top of page
​AD
Hòa Nguyễn

"Cát Bụi Chân Ai" - Trích Chương 2

Kháng chiến, Nguyên Hồng và Kim Lân đưa gia đình tản cư lên ấp Cầu Đen trên Nhã Nam. Các họa sĩ Trần Văn Cẩn, Tạ Thúc Bình, cả nhà bác Ngô Tất Tố cũng lên quây quần trên cái đồi thấp bấy giờ còn hoang vắng. Những vùng ở Xuân áng (Phú Thọ) hay Quần Tín (Thanh Hoá) cũng tụ hội lại những làng văn nghệ sĩ kháng chiến. Nghe kể hoạ sĩ Trần Văn Cẩn được xã cấp cả ruộng, anh đi cày đã thạo. Tên cúng cơm ấp Cầu Đen, Nguyên Hồng đặt lại là ấp Đồi Cháy.

Nhà văn Nguyên Hồng.


Chẳng hiểu vì sự tích gì. Các nhà ở đấy cho đến khi hoà bình lập lại. Về Hà Nội, Nguyên Hồng và vợ con thuê cái gác hai một nhà ở phố Miriben cũ bên cạnh viện Mắt gần chợ Hôm. Nhớ những lần Nguyên Hồng rủ đến chơi nhà thường vào chiều thứ bảy. Dựng xe đạp ở cái sân chung nhớp nháp nhà dưới rồi lên gác. Nhà một buồng lủng củng ba lô, tay nải. Chẳng khác trước kia ở dưới bãi Nghĩa Dũng. Chỉ thêm trẻ con chạy ra chạy vào lít nhít rối cả mắt. Chị ấy đã xin được làm nhân viên cửa hàng quốc doanh sách, đứng bán ở quầy góc nhà bách hoá tổng hợp bây giờ, phía cửa đường Hàng Bài.



- Ngồi vào đây lấy chỗ cho mẹ nó kê cái hoả lò. Chả rán phải chén nóng tại chỗ mới hay.


Nguyên Hồng lui cui dẹp quanh cho tôi ngồi tựa lưng vào tường trông ra chằng chịt dây điện ngoài cửa sổ, lá xà cừ rụng bay rào rào. Nguyên Hồng không nói, nhưng tôi đã biết cái chả rán này rồi. Nguyễn Tuân chỉ nghe, đã lắc đầu, rủa chả rán Nguyên Hồng đãi cái thằng xơi được bọ hung thì nó còn từ cái gì. Nguyên Hồng không khi nào mời Nguyễn Tuân và biết tôi thưởng thức được món tiểu táo cao cấp ấy, chủ nhà cũng chẳng cần báo trước. ấy là cái nem Sà Goòng nhân rau đàn bà đẻ đã xin hay mua được ở nhà hộ sinh nào đấy. Nguyên Hồng thường ca tụng sức thần kỳ bổ và chứa bách bệnh của rau đàn bà đẻ. Khi bị đày lên Bắc Mê, tao ngồi viết được cả tập bút ký Cuộc sống lại còn sống mà dò được về đến Nam Định rồi lấy vợ cũng là nhờ cái phải gió ấy của trẻ sơ sinh. Mẹ tao ngâm rượu mật ong gửi lên Bắc Mê. Bây giờ thi một cái rau ăn tươi cả nhà được tẩm bổ!. Nguyên Hồng cười hể hả.


Miếng chả giò nóng ròn. Bát dấm pha không có ớt - chủ nhà không ăn ớt. Đĩa xà lách trắng ngần. Nhân trộn mộc nhĩ và miến. Kể ra cũng cảm thấy hoi hoi khác vị, nhưng vốn tính dễ ăn, tôi nhắm ngon lành bình thường.


Giữa năm 1957, Hội Nhà Văn được thành lập. Nguyên Hồng phụ trách tuần báo Văn của Hội. Đã nhiều năm làm nghề viết và trong kháng chiến có làm báo, làm xuất bản nhưng cũng là ngồi trong rừng điều khiển đôi quang gánh sách báo đi các chiến khu, chúng tôi bỡ ngỡ và háo hức những công việc mới.


Chín năm ở rừng, không có lương, quần áo phát theo mùa, xà phòng tắm và giặt cũng lĩnh ở kho từng miếng. Cơ quan sắm dao kéo, tông đơ mọi người húi đầu cho nhau. Văn Cao cắt tóc đẹp có tiếng, chỉ dùng kéo. Trở lại thành phố, khó đâu chửa biết, nhưng thức ăn và hàng hoá ê hề. Chiều chiều, uống bia Đức chai lùn bên gốc liễu nhà Thủy Tạ. Nhà hàng Phú Gia, vang đỏ vang hồng vang trắng vỏ còn dính rơm như vừa lấy ở dưới hầm lên. áo khoác da lông cừu Mông Cổ ấm rực, người ta mua về phá ra làm đệm ghế. Hàng Trung Quốc thôi thì thượng vàng hạ cám. Kim sào, kim khâu, chỉ màu, củ cải ca la thầu, sắng xấu, mì chính, xe đạp cái xe trâu cao ngồng. Cả xi rô ngọt pha vào bia cho những người mới tập tọng uống bia. Bắt đầu được lĩnh lương tháng. Không nhớ bao nhiêu, nhưng tối nào cũng có thể la cà hàng quán được. Có cảm tưởng cả loài người tiến bộ đổ tiền của đến mừng Việt Nam Điện Biên Phủ.


Chúng tôi ngỡ ngàng một cách khoan khoái. Đất nước như cánh đồng cày vỡ, chưa biết cấy hái ra thế nào. Vết thương cải cách ruộng đất, chỉnh đốn tổ chức còn đỏ hon hỏn khắp chợ thì quê. Các thành phố đã bắt đầu cải tạo tư sản. Báo chí hô trăm hoa đua nở, tràm nhà đua tiếng. Chẳng biết căn do của nước người ta ra sao, nhưng nghe khẩu hiệu khá sướng tai. Đến khi thấy nói có hoa thơm, có hoa thối! lại mới ngỡ ra là có hoa thơm, có hoa thối!. Năm 1956, Hungari đề xướng đổi mới. Thủ lĩnh Jmrê Natgiơ bị treo cổ.


Chưa kịp ngỡ ngàng, lại đùng đùng đổi khác lại ngay cả trong thành phố. Nhà máy diêm, nhà máy gạch thời Pháp họ đã để làm trại lính, tanh bành như bãi hoang. Điện Yên Phụ, xe điện Thuỵ Khuê cổ lỗ 1899, nhà máy rượu cạnh nghĩa địa Tây, Chính phủ phải mua lại của các công ty tư nhân Pháp. Nghe nói mỏ Hòn Gai, đường sắt Hải Phòng Vân Nam ta cũng chuộc mất nhiều tiền. Chiến thắng rồi mà cũng chẳng lấy không được. Các thành phố đương cải tạo tư sản. Cách làm dịu dịu và lặng lẽ. Nhưng cũng xanh mắt. Nhà máy thuộc da Thuỵ Khuê, nhà máy gạch Cầu Đuống mấy vị có tiền vừa chung nhau tậu, bây giờ lo sốt vó phải lên tư sản. Nhà giàu khoá cửa im ỉm, người ra vào khuân lén đồ đạc lúc chập tối. Quanh tường, đại sứ quán Pháp cắm tấm biển đất riêng. Cơ quan lãnh sự Mỹ đã dọn vào Sài Gòn, bây giờ chỗ ấy là căng tin của sứ quán và Pháp kiều. Tổng giám mục Đuy-lây ngày ngày sai mấy bõ già đến mua đồ và thức ăn về dùng. Từng bao tải các thức được thuê xích lô kéo sang nhà thờ Hàng Trống.

Bỡ ngỡ và sôi nổi, những trái ngược và mới mẻ ấy dội vào mỗi chúng tôi. Bây giờ nhìn lại, nghe kể chuyện lại, tưởng như câu chuyện lạ lùng một lúc. Nhưng đường đi và những quanh co bối rối đến mỗi con người lẵng nhẵng cả mấy năm trước và sau 1957. Ngại nhất những lần họp chi bộ ở cơ quan. Cuộc chiến đấu lớn đã kết thúc ở Điện Biên Phủ, nhưng chúng tôi lại không êm ả như ở Tuyên Quang. Thêm nhiều tổ chức mới có cán bộ các khu và từ miền Nam tập kết ra. Họp cơ quan, họp chi bộ, tranh luận miên man. Dần dà, hình thành cái nhìn ở một số người, thành mốt chỉ trích cơ quan cản trở, hạn chế, có thế mới là mới. Mọi việc không phải của cơ quan hình như đều đúng hơn.


Tôi làm nhà xuất bản Văn Nghệ rồi nhà xuất bản Hội Nhà văn. Khi in tiểu thuyết Giông tố của Vũ Trọng Phụng, tôi về Mọc xin phép gia đình tác giả, gặp chị Phụng và bấy giờ cụ bà thân sinh Vũ Trọng Phụng vẫn còn. Mẹ chồng nàng dâu sinh sống gieo neo ngày ngày cắp cái thúng mấy lọ thuốc viên ra chợ Ngã Tư Sở. Bao nhiêu năm, sách của Vũ Trọng Phụng bây giờ lại được in, cả nhà mừng lắm. Quý tôi như bạn bè cùng thời với nhà văn đã khuất. Thật ra, tôi không biết mặt Tản Đà và Vũ Trọng Phụng. Tôi vào nghề viết, các nhà văn này đã qua đời. Khi ấy, các nhà xuất bản Minh Đức, nhà Thép cũng rục rịch in Vũ Trọng Phụng, quảng cáo rầm rộ. Ngay ở cơ quan cũng lây nhau cái cảm tưởng tư nhân in mới phóng khoáng, nhà xuất bản của đoàn thể gò bó và dường như lỗi thời. Người ta lên nước và cạnh tranh như thời trước. Nhà Minh Đức yêu cầu được kỷ niệm Vũ Trọng Phụng chung với chúng tôi ở Nhà Hát Lớn thành phố vì lý do nhà ấy cũng in Vũ Trọng Phụng. Chúng tôi định in lại tiểu thuyết Một mình trong đêm tối của Vũ Bằng. Tôi tìm gặp chị Vũ Bằng. Biết tin, lão Minh Đức nhưng nháu mắt trố xộc đến luôn. Chúng tôi in kịch Kim Tiền của Vi Huyền Đắc, Nhà xuất bản Minh Đức cũng in Kim Tiền, đã đưa đơn kiện vi phạm bản quyền tác giả. May, được bác sĩ Vi Huyền Trác, con trai cụ Vi bảo đảm, nhà xuất bản chúng tôi không bị thua kiện.


Chỉ được trôi chảy khi in lại tập truyện ngắn Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân. Cũng ngẫu nhiên không bị giành giật. Nguyễn Tuân không để ý tướng số nhưng Nguyễn Tuân bảo: Trông mặt thằng Minh Đức đã thấy khó chịu. Mình cũng đã đả tiền nhiều nhà xuất bản, nhưng chưa cầm của thằng này một xu. Vả chăng mưu sĩ Nguyễn Hữu Đang của nhà Minh Đức thậm ghét văn Nguyễn Tuân. Văn Nguyễn Tuân, Nguyễn Hữu Đang đọc một đoạn cũng không nổi. Âu cũng là lẽ đời, các đấng cao ngạo thường không nhìn mặt nhau.


Tác giả: Tô Hoài

Comments


Không bao giờ bỏ lỡ bản tin mới

Đăng ký nhận thư từ Ngoài Kia

Cảm ơn bạn. Chúng tôi sẽ liên hệ sớm.

bottom of page