Các bút hiệu được Hồ Chí Minh, người cha sáng lập tinh thần độc lập và tự do của nước Việt Nam, sử dụng trong quá trình biên tập viết báo và các hoạt động liên quan khác.
Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 2/9/1969) tên khai sinh là Nguyễn Sinh Cung. Tuy nhiên, chính ông xác nhận bằng chính bút tích của mình trong một bài viết năm 1954 tên lúc nhỏ của ông là Nguyễn Sinh Côn. Cha của Nguyễn Sinh Cung là một nhà Nho tên là Nguyễn Sinh Sắc (1862–1929). Mẹ ông là bà Hoàng Thị Loan (1868–1901). Nguyễn Sinh Cung có một người chị là Nguyễn Thị Thanh (sinh năm 1884), một người anh là Nguyễn Sinh Khiêm (sinh năm 1888, tự Tất Đạt, còn gọi là Cả Khiêm) và một người em trai mất sớm là Nguyễn Sinh Nhuận (1900–1901, tên khi mới lọt lòng là Xin).
Sau khi mẹ mất, ông về Nghệ An ở với bà ngoại một thời gian ngắn. Không lâu sau thì cha ông đỗ Phó bảng, ông liền theo cha về quê nội. Tại quê nội, cha ông đã làm “lễ vào làng” cho hai người con trai với tên mới là “Tất Đạt” cho Nguyễn Sinh Khiêm và “Tất Thành” cho Nguyễn Sinh Cung; từ đây ông bắt đầu dùng tên Nguyễn Tất Thành.
Ngay từ còn trẻ, Nguyễn Tất Thành thường gặp gỡ một số nhà nho yêu nước đương thời, tham gia công tác bí mật, nhận công việc liên lạc và có chí đuổi thực dân Pháp, đấu tranh cho quyền tự quyết của người Việt Nam, giải phóng đồng bào. Ông tuy khâm phục Đề Thám (Hoàng Hoa Thám), Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu nhưng không hoàn toàn tán thành cách làm của một người nào cả. Theo quan điểm của ông, Phan Châu Trinh chỉ yêu cầu người Pháp thực hiện cải cách, điều đó chẳng khác nào “xin giặc rủ lòng thương”, còn Phan Bội Châu thì hy vọng Đế quốc Nhật Bản giúp đỡ để chống Pháp, điều đó nguy hiểm chẳng khác nào “đuổi hổ cửa trước, rước báo cửa sau”. Nguyễn Tất Thành thấy rõ là cần quyết định con đường đi của riêng mình.
Khoảng trước tháng 2/1911, ông vào Sài Gòn. Tại đây, Nguyễn Tất Thành theo học trường Bá Nghệ là trường đào tạo công nhân hàng hải và công nhân chuyên nghiệp cho xưởng Ba Son (bây giờ là trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng), vừa đi bán báo ở khu vực thương cảng để kiếm sống và đồng thời tìm hiểu đời sống công nhân. Ở đây, ông học được 3 tháng. Sau đó ông quyết định sẽ tìm một công việc trên một con tàu viễn dương để được ra nước ngoài học hỏi tinh hoa của phương Tây.
Nguyễn Tất Thành đã đi qua nhiều quốc gia và châu lục, đến Hội nghị Hòa bình Versailles để kiến nghị các nước đồng minh chiến thắng trong Thế chiến I chấm dứt chế độ thực dân của Pháp đối với Việt Nam. Bị từ chối, ông quay sang chủ nghĩa cộng sản, giúp thành lập Đảng Cộng sản Pháp trước khi sang Liên Xô để đào tạo. Trở về Việt Nam năm 1941, ông thành lập phong trào độc lập Việt Minh, đầu tiên là chống thực dân Pháp vào những năm 1950 và sau đó là chống Mỹ trong Chiến tranh Đông Dương.
Trong thời kỳ bôn ba hoạt động ở nước ngoài, ông được cho là đã sử dụng hơn 100 tên gọi khác nhau. Có những tên gọi trở nên phổ biến, được nhiều người biết đến và gắn liền với các sự kiện quan trọng trong cuộc đời ông, như Nguyễn Ái Quốc dùng hầu hết thời kì ở Pháp khi viết báo; nhưng cũng có những tên gọi chỉ được sử dụng một lần duy nhất và rất ít người biết đến. Thế nhưng, tên gọi Hồ Chí Minh trở thành tên gọi chính thức của ông với cương vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Mỗi bí danh hay bút danh đều có một ý nghĩa riêng, phục vụ lợi ích cách mạng; phần nào cũng đã phản ánh nhân cách, tư tưởng về cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, vì độc lập, tự do, hạnh phúc cho nhân dân.
Hồ Chí Minh giảm dần hoạt động chính trị vào năm 1965 vì lý do sức khỏe rồi qua đời vào năm 1969. Năm 1975, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chiến thắng, hai miền Việt Nam được thống nhất, dẫn đến sự ra đời của nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam vào năm 1976. Thủ đô Sài Gòn của miền Nam Việt Nam đã được đổi tên thành Thành phố Hồ Chí Minh để vinh danh ông.
Tạp chí Ngoài Kia trân trọng giới thiệu các tên gọi, bí danh, bút danh của Hồ Chí Minh qua các thời kỳ.
Bút hiệu thường dùng
Albert de Pouvourville: Theo báo cáo ngày 30/1/1920 của Bộ Nội vụ, Giám đốc sở liêm phóng trung ương, Sở kiểm tra trung ương cảnh sát hành chính về phong trào đòi độc lập của Đông Dương ở Paris, Nguyễn Ái Quốc là linh hồn của phong trào đòi độc lập cho Đông Dương, là Tổng Thư ký của nhóm những người Việt Nam yêu nước. Đây là một trong những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc ở Paris mà báo cáo ghi lại: “Ông Nguyễn Ái Quốc còn cho công bố dưới dạng truyền đơn những đoạn trích từ nhiều tờ báo có liên quan đến vấn đề Đông Dương, đăng trong báo Điện tín thuộc địa và ký tên Albert de POUVOURVILLE.”
A.G.: Dùng trong 7 tài liệu viết (6/1947 - 1/1950).
A.P.: Dùng 1 lần trong bài ‘Văn minh Pháp ở Đông Dương’ - Tạp chí Inpekorr Tiếng Đức số 17, 1927.
Bác Hồ: Dùng trong 119 tài liệu viết (27/10/1946 - 21/7/1969).
Bình Sơn: Dùng trong 10 tài liệu viết (11/1940 - 12/1940).
C.B.: Dùng trong 236 tài liệu viết trong mục “Nói và nghe” trên Báo Nhân dân (3/1951 - 3/1957).
C.M.Hồ: Dùng trong 3 tài liệu viết (7/1945 - 8/1945).
Chen Vang: Dùng năm 1923.
C.K.: Dùng trong 9 tài liệu viết (1/1960 - 3/1960).
Chiến Thắng: Dùng trong 8 tài liệu viết (9/1945 - 10/1945).
Chiến Sĩ: Dùng trong 128 tài liệu viết (3/1945 - 7/1969).
Chú Nguyễn: Dùng 1 lần tháng 3/1923.
CULIXE: Nguyễn Ái Quốc ký bút danh CULIXE trong bài báo ‘Rủi ro: Cảnh sinh hoạt của thợ thuyền An nam’ - Báo Nhân đạo (L’Humanité), ngày 18/3/1922.
Cuồng Điệt Tất Thành, C.Đ. Tất Thành: Dùng 1 lần năm 1914.
Din: Dùng trong 3 tài liệu viết (1/1952 - 7/1953).
Đ.X.: Dùng trong 51 tài liệu viết (6//1951 - 7/1954), trong chuyên mục Thường thức chính trị trên Báo Cứu quốc.
H.C.M.: Dùng trong 8 tài liệu viết (3/1946 - 12/1966).
H.B: Dùng một lần trong bài ‘Có phê bình phải có tự phê bình’ - Báo Nhân dân số 488 ngày 4/ 7/1955.
H.T.: Dùng 1 lần trong bài ‘Bà Trưng Trắc’ - Báo Thanh Niên, số 72 ngày 12/12/1926.
HOWANG T.S.: Dùng 1 lần tại Báo cáo trong Đại hội công nhân và nông dân ngày 2/5/1925 tại Quảng Châu (Trung Quốc).
Hồ: Dùng trong 7 tài liệu (5/1945 - 2/1947).
Hồ Chí Minh: (13/8/1942 - 2/9/1969).
L.T.: Dùng trong 4 tài liệu viết (4/1925 - 5/1954).
La Lập: Dùng 1 lần tại Báo Nhân dân số 4530 ngày 1/9/1966.
Lê Ba: Dùng 1 lần trong bài ‘Trả lời ông Menxphin thượng nghị sĩ Mỹ’ ngày 20/4/1966 - Báo Nhân dân số 4407.
Lê Nhân: Dùng 1 lần trong bài ‘Thất bại và thành công’ - Báo Nhân dân số 117 ngày 19/8/1949.
Lin: Dùng trong 5 tài liệu viết (1/1935 - 9/1939).
LOO SHING YAN: Bài ‘Thư từ Trung Quốc, số 1’, ngày 12/11/1924, của Nguyễn Ái Quốc viết về phong trào cách mạng Trung Quốc, sự thức tỉnh, giác ngộ cách mạng cho phụ nữ Trung Quốc, gửi tạp chí RABÓTNHÍTXA. Trong bài ký bút danh Loo Shing Yan (nữ đảng viên quốc dân đảng).
Lý Mỗ: Xuất hiện trong bài báo trên Báo Công Nhân Chi Lộ Đặc Hiệu, số 20, ra ngày 14/7/1925.
Lý Thụy: Dùng trong 2 tài liệu (18/12/1924 - 6/1/1926). Cũng dùng khi làm phiên dịch cho phái đoàn cố vấn của chính phủ Liên Xô do Mikhail Markovich Borodin làm trưởng đoàn năm 1924.
Mai Hữu Phúc: Dùng 1 lần.
N.: Dùng trong 5 tài liệu (2/1922 - 1/1924).
N.A.K.: Dùng 2 lần trong ‘Thư gửi Quốc tế nông dân’ ngày 3/2/1928 và thư báo cáo ‘Cuộc đình công lớn của công nhân dầu lửa’ gửi Quốc tế Cộng sản ngày 6/3/1931.
N.K.: Dùng một lần trong bài ‘Sự thống trị của đế quốc Pháp tại Đông Dương’ - Tạp chí Inprekorr bản tiếng Pháp ngày 15/10/1927.
Nguyễn: Dùng trong 2 tài liệu (4/1924 - 8/1928).
Nguyễn Ái Quốc: (1919 - 8/1945).
N.A.Q.: Dùng trong 8 tài liệu viết (6/1922 - 9/1930) trên Báo Người cùng khổ (Le Paria), Báo Nhân đạo (L’Humanité).
N. ÁI QUỐC: Dùng 1 lần ngày 16/12/1927.
NG.A.Q: Dùng 1 lần ngày 1/8/1922.
NGUYỄN.Ái.Quốc: Dùng trong 2 tài liệu ngày 14/10/1921 và ngày 1/8/1922.
Nguyễn Ái Dân: dùng trong bức thư gửi cán bộ ngành Y tế đăng trên Báo Nhân Dân nhân kỉ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2/1955.
Nguyễn Du Kích: Dùng một lần khi dịch cuốn ‘Tỉnh ủy bí mật’ của tác giả: A. F. Phedorov từ tiếng Nga sang tiếng Việt vào đầu năm 1950.
Nilốxki: Dùng trong 6 tài liệu (10/1925 - 3/1926).
Ông Lu: Dùng 1 lần ngày 12/11/1924.
P.C.Lin: Dùng trong 8 tài liệu (12/1938 - 7/1939).
Pôn: Dùng 1 lần ngày 27/2/1930.
Q.T.: Dùng trong 10 tài liệu (11/1945 - 12/1946).
Q.TH.: Dùng trong 14 tài liệu (12/1945 - 10/1946).
Tất Thành: Dùng 4 lần năm 1914.
T.L.: Dùng trong 80 tài liệu (4/1950 - 6/1969).
T.Lan: Dùng 1 lần viết cuốn ‘Vừa đi đường vừa kể chuyện’.
Tân Sinh: Dùng 1 lần tháng 1/1948.
Trần Dân Tiên: Một số quan điểm cho rằng đây là bút hiệu của Hồ Chí Minh, nhưng cũng có những quan điểm phản đối.
Trần Lực: Dùng trong 25 tài liệu (3/1949 - 1/1961).
Trần Thắng Lợi: Dùng 1 lần ngày 18/1/1949.
Un Annamite (Một người An Nam): Nguyễn Ái Quốc ký bút danh Un Annamite trong bài viết ‘Tình hình những người lao động ở Đông Dương’ - Báo Người cùng khổ (Le Paria), số 28, tháng 8/1924.
V.: Dùng trong 2 tài liệu trong tháng 2/1931.
V.K.: Dùng 1 lần trong bài ‘Kiều bào ta ở Thái Lan luôn hướng về Tổ Quốc’ ngày 3/1/1960.
VICHTO: Dùng trong 5 tài liệu (9/1930 - 4/1935).
WANG: Dùng trong 6 tài liệu (9/1927 - 6/1928).
X. và XX.: Dùng trong 7 tài liệu (12/1926 - 3/1927).
X.Y.Z.: Dùng trong 10 tài liệu (10/1947 - 9/1950).
Biệt danh dùng để hoạt động bí mật, không dùng để viết sách báo
Bác: Tên gọi “Bác” xuất hiện từ dịp họp hội nghị Trung ương lần thứ 8, tháng 5/1941 ở Pắc Bó, Hà Quảng, Cao Bằng.
Henri Tchen: Ghi trong thẻ đảng viên Đảng Cộng sản Pháp năm 1922.
Hồ Quang: 1939-1940, dùng tại Côn Minh và Quế Lâm, Trung Quốc.
Line: 1938, dùng tại Diên An, Trung Quốc.
Lý An Nam: Dùng thay thế với tên Lý Thụy.
Nguyễn Bé Con: Trong tài liệu đề ngày 6/2/1920 của Tổng đốc Vinh cung cấp về Nguyễn Sinh Sắc và hai con trai, ghi lời khai của lý trưởng, hào lý làng Kim Liên, tổng Lâm Thịnh, huyện Nam Đàn: “Con trai thứ của Nguyễn Sinh Sắc là Nguyễn Bé Con.” Tài liệu mật thám Pháp theo dõi hoạt động của Nguyễn Ái Quốc, bản ghi số 1116, năm 1931 một số nét về gia đình, quê quán và nhận dạng Nguyễn Ái Quốc hay Nguyễn Văn Thành tức Nguyễn Sinh Côn hay Nguyễn Bé Con tức Lý Thụy… đã cư trú nhiều năm tại Mỹ, Anh, Pháp và nước Nga.
Paul Tất Thành: 1912.
Phéc-đi-năng: Biệt hiệu bạn bè Pháp gọi Nguyễn Ái Quốc khi hoạt động ở Pháp đầu những năm hai mươi của thế kỉ 20. Bí mật, khôn khéo, thông minh, phán đoán nhanh nên ông hoạt động ở Pháp không chỉ che được mắt mật thám mà cả những người xung quanh, nếu không thật gần gũi cũng không thể nào biết được.
Thầu Chín: 1928-1929, dùng tại Thái Lan.
Tống Văn Sơ (Sung Man Cho): 1930-1933, dùng khi bị bắt giam tại nhà tù Victoria, Hong Kong trong Vụ án Tống Văn Sơ.
Nguyễn Văn Ba: tên này được sử dụng trong suốt thời gian ông làm phụ bếp trên tàu Đô đốc Latouche Teverille, từ ngày 5/6/1911. Trong sổ lương của tàu có tên Văn Ba.
Vương: Dùng năm 1925, khi làm giảng viên huấn luyện chính trị tại Quảng Châu và khi liên lạc với Nguyễn Lương Bằng.
Bút hiệu Nguyễn Ái Quốc
Nguyễn Ái Quốc là danh hiệu được Hội những người An Nam yêu nước (Association des Patriotes Annamites) dùng ký đại diện trong bản Yêu sách của nhân dân An Nam (Revendications du peuple annamite). Văn bản này được gửi tới Hội nghị Versailles vào năm 1919 nhân khi các cường quốc đang nhóm họp. Nguyễn Ái Quốc cũng là cái tên mới mà Nguyễn Tất Thành (Hồ Chí Minh) tự gọi mình, ít nhất kể từ 18/6/1919, và sẽ sử dụng trong suốt 23 năm sau đó.
Theo nhận định của sử gia Việt Nam, về tác giả và bút hiệu Nguyễn Ái Quốc của bản yêu sách trên, nhà sử học Dương Trung Quốc viết đó là: “Một nhóm các nhà ái quốc Việt Nam sống ở Pháp, được gọi là nhóm Ngũ Long đứng đầu là cụ Phan Châu Trinh và trẻ tuổi là Nguyễn Tất Thành cùng viết một văn bản gửi Hoà hội Versailles đưa ra ‘Những yêu sách của người An Nam’ và được ký bằng cái tên chung là Nguyễn Ái Quốc.”
Theo sử gia ngoại quốc Daniel Hémery cũng cho rằng Nguyễn Ái Quốc là bút hiệu chung của nhóm bốn người hoạt động tranh đấu cho dân quyền Việt Nam tại Pháp vào đầu thế kỷ 20, đó là Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền và Nguyễn Tất Thành. Theo Sophie Quinn-Judge, căn cứ trên bản tiếng Pháp của yêu sách ‘Revendications du peuple annamite (Thỉnh nguyện thư của dân tộc An Nam)’ được đăng trên báo L'Humanité (Nhân đạo) ngày 18/6/1919 thì luật sư Phan Văn Trường là người soạn. Vì ba ông Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền đã sinh hoạt tại Pháp khá lâu nên cả ba bị mật thám Pháp theo dõi chặt chẽ nên không dám lộ diện. Riêng Nguyễn Tất Thành vì là người mới tới (từ Anh sang Pháp năm 1919) nên nhà chức trách ít cản trở hơn cả, lại được giao nhiệm vụ liên lạc với giới báo chí nên danh hiệu Nguyễn Ái Quốc sau này gắn liền với Nguyễn Tất Thành.
Nguyễn Tất Thành là người đã đưa tận tay bản kiến nghị cho các thành viên chủ yếu của nghị viện và tổng thống Pháp, cũng như trao bản kiến nghị cho các đoàn đại biểu Đồng minh và sau đó tự gọi mình là Nguyễn Ái Quốc. Theo William Duiker, nhà cầm quyền Pháp lần đầu biết đến cái tên Nguyễn Ái Quốc là ở bản yêu sách này. Tổng thống Pháp đã yêu cầu Toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut xác định danh tính của người có tên Nguyễn Ái Quốc. Đến tháng 8/1919, cùng bản yêu sách, cái tên Nguyễn Ái Quốc đã được lan truyền rộng rãi ở miền Bắc Việt Nam. Tháng 9/1919, trong một cuộc phỏng vấn bởi phóng viên Mỹ của một tờ báo tiếng Hoa ở Paris, Nguyễn Tất Thành công khai nhận mình là Nguyễn Ái Quốc tuy vẫn giấu tên thật. Theo báo cáo năm 1920 của Pierre Guesde cho Bộ thuộc địa, mật thám Pháp đã nhận dạng chính xác Nguyễn Ái Quốc là Nguyễn Tất Thành. Từ đó, cái tên Nguyễn Ái Quốc đã được Nguyễn Tất Thành sử dụng trong suốt 30 năm sau đó.
Bút hiệu chưa thể khẳng định
Lê Thanh Long
Nói Thật
Tân Trào
Thanh Lan
Thu Giang
Trầm Lam
Henry Vuu
Tuyết Lan
Việt Hồng
Thu Sơn
Comments