Bây giờ ở chợ Hòe Nhai, Hà Nội đã có bán loại lạc đỏ sậm, lạc 6 tháng và trứng vịt vỏ xanh, loại lòng đỏ lớn và thơm làm tôi nhớ tới chị Bát, người vợ của nhà biên kịch Tào Mạt. Người vẫn thường chạy chợ bán lẻ trứng vịt và lạc khô kiếm ít đồng thuốc thang cho chồng và chăm chút bữa ăn cho cả nhà.
Khi Tào Mạt phát bệnh ung thư, những cơn đau không căn cớ, đau nhẹ ông lại dắt xe đạp ra đường để cố quên. Chỉ mãi đến khi đau nặng ông mới chịu vào Viện Quân y - 108. Ông là tác giả của kịch bản chèo "Cái Balô", "Chị Tâm Bến Cốc", "Trong Phòng Trực Chiến", "Đỉnh Cao Phía Trước", "Bài Ca Giữ Nước", và tập "Thơ Chữ Hán Tào Mạt".
Tào Mạt nghĩ về nghề, ông nói: "Sau khi ra đời, tác phẩm tự nó cất cánh". Giờ thì ông mất đã 15 năm, nhưng trước khi mất còn dặn vợ, đưa ông về quê, cho ông nằm ở ruộng lúa cánh đồng Thạch Thất (Hà Tây) quê nhà, và chớ có xây, cứ để cỏ mọc. "Bà và các con nhớ là được". Đấy là lời chị Bát tâm sự với tôi.
Tôi ngơ ngác không hiểu, sao bác Tào Mạt lại chọn một mình giữa đồng lúa mà nằm, lại còn dặn vợ đừng xây cất?
Giở lại một cuốn sổ giấy cũ ố vàng của tôi năm 1992, có dòng chữ ông ghi bằng chữ Hán và phiên âm bài thơ lần cuối có bốn câu: "Sáu mươi ba xuân đi qua/ Ngắn hơn tiếng đàn buồn/ Từng trải qua bao nhiêu cuộc đánh trận/ Chỉ để lại một tiếng nổ không vang".
Đó là lần khi dịu đi cơn đau trong người. Ông vào chợ mua bún chả, xách đến nhà tôi khao anh Triệu Bôn chồng tôi, đó là lý do ông viết bài thơ này. Tôi đã bảo: "Bác ghi vào sổ em mới nhớ được". - May sao bút tích vẫn còn.
"Bài Ca Giữ Nước" xôn xao dư luận một thời ở Hà Nội, tối tối nhớ Tào Mạt là nhớ, người ta rủ nhau đi xem chèo "Bài Ca Giữ Nước" . Tào Mạt không chỉ biên kịch chèo, ông múa và hát chèo cũng hay. Ông cầm đũa gõ vào bát thay phách, nhịp rồi ngâm nga. Cả nhà tôi ba người, cứ tròn mắt lên xem bác Tào Mạt diễn chèo trên "sân khấu" là cái nền nhà có 4 mét vuông ở 19 Hàng Buồm.
Tào Mạt vào vai hề chèo, ông tự thoại mà, con tôi cười nghiêng trời nghiêng đất. Nhưng lúc đó, tôi không hiểu sự hóa thân của ông đang che giấu những mầm bệnh ung thư đau đớn.
Khi tiễn bác, tôi còn nhớ cái tết Giao thừa năm 1993, ông đến mừng tuổi cho cháu rồi bảo: "Bác mừng tuổi cháu sớm cho hên," rồi sau Tết, ông vào Viện 108, tháng tư, ông ra đi.
Hình như trước khi đi về với đất, Tào Mạt đã ngộ ra rất nhiều lẽ sống trong đời.
Ông viết: "Văn nghệ là cái bóng của cuộc đời đi qua sức tưởng tượng thăng hoa của nghệ sỹ, lấy chuẩn mực nhân văn để đo giá trị, phải dựa vào công chúng và thời gian mới đánh giá được…
Nếu tác phẩm bị quên mà người làm ra tác phẩm chỉ còn danh và lợi, thì đó là tác phẩm cầu danh. Có danh lợi cho người làm ra nó rồi, tự nó chết đi. Danh lợi hết, người làm nên tác phẩm cầu danh lợi đều bị vùi trong quên lãng…".
Ông đã thấu đủ nỗi đời, đi qua trận mạc, đi qua nhiều cánh rừng, gặp gỡ nhiều thân phận để viết. Chữ Hán ông viết rất đẹp, ông đọc thơ Đường thơ chữ Hán am tường, lịch lãm, dịch nghĩa cặn kẽ nếu chịu khó ngồi nghe ông.
Bây giờ giở lại bài thơ cuối của Tào Mạt, tôi mới giật mình nhận ra sự khiêm tốn của một người tài hoa như ông. Chỉ nhận "để lại một tiếng nổ không vang".
Nhà biên kịch Tào Mạt sớm biết lặng lẽ chọn chỗ nằm nghỉ ở cánh đồng quê huơng ông. Rồi ba năm sau ngày ông mất, ông được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 (1996).
Ông chỉ dám nhận đời ông chỉ để lại một tiếng nổ không vang. Nhưng giờ đây đọc lại kịch bản của ông, tôi như được sống lại một thời hào hùng của dân tộc, thời đó ra ngõ gặp anh hùng, ngọn cỏ cũng lập công hiển hách.
Tiếng vang của tác phẩm Tào Mạt vẫn còn có dư chấn đến hôm nay, cho những người yêu Tổ quốc, cho ngày thanh niên nhập ngũ lên đường làm nghĩa vụ công dân, người lính Cụ Hồ. Trong cách sống lặng lẽ của Tào Mạt, ông như người giữ lửa, làm nghệ thuật phải có nhân cách lớn mà không phải ai cũng dễ dàng một lúc sớm ngộ ra
Tiểu sử
Tào Mạt (1930 - 1993) tên thật là Nguyễn Duy Thục, có lúc viết là Nguyễn Đăng Thục, sinh tại xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây.
Con người khắc khổ Tào Mạt (1930 - 1993).
Ông tham gia các hoạt động cách mạng do Việt Minh tổ chức từ 1942, khi còn rất ít tuổi, tham gia cuộc khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945 ở Hà Tây và là đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương từ năm 1946, khi mới 16 tuổi. Tào Mạt đặc biệt yêu thích văn học Hán-Nôm và chủ yếu tự học để nghiên cứu. Ông là sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, mang quân hàm Đại tá.
Tào Mạt qua đời ngày 13 tháng 4 năm 1993 tại Bệnh viện Quân đội Trung ương 108, Hà Nội do bệnh ung thư. Ông để lại khoảng 20 kịch bản chủ yếu là chèo, ngoài ra còn sáng tác thơ chữ Hán. Tào Mạt được tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân và Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 (năm 1996) văn nghệ thuật sân khấu.
Các kịch bản của Tào Mạt, đỉnh cao là bộ ba chèo Bài ca giữ nước toát lên tinh thần yêu nước, độc lập dân tộc truyền thống cũng như tính dân chủ, ý thức công dân hiện đại và tính nhân văn sâu sắc làm rung động lòng người. Về nghệ thuật, tác phẩm của ông kết hợp nhuần nhuyễn giữa phương pháp hiện thực với yếu tố dân gian. Trên cơ sở các làn điệu chèo truyền thống, ông đã sáng tạo ra những làn điệu mới để chuyển tải một cách hiện đại hơn nội dung tư tưởng. Bộ ba chèo Bài ca giữ nước được giới chuyên môn đánh giá là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của nghệ thuật chèo nói riêng và nghệ thuật sân khấu hiện đại Việt Nam nói chung; nhân vật Hề Hoạn với những lớp trò, lời thoại đặc sắc có thể sánh ngang với những nhân vật tiêu biểu của chèo truyền thống. Những đóng góp đó của Tào Mạt đã tạo nên một sức sống mới cho nghệ thuật chèo hiện đại Việt Nam.
Ông còn là tác giả ca từ cho bài hát "Bước Chân Trên Dải Trường Sơn" của nhạc sĩ Vũ Trọng Hối, bài hát được gọi là "Quân Ca Của Người Lính Trường Sơn".
Commentaires