Khi rời Việt Nam năm 1968, TS. Vũ Quang Việt đã nghĩ, đất nước này không dành cho những người như ông.
Nhưng nhiều năm sau này, trong những năm tháng khó khăn nhất trước và sau Đổi Mới, ông đều đặn trở về Việt Nam mỗi năm 2 lần, tự bỏ tiền vé máy bay, gặp gỡ những nhà lãnh đạo hàng đầu Việt Nam để trao đổi về việc thay đổi tư duy điều hành, phát triển kinh tế.
Vũ Quang Việt là người đã giúp Việt Nam xây dựng Hệ thống Tài khoản Quốc gia (SNA) năm 1988 - một hệ thống có thể đánh giá tổng thể nền kinh tế theo đúng tiêu chuẩn quốc tế, công cụ không thể thiếu cho Việt Nam khi bắt đầu xây dựng nền kinh tế thị trường.
Cuộc gặp với nhà ngoại giáo "không có bộ vest của riêng mình" Nguyễn Cơ Thạch ở New York
"Nếu không có ông Nguyễn Cơ Thạch, có lẽ phải rất lâu, hoặc không bao giờ tôi có lý do để quay lại Việt Nam" - TS Vũ Quang Việt đã nói trong những buổi trò chuyện với tôi từ bên kia bán cầu.
Ông Vũ Quang Việt gặp Nhà ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch lần đầu tiên vào tháng 9/1977 - tại Liên Hợp Quốc (LHQ), khi ông Nguyễn Cơ Thạch đang là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao của Việt Nam, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Việt Nam đi dự Khóa họp Đại hội đồng LHQ. Những ngày ở New York, nhà ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch đã tổ chức một cuộc gặp với các trí thức Việt kiều, nói những điều mà Vũ Quang Việt vẫn còn nhớ mãi.
"Ông ấy nói với chúng tôi về sự khó khăn mà Việt Nam đang phải trải qua, hy vọng chúng tôi có thể dành nhiều tâm tư, tình cảm và cả trí tuệ hơn để tìm hiểu về đất nước và giúp đất nước mình vượt qua khó khăn ấy, dù cho chúng tôi bây giờ đã mang Quốc tịch khác".
Sự khó khăn của Việt Nam những năm tháng ấy có thể nhìn thấy qua hình ảnh mà ông Nguyễn Cơ Thạch mang đến New York trong mỗi khóa họp Đại hội đồng suốt nhiều năm: Dù là Bộ trưởng Ngoại giao của Việt Nam, ông không có một bộ vest riêng của mình. Trước mỗi chuyến đi đến LHQ, ông Nguyễn Cơ Thạch sẽ đăng ký để mượn một, hai bộ vest từ kho trang phục chung của các thành viên Chính phủ. Điều đặc biệt là ông không hề giấu diếm về việc đó cũng như những gian nan mà Việt Nam đang phải đối diện, như chính ông từng nói trong một bữa tiệc chiêu đãi tại New York: "Bộ vest mà tôi đang mặc thực ra không phải của chính tôi mà là tài sản chung của Chính phủ tôi. Tôi sẽ đến kho của Chính phủ mượn bộ vest này khi tôi cần phải đến nước Mỹ và trả lại nó khi tôi về nước".
Nhà Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch đến New York, khoác lên mình bộ vest không thuộc về riêng ông và thuyết phục những người Việt xa quê như Vũ Quang Việt cùng đồng lòng tháo gỡ những khó khăn của đất nước trong hoàn cảnh bao vây và cấm vận.
"Ngay trong buổi gặp gỡ đầu tiên ấy, ông Thạch nhờ tôi tìm mua một số sách về kinh tế và chính trị của nước Mỹ. Sau này, tôi trở thành người giúp ông tìm kiếm những cuốn sách hay mỗi khi ông có dịp đến New York họp ở Đại Hội đồng. Những lúc khác, tôi sẽ tìm cách gửi sách về Việt Nam cho ông ấy qua con đường ngoại giao. Sau này, tôi kết nối ông Thạch với những nhà khoa học và trí thức Mỹ, trong đó có giáo sư đạt Giải Nobel Kinh tế học Wassily Leontief - người ủng hộ việc xây dựng nền Kinh tế Thị trường XHCN có kế hoạch, và khẳng định một nền kinh tế thị trường được điều tiết bởi các quy luật thị trường là điều cần thiết với các nước XHCN" - TS Vũ Quang Việt hồi tưởng.
Nhân duyên của TS Vũ Quang Việt và ông Nguyễn Cơ Thạch bắt đầu từ cuộc gặp ấy đã trở thành động lực thúc đẩy cho những chuyến trở về Việt Nam sau này và là lý do cho những việc ông đã làm - theo cách mà ông có thể, để đóng góp cho đất nước, như lời ông nói. Dù thế nào thì sau đó, ông Vũ Quang Việt đã không ngừng tìm hiểu các vấn đề về mô hình kinh tế của các nước XHCN (đặc biệt là Việt Nam), đồng thời hệ thống lại những bài học kinh nghiệm quý báu của nền kinh tế thị trường Tư Bản Chủ nghĩa (TBCN), để có thể trả lời các câu hỏi của ông Nguyễn Cơ Thạch.
3 cuộc gặp với thủ tướng và cuộc đối thoại khiến ông Đỗ Mười đập bàn tức giận
Nhưng phải đến năm 1982, khi có cơ hội về nước lần đầu tiên theo lời mời của ông Nguyễn Cơ Thạch (lúc này đã là Bộ trưởng Ngoại giao), hiện thực của đất nước ngay trước mắt mới tác động mạnh mẽ đến Vũ Quang Việt: "Một tháng ở Việt Nam, tôi đã đến các vùng từ thành thị đến nông thôn. Tôi hỏi han người dân và ghi chú rất tỉ mỉ về điều kiện làm ăn và sinh sống. Thú thật, những chuyến đi này đã cho tôi một cái nhìn ảm đạm về tình hình đất nước. Tôi nghĩ ngay đến một nền kinh tế bị chia cắt thành những nền kinh tế nhỏ, đi ngược lại lý thuyết phát triển. Tôi cũng đọc báo Nhân Dân mà tôi mượn được ở Phái đoàn Việt Nam tại LHQ, và đọc các báo cáo về kinh tế Việt Nam của Chính Phủ mà ông Nguyễn Cơ Thạch chia sẻ; tôi ghi chú tỉ mỉ và bắt đầu tự xây dựng thống kê Việt Nam, tính GDP trên đầu người theo đồng đôla Mỹ nhằm phân tích, so sánh tình hình kinh tế. Dựa trên các nguyên tắc toán học của kinh tế, tôi kết luận: nghèo đói, không ai muốn sản xuất, tài chính quốc gia kiệt quệ, lạm phát cao là kết quả đương nhiên của chính sách kế hoạch hóa phi thị trường và các biện pháp ngăn sông cấm chợ. Tôi cũng viết một bài rất dài để chia sẻ những quan điểm này của mình đăng trên một ấn phẩm báo chí ở Canada".
Nhưng sự thẳng thắn ấy đã khiến Vũ Quang Việt gặp không ít rắc rối. Cho đến năm 1984, nhờ Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch can thiệp, Vũ Quang Việt mới tiếp tục được cấp visa để trở về Việt Nam, tiếp tục nghiên cứu về các chính sách kinh tế Việt với sự hỗ trợ của ông Nguyễn Cơ Thạch.
Nhờ sự kết nối của Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch mà ông Vũ Quang Việt đã có những cuộc gặp quan trọng với các nhà lãnh đạo Việt Nam lúc bấy giờ như ông Đỗ Mười, ông Phạm Văn Đồng, ông Võ Văn Kiệt, ông Võ Nguyên Giáp - một cơ hội không dễ có với hầu hết các trí thức Việt kiều thời bấy giờ.
Ông kể:
“Tôi có 3 cuộc gặp với ông Đỗ Mười khi ông ấy là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Thủ tướng Chính phủ), còn tôi làm việc ở Vụ Tài khoản Quốc gia, Cục Thống kê thuộc LHQ. Mỗi năm vài lần, LHQ cử tôi sang Châu Á, giúp đỡ các nước như Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Indonesia, Bhutan… xây dựng Hệ thống Tài khoản Quốc gia.
Ông Đỗ Mười làm Thủ tướng đúng giai đoạn Việt Nam phải đối mặt với siêu lạm phát có lúc lên đến gần 500%/năm. Nên những cuộc thảo luận của chúng tôi hầu như xoay quanh vấn đề chống lạm phát và cải cách kinh tế. Có lần ông ấy gọi tôi tới nhà riêng để thảo luận, tôi đã trao cho ông Đỗ Mười một bản trình bày dài 80 trang đánh máy mà tôi đã mất rất nhiều thời gian nghiên cứu trên cơ sở hiểu biết của tôi về kinh tế Việt Nam. Tôi đề nghị ông Đỗ Mười chấm dứt in tiền để tiêu, tăng lãi suất nhằm thu hút tiền của dân vào ngân hàng, tăng thuế (nhất là thuế xuất nhập khẩu, lúc đó vốn gần như không có). Khi ấy, dựa trên số liệu có sẵn và tự tính lại GDP, tôi tính số tiền thuế mà Việt Nam thu được chỉ khoảng 9% GDP. Tôi cũng đề nghị cải cách để phát triển sản xuất, xóa bỏ ngăn sông cấm chợ, cho phép tự do buôn bán, tự do giá cả và cần phải để các doanh nghiệp Nhà nước độc lập, tự cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường.”
Trong ký ức của TS Vũ Quang Việt, vị Thủ tướng Việt Nam rất quan tâm đến những gì ông viết: "Ông ấy để những tập tài liệu tôi viết trên bàn, dùng bút gạch chân những điều quan trọng, rồi ghi riêng ra một cuốn sổ, sau đó đối thoại rất kỹ với tôi".
Có lần, khi đọc một ý kiến quá thẳng thắn của Vũ Quang Việt, Thủ tướng Đỗ Mười đập bàn bảo:
- Cách anh nói và viết làm người khác thấy hoang mang về đất nước.
Vũ Quang Việt bình tĩnh đáp:
- Tôi được mời tới để nói, còn nghe không thì đó là quyền của Thủ tướng.
Sau đó họ lại cười, tiếp tục thảo luận.
TS Vũ Quang Việt kể: "Tôi nhớ sau khi đọc bản kiến nghị dài 80 trang của tôi, ông Đỗ Mười có nói, ông ấy sẽ chỉ chấp nhận một nửa ý kiến của tôi về tăng lãi suất tiết kiệm, chứ không thể đồng ý với phương án tăng lãi suất cho vay. Vì nếu làm thế, doanh nghiệp và các địa phương sẽ đến cửa đập nhà ông ấy. Tôi nghe ông Mười giải thích thì đồng ý, vì thấy nó hợp lý với hoàn cảnh kinh tế Việt Nam, điều mà có lẽ ông ấy hiểu hơn tôi rất nhiều. Không thể không nói, thành công chống lạm phát của Việt Nam những năm đó có công lao rất lớn của ông Đỗ Mười.
Một lần khác, tôi đến nhà riêng gặp ông Mười, đề nghị xem xét lại dự thảo giao quyền quyết định mức cung tiền tệ cho Quốc hội. Quốc hội vốn chỉ họp một năm hai lần, trong khi các chính sách tiền tệ cần phải được đưa ra càng nhanh càng tốt khi thị trường có biến động, nên phải giao cho Thủ tướng hoặc Thống đốc Ngân hàng thì mới có thể hợp lý. Ông Mười nghe xong đồng ý, gọi điện thoại cho ông Võ Chí Công trước mặt tôi và đề nghị hoãn lại bài đăng ủng hộ dự thảo này trên báo Nhân Dân để điều chỉnh lại. Dù không phải lúc nào bầu không khí của những cuộc gặp giữa chúng tôi cũng vui vẻ, vì tôi không ngại phê phán những điều tôi cho là bất cập của các chính sách kinh tế Việt Nam, nhưng những cuộc gặp này khiến tôi vui, vì thấy ông Đỗ Mười là người sẵn sàng chịu lắng nghe, sẵn sàng trao đổi. Đó là điều rất khác với những gì tôi được nghe trước đó về ông, một người vốn bị cho là cực kỳ bảo thủ".
Người giúp Việt Nam xây dựng hệ thống tài khóa Quốc gia theo tiêu chuẩn Quốc tế đầu tiên
Nhưng đóng góp quan trọng nhất của TS Vũ Quang Việt cho Việt Nam chính là việc xây dựng Hệ thống Tài khoản Quốc gia (SNA) vào năm 1988. Từ sau năm 1985, TS Vũ Quang Việt, với tư cách là chuyên gia của LHQ, thường được cử đến các nước Châu Á như Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Thái Lan, Nepal, Bangladesh… để giúp các nước này xây dựng SNA theo mô hình do LHQ xây dựng. Khi ấy, Việt Nam vẫn đang sử dụng mô hình cũ của Liên Xô nên các số liệu rất không thống nhất so với thế giới và không còn phù hợp khi Việt Nam bắt đầu có kinh tế thị trường.
"Trong những lần gặp và trao đổi về các vấn đề kinh tế với ông Nguyễn Cơ Thạch, tôi đã phải tự tính GDP của Việt Nam để cùng ông Thạch phân tích và đã đề nghị ông ấy đề xuất lên Chính phủ việc xây dựng SNA của LQH cho Việt Nam" - ông Việt kể. "Không lâu sau, ông Võ Văn Kiệt - khi ấy là Phó Thủ tướng, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước - đã mời tôi lên gặp. Cũng như ông Nguyễn Cơ Thạch, ông Sáu Dân thấy được sự cần thiết việc phải có một hệ thống thông tin kinh tế dựa trên tiêu chuẩn quốc tế để có cái nhìn rõ ràng về bức tranh kinh tế của Việt Nam".
Sau cuộc gặp đó, ông Sáu Dân đã đề nghị TS Vũ Quang Việt trực tiếp tham gia xây dựng bản đề án - việc mà ông đã giúp Thái Lan và Malaysia và Trung Quốc làm rất thuận lợi trước đó. Năm 1988, SNA của Việt Nam chính thức ra đời, lần đầu tiên đưa ra các số liệu đầy đủ về nền kinh tế Việt Nam theo hệ thống thống kê chung của quốc tế.
"Mỗi nước đều phải tính GDP và các chi tiết về từng hoạt động kinh tế, nhằm nắm rõ tình hình sản xuất. SNA rất rộng, không chỉ nhằm tính GDP, hay năng suất lao động mà còn theo dõi được thu nhập của từng thành phần kinh tế, rồi việc họ sử dụng thu nhập đó vào đâu: tiêu dùng, để dành hay đầu tư tài chính; những nguồn tiền được đầu tư vào tài chính qua ngân hàng hay cổ phiếu sẽ đi đâu, được sử dụng làm gì… Tóm lại SNA sẽ cung cấp số liệu và một cái nhìn tổng thể và toàn diện về nền kinh tế. Dựa trên những số liệu này qua nhiều quý, nhiều năm sẽ xem xét được sự chuyển biến và hiệu quả của các chính sách".
Công trình này cũng đã giúp Việt Nam có được một bộ tiêu chí đánh giá nền kinh tế theo chuẩn quốc tế, chứ không chỉ gói gọn trong phạm vi các nước XHCN như trước kia.
"Cuối cùng, cũng có một nhà lãnh đạo coi tôi là người Việt Nam"
Trong những năm 1980 - 1990, Vũ Quang Việt có lẽ là một trong những Việt kiều về Việt Nam nhiều nhất. Ông kể, trung bình mỗi năm ông về một, hai lần, theo lời mời của Chính phủ, nhưng lần nào ông cũng chủ động bỏ tiền vé máy bay, vì ông hiểu hoàn cảnh đất nước lúc ấy khó khăn: "May mắn là hàng năm tôi thường được LHQ cử đi Châu Á công tác. Các chuyến đi này đều do LHQ hỗ trợ tiền vé máy bay. Tôi thường tranh thủ những dịp này để về Việt Nam, nên tiền vé máy bay bớt tốn kém đi rất nhiều".
"Khi ấy Việt kiều như chúng tôi mỗi lần trở về nước đều không dễ chịu gì khi phải đối mặt với nhiều định kiến do đặc điểm của thời đại" - TS Vũ Quang Việt thừa nhận. "Có lần dù về nước theo lời mời của Chính phủ, nhưng tôi và một trí thức Việt Kiều vẫn gặp vướng mắc với cơ quan an ninh tại sân bay... Sau đó, tôi phải gọi điện cho Thủ tướng Đỗ Mười nhờ hỗ trợ, việc này mới được giải quyết. Tôi nhớ lần nào tôi về nước, ông Phạm Văn Đồng (khi đó đã nghỉ hưu) cũng dặn dò tôi: nếu anh định nói hay viết gì, hãy cho tôi đọc trước giúp anh, hy vọng tôi có thể góp ý, như thế sẽ bớt khó cho anh".
Sẽ rất khó để nói TS Vũ Quang Việt là "người yêu nước" theo cách hiểu chung của nhiều người. Hoặc nói cho đúng hơn, ông yêu nước theo cách riêng của mình.
TS Vũ Quang Việt không phủ nhận những ký ức thời quá khứ khiến ông giữ trong lòng những ranh giới nhất định với chính quyền trong nước: "Luôn có suy nghĩ về sự phân biệt giữa "họ" và "tôi", nên khi rời khỏi Việt Nam năm 1968, tôi đã nghĩ, đất nước này không dành cho những người như tôi". Kể cả với Nhà Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch - người gần gũi nhất ở Việt Nam với mình, TS Vũ Quang Việt cũng luôn rất "giữ ý" vì sợ làm ảnh hưởng đến ông: "Quen biết rất nhiều năm, nhưng chúng tôi hầu như không bao giờ nói về cuộc sống riêng tư. Vào năm 1991, sau khi ông Nguyễn Cơ Thạch rời khỏi cương vị Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao, tôi mới đến thăm nhà ông lần đầu tiên ở Hà Nội".
Những ám ảnh quá khứ không ngăn cản TS Vũ Quang Việt đóng góp cho Việt Nam: "Ông Nguyễn Cơ Thạch đã cho tôi một cơ hội quý giá để nâng cao kiến thức và hiểu biết của mình về kinh tế Việt Nam và các nước XHCN. Tôi sẽ không dối lòng, dối người nói rằng những việc tôi làm xuất phát từ tinh thần yêu nước hay những lời kêu gọi đóng góp. Sự ham hiểu biết của một nhà khoa học và niềm hy vọng các nhà lãnh đạo Việt Nam sẽ thay đổi các chính sách trong điều hành kinh tế, mới là động lực lớn nhất khiến tôi làm việc không công trong những năm tháng đó. Khi tôi cảm nhận "họ" (những nhà lãnh đạo Việt Nam) thực lòng muốn hợp tác, tôi sẽ nỗ lực chia sẻ những hiểu biết của mình".
Vào năm 1990, một năm trước khi nghỉ hưu, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã đề xuất cấp Quốc tịch Việt Nam cho TS. Vũ Quang Việt, để ghi nhận những công sức và đóng góp mà ông đã dành cho đất nước suốt 13 năm trước đó. "Đó là một trong những kỷ niệm đẹp nhất của tôi với Việt Nam, vì cuối cùng, đã có một nhà lãnh đạo coi tôi là người Việt Nam. Kể từ đó, tôi là người Việt Nam một nửa…"
Comments