Nghệ thuật" là hiện thân lớn nhất cho sự tự do, sáng tạo.
Tôi đang kiểu không biết phải suy nghĩ là làm "nghệ thuật" phải theo hướng nào? Kiểu, mọi người đang cho tôi thấy là "nghệ thuật" “phải” phản ánh và tô hồng lên cái cuộc sống này. Ô, thế là đẹp khoe xấu che à? Thế cứ phải cuộc sống màu hồng thì mới là làm "nghệ thuật" à? Thế bây giờ cứ phải làm các thứ phải khen ngợi, lúc nào, cái gì cũng tốt đẹp mới là "nghệ thuật" hả?
Ai định nghĩa được "nghệ thuật"?
Đối với bản thân tôi, "nghệ thuật" nó là chính con người của người làm nó. Nó phản ánh đúng và chân thật nhất lối sống của một con người. Ai cũng đều có một cuộc sống, một lối sống riêng. Mỗi người một lựa chọn. Người chọn lối sống lành mạnh, người thì chọn sống với thuốc lá. Người muốn ở, người muốn đi. Người thích tình dục, người thì không.
“Chúng ta không thể bắt ai sống theo ý mình được.” Ừ, sao nghĩ thế được mà lại cứ bó hẹp cái "nghệ thuật" lại ý nhỉ?
"Nghệ thuật" là hiện thân lớn nhất cho sự tự do, sáng tạo. Bởi vì, ở thời đại bây giờ làm gì còn cái gì gọi là tự do? Cái gì chả bị giới hạn. Đồng ý, là sự tự do của thứ này sẽ để lại hậu quả với thứ khác. Cái gì cũng có hai mặt, chẳng thể tránh. Tuy nhiên, "nghệ thuật" chính là cuộc đời. Vậy, cuộc đời có rất nhiều mặt, không chỉ có “tốt” và “xấu”, mà còn bao hàm cả rất nhiều thứ khác.
Nhưng tại sao chỉ có những bài ca ngợi một màu hồng huyền ảo thì mới được coi là "nghệ thuật", còn những bài nói về mặt “xấu”, chưa tốt của cái cuộc đời này thì lại bị gọi là “rác”? Nếu đói khổ, "nghệ thuật" sẽ mang màu đói khổ. Còn nếu gặp chuyện xấu cũng không được dùng "nghệ thuật" để kêu sao.
Ai định nghĩa được cuộc đời?
"Sự thật" đang bị bóp nghẹt bởi chính những người không dám nhìn thẳng vào nó. Họ muốn "nghệ thuật" phải phản ánh nhưng phản ánh đúng quá thì họ sợ.
Các bậc phụ huynh luôn lo sợ con cái khi nghe phải những bài nhạc với những từ ngữ, nội dung mang tính “đường phố”, sẽ hư hỏng, có lối sống lệch lạc với “tiêu chuẩn”. Nhưng họ lại vô tư chửi bậy trước mặt con cái. Thậm chí còn buông lời chửi rủa, trút cơn giận dữ bằng những lời lẽ cay nghiệt nhất thẳng vào những tâm hồn non nớt đó. Vậy “phụ huynh” và "nghệ thuật" ai mới là những tấm gương xấu nào? Họ cho rằng những thứ mới mà họ chẳng thấy bao giờ đang làm hỏng giới trẻ, họ cảm thấy “tiêu chuẩn” con người của họ đang gặp nguy hiểm nên họ phải tìm mọi cách để ngăn chặn nó.
"Nghệ thuật" đóng vai trò như một tấm gương, phản chiếu lại mọi thứ mà con người tạo nên. Con người tạo nên điều xấu, thì "nghệ thuật" ắt hẳn sẽ phải có. Con người có những lúc xấu xa, nhưng lại ngăn cấm "nghệ thuật" phản ảnh. Vì đơn giản, họ chỉ muốn "nghệ thuật" làm họ bay bổng…
Ở xã hội này, chẳng có đúng hay sai, chỉ có số đông và số yếu!
Xã hội bây giờ như một cô gái mới lớn, dễ tổn thương. Ai khen, ca ngợi thì cô gái ấy sẽ đỏ mặt, ngại ngùng và thích thú. Và cô rất ghét ai nói sự thật. Cô rất thích bới móc những sai lầm của người khác nhưng sai lầm của chính cô thì cô lại làm ngơ. Cô chăm sóc vẻ bề ngoài rất tốt, đẹp đẽ nhưng bên trong thì lại chẳng thèm dòm ngó. Cô luôn chọn những bộ cánh màu hồng lộng lẫy. Còn những màu khác thì cô chẳng coi ra gì. Cô ngồi trong cái giếng làng, luôn đặt “tiêu chuẩn” cho tất cả mọi người, là phải giống cô thì mới là đẹp, còn khác biệt với cô sẽ là “rác”. Cô luôn ngửa mặt lên trời, còn đất thì chẳng thấy đâu. Cô chán và ghê sợ những cái mới, cô chỉ muốn làm hòn đá và chẳng muốn tiến triển. Cô chỉ muốn điều tốt nhưng tật xấu của cô thì lại chẳng thèm động tới nên mãi cô vẫn chả ngóc lên được bằng ai…
Tích cực cho tôi mục tiêu. Tiêu cực tạo nên động lực!
Phải, đấy là cách tôi sống. Tôi tích cực, tôi cũng muốn mọi người tích cực. Nhưng tôi không ngán tiêu cực, và tôi cũng không ngại chỉ cho mọi người thấy.
Đối với tôi, tích cực cho tôi mục tiêu, như một cái móc kéo tôi lên. Còn tiêu cực cho biết tôi là ai, và tôi đang ở đâu. Tiêu cực cho tôi biết tôi cần phải cố gắng hơn nữa. Vậy nên, có ai hỏi tôi có phải người tích cực không? Phải, tôi có, tôi luôn nhìn mọi thứ với một góc nhìn tích cực. Nhưng tôi có phải người tiêu cực không? Có luôn.
Có thể nói, tôi vừa là người buông thả, vừa là người cố gắng. Tôi ngốc, tôi cho đi mà không mong nhận lại. Tôi mong manh, dễ bị người khác xoay chuyển. Nhưng có lẽ tôi may mắn nên tôi toàn gặp được những người tốt, giúp đỡ tôi. Vậy nên, chắc tôi gặp may!
Một chút suy nghĩ, chia sẻ lộn xộn…
Commentaires