” ở Moscow.
Không có gì ngạc nhiên khi trong đời sống chính trị Nga ngày càng nghe rõ hơn tiếng nói của nhóm các phần tử cấp tiến dường như không đông nhưng hiếu chiến, những người không hài lòng với chủ nghĩa toàn trị nhút nhát như vậy và những người đề nghị đi đến cùng.
Đến nay bộ máy tư tưởng của chính quyền đang phải đối mặt với tình thế khó xử. Thậm chí ngay cả khi kết quả của các hoạt động quân sự tương đối thuận lợi đối với nó, mà điều này ngày càng có vẻ đáng nghi ngờ, thì việc quay trở lại hệ tư tưởng thời bình sẽ đồng nghĩa với việc bác bỏ khái niệm về một trận chiến tận thế với nền văn minh phương Tây, và do đó làm mất giá trị của cuộc chiến cùng những hy sinh đã phải chấp nhận. Ngược lại, việc tăng cường hùng biện về tình trạng khẩn cấp không chỉ có thể kích động căng thẳng xã hội quy mô khổng lồ, mà còn chắc chắn sẽ dẫn đến việc tìm kiếm kẻ thù và kẻ phản bội ở các cấp quyền lực nhà nước cao nhất - mối đe dọa mà chính cư dân của các tầng này nhận thức hoàn toàn rõ ràng.
Chế độ cầm quyền Nga đã có thể cập nhật hiệu quả các mô hình tư tưởng của mình và thích ứng với tình hình chính trị đang thay đổi trong một thời gian khá dài. Ngày nay, tiềm năng về khả năng thích ứng đó gần như cạn kiệt.
Vòng đu quay “khủng” do Tổng thống long trọng khai mạc đã bị hỏng vào ngay ngày hôm sau.
Comments