top of page
​AD
Hòa Nguyễn

Chiến Tranh Nguyên Mông - Đại Việt Lần 2: Cuộc Chiến Bên Bờ Diệt Vong

Trong 3 lần đại chiến với quân Nguyên Mông thì lần giáp chiến thứ hai là lần quân đội nhà Trần gần bờ vực bị hủy diệt nhất.

Trận chiến Bạch Đằng (1288) trong cuộc xâm lược Đại Việt của người Nguyên Mông lần thứ ba.

Về quy mô của chiến dịch, ngay từ hàng ngũ tướng quân đã cho thấy quân Mông Cổ nghiêm túc với lần nam hạ này như thế nào.


Ngoài Thoát Hoan con trai của Hốt Tấn Liệt ra, các tướng đi cùng đều là danh tướng có bề dày kinh nghiệm chiến tranh từ Âu sang Á như Ariq Qaya, viên tướng xuất sắc người Uigur của nhà Nguyên, được chọn làm phó cho Thoát Hoan và được phong làm An Nam hành trung thư tỉnh tả thừa tướng.



Các tướng đáng chú ý khác có Lý Hằng — viên tướng xuất sắc người Tây Hạ của nhà Nguyên, Koncak (Khoan Triệt, người Uzbek), Bolqadar (Bột La Hợp Đáp Nhĩ), Satartai (Sát Tháp Nhi Đài), Mangqudai (Mãng Cổ Đái), Naqai (Nạp Hải), các tướng người Hán là Lý Bang Hiến, Tôn Hựu, Tôn Đức Lâm, Lưu Thế Anh, Lưu Khuê, Nghê Nhuận.


Tổng cộng nhà Nguyên huy động tới 50 vạn (một số nguồn khác cho rằng quân Nguyên đông khoảng 30 vạn sau khi trừ đi số dân phu). Đây là lần xuất chinh với quân số lớn nhất mà nhà Nguyên từng thực hiện, so với dân số thời đó thì đoàn quân này có quy mô cực lớn.


Để so sánh, khi nhà Nguyên tấn công Nhật Bản năm 1281, họ cũng chỉ huy động 14 vạn người, dù dân số và diện tích Nhật Bản lớn gấp đôi Đại Việt thời nhà Trần.



Thế nên khỏi phải nói, đội quân khổng lồ này nhanh chóng phá tan phòng tuyến của nhà Trần, chiếm đóng toàn bộ từ Quảng Ninh xuống Hoa Lư (Ninh Bình), chưa kể cánh quân Toa Đô đánh lên từ Quảng Bình đến Thanh Hoá, chuẩn bị đánh Thiên Trường (Nam Định).


Rất nhiều tướng nhà Trần bị bắt và tử trận, các cánh quân chính bị tan vỡ, thậm chí chính Hưng Đạo Vương cũng suýt bị bắt nếu không được Yết Kiêu cứu kịp.


Chưa kể nội bộ tướng lĩnh cũng có nội phản như tướng Trần Kiện (con rể Trần Quang Khải, là tướng trấn thủ biên giới phía Nam) đầu hàng quân Nguyên, dẫn quân địch đánh úp khiến quân Trần Quang Khải thảm bại. Hai tướng quân trấn giữ ải thân vong vì sự phản bội này.


Các tướng lẫn hoàng tộc như Phạm Cự Địa , Lê Diễn, Trịnh Long theo cha con Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc đem gia đình ra hàng quân Nguyên.



Quan trọng nhất là mặt trận Thanh - Nghệ bị tan vỡ. Đại quân do vua Trần chỉ huy ở Thiên Trường và Trường Yên lâm vào thế bị ép từ hai mặt Bắc - Nam, số quân sỹ trong tay chỉ còn hơn 5 vạn để đối đầu với 30 vạn quân hùng mạnh của Nguyên Mông, triều Trần đứng trước nguy cơ diệt vong hoàn toàn.


Vậy mà với sự lãnh đạo tài tình của Hưng Đạo Vương, quân Đại Việt từ thế bị dồn vào chân tường đã làm nên những chiến thắng ở các mặt trận Hàm Tử - Tây Kết - Chương Dương Độ, lật ngược lại thế trận, tái chiếm thành Thăng Long và kết thúc bằng trận sông Thiên Mạc lấy thủ cấp Toa Đô, truy kích Thoát Hoan đến tận biên giới.


Theo Nguyên sử và các nguồn sử khác thì quân Nguyên tổn thất trong trận đánh này là 10 - 20 vạn cả thương vong và bị bắt, hao tài tốn lực không đếm được.



Và quan trọng nhất là chiến thắng này không hề đến từ “may mắn” hay “khí hậu” như đám hậu thế xét lại, mà đến từ chiến thuật và tinh thần Đông A đỉnh cao của Đại Việt ta.



Tác giả: Trần Phan Anh

Comments


Không bao giờ bỏ lỡ bản tin mới

Đăng ký nhận thư từ Ngoài Kia

Cảm ơn bạn. Chúng tôi sẽ liên hệ sớm.

bottom of page