top of page
​AD
Hòa Nguyễn

Bức Thư Khắc Chữ Hán Do Chúa Trịnh Tráng Gửi Giáo Sĩ André Palmeiro ở Áo Môn Năm 1627

Đây là một trong những văn kiện ngoại giao Việt Nam cổ nhất còn tới ngày nay, hiện đang được lưu trữ tại Thư viện Tông tòa Vatican. Bức thư khắc chữ Hán trên tấm bạc mỏng do chúa Trịnh Tráng gửi giáo sĩ André Palmeiro ở Áo Môn năm 1627.


Với cương vị là Giám sát Dòng Tên vùng Á Đông, trụ sở đặt tại Áo Môn (Ma Cao), linh mục André Palmeiro đã gửi các nhà truyền giáo tới Đàng Ngoài, như được đề cập đến trong bức thư này của chúa Trịnh Tráng. Trong giai đoạn ban đầu này, các giáo sĩ được chúa Trịnh tiếp đón nhiệt thành, thu xếp chu đáo chỗ ở, dựng nhà thờ và cho phép tự do giảng đạo. Ý định chính của chúa Trịnh là muốn giao thương với người Bồ Đào Nha ở Áo Môn. Chúng ta biết rằng khi đó ở đa phần châu Á, Công giáo được truyền giảng dưới sự bảo trợ của Bồ Đào Nha. Các giáo sĩ có mặt ở Đàng Ngoài làm cho các thương gia Bồ lui tới nhiều hơn, nhờ đó chúa Trịnh có thể mở rộng ngoại thương với Bồ Đào Nha.



Nội dung lá thư này (bị gãy mất mấy hàng chữ đầu) được nhà biên khảo Võ Long Tê phiên dịch như sau:


«... những lễ vật nhỏ dâng cống như những bức đồ và bình phong, để hai giáo sĩ đến xem xét về tôn giáo. Nay ngài lại chọn hai giáo sĩ tinh thông thiên văn địa lý đến bản quốc để mở mang Thánh giáo, dạy mười điều răn tóm vào ba mối, lại yêu cầu giúp đỡ và cho phép hai vị giáo sĩ ấy trú ngụ để được giao hảo, trao đổi hàng hóa, buôn bán với nhau. Ngài lại cống hiến mấy thứ lễ vật. Tôi đã nhận được mấy thứ lễ vật lạ đẹp đẽ và đã tiếp hai giáo sĩ thông thiên văn địa lý ấy, thật là cảm kích vô cùng. Tôi cũng đã nghe giảng những điều răn tóm vào ba mối, lấy làm tốt đẹp và mến chuộng lắm.


Việc giúp đỡ hai vị giáo sĩ, tôi đã định xong, cho cư trú ở nơi dành cho khách ở phương xa, ở đó có thể xem hiện tượng của trời đất và xét nghiệm điềm lành. Việc giao hảo buôn bán là thuận lòng người và tiện cho sự cần dùng của dân, hà tất phải nói.


Nay phúc thư

Kê: Trầm hương hai cân

Vải trắng nhuyễn tám tấm

Cát nhạn một xâu nặng mười cân

Ngày này khắc đủ.»




Hai giáo sĩ đến Đàng Ngoài năm 1626 để xem xét về tôn giáo là Giuliano Baldinotti người Ý và Giulio Piani Koga người Nhật, được chúa Trịnh Tráng tiếp đãi nồng hậu. Rồi đến sau đó, hai giáo sĩ tinh thông thiên văn địa lý chính là Alexandre de Rhodes người Avinhon và Pero Marques người Bồ.


Giáo sĩ de Rhodes thuật lại rằng đã dâng tặng chúa Trịnh “cuốn sách chữ Hán có vẽ hình trái đất tròn của Euclide, do các cha Dòng Tên soạn, vẽ nhiều hình địa lý”. Đó là bản đồ thế giới do giáo sĩ Ricci vẽ và chú thích theo những tài liệu đã khám phá được trước thế kỷ 17. Giáo sĩ đã giải thích cho chúa và triều thần nghe, từ vấn đề địa lý sang vấn đề tôn giáo, đề cập đến Thiên Chúa là “vua của vũ trụ, Người sẽ thưởng phạt cho các bầy tôi trung thành của Người hạnh phúc bất diệt trên thiên quốc.”



Danh từ Công giáo mà chúa Trịnh dùng trong bức thư này có phần điêu luyện và chính xác. Phải chăng đó là kết quả giảng đạo của linh mục de Rhodes và ảnh hưởng của các sách giáo lý Hán văn do các linh mục Dòng Tên soạn thảo ở Trung Hoa?


Ở đây Công giáo được gọi là Thánh giáo đúng với ghi nhận trong kinh Tin Kính. Từ ngữ “nghiêm thập giới tổng tập tại tam” hàm súc một sự thông hiểu giáo lý, thể hiện trong một công thức gọn gàng, đầy đủ, có nghĩa là: mười điều răn của Thiên Chúa tóm vào ba mối, tức là ba nhân đức đối thần: đức tin, đức cậy, và đức mến.



Bức kim diệp thư trang trọng này được trao cho các thương gia Bồ đem về cho giáo sĩ Palmeiro, nhưng con tàu đến đảo Hải Nam thì gặp bão và bị đắm. Các đồ trên tàu và lá thư này dạt vào bờ, người dân trên đảo vớt lên được. Hay tin, Palmeiro phải đích thân đến Hải Nam chuộc lại. Ngày nay bức thư được bảo quản tại Thư viện Vatican, phông Barberiniani orientali, chúng ta có thể xem rõ nét trên trang mạng của thư viện.



Tác giả: Make Christianity Great As Always
Nguồn: Võ Long Tê. ‘Lịch sử Văn học Công giáo Việt Nam’. Nxb Tư Duy, 1965
Tham khảo thêm: Đỗ Quang Chính, Nguyễn Thừa Hỷ, Trần Quốc Anh

Comments


Không bao giờ bỏ lỡ bản tin mới

Đăng ký nhận thư từ Ngoài Kia

Cảm ơn bạn. Chúng tôi sẽ liên hệ sớm.

bottom of page