top of page
​AD
Cá Bống

Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung trong ngành thiết bị bán dẫn

Cuộc chiến thương mại trong ngành thiết bị bán dẫn thực chất đã bắt đầu từ gần một thập kỷ trước, là một phần trong cuộc cạnh tranh công nghệ Mỹ – Trung.

Ảnh minh họa bởi NKI.

Tháng 7 vừa qua, Mỹ đã yêu cầu các công ty sản xuất thiết bị làm chip không bán sang Trung Quốc, đồng thời ra đạo luật hỗ trợ các công ty sản xuất chip trong nước. Những động thái này cho thấy cuộc so kè giữa hai cường quốc ngày càng căng thẳng trong ngành thiết bị bán dẫn, lĩnh vực ngày càng quan trọng trong hạ tầng công nghệ số.


Các nguồn tin từ các công ty thiết bị bán dẫn nói với Reuters rằng Bộ Thương mại Mỹ đã yêu cầu họ dừng bán các thiết bị để làm chip dưới 10 nm (nano mét) cho Trung Quốc.



Trước đó, Mỹ cũng đã thảo luận với hai công ty ASML và Nikon đề nghị không bán máy in thạch bản tia cực tím sâu (deep ultraviolet-DUV-lithography machines) – còn gọi cỗ máy quang khắc, để làm chip cao cấp cho Trung Quốc Đại lục.


Đây không phải là lần đầu Mỹ áp dụng các biện pháp làm khó ngành sản xuất chip cao cấp của Trung Quốc. Tuy nhiên, động thái này không chỉ ảnh hưởng tới công ty Trung Quốc mà còn gây lo ngại cho các công ty không phải gốc Trung Quốc nhưng đặt nhà máy ở đó như Samsung hay TSMC.


Ông Peter Wennik, CEO của AMSL, công ty gốc Hà Lan có nhà máy tại Mỹ, một ông lớn trong ngành thiết bị bán dẫn thế giới nói trên báo Nikkei rằng, thêm một lệnh cấm cho ngành công nghiệp sản xuất chip của Trung Quốc sẽ phá vỡ đường dây cung ứng của các nhà sản xuất thiết bị bán dẫn trên toàn thế giới, vì nước này là một phần quan trọng của ngành công nghiệp thiết bị bán dẫn toàn cầu.



Cuộc chiến thương mại trong ngành thiết bị bán dẫn thực chất đã bắt đầu từ gần một thập kỷ trước, là một phần trong cuộc cạnh tranh công nghệ Mỹ – Trung.


Đối với Bắc Kinh, thu hẹp khoảng cách về công nghệ với những nước có công nghệ tiên tiến nhất là một cách để lấy lại vị thế siêu cường hay cái gọi là “Giấc mộng Trung Hoa”. Khi bối cảnh địa chính trị xoay quanh nó trở nên ngày càng thù địch, nâng cấp công nghệ giúp nước này đảm bảo khả năng “tự cung tự cấp” những công nghệ tiên tiến.


Bắc Kinh bắt đầu chú ý tới thiết bị bán dẫn đến từ năm 2014, khi Quốc vụ viện Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đặt mục tiêu trở thành nước dẫn đầu thế giới về thiết bị bán dẫn vào năm 2030.


Mục tiêu đầu tiên là thúc đẩy việc tạo ra các công ty trong nước trong ngành có thể cạnh tranh trên quy mô toàn cầu và cung cấp nhu cầu tiêu thụ chất bán dẫn của Trung Quốc. Mục tiêu thứ hai là thâu tóm công nghệ nước ngoài thông qua chiến lược mua lại các công ty có công nghệ tiên tiến.


Tuy nhiên, cho đến nay, mức độ tinh vi và thiết kế của chip hiện đang vượt quá khả năng công nghệ của Trung Quốc. Trung Quốc buộc phải phụ thuộc vào nhập khẩu thiết bị sản xuất chip bán dẫn.



Trong khi đó, ở ngành thiết bị bán dẫn, quy trình sản xuất đã dịch chuyển tử mô hình tự sản xuất và thiết kế toàn bộ sang mô hình chuyên môn hoá khi các công ty chỉ chuyên biệt trong một công đoạn. Ngành này cũng dịch chuyển sang chuyên biệt hóa theo khu vực địa lý, trong đó những công ty thiết kế được đặt ở California và Đài Loan. Ở đó có bộ phận nghiên cứu phát triển thượng thặng và những hệ thống cải tiến tối ưu hiệu suất. Điều này khiến cho các đối thủ cạnh tranh mới như Trung Quốc khó lòng đuổi kịp Mỹ.


Hơn nữa, đối với Mỹ, việc phát triển ngành thiết bị bán dẫn không chỉ vì lý do kinh tế mà còn được coi là an ninh quốc gia. Các cơ quan của Mỹ đã lấy lý do an ninh quốc gia để chặn nhiều khoản đầu tư chiến lược hoặc mua lại của Trung Quốc trong lĩnh vực này. Điều này được thực hiện thông qua Ủy ban Đầu tư nước ngoài của Mỹ (CFIUS) và Cục Công nghiệp và An ninh (BIS). Các cơ quan nói trên có toàn quyền quyết định bởi khái niệm “an ninh quốc gia” rất linh hoạt.


Các cơ quan này cũng có thể can thiệp vào các công ty nước ngoài. Ví dụ như CFIUS chặn việc Quỹ đầu tư chip Phúc Kiến của Trung Quốc mua lại Aixtron của Đức vào năm 2016 và BIS tìm cách ngăn công ty TSCM bán chip cho Huawei.



Việc can thiệp của Mỹ còn được hợp thức bởi Đạo luật Rà soát Rủi ro Đầu tư Nước ngoài (2018) và Quy tắc Sản phẩm Nước ngoài của Quy chế Quản lý Xuất khẩu (2020) để bảo vệ những sản phẩm công nghệ không dễ thay thế.


Chính sự vượt trội về công nghệ của Mỹ cho phép họ kiểm soát các nút chiến lược nhất trong chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu để ngăn chặn việc nâng cấp công nghệ của Trung Quốc. Ngoài ra, các nền kinh tế khác tham gia nhiều nhất vào ngành – Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản – đều là đồng minh chiến lược của Mỹ, đã cam kết ngăn chặn tham vọng địa chính trị của Trung Quốc. Họ phải cân bằng lợi ích kinh tế Trung Quốc với lợi ích địa chính trị của Mỹ.


Ngoài các động thái kìm chế ngành sản xuất chip Trung Quốc được áp dụng từ 2020 và tăng cường thời gian gần đây. Mỹ đang hỗ trợ các công ty thiết bị bán dẫn trong nước. Tuần trước, lưỡng viện quốc hội Mỹ đã thông qua một đạo luật mang tên Chips and Science Act với ngân sách khoảng 280 tỷ USD.


Trước mắt, dự luật sẽ cấp khoảng 52 tỷ USD để hỗ trợ các nhà sản xuất chip của Mỹ và hơn 100 tỷ US để đầu tư công nghệ liên quan. Những công ty nhận được nguồn quỹ này bị cấm xây dựng và mở rộng nhà máy sản xuất ở Trung Quốc Đại lục.



Nhìn chung, Trung Quốc đang yếu thế trong ngành thiết bị bán dẫn, song những chính sách bảo hộ sản xuất trong nước của Mỹ cũng đi kèm những mặt trái. Với khoảng cách công nghệ hiện tại của Trung Quốc với Mỹ, sự can thiệp quá mức sẽ gây phản tác dụng.

Comments


Không bao giờ bỏ lỡ bản tin mới

Đăng ký nhận thư từ Ngoài Kia

Cảm ơn bạn. Chúng tôi sẽ liên hệ sớm.

bottom of page