top of page
​AD
Hồ Tri Thức

Bảo Đại: Vai Trò Cố Vấn Tối Cao Cho Hồ Chí Minh

Rõ ràng Hồ Chí Minh đã cần sự hiện diện của Bảo Đại bên cạnh để mong được sự thừa nhận của Mỹ, Pháp và Trung Quốc.

Bảo Đại làm cố vấn tối cao của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tháng 9/1945.

Sự liên kết giữa Hồ Chí Minh và Bảo Đại kết thúc ngày 5/7/1947 khi Bảo Đại tuyên bố với báo Union Française (Liên hiệp Pháp) ở Sài Gòn “Đề nghị của tôi là muốn đóng vai trò hòa giải giữa nước Pháp với các phe phái ở Việt Nam”.


Đến ngày 18/9/1947, quyết định từ bỏ vai trò hư danh cố vấn cho Hồ Chí Minh được công khai và rõ ràng khi Bảo Đại nhận định rằng “Thời gian đã đến rồi. Nay đến lượt tôi, lần đầu tiên, kể từ khi thoái vị … ” và ông gửi lời kêu gọi dân chúng tố cáo Việt Minh “Bao điều bất hạnh mà dân tộc Việt Nam ta phải gánh chịu, sau hai năm kinh nghiệm, mà các chủ nhân của đồng bào đã nắm quyền cai trị tuyệt đối gây nên”.



Đồng thời Bảo Đại chấp nhận thương thuyết trực tiếp với Pháp, gạt Việt Minh ra ngoài, khi ông viết “Đáp ứng lời kêu gọi của đồng bào, tôi nhận sứ mạng mà đồng bào trao phó, và sẵn sàng để bắt liên lạc với nhà cầm quyền Pháp”.


Bảo Đại viết trong ‘Con rồng Việt Nam - Hồi ký chánh trị 1913 - 1987’:


... Tôi rời Huế bằng đường bộ ngày 4 tháng 9. Tôi ra đi, rất thản nhiên, không quan ngại nỗi gì. Có thể là do tính tò mò thúc đẩy, vì tôi muốn gặp những người tôi đã trao quyền, nhất là lãnh tụ của họ, nhân vật Hồ Chí Minh bí mật kia.


Trong suốt dọc đường, tin tôi đi qua lan rộng rất nhanh. Khi tôi qua các đám đông, đàn ông đàn bà đến gần xe, trố mắt nhìn. Đây là lần đầu tiên, họ có thể được tự do nhìn kỹ vị Hoàng đế của họ. Đến ngày ấy, trước kia, nghi lễ đã ấn định rằng khi quỳ trước nhà vua mà ngửng đầu lên nhìn là phạm tội nặng, Bây giờ, các đồng bào chất phác đó quả đã không ngờ. Hoàng đế vận âu phục đang ở giữa họ, cũng y như mọi người thường dân khác … Chắc chắn đã có một sự gì thay đổi.


Khi qua Quảng Trị, dân chúng đông nghẹt y như đang có biểu tình, ai cũng có thiện cảm. Theo như hình thức, quả nhiên chưa bao giờ tôi lại được thân dân như vậy. Nhưng tại Đông Hà, phải nghỉ lại ban chiều, tôi mới thấy rõ một sự xáo trộn do sự thoái vị của tôi, đồng thời uy tín của Hoàng đế vẫn còn dâng cao. Tại đây, dân chúng muốn được nhìn tôi càng đông đặc. Các nhân viên trong Ủy ban Nhân dân muốn tỏ ra có quyền hành khi đón tiếp công dân Vĩnh Thụy, một cách rất dân chủ. Thế nhưng, bị truyền nhiễm bởi đại chúng, họ trở về với thói quen và nghi thức cổ xưa. Họ ý thức được, và cố gắng để sửa chữa lại cho đúng phong cách của họ hiện tại, nhưng cuối cùng không biết phải làm thế nào, nên rất lúng túng. Tự thâm tâm, tôi thú vị nhìn thái độ của họ, và tìm cách giúp đỡ họ khỏi bỡ ngỡ, nên đã tới gần họ rất niềm nở, nhưng càng niềm nỡ bao nhiêu, họ càng kính cẩn bấy nhiêu. Quả nhiên, cách mạng cũng không phải là điều dễ đạt …


Suốt ngày hôm sau, cũng y như vậy. Tôi đến Thanh Hóa vào buổi chiều, ở đó đã có những cuộc tập họp đông đảo để hoan hô nồng nhiệt.


Đến lúc gần vào bàn ăn, thì được tin Hoàng thân Lào Souphanouvong, anh em họ của nhà vua ở Luang Prabang vừa tới, vì ông cũng là thượng khách của Uỷ ban Nhân dân tỉnh. Cho tới nay, chúng tôi chưa từng gặp nhau, nay mới được quen nhau.


… Về nước năm 1937, ông không được dự vào triều chính, do lý lịch giòng dõi của mẫu thân ông … Trong thời tạm chiếm của Nhật, ông đã tổ chức được ở tỉnh Khamouane, một phong trào kháng chiến, với một quân đội du kích y như của Giáp, để dần dà tạo cho ông một thế chính trị cho công cụ giải phóng. Vì vậy, khi người anh cùng cha khác mẹ là Hoàng thân Phatsarath lập chính phủ lâm thời đấu tranh cho độc lập và thống nhất của nước Lào, ông được trao cho làm Tổng tư lệnh Lực lượng Vũ trang Lào Issara (Lào Tự do).



Với vị trí ấy, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời ra Hà Nội.


Lời mời này chứng tỏ phía Việt Minh, muốn nắm quyền chỉ huy tối thượng đối với tất cả phong trào giải phóng Đông Dương, và tôi không lấy gì làm ngạc nhiên nữa.


Chúng tôi liền quyết định cùng đi với nhau, và ngày 6 tháng 9, chúng tôi đến Hà Nội vào lúc ban trưa.


Tôi được đưa đến ngụ ở phố Gambetta, tại nhà viên cưu Đốc Lý Hà Nội. Sau khi tắm rửa xong, tôi đến trụ sở của Ủy ban Nhân dân đóng ở dinh Thông sứ Bắc kỳ để dự tiệc tiếp tân chào mừng tôi.


Võ Nguyên Giáp, bộ trưởng bộ Nội vụ tiếp đón tôi, và lúc vào bàn tiệc, đã giới thiệu tôi với Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa tới. Ông này niềm nở bắt tay tôi, ngỏ ý cám ơn là đã thoái vị, và nói tiếp:


- Chúng ta sẽ làm việc chung với nhau, cho nền độc lập quốc gia.


Bữa ăn rất giản dị. Thoạt tiên, Võ Nguyên Giáp nói mấy câu chúc tụng, rồi câu chuyện chỉ loanh quanh trong vấn đề xã giao. Tiệc khá ngắn ngủi, và ai nấy rút lui.


Hôm sau, lúc 11 giờ, tôi gặp Hồ Chí Minh, diện đối diện tay đôi. Thái độ của ông khác hẳn lần trước. Ông tỏ ra hết sức lễ độ, dùng tiếng Ngài để gọi tôi. Tiếng này coi như tương đương với tiếng xưng hô Hoàng thượng. Chỉ còn có nước là xin lỗi bất đắc dĩ lắm, mới phải cầm quyền.


- Thưa Ngài, tôi không liên quan gì đến bức điện mà Ngài nhận được ở Huế, yêu cầu thoái vị. Riêng cá nhân tôi, như đã từng nói hôm 22 tháng 8, tôi vẫn nghĩ vẫn để Ngài lãnh đạo quốc gia, và đặt tôi vào địa vị Thủ tướng, lãnh đạo chính phủ mà thôi. Tôi không đồng ý với những người đã ép Ngài đến chỗ thoái ngôi.


Tôi cũng trả lời bằng một giọng trang trọng, và gọi ông ta bằng Cụ, và trấn an ông rằng tôi chỉ muốn được là một công dân thường, để xây dựng nước Việt Nam mới, thống nhất và độc lập.


Ông ta thoải mái ra mặt, và vẽ ra một hình ảnh rất lạc quan về tình thế hiện tại, hầu như quên mất thái độ đè dặt vừa qua:


- Tất cả mộng ước của chúng ta sẽ đạt được hết. Chẳng những thống nhất và độc lập mà tất cả các nước Đồng minh sẽ công khai chấp nhận, mà nhờ sự chấm dứt chiến tranh lẫn sự thất trận của Nhật, hoàn cảnh sẽ giúp ta mở đầu một thể chế đồng nhất, ai cũng như ai để có một tương lai rực rỡ. Toàn dân sẽ hăng say hưởng ứng, đồng lao cộng tác giữ nền độc lập này. Độc lập là hai tiếng thiêng liêng ở đầu óc toàn dân, sẽ là nguồn thiêng tác động. Nay thì cái gì cũng có thể đạt được.


Mặc chiếc vareuse hở cổ, đi dép Bình Trị Thiên, râu cằm lơ thơ, Hồ Chí Minh giống như một ông đồ nho hay một triết nhân, thích ngâm thơ vịnh phú hơn là làm chính trị. Người gầy gò mảnh dẻ, mắt sáng quắc đầy nhiệt tâm, ông có một nhãn lực lôi cuốn vừa đạo mạo, vừa độc đáo. Lời nói cũng chan hòa nhân ái, như bác bỏ mọi bạo động, hận thù. Ông như đã nắm vững được thực tại và nhu cầu của Việt Nam lúc ấy. Ông cũng có một nhận xét sắc bén về tiến trình lịch sử, do sự tự học khá rộng rãi về các thế giới Tây phương, về Nga và Trung Hoa.



Trong câu chuyện dài hơn một giờ ấy, ông kết luận:


- Thưa Ngài, xin Ngài đừng quên rằng Ngài là bậc quốc phụ, vì vậy tôi xin Ngài vui lòng tham dự buổi hội họp của Hội đồng Bộ trưởng, và nhận chức Tối cao Cố vấn cho chính phủ.


Lời mời ấy thật bất ngờ đối với tôi. Thật sự, tôi không nghĩ đến hình thức này mà tôi sẽ tham dự để kiến tạo nước Việt Nam mới, nhưng quả thật, ông cụ này đã thành thực hăng say với nền độc lập và thống nhất của đất nước. Tôi nhận lời.


Hội đồng Bộ trưởng họp mỗi tuần một lần. Kể từ ngày 8 tháng 9, tôi dự là lần đầu tiên.


Chúng tôi cùng ngồi xung quanh một chiếc bàn, từng là bàn ăn thết tôi hôm trước. Giáp giới thiệu với tôi từng người. Ông ta là người độc nhất mà tôi biết cùng với Trần Huy Liệu là người tôi đã trao cho ấn tín ở Huế, nay là bộ trưởng bộ Thông tin. Còn những người khác, tôi chưa quen biết: Chu Văn Tấn, bộ trưởng bộ Quốc phòng; Phạm Văn Đồng, bộ trưởng bộ Tài chánh; Nguyễn Mạnh Hà, bộ trưởng bộ Kinh tế; Vũ Trọng Khánh, bộ trưởng bộ Tư pháp; Dương Đức Hiền, bộ trưởng bộ Thanh niên; Đào Trọng Kim, bộ trưởng bộ Công chính; Nguyễn Văn Tố, bộ trưởng bộ Xã hội; Phạm Ngọc Thạch, bộ trưởng bộ Y tế; Lê Văn Hiến, bộ trưởng bộ Lao động; Vũ Đình Hòe, bộ trưởng bộ Giáo dục; Cù Huy Cận, và Nguyễn Văn Xuân, bộ trưởng không bộ nào.


Ngoại trừ Phạm Văn Đồng tuổi hơi cao ít nhiều, tất cả đều ở cùng một thế hệ. Giữa họ với nhau, tỏa ra một bầu thân ái, trẻ trung y như một nhóm bạn hữu đã từng quen thân với nhau.


Thực tế, Hội đồng này gồm ba loại.


Loại “tiền phong” bạn chiến đấu kỳ cựu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, như Trần Huy Liệu. Họ đã sống lâu năm ở Nga và Trung Hoa, thường là lén lút và không lạ các nhà tù. Rất ác cảm với Pháp.


Loại thứ hai gồm những người trước gọi là Giáo sư trường Thăng Long, một trường trung học tư thục, mà ban giáo sư tạo thành lớp trí thức cấp tiến về chính trị. Trong số này có Võ Nguyên Giáp. Bọn này có cả đảng viên đảng Cộng sản, được hoạt động công khai dưới thời Chính phủ Bình dân ở Pháp, như Phạm Văn Đồng. Đa số đều xuất thân từ nền văn hóa Pháp, nên không mấy xuất ngoại. Kém hăng say hơn bọn trên, họ đều là ngừời thông minh, có tinh thần cởi mở. Rất chống đối chế độ thức dân, họ hăng say với nền độc lập, nhưng không muốn đoạn tuyệt với Pháp.


Cuối cùng, coi như bọn “liên kết” như Dương Đức Hiền, cựu Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Hà Nội, hay Nguyễn Mạnh Hà, từng chỉ huy Đoàn Thanh niên Thiện chí Công giáo. Đa số đều là những kỹ thuật gia, tốt nghiệp từ các đại học đường của Pháp. Họ thường bất mãn vì không có nhiệm sứ xứng đáng với văn bằng và khả năng của họ.



Hồ Chí Minh chủ tọa, ngồi ở đầu một phía bàn, và mời tôi ngồi đối diện với ông ta ở đầu phía kia.


Buổi họp ban đầu có tôi dự ấy, dành để bàn về thiết lập một Quốc hội Lập hiến. Quốc hội này sẽ được phổ thông đầu phiếu do tất cả công dân Việt Nam, nam cũng như nữ, tuổi từ 18 trở lên. Sẽ có đại biểu của các sắc dân ít người, để bình đẳng với người Kinh.


Trong buổi họp này cũng đề cập đến vấn dề chống nạn mù chữ; mở một phong trào Bình dân Học vụ, dạy về ban tối, để bắt buộc mọi người chưa biết đọc biết viết, phải đi học chữ quốc ngữ.


Về mặt xã hội, đặt ra định lệ, làm ngày tám giờ, định lương tối thiểu, và đặt trách nhiệm đối với giới chủ nhân và tư bản.


Cuối cùng, Hội đồng biểu quyết bãi bỏ thuế thân, gọi là “thuế nô lệ” vì trong lãnh vực kinh tế, có liên can đến một quyết định quan trọng đã được biểu quyết về đầu tháng, tuyên bố cho phép tự do vận chuyển lúa gạo.


Từ đó, trong thời gian tôi ở Hà Nội, từ 9 đến 1 giờ, tôi vẫn dự các Hội đồng Bộ trưởng hàng tuần.


Rất nhanh chóng, tôi nhận xét được như sau:


Dù họ là cựu tù nhân, giáo sư hay kỹ thuật gia, các người cầm đầu chính phủ này chẳng phải là nhân vật chính trị. Đã đành rằng, họ không đến nỗi chân chẳng đến đất, cật chẳng đến trời, để bị mê lú với quyền bính, họ cũng chẳng biết làm cách nào để đặt một kế hoạch cho tương lai đất nước. Họ đành gặp đâu hay đấy. Các cuộc hội họp của chính phủ, giống y như các cuộc hội họp của các sự bàn cãi của tòa thị chính nhiều hơn là sự nghiên cứu đường hướng dự trù về quốc gia đại sự, hay đối phó với những biến chuyển quốc tế. Những người đó cũng biết rằng ảnh hưởng của họ chưa thể vượt khỏi vòng đai các đô thị lớn như Hà Nội, Huế, v.v … Tại chỗ, họ tìm cách để giữ thể điện, để giữ trị an, hầu tỏ quyền năng của họ cho phái đoàn quốc tế đang bắt đầu sang Hà Nội. Than ôi, ở vùng thôn dã, đây quả là một cuộc cách mạng đổ máu và tàn bạo, một sự nhiễu loạn, rối bời.


Những biện pháp đầu tiên đã đưa đến những kết quả tai hại. Mở cửa cấp tốc các nhà tù, các trại giam, hầu nhặt vài cán bộ chính trị, đã thả ra khắp phố phường và hầu như khắp nước, cả một đông cặn bã sẵn sàng làm bậy. Việc thủ tiêu toàn bộ Hội đồng Kỳ mục để thay vào bằng Ủy ban Nhân dân, đã đưa đến sự tan rã nền cai trị tự nhiên sẵn có của xã hội. Việc bãi bỏ ngành quan lại, văn và võ, cũng để thay vào bằng một hệ thống cán bộ tương tự, làm tan nát các cơ cấu quốc gia.


Trong hoàn cảnh bất lực thực hiện một nền cách mạng xã hội chân chính, mà toàn dân đều mong muốn, chính phủ đã bở hơi tai để đi tìm một sự đáp ứng tạm thời. Họ chỉ tìm thấy một sự mị dân rẻ tiền và sự động viên cuồng tín, hầu cứu vãn nền độc lập. Vội vàng, họ cố gắng đặt cơ cấu mới. Thế là đưa ra bao nhiêu hội, như hội Phụ lão Cứu quốc, Phụ nữ Cứu quốc, Thanh niên Cứu quốc, Công nhân Cứu quốc hay đặt ra các đội Tự vệ thành, Dân quân Tự vệ xã, Thanh niên Quyết tử …


Hơn nữa, tôi lại nhận thấy các Bộ trưởng thân cận với Hồ Chí Minh, bọn người thuộc lớp đồng chí lâu năm của ông ta, giữ độc quyền về tất cả guồng máy điều khiển nhân dân. Thí dụ như Trần Huy Liệu, đã nắm trong tay toàn bộ phương tiện tuyên truyền, còn cấu tạo ra một lợi khí nặng nề để củng cố tân chính quyền. Đầu tháng chín, Việt Minh chiếm đài phát thanh Bạch Mai, và trưng thu tất cả các phương tiện về báo chí, ấn loát; từng kho giấy, các nhà in. Nhờ cuộc tảo thanh này, Việt Minh đã có phương tiện để tung ra ở Hà Nội, hai tờ nhật báo, là tờ Cứu Quốc và tờ Độc Lập, và ở Huế, tờ Quyết Chiến.



Dần dà tôi khám phá ra được bộ mặt thật của Hồ Chí Minh.


Một hôm, trong một cuộc họp của Hội đồng Chính phủ, do sự sôi nổi tranh luận giữa vị Chủ tịch và một bộ trưởng. Vũ Trọng Khánh, bộ trưởng bộ Tư pháp, ngồi ở bên phải tôi, đã chìa ra cho tôi xem một cuốn sách nhỏ, và nói:


- Thưa Ngài, hẳn Ngài đang ngạc nhiên về những phản ứng của Chủ tịch của chúng ta. Xin Ngài đọc đây thì hiểu.


Tôi liền đọc đầu đề cuốn sách Đời của Nguyễn Ái Quốc, do tác giả là A. Marty, chánh mật thám của phủ Toàn quyền Pháp cũ.


- Trong ấy nói gì, tôi hỏi.


Khánh nhìn tôi, và ra dấu bằng đầu để chỉ cho biết Chủ tịch Hồ Chí Minh đang đi ra, vào sát chỗ chúng tôi ngồi. Hồ Chí Minh nhìn cuốn sách tôi đang cầm, hơi nhún vai, và mỉm cười một cách tinh quái, không nói một lời.


Về đến nơi ở, tôi liền đọc tiểu sử của Nguyễn Ái Quốc.


… Sự giao dịch của tôi đối với các “đồng nghiệp” rất là tốt đẹp. Họ cho tôi thuộc cánh của họ. Nếu tôi có gọi họ là “anh,” họ vẫn kêu tôi bằng “Ngài”. Đó là do Hồ Chí Minh đã đòi hỏi họ như vậy. Tôi thường có thân tình giao hảo với Vũ Trọng Khánh, vốn không thuộc đảng Cộng sản, và như vậy hơi lẻ loi riêng biệt. Chúng tôi thường gặp nhau vào ban chiều, và thường nói chuyện với nhau khá lâu. Là người có nhiều thiện chí, ông ta chỉ quan tâm đến hạnh phúc của nhân dân. Những tin từ các tỉnh gửi về làm cho ông buồn rầu không ít. Có thể là tình thế rất đáng lo ngại. Các tỉnh ở miền Bắc Việt Nam bị cô lập gần như hoàn toàn, làm cho mọi sự tiếp tế khó khăn, nên nạn đói hoành hành mạnh mẽ. Bởi vậy, không có gì phải ngạc nhiên, nếu dân chúng có phản ứng ghê gớm. Nhiều cuộc bắt bớ, nhiều chuyện mất tích, và ám sát gần như ở khắp nơi.


Tôi được tin Phạm Quỳnh, cựu thủ tướng của tôi đã bị bắt, rồi đến Ngô Đình Khôi, anh của Ngô Đình Diệm cùng bị bắt với người con trai cả là Ngô Đình Huấn vốn là bí thư của Đại sứ Yokoyama. Tôi đến gặp Hồ Chí Minh để xin can thiệp. Tôi bảo ông ta:


- Tất cả mọi người tìm cách để phụ giúp Cụ, trong đó có tôi là người đầu tiên. Xin Cụ hãy chứng tỏ sự khoan dung đại độ. Khi mới bắt đầu lên nắm chính quyền, Cụ đã thả hết các tù phạm, tất cả các người bị giam cầm. Xin Cụ hãy ra lệnh tha hết các tù nhân bị bắt kể từ ngày ấy đến nay.


- Thưa Ngài, thật khó có thể làm được, vì dân chúng sẽ không thể hiểu nổi.


- Nếu vậy, ít nhất xin Cụ cho thả các cựu cộng sự viên của tôi. Họ không có trách nhiệm gì.


- Vâng, tôi sẽ cố gắng lo việc ấy …


Thật sự, hai người đầu tiên (Phạm Quỳnh và Ngô Đình Khôi) đều đã bị giết, mà ông Hồ vẫn không biết một tí gì.


Ít lâu sau, Phan Anh, cựu thượng thư của tôi đến gặp tôi. Ông ta đã tiếp xúc với Léon Pignon. Ông này yêu cầu tôi can thiệp để thả Pierre Messmer. Vị thứ hai này được cử làm thượng sứ Pháp ở Bắc kỳ, nhảy dù xuống bị rơi vào một chiến khu Việt Minh, nên bị bắt cùng với hai đồng hành của ông ta.



Ngay chiều hôm ấy, tôi có nói với Hồ Chí Minh, nhưng không đạt kết quả nào. Sau tôi mới rõ Messmer may mắn đã vượt thoát được, rất khó khăn.


Tuy nhiên, Hồ Chí Minh vẫn cố gắng chinh phục tín nhiệm của tôi. Trong những cuộc gặp gỡ thường xuyên, chỉ có tôi với ông ta, ông vẫn giữ thái độ chỉnh tề, vừa niềm nở vừa lễ độ, gần như nhiễm tình phụ tử. Phải chăng ông ta đã đóng trò, hay là một tác phong quan cách cổ xưa còn tiềm tàng nơi huyết quản? Dù sao nữa, tinh thần hữu nghị của chúng tôi rất hoàn hảo, và trong bất cứ cuộc nói chuyện nào, cũng không bao giờ đá động đến những lý thuyết chính trị này nọ. Ông ta thường mời tôi đi cùng với ông trong mọi cuộc thương thuyết, hay vận động. Chúng tôi đến thăm Jean Sainteny được cử thay Pierre Messmer, ở địa vị thượng sứ Pháp ở Bắc kỳ. Đây là lần độc nhất mà tôi gặp ông này. Sainteny đã viết rằng, sau đó ông ta có yêu cầu được gặp tôi nhiều lần, mà không có trả lời. Các sự yêu cầu này chẳng bao giờ đến tay tôi cả.


Chúng tôi cũng từng đi với nhau đến thăm người Mỹ, và chúng tôi đã gặp một đại diện của họ: Nhân vật đặc biệt Lansdale và Thiếu tá Patti, và về sau cả Tướng Gallagher nữa. Trong những dịp này, tôi mới biết là Hồ Chí Minh nói được tiếng Anh một cách khá sõi.


Trong những dịp tiếp xúc này, tôi thường nhường bước ông trước mặt quan khách. Mỗi lần như thế, tôi đều nói: “Thưa Cụ Chủ tịch, tôi xin mời Cụ, tôi xin theo sau Cụ, vì tôi chỉ là một viên cố vấn mà thôi … ”


Ngược lại, nếu chúng tôi cùng đến một cuộc hội họp hay trước đám đông nào, nếu có ai đưa chúng tôi đi, thì bao giờ ông cũng để tôi đi về bên tay phải của ông ta. Tôi liền hiểu được ý nghĩa của sự sắp đặt này. Chính phủ dù có hiện hành, nhưng chưa được Đồng minh công nhận. Sự có mặt của tôi, giúp cho ông ta một hình thức chính thức dùng làm chiếc bình phong gánh đỡ mà thôi.


Đầu tiên, cuộc sống có vẻ bình thản ở Hà Nội. Các nhà báo đặt tiệc ca ngợi tôi đã hy sinh ngai vàng vì hạnh phúc của nhân dân. Nhưng tình hình kinh tế bị suy thoái thê thảm. Hàng nghìn người, đàn ông, đàn bà và trẻ con, chết như rạ vì đói, trong khi hàng nghìn tấn gạo mốc thối ra ở Sài Gòn. Vụ lúa tháng mười mất mùa, vì hạn hán, sạu vụ lụt ghê gớm.


Bãi bỏ thuế má, xáo trộn hành chánh làm trống rỗng ngân khố quốc gia. Chính phủ dùng biện pháp lắt léo để cứu vãn tình thế, kêu gọi nhân dân tự động đóng góp, và thi đua ái quốc. Các bộ trưởng và nhân viên cao cấp phải làm gương trước để làm việc không lương. Tôi cũng phải góp phần như họ. Chúng tôi chỉ được ở, còn ăn thì nhờ vào thiện chí của những nhà giàu.


Tuần lễ Vàng được mở ra để mua súng đạn cho binh sĩ của quân đội nhân dân anh hùng. Lần khác, thì là miếng cơm cứu đói, mọi người nhịn ăn một bữa trong tuần lễ để cứu trợ người nghèo. Mặc dù chiến dịch ấy được phổ biến rầm rộ, kết quả cũng không lấy gì làm dồi dào.


Trong một cuộc họp của Hội đồng Bộ trưởng, Phạm Văn Đồng báo cáo, trong ngân quỹ chỉ còn đúng có 3 đồng 25 xu. Trong sự hỗn độn tột cùng, người ta quyết định đánh thuế gián thâu về các hàng ăn. Đó là các hàng hóa cuối cùng còn được đem ra để bán. Thế là mỗi người kể ra, hỗn độn, các sản phẩm có thể đánh thuế:


- Con gà đi …

- Con vịt đi …

- Con trâu đi …


Không thể nhịn được sự kê khai điên rồ, lố bịch đó, tôi nói tiếp:


- Các anh còn quên con chó …


Người cười đầu tiên là Hồ Chí Minh. Sự riễu cợt của tôi xẹp xuống, vì đa số bộ trưởng đều người miền Trung, nên không ai hiểu nổi câu “miếng dồi chó” của miền Bắc.



Vài hôm sau, Hồ Chí Minh nói tất cả sự khó khăn hiện tại với tôi, và phàn nàn là không được bộ trưởng nào giúp đỡ đắc lực trong công cuộc điều khiển quốc gia. Tôi bảo:


- Sao Cụ không kêu gọi những đồng bào đã từng du học ở Pháp? Họ đã có kinh nghiệm điều khiển quốc gia rất quí báu.


- Tôi không thể tin họ được Ông Hồ đáp. Họ thân Pháp quá độ, và cũng không thành thạo mấy về nội tình ở nước ta, do đã xa cách lâu ngày.


- Cụ nhầm đấy, tôi phản đối. Trong bọn chúng ta đây, chúng ta chống Pháp hơn ai hết. Như Cụ chẳng hạn, Cụ đã sống lâu năm ở ngoại quốc. Vậy mà Cụ rất thấu triệt tâm hồn Việt Nam.


Sự tham gia vào các cuộc bàn cãi quốc gia này, làm tôi nhớ lại các kinh nghiệm cũ của tôi. Tôi lại thấy trở lại cùng một vấn đề, đã từng thảo luận với Ngô Đình Diệm, với Phạm Quỳnh, với Trần Trọng Kim. Thật là những người cao khiết, đầy tinh thần trách nhiệm, rất tài ba, sung mãn, nhiều ý kiến, nhưng chỉ khổ nỗi không có phương tiện để thực hiện quyền hành. Thế mà, các đồng nghiệp của tôi bây giờ, lại chỉ là những nhà lý thuyết suông. Họ ngây thơ đối với tâm lý con người, đến độ không tưởng. Tuy sấp sỉ tuổi của đa số trong bọn họ, kinh nghiệm của tôi về lãnh vực này còn cao lớn gấp bội. Mười lăm năm cầm quyền, đứng đầu chính phủ, tôi đã hiểu thấu bao mưu vọng, ý đồ, bao thủ đoạn khốn nạn đến độ rằng, tôi đi guốc được vào ruột gan của con người, đã hành động vì mục đích gì, chẳng mấy khi sai …


Một buổi chiều Hồ Chí Minh bảo tôi:


- Thưa Ngài, trong thời gian Ngài vắng mặt, chúng tôi đã nhân danh Ngài để gửi một thông điệp cho nước Pháp. Đây thưa Ngài bản thông điệp ấy.


Ông ta chìa ra một tờ giấy trên đó, tôi đọc:


“Thông điệp của Hoàng thân Vĩnh Thụy, cựu Hoàng đế nước Việt Nam, gởi cho nước Pháp,


Đầu tiên, tôi xin tỏ bày cùng chính phủ Cộng hòa Pháp Quốc, và tôi trân trọng thông báo rằng, tại Việt Nam, đã thiết lập một nước dân chủ cộng hòa …


Dù xa cách nhau hàng nghìn cây số, tôi xin mời các bạn cùng tôi, chúng ta tay nắm tay, nhảy hòa bình với nhau để mừng cho nền hòa bình và tình hữu nghị giữa hai dân tộc chúng ta.


Vĩnh Thụy.


Ký tên: Hoàng thân Vĩnh Thụy, cựu Hoàng đế Bảo Đại, cố vấn tối cao nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.”


Ngày 27 tháng 2, mới 7 giờ sáng, tiếng chuông điện thoại reo vang. Đó là Hồ Chí Minh gọi tôi:


- Thưa Ngài, tôi có thể đến gặp Ngài ngay bây giờ?


Thấy tôi bảo được, ông ta đến ngay. Trông ông ta tuyệt vọng ra mặt, và người tiều tụy bé nhỏ hẳn lại hơn thường nhật. Mới vào, ông ta bảo tôi:


- Thưa Ngài, tôi không biết làm thế nào bây giờ? Tình thế rất khó khăn. Tôi biết chắc rằng bọn Pháp không muốn điều đình với tôi. Tôi không được Đồng minh tín nhiệm. Ai cũng thấy tôi quá “đỏ”. Vậy tôi xin Ngài, làm cuộc hy sinh thứ hai là Ngài nhận lại quyền hành như trước.


- Tôi đã nhận thoái vị, và tôi không bao giờ muốn trở lại nữa. Hẳn Cụ biết, tôi không có tham vọng chính trị nào, và tự đặt một cách thành tín dưới quyền điều khiển của chính phủ dân chủ cộng hòa …


Ông ta nài nỉ:


- Ngài thay chỗ cho tôi, và tôi lại trở thành cố vấn thay Ngài …


- Thế nhưng ai trao quyền cho tôi bây giờ?


- Ngài sẽ được Quốc hội tấn phong, y như kiểu tất cả bên chính phủ dân chủ thường làm.


- Thế nhưng tôi có quyền tự do lập chính phủ theo tôi, hay là phải lấy các nhân viên của Cụ?


- Ngài được tự do hoàn toàn để lấy ai, tùy Ngài. Ông ta trấn an tôi như vậy.


- Nếu Cụ cho rằng, quyền lợi và nền độc lập của quốc gia đòi hỏi, thì tôi nhận. Nhưng tôi xin Cụ để cho tôi một chút suy nghĩ và thăm dò các bạn hữu của tôi đã.



Từ biệt ông ta, tôi dùng điện thoại gọi ông Nguyễn Xuân Hà và Trần Trọng Kim và bảo họ rằng:


- Tôi có một đề nghị quan trọng muốn bàn với các ông. Hãy tập họp ngay với các bạn bè, tôi sẽ đến sau.


Đến tám giờ rưỡi, tôi đến nhà họ. Tôi cho họ biết sự nói chuyện giữa Hồ Chí Minh với tôi, đề nghị của họ Hồ. Tôi bảo họ:


- Các ông có cho rằng, đây là một cái bẫy sập?


Không ai nghĩ là thế, và Trần Trọng Kim bảo tôi:


- Ai cũng biết rằng Việt Minh đang thường xuyên gặp gỡ Sainteny, và sự chuẩn bị ký kết với Pháp đang được bàn cãi. Đề nghị của Hồ Chí Minh là thành thực, nếu ông ta không ký được các khoản ấy. Theo ý tôi, thì thưa Ngài, Ngài nên nhận lời.


Đến 10 giờ sáng, Hồ Chí Minh lại gọi tội, và thúc giục tôi nhận lời.


- Ngài đã gặp các bạn chưa? Xin Ngài đừng để mất thời gian, và xin cho biết danh sách để trình trước Quốc hội.


Đến trưa, tôi gọi cho ông ta và bảo là tôi đồng ý. Trong thời gian chờ đợi này, tôi hiểu là một trong bọn người của họ vừa thảo luận với tôi, đã liên lạc được với Thiếu tá Buckley, của cơ quan OSS. Viên này không tỏ ý ngạc nhiên gì về thái độ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, và đã hứa là người Mỹ sẽ trung lập về vấn đề này, vì đó là thuộc hoàn toàn nội bộ của Việt Nam.


Bảo Đại ngồi bên trái Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người ngồi bên phải ông Hồ là Chuẩn tướng Mỹ Philip Gallagher, người đứng đầu phái đoàn Mỹ tại Hà Nội cho đến tháng 12/1945.

Đến 13 giờ, thì chuông điện thoại lại reo. Hồ Chí Minh mời tôi đến gặp ông ta.


Khi tôi đến, tôi nhận thấy thái độ khác hẳn của ông ta. Ông có vẻ như bị bất mãn, mà nay đã lấy lại được thăng bằng.


- Thưa Ngài, xin Ngài hãy quên những điều tôi nói ban sáng. Tôi không có quyền từ bỏ trách nhiệm, vì hoàn cảnh khó khăn. Trao trả lại quyền cho Ngài lúc này, có thể coi như sự phản bội của tôi. Tôi xin Ngài tha lỗi cho một phút yếu lòng, và đã nghĩ trong trường hợp này, trả lại trách nhiệm cho Ngài, tôi đã nghĩ đến từ nhiệm, nhất là do sự đối lập của các đảng phái quốc gia, đối với các điều khoản mà tôi sẽ ký với Pháp.


Lư Hán làm áp lực với phe quốc gia – nhất là với Việt Nam Quốc Dân Đảng – để buộc họ phải tham gia vào chính phủ. Như vậy, họ sẽ phải chịu chung trách nhiệm về chữ ký trong bản hiệp định giữa người Pháp và Việt Minh, làm cho Việt Minh khỏi mang một mình trách nhiệm trước công luận.


Kể từ phút ấy, Hồ Chí Minh yêu cầu tôi cùng làm việc với ông ta trong các dự thảo các bản hiệp định quí hóa này. Chiều nào trong một tuần lễ liền, chúng tôi cũng gặp nhau. Ý thức được sự yếu ớt của mình và của Việt Minh, Hồ Chí Minh rất băn khoăn muốn tiến tới một kết quả. Đối với ông ta, nhờ hiệp ước ký với Pháp, ông ta sẽ rũ được bọn Tàu. Đó là mục đích chính và duy nhất mà ông ta theo đuổi: Đuổi Tàu ra, rước Pháp vào.



Hồ Chí Minh vừa được sự đồng tình của các đảng phái, không muốn để mặc sự việc tự ý xảy ra, liền quyết định cử một phái đoàn đến gặp Thống chế Tưởng Giới Thạch ở Trùng Khánh. Ông ta mời tôi tới, và yêu cầu tôi nhân danh Cố vấn Tối cao chính phủ, để cầm đầu phái đoàn, vốn đại diện cho mọi xu hướng chính trị khác nhau. Ông ta sợ bị các tướng quân phiệt Tàu phản bội, và mong rằng sự có mặt của tôi và thành phần của phái đoàn sẽ làm cho Thống chế có thiện cảm với chính phủ lâm thời. Thế mà Trùng Khánh vừa thỏa hiệp cho phép quân đội Pháp được đổ bộ ra Hà Nội. Sainteny đã báo cho Hồ Chí Minh biết. Hơn nữa, Trùng Khánh không bao giờ công nhận chính phủ của chúng tôi. Trong trường hợp ấy, tôi không thể nào nhận được công tác và giải thích với chủ tịch:


- Cụ không nên mạo hiểm thế được. Với hiệp ước vừa mới ký giữa Trùng Khánh và Pháp, Tưởng Giới Thạch sẽ không tiếp tôi. Như vậy, thì cả Cụ lẫn tôi, đều mất mặt.


Hồ Chí Minh cho là đúng, và chúng tôi đến chỗ ấy, nhưng ông ta vẫn cử một phái đoàn không có tôi trong đó.


Cũng ngày hôm ấy, quân đội Pháp đổ bộ Hải Phòng và đã có chạm súng nặng nề; có nhiều người chết. Tôi cần phải giữ mình cho tương lai. Người Pháp đã quyết định điều đình với Hồ Chí Minh, sự có mặt của tôi không nên làm cản trở tình thế … Ngày hôm sau, tôi đến trụ sở của chính phủ, để gặp Hồ Chí Minh và bảo ông ta:


- Cụ chẳng cần đến tôi ở đây. Giáp và Đồng sẽ giúp đỡ cụ. Tôi đi chơi một chuyến sang Tàu.


- Thưa Hoàng thượng, được lắm. Ông ta trả lời tôi với sự hài lòng. Ngài có thể đi chơi, rất bình thản. Đừng ngại gì, vì chúng ta đang làm việc cho hạnh phúc của nhân dân Việt Nam.


Các chuyến bay với nước Tàu, lúc ấy không nhiều. Cuối cùng, tôi đi cùng với phái đoàn chính phủ. Phái đoàn này gồm sáu người: bốn đại diện cho Việt Minh và hai là người của Việt Nam Quốc Dân Đảng …


Trước thất bại ấy, phái đoàn chuẩn bị trở về Hà Nội. Tôi cũng quyết định đi cùng một chuyến máy bay ấy. Đã một tháng qua, kể từ khi chúng tôi rời Hà Nội.


Trong khi chúng tôi sửa soạn để lên máy bay, thì một mảnh điện tín được mang đến cho tôi. Đây là bức điện của Hồ Chí Minh:


“Thưa Ngài, công việc ở đây đang tốt đẹp. Ngài có thể đi chơi nữa. Hơn nữa, Ngài sẽ rất có ích cho chúng tôi, nếu vẫn ở lại bên Tàu. Đừng lo ngại gì ca. Khi nào sự trở về của Ngài là cần thiết, tôi sẽ báo sau. Xin Ngài cứ tịnh dưỡng để sẵn sàng cho công tác mới.


Ôm hôn thắm thiết.


Ký tên: Hồ Chí Minh.”


Ông chủ tịch không muốn tôi trở về. Tôi chào từ biệt phái đoàn, họ vội lên máy bay ngay.


… Thời gian cứ qua đi, ngày nào cũng giống ngày nào. Vài cuộc gặp gỡ ở khách sạn Gloucester. Chính tại đây, vào trung tuần tháng 11, tôi thấy Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đến tìm. Ông này trước là giám đốc Phong trào Thanh niên Nam bộ, dưới thời Trần Trọng Kim, rồi làm bộ trưởng không bộ của chính phủ lâm thời năm 1945, nay là chánh văn phòng của Hồ Chí Minh.


- Hoàng thượng, tôi đến từ Quảng Châu (Canton) và tôi được Hồ chủ tịch trao cho sứ mạng tìm gặp Ngài. Chủ tịch gửi lời kính thăm Ngài, và yêu cầu tôi đệ trình Ngài cái này.


Nói xong ông ta lấy từ trong cặp ra, một gói giấy mà ông đưa cho tôi. Đây là mấy lạng vàng lá. Với số này, tôi có thể sống được vài tháng.


- Xin ông gửi lời tôi đa tạ chủ tịch về những lời thăm hỏi và cho quà. Nay xin ông cho tôi biết tình hình sang Pháp của chủ tịch ra sao.


… Một thông tín viên hãng United Press hỏi tôi về lời tuyên bố này:


- Thưa Ngài, với địa vị là cố vấn tối cao chính phủ Hồ Chí Minh, Ngài có nhận lãnh đạo phái đoàn điều đình hay không?


- Không, tôi không nhận điều đình với tư cách cố vấn tối cao …


Câu trả lời ấy có vẻ mập mờ, nên đã được người ta bàn tán xôn xao. Trước mắt quần chúng, quả nhiên tôi vẫn là cố vấn tối cao. Đó là một lá bài mà tôi chưa muốn từ bỏ, nhưng tôi đã quyết định dứt khoát cắt đứt với bọn người đã làm đổ máu, và muốn thắng ở chỗ mà họ đã thất bại.


… Để cụ thể hóa sự trả lời của tôi đối với Cousseau, và đánh dấu thời gian này, ngày 5 tháng 7 năm 1947, tôi cho phép tờ báo Union Française (Liên hiệp Pháp) ở Sài Gòn được đăng lời tuyên bố của tôi sau đây:


“Nếu tất cả dân chúng Việt Nam đều đặt tín nhiệm nơi tôi, nếu mặt khác, sự hiện diện của tôi có thể góp phần đem lại sự giao hảo của dân tộc tôi với người Pháp, tôi sẽ sung sướng để trở về nước. Tôi không ủng hộ Việt Minh và cũng không chống Việt Minh. Tôi không theo đảng phái nào … Đề nghị của tôi là muốn đóng vai trò hòa giải giữa nước Pháp với các phe phái ở Việt Nam.”



Không để mất thì giờ và sự hấp tấp của ông ta chứng tỏ ông ta không đồng quan điểm này – Hồ Chí Minh vội vã trả đũa ngay. Ngày 19 tháng 7, ông ta cải tổ lại chính phủ. Những bộ trưởng quá lộ liễu do hình thức, đều bị hy sinh. Như vậy, Giáp không còn ở trong chính phủ nữa, nhưng lại giữ chức Tổng tư lệnh quân đội. Sau cuộc cải tổ, thành phần chính phủ gồm ba cộng sản, bốn dân chủ, bốn xã hội, hai quốc gia, ba Công giáo, một Phật giáo, tám trung lập, hai quan lại. Tuy nhiên, cộng sản, xã hội, và dân chủ giữ những chức vụ then chốt. Ván cờ đã bắt đầu gay cấn.


Ngày 22 tháng 7, Bollaert từ Pháp về, mở một cuộc họp báo:


- Chúng tôi chờ đợi ở sự xung đột này, không có kẻ thắng, người thua. Chúng tôi chỉ loại trừ ra khỏi cuộc đàm phán này, những kẻ địch không thể điều đình được bởi mất trí, và những kẻ làm chính trị điên khùng. Như vậy, với tất cả các đảng phái, đoàn thể, phe nhóm, trong một tinh thần yêu nước, chúng tôi muốn mở cuộc đàm phán cho một nền hòa bình vĩnh cửu …


Vài ngày sau, Hồ Chí Minh phản pháo bằng cách tiết lộ công khai sự mặc cả của Paul Mus vào tháng năm, và tuyên bố:


- Ông ta đã bảo rằng chính phủ Pháp sẽ gửi cho chúng tôi một trả lời chính thức. Cho đến nay, chẳng có trả lời nào gửi cho chúng tôi … Ông Cao ủy lại tiếp tục nói rằng muốn đặt nền tảng cho một nền hòa bình vĩnh cửu với tất cả mọi đảng phái. Thế nhưng chính phủ Việt Nam chẳng những biết các đại diện của các đảng phái, mà còn biết cả những nhà ái quốc không thuộc đảng phái nào. Nếu ông Cao ủy thành thực muốn gặp các đảng phái chính trị xứng đáng với danh gọi, ông Cao ủy chằng cần phải tìm đâu xa …


Và rất khôn ngoan, dưới hình thức một câu trả lời cho một nhà báo phỏng vấn, ông này tiếp tục:


- Nhiều nhân viên chính phủ và cả tôi nữa, đều là bạn thân của Cố vấn Vĩnh Thụy, ai cũng khao khát được gặp mặt lại Cố vấn, và mong muốn người trở về, để cùng chúng tôi chăm lo việc nước. Nhưng hiện nay Cố vấn Vĩnh Thụy, chưa thể dời bỏ Hong Kong về được. Chúng tôi dù cách mặt, nhưng chẳng xa lòng. Chính phủ và dân chúng Việt Nam hoàn toàn tin tưởng vào lòng trung thành của Cố vấn Vĩnh Thụy, dù ở ngoại quốc, vẫn tiếp tục làm việc cho chính phủ quốc gia mà Cố vấn vẫn còn là một thành viên.


Lời phản pháo quả thực là đầy thủ đoạn, và cũng làm hoang mang nhiều người, bởi họ tin rằng cặp bài Bảo Đại – Hồ Chí Minh vẫn còn ăn ý bên nhau.


… Tôi quyết định cử Trần Văn Tuyên đi dò tại chỗ dư luận quần chúng. Ông ta thuộc Việt Nam Quốc dân đảng, nhưng nhận lãnh sứ mạng mà tôi ủy nhiệm. Sau khi về Hà Nội và Huế, ông ta đến Sài Gòn vào cuối tháng tám. Sau đó, tôi được biết, ông ta đã đi quá nhiệm vụ mà tôi trao phó, và đã tuyên bố nhiều lời sóng gió, coi như lời của tôi. Ông ta thường nhắc rằng:


- Hoàng đế Bảo Đại không còn tự coi là Cố vấn tối cao của chính phủ Hồ Chí Minh nữa. Ngài không phản đối sự liên kết với cụ Hồ, để điều đình với chính phủ Pháp, với điều kiện là sự hợp tác phải bình đẳng, và Việt Minh không được tự coi hơn các đảng phái khác …


… Trong số quan khách tiếp tục đổ đến Hong Kong, tôi thường gặp nhiều lần Thiếu tá Buckley của cơ quan chiến lược Hoa Kỳ (OSS) mà tôi đã từng gặp ở Hà Nội. Không đi sâu lắm, ông ta để cho tôi hiểu là Hoa Kỳ không thích Hồ Chí Minh và sẵn sàng yểm trợ cho bất cứ ai, có thể đưa lại độc lập cho Việt Nam, với điều kiện là không phải cộng sản là được …


Ngày 4 tháng 9, khi ông Bollaert trở lại Sài Gòn, tôi liền tung lời kêu gọi là “mời tất cả các lãnh tụ, bất cứ thuộc quan điểm chính trị nào, hãy đến Hong Kong ngày 9 tháng 9 để báo cho tôi biết hiện tình, hầu giúp tôi có thể đạt được kế hoạch thực hiện nền hòa bình trong danh dự và vĩnh cửu”.


Cao ủy Cộng hòa Pháp tại Đông Dương Emile Bollaert (phải) bắt tay cựu Hoàng đế Bảo Đại, trước cuộc gặp ngày 9/1/1948 tại Geneva. Ảnh: AFP


Ngày 9 tháng 9, có tất cả 24 vị đã đến Hong Kong.


… Ở Pháp, sau khi giải nhiệm số bộ trưởng cộng sản trong chính phủ, thì phe hữu tăng cường vị trí của họ. Mỗi ngày càng rõ ràng, họ sẽ không bao giờ điều đình với Hồ Chí Minh. Đảng Việt Minh không còn đất để chạy nữa. Như vậy thời gian đã điểm để tôi điều đình. Có hai dữ kiện thuận lợi cho tôi về vấn đề này.


… Cuối cùng, các hành động ủng hộ tôi đã liên tiếp nổi lên ở Huế, ở Hà Nội và Sài Gòn, trong suốt thời gian tháng chín.


Đúng vậy, thời gian đã đến rồi. Nay đến lượt tôi, lần đầu tiên, kể từ khi thoái vị, ngày 18 tháng 9, tôi gửi lời kêu gọi dân chúng:


“Đồng bào Việt Nam thân mến,


Để khỏi làm đổ máu đồng bào, tôi đã từ bỏ ngai vua của tổ tiên tôi,


… Từ nơi đất lạ mà hiện nay tôi trú ngụ, tôi vẫn theo dõi khi với hy vọng, khi với niềm chua xót, sự phát triển của những trang đời khốc liệt mới, đày bi thảm của lịch sử nước ta. Tôi không lạ gì niềm hy vọng, cũng như nỗi lo âu, sự băn khoăn về điều bất hạnh của đồng bào.


Mặc dù nền độc tài vẫn tìm cách bịt miệng đồng bào, ngày nay tôi đã nghe thấy tiếng gọi và tiếng kêu thương tuyệt vọng của đồng bào, đồng bào đã vẽ nên một bức tranh thống khổ, và kê khai bao điều bất hạnh mà dân tộc Việt Nam ta phải gánh chịu, sau hai năm kinh nghiệm, mà các chủ nhân của đồng bào đã nắm quyền cai trị tuyệt đối gây nên.


… Trong niềm tuyệt vọng, đồng bào đã chạy đến tôi. Đồng bào kêu gọi đến uy tín và quyền hành của tôi để đem về cho đất nước bị chiến tranh tàn phá…một nền hòa hình như ở các nước tự do và bình đẳng, một nền hòa bình căn bản của an ninh và trật tự.


Đồng bào mong mỏi rằng tôi sẽ là người đứng điều đình với nước Pháp …


Đáp ứng lời kêu gọi của đồng bào, tôi nhận sứ mạng mà đồng bào trao phó, và sẵn sàng để bắt liên lạc với nhà cầm quyền Pháp. Với họ, tôi sẽ nghiên cứu tất cả mọi khía cạnh của những lời đề nghị đối với chúng ta …”


… Cuối cùng, trong những ngày cuối tháng 11, tôi lại nhận được sự thăm viếng của Cousseau.


- Thưa Hoàng thượng, nay nhân vật Hồ Chí Minh đã bị gạt ra ngoài rồi, tôi được ủy nhiệm đến thưa với Ngài rằng, Cao ủy Bollaert ước mong sớm được gặp Ngài.

Comments


Không bao giờ bỏ lỡ bản tin mới

Đăng ký nhận thư từ Ngoài Kia

Cảm ơn bạn. Chúng tôi sẽ liên hệ sớm.

bottom of page